Phân tích bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lý Bạch (dưới góc độ thi pháp)
Trong thi pháp Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng có hai phương diện nổi bật là cái nhìn nghệ thuật về con người và ngôn từ nghệ thuật. Trong thi pháp thơ Đường nói chung, cái nhìn về thiên nhiên và con người thường thể hiện sự thống nhất và hài phối, hòa điệu nhịp nhàng; con người lấy thiên nhiên mỹ để vịnh, tả và thể hiện xúc cảm ngưỡng vọng, yêu thích, đắm say thiên nhiên. Đặc trưng này đã được Hồ Chí Minh khẳng định trong Khán “Thiên gia thi” hữu cảm (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi):
Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ,
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong
Dịch:
Thơ xưa thường thiên về yêu cảnh thiên
nhiên đẹp,/ Núi, nước, khói, hoa, tuyết, trăng, gió
Trong thi phẩm Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lý Bạch cũng có thiên nhiên mỹ, nhưng cái mỹ độc đáo, mới lạ, và đặc biệt là khác với trong thơ Đường nói chung, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong bài thơ này không phải là một sự thống nhất, nhài hòa, đồng nhịp. Không gian thiên nhiên trong bài thơ này vừa có điểm và địa danh (lầu Hoàng Hạc, Châu Dương, sông Trường Giang), vừa có mảng, nhưng mảng thì hoành tráng, mênh mang, bất tận; thiên nhiên và vũ trụ nối liền không giới hạn (sông Trường Giang chảy vào cõi trời).
Trên cái nền không gian đó là con người trong không gian tâm trạng chia li bạn hữu, đi xa; con người khởi hành được xác định với danh tính là Mạnh Hạo Nhiên và điểm bắt đầu ra đi là lầu Hoàng Hạc. Nhưng, con người được xác định cụ thể, xác thực ấy sẽ xa dần, mờ dần, khuất hút dần vào cái cõi mênh mang không giới hạn và vô cùng rợn ngợp kia. Đó chính là cái nhìn nghệ thuật về con người độc đáo của Lý Bạch, con người trở nên mong manh, nhỏ nhoi, cô lẻ giữa cái vô cùng vô tận của trời đất, sông nước. Quan niệm đó hàm chứa tình cảm thương quí bạn và cả nỗi âu lo vời vợi của chủ thể trữ tình. Chính tình cảm đó đã phổ nỗi niềm, tâm trạng người đưa tiễn vào không gian; kéo dài, mở rộng không gian đến vô cùng vô tận.
Trong một thi phẩm khác, Lý Bạch cũng đã khẳng định tình bạn của mình vượt qua giới hạn của thiên nhiên:
Đào Hoa đàm thủy thâm thiên xích
Bất cập Uông Luân tống ngã tình
(Đào Hoa đầm nước sâu nghìn thước
Chẳng sánh tình Uông Luân lúc tiễn ta).
Quan niệm nghệ thuật về con người như thế được thể hiện trong cái nhìn, và đặc biệt là trong ngôn từ nghệ thuật với cách tả và gợi hết sức tài nghệ của bậc Thi Tiên. Tả và gợi trong ngôn từ nghệ thuật Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng là một trong những lý do cơ bản nhất làm nên sự tuyệt vời và bất
tử của thi phẩm này.
Ngôn từ của bài thơ tạo nên một bức tranh không thể đóng khung được bởi sự hoành tráng, cao rộng của không gian và sâu thẳm tình người:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Dịch nghĩa:
Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía tây,
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.
Bóng chiếc buồm đơn màu xanh mất hút,
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy bên trời.
Hệ thống ngôn từ được xây dựng và triển khai diễn tiến theo lộ trình của người đi xa, và cũng là chuỗi nhìn theo bạn của người đưa tiễn. Cái độc đáo và thi vị của hệ thống ngôn từ đó là các đơn vị từ ngữ xuất hiện với sự mở đầu là yếu tố chỉ một địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa cụ thể, xác thực là lầu Hoàng Hạc. Tiếp theo lộ trình và chuỗi nhìn là địa danh Dương Châu, giữa tháng ba. Như vậy là đến đây, lộ trình của người đi xa vẫn xác định được, nhưng ở ngay trong câu thơ thứ hai, cái rõ ràng, xác thực bắt đầu mờ nhòe dần bởi hình ảnh mùa hoa khói. Từ đây, hình ảnh người đi xa dần và mất hút vào khoảng không xanh biếc vô tận, vào cõi mênh mông của sông Trường Giang chảy vào cõi trời.
Nghĩa là ngôn từ xác thực, cụ thể thông qua địa danh, thời gian, phương hướng đã chuyển một cách tự nhiên sang địa hạt ngôn từ chỉ cái mơ hồ, mông lung, không xác định. Diễn tiến của ngôn từ trong lộ trình đó không chỉ miêu tả được đặc điểm hình ảnh về người đi xa, mà còn hàm chứa tình cảm thương nhớ của tác giả, người đưa tiễn bạn, đến vô cùng và khó lòng diễn tả nổi bằng ngôn từ cụ thể. Điều đó tạo nên giá trị ý tại ngôn ngoại (ý nằm ngoài lời) của hình tượng.
Trong sự bài trí và hài phối ngôn từ, người nghệ sĩ tạo nên một không gian khoáng đạt, diệu vợi, vô tận: bích không tận (không gian xanh không có giới hạn cuối cùng), Trường Giang thiên tế lưu (sông Trường Giang chảy vào cõi trời); không gian đó có thêm tính mờ ảo của yên hoa (hoa khói). Trên cái nền không gian đó có hai điểm, rất nhỏ, cô đơn, mà khoảng cách dần xa nhau. Một là, điểm đứng của nhà thơ tại lầu Hoàng Hạc khi ông tiễn người bạn cũ Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng. Hai là, cánh buồm lẻ loi mà trên con thuyền đó là người bạn cũ thân thương của nhà thơ, xa dần, mất hút vào khoảng không xanh biếc.
Sự kết cấu, tương tác của hai đặc điểm đó của ngôn từ gợi lên nhiều vấn đề về triết lý nhân sinh: Con người bé nhỏ, cô đơn trước vũ trụ và thiên nhiên mênh mông, bất tận, diệu vợi và rợn ngợp; tình cảm thương nhớ mà tác giả bài thơ dành cho bạn cũng thẳm sâu, mêng mông như thiên nhiên và vũ trụ. Thơ Đường thiên về gợi hơn là tả, lấy gợi để tạo ấn tượng và xúc cảm. Ngôn từ nghệ thuật của tuyệt bút này đạt đến độ mẫu mực của điều đó.
Lý Bạch nói về lòng thương nhớ bạn khôn cùng khi tiễn bạn đi xa trong tuyệt bút bất tử Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng. Thế nhưng, ngay cả ở một bài thơ nói về chuyện của con người thì thiên nhiên vẫn choán chỗ, và dường như con người trở nên nhỏ nhoi, mong manh và mất hút giữa bao la và rợn ngợp của thiên nhiên:
Bạn từ lậu Hạc lên đường,
Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dong.
Bóng buồm đã khuất bầu không,
Trông theo chỉ thấy dong sông bên trời.
(Ngô Tất Tố dịch)
Trong thi phẩm này, hệ thống ngôn từ được xây dựng và triển khai diễn tiến theo lộ trình của người đi xa, và cũng là chuỗi nhìn theo bạn của người đưa tiễn. Cái độc đáo và thi vị của hệ thống ngôn từ đó là các đơn vị từ ngữ xuất hiện trong một hệ thống mà bắt đầu là yếu tố ngôn từ chỉ một địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa cụ thể, xác thực là lầu Hoàng Hạc. Tiếp theo lộ trình và chuỗi nhìn là địa danh Dương Châu, thời gian giữa tháng ba.
Như vậy là đến đây, lộ trình của người đi xa vẫn xác định được, nhưng ở ngay trong câu thơ thứ hai, cái rõ ràng, xác thực bắt đầu mờ nhòe dần bởi hình ảnh mùa hoa khói, nghĩa là thiên nhiên choán chỗ của con người. Từ đây, hình ảnh người đi xa dần và mất hút vào khoảng không xanh biếc vô tận, vào cõi mênh mông của sông Trường Giang chảy vào cõi trời. Như vậy, ngôn từ xác thực, cụ thể thông qua địa danh, thời gian, phương hướng đã chuyển một cách tự nhiên sang địa hạt ngôn từ chỉ cái mơ hồ, mông lung, không xác định.
Trong sự bài trí và hài phối ngôn từ, người nghệ sĩ tạo nên một không gian khoáng đạt, diệu vợi, vô tận: bích không tận (không gian xanh không có giới hạn cuối cùng), Trường Giang thiên tế lưu (sông Trường Giang chảy vào cõi trời); không gian đó có thêm tính mờ ảo của yên hoa (hoa khói). Trên cái nền không gian đó có hai điểm, rất nhỏ, cô đơn, mà khoảng cách dần xa nhau. Một là, điểm đứng của nhà thơ tại lầu Hoàng Hạc khi ông tiễn người bạn cũ Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng. Hai là, cánh buồm lẻ loi mà trên con thuyền đó là người bạn cũ thân thương của nhà thơ, xa dần, mất hút vào khoảng không xanh biếc. Sự kết cấu, tương tác của hai đặc điểm đó của ngôn từ gợi lên nhiều vấn đề về triết lý nhân sinh: con người bé nhỏ, cô đơn trước vũ trụ và thiên nhiên mênh mông, bất tận, diệu vợi và rợn ngợp.