Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh.
- Mở bài.
– Tức cảnh Pác bó sáng tác năm 1941 tại Cao Bằng, sau khi bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
– Bài thơ thể hiện niềm vui, niềm tin vào tương lai tươi sáng và nghị lực phi thường của Bác trong hoàn cảnh sống và làm việc vô cùng khó khăn, gian khổ ở nơi chiến khu Việt Bắc.
- Thân bài:
1. Hoàn cảnh sống và làm việc của Bác: Được miêu tả bằng bút pháp tả thực tự nhiên, mộc mạc (3 câu thơ đầu).
– Không gian bó hẹp: Hang và suối. Quy luật làm việc đều đặn, nhịp nhàng.
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”
– Nhịp thơ chậm rãi, khoan thai thể hiện tâm trạng thanh thản, làm chủ được cuộc sống của Bác. Nếp sống an nhiên, tự tại, phong thái ung dung phản ánh bản chất tốt đẹp của Bác.
– Sinh hoạt vật chất thiếu thốn: Bữa ăn hàng ngày chỉ có cháo bẹ, rau măng, cực kì kham khổ. Với tinh thần lạc quan vốn có, Bác đã chuyển hoá sự thiếu thốn thành thừa thãi, sung túc:
“Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng”
– Điều kiện làm việc quá sơ sài:
“Bàn đá chông chênh dịch sử đảng”
– Bàn làm việc chỉ là một tảng đá ven suối. Chông chênh là tính từ chỉ trạng thái không chắc chắn. Bàn đá chông chênh là hình ảnh vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng cho tình thế cách mạng của nước ta và của thế giới lúc bấy giờ.
– Bác đã dùng bàn đá chông chênh để làm một công việc trọng đại, là dịch sử Đảng để góp phần xây dựng nền móng lí luận vững chắc cho sự nghiệp cách mạng.
2. Cảm xúc của Bác (câu 4).
– Niềm vui, niềm tự hào thể hiện rõ qua từ ngữ, tiết tấu, âm hưởng thơ. Dù cuộc sống thiếu thốn nhưng Bác vẫn giữ tinh thần lạc quan, với giọng điệu hóm hỉnh, vui tươi:
“Cuộc đời cách mạng thật là sang!”
– Mọi gian nan thiếu thốn đều như tan biến trước thái độ lạc quan tích cực của Bác. Điều thú vị là sự nghèo nàn vật chất đã được Bác biến thành sự giàu sang về mặt tinh thần.
– Từ “sang” kết tụ vẻ đẹp nội dung tư tưởng của bài thơ và vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản kiên cường Hồ Chí Minh. Bởi đối với Bác, được sống hòa hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn.
3. Đánh giá nghệ thuật:
+ Thể thơ tứ tuyệt ngắn gọn, xúc tích.
+ Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc.
+ Phép đối lập thể hiện tâm thế và tâm hồn lạc quan của Bác.
- Kết bài:
– Bài thơ Tức cảnh Pác Bó vừa phản ánh khí phách cứng cỏi, tư thế ung dung, thư thái của một lãnh tụ cách mạng, vừa bộc lộ sự nhạy cảm, tinh tế của trái tim thi sĩ.
– Bài thơ giúp người đọc hiểu thêm về một quãng đời hoạt động cách mạng đầy gian nan, thử thách của Bác, từ đó thấm thía bài học về thái độ và quan điểm sống đúng đắn, tích cực: lấy cống hiến cho dân, cho nước làm thước đo giá trị cuộc sống mỗi con người.
Bài văn tham khảo:
- Mở bài:
– Tức cảnh Pác bó sáng tác năm 1941 tại Cao Bằng, sau khi bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
– Bài thơ thể hiện niềm vui, niềm tin vào tương lai tươi sáng và nghị lực phi thường của Bác trong hoàn cảnh sống và làm việc vô cùng khó khăn, gian khổ ở nơi chiến khu Việt Bắc.
- Thân bài:
Có thể nói, sự nghiệp sáng tác văn thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh chính là di sản văn hoá vô giá, rất nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Những tác phẩm ấy chứa đựng giá trị truyền thống và hiện đại là kết tinh của dân tộc và của nhân loại.
Tức cảnh Pác Pó ra đời sau khi Bác Hồ trở về nước với hơn ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn bể. Lúc này tình hình trong nước và thế giới rất phức tạp, Bác đã về nước và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã chọn hang Pác Pó (Cao Bằng) là nơi ở và làm việc của mình. Tuy sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và khổ cực, nhưng người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn vui vẻ, lạc quan yêu đời. “Đối với Nguyễn Ái Quốc và các bạn chiến đấu của Người, những ngày tháng ở Pác Pó tựa như những ngày vui bất tận, rực rỡ sắc màu của cảnh chờ đợi những chuyển biến vĩ đại”. Được sống giữa thiên nhiên đất trời, người tức cảnh sinh tình, sáng tác bài thơ Tức cảnh Pác Pó.
“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Ngay ở tên của tác phẩm, Bác cũng đặt tên là “Tức”, ở đây có nghĩa là thấy cảnh đẹp liền nảy sinh thơ, hoàn toàn không có sự chuẩn bị, đó là những câu thơ ngẫu hứng sau những giờ làm việc. Bài thơ là một tâm thế thoải mái, ung dung tự tại.
“Sáng ra bờ suối tối vào hang”
Mở đầu tác phẩm là những hình ảnh đối lập “sáng” và tối, “ra” và “vào” “bờ suối” và “vào hang”. Câu thơ đã cho ta thấy đó là nhịp sống thường ngày của Bác trong những ngày sống tại hang Pác Pó. Câu thơ cũng tái hiện nơi sống và làm việc của Người. Một nơi thật khó khăn, thiếu thốn, nhưng tâm thế của Bác coi đó là sự hưởng thụ, an nhàn.
“Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng”
Ở câu thơ thứ hai, là hình ảnh bữa cơm giản dị của Người. Chúng ta bắt gặp hình ảnh măng trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”.
Có thể thấy sự tương đồng giữa Bác và Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó là những món ăn dân dã, giản dị, một cuộc sống tự cung, tự cấp. Ấy vậy mà người chiến sĩ cách mạng dùng từ “sẵn sàng”, dường như đối với Bác, việc ăn những món ăn ấy là một thú vui, sự thích nghi với hoàn cảnh, khắc phục khó khăn, đó là một tư thế chủ động, tinh thần lạc quan. Người biết rằng, lúc bấy giờ đồng bào ta còn nghèo, nhiều nơi nhân dân còn đói, việc ăn cháo và măng đối với Bác cũng là điều hiển nhiên, không ca thán.
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”
Những tưởng một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, nơi làm việc của Người phải là nơi văn phòng sang trọng, sạch sẽ. Ấy vậy mà nơi làm việc của một Chủ tịch nước lại là chiếc “bàn đá chông chênh”. Từ láy “chông chênh” cho thấy điều kiện làm việc thiếu thốn, tạo cảm giác bấp bênh, không bằng phẳng, tạo sự khó khăn. Trái ngược với hình ảnh thiếu thốn ấy, nơi chiếc bàn đá ấy đã viết ra biết bao nhiêu quyết định, những hướng đi mới cho cách mạng Việt Nam. Câu thơ miêu tả điều kiện làm việc thiếu thốn của Bác đồng thời nói lên công việc người làm “dịch sử Đảng” – đó là một tài liệu vô cùng quan trọng đối với các cán bộ cách mạng. Tuy sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhưng sự lạc quan luôn luôn có trong con người Bác.
“Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Bài thơ kết thúc bằng chữ “sang”, một vị lãnh tụ ngồi giữa thiên nhiên, vạch ra những con đường đi giải cứu cả một dân tộc thoát khỏi cảnh lầm than. Được cống hiến sức mình phục vụ cho nhân dân là một niềm hạnh phúc đối với Bác. Người không quản ngại khó khăn, gian khổ mang lại độc lập cho dân tộc. Đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin soi rọi những kiếp người đang sống trong cảnh tăm tối. Từ “sang” phần nào bộc lộ phong thái ung dung, lạc quan, yêu đời của Bác. Người không cần một chỗ làm việc sang trọng, việc đứng trong hàng ngũ của Đảng chiến đấu là một niềm vinh dự, trên thế giới thật hiếm có ai “sang” theo kiểu của Bác.
- Kết bài:
Bài thơ là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, ngôn từ hàm súc, giàu sức gợi hình, nhân vật trữ tình có phong thái ung dung hoà mình vào thiên nhiên, nhưng đề tài của Bác gắn liền với tính thời sự và cách mạng. Niềm tin, niềm tự hào của Bác tỏa sáng cả bài thơ. Chính sự ung dung, tinh thần sẵn sàng, vững vàng tạo nên cái quý trong cuộc đời của con người một lòng một dạ với đất nước, dân tộc. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, chúng ta đã hiểu thêm về một giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Vượt lên mọi khó khăn, Người tin tưởng vào sự nghiệp thắng lợi của cách mạng. Thơ của Bác vừa giản dị, lại đầy ý nghĩa sâu xa, vừa đậm chất cổ điển, vừa mang hơi hướng thời đại. Tức cảnh Pác Pó là đại diện của hồn thơ đó.
Xem thêm: