Phân tích, đánh giá truyện ngắn “Làng gần nhất” của Franz Kafka (Ngữ văn 10, Kết Nối Tri Thức).

Phân tích, đánh giá truyện ngắn “Làng gần nhất” của Franz Kafka.

Làng gần nhất

Ông tôi thường hay nói: Cuộc đời ngắn ngủi đến kì lạ. Trong kí ức của ông, giờ đây nó thu nhỏ lại đến mức khó hiểu nổi vì sao một chàng trai lại có thể quyết định đi ngựa tới làng gần nhất mà không e ngại cử cho là không gặp tai nạn đi nữa- rằng một kiếp bình thưởng và trôi chảy cũng còn khó mà đủ cho một cuộc du lãm ấy.

(Đặng Anh Đào dịch, Fran Kafka, Tuyển chọn tác phẩm, NXB Hội nhà văn, trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, 2003)

Tuy vẻn vẹn chưa đến một trăm chữ nhưng “Làng gần nhất” của Franz Kafka vẫn được coi là một chuyện ngắn, bởi nó có người kể chuyện (người kể ở ngôi thứ nhất), có nhân vạt, ba người: tôi, ông tôi và chàng trai; có hành động truyện: đi đến làng bên cạnh ….

Nhưng nếu hiểu theo cách truyền thống thì văn bản này chẳng có gì đáng nói. Nghĩa đen của chuyện là cuộc đời quá ngắn ngủi đến nỗi chàng trai kia không đi được đến làng bên cạnh còn ông lão là người chiêm nghiệm sự ngắn ngủi đó.

Sự phi lí của câu truyện ở chỗ tại sao chàng trai trẻ khỏe có phương tiện đi lai (con ngựa), không gặp trở ngại gì lại không thể đến được cái đích của mình. Mà cái đích ấy nào có xa xôi gì (làng bên cạnh). Như vậy có 2 giả thuyết được đặt ra: Nhân vật “ông tôi” ấy hoặc là một nhà thông thái hoặc là đã … lẩm cẩm. Bới tín hiệu “thường nói” và nét đặc trưng tuổi tác gợi cho ta điều đó. Vấn đề ở đây là khi bạn đọc tác phẩm của Kafka thì hiểu theo hướng nào cũng chấp nhận được.

Ở đây, ta chỉ có thể hiểu được thông điệp mà Kafka gửi đến chứ không thể và không bao giờ đưa ra được kết luận cuối cùng. Đối với Kafka, động từ thích hợp dùng trong phân tích giá trị tư tưởng nghệ thuật luôn là “dường như”. Dường như ông ấy muốn dạy tôi rằng cuộc đời ngắn ngủi nên cháu cần phải phấn đấu hơn nữa. Nhưng dường như ông ấy hẳn muốn đưa ra triết lí bi quan rằng cuộc đời ngắn ngủi quá, phấn đấu là gì cho mệt. Cả 2 cách hiểu này đều đúng với câu chuyện.

Phải chăng Kafka cổ vũ cho tư tưởng bi quan? Điều này có thể dễ hiểu bởi chẳng nhà văn lớn nào của thế giới lại đi cổ vũ cho lối sống yếm thế của con người. Con người càng khao khát vươn lên bao nhiêu thì nhà văn với tư cách là người nắm phần hồn của nhân loại càng có khát vọng vươn lên mãnh liệt hơn, ngay cả khi họ đề xuất sự tách li, cô độc, bi quan của con người.

Đọc tác phẩm chắc hẳn bạn sẽ thấy sự trung hợp, tôi là chủ thể chiêm nghiệm, chàng trai là đối tượng chiêm nghiệm. Có thể khi đọc truyện ngắn này bạn sẽ thấy một chút gì đó của mình.

Trong các tác phẩm của Kafka, ông thường miêu tả nhân vật chính cô độc, bị vây hãm bỡi những rắc rối của thế giới xung quanh, và họ chống lại để tồn tại. Tôi rất yêu thích một câu nói của ông: “Tôi thường giải quyết rắc rối bằng cách để nó giằng xé mình”, câu nói làm toát lên sự yếu đuối trong tâm hồn Kafka, phải chăng ông không tự tin vào bản thân?

Không hẳn ông có cái nhìn bi quan về cuộc sống, ông muốn nhắc nhở chúng ta rằng, nếu chúng ta có cái nhìn quá lạc quan về cuộc sống, thì rất dễ dẫn đến sự hoang tưởng về con người, về những gì tốt đẹp mà xã hôi mang lại. Nhiều khi chúng ta để những nỗi lo, sự cực khổ “giằng xé” bản thân mình, ông coi đó là cách để tôi luyện tư cách và phẩm chất con người.

Trong câu chuyện trên, chàng trai hẳn đã cưỡi ngựa lên đường, nhưng chuyện có đến được “làng gần nhất” hay không thì vẫn còn phải bàn. Ta biết ngôi làng gần nhất đó là mục tiêu hướng đến của chàng trai và ta biết dẫu có tài giỏi đến mức nào đi nữa thì chàng trai cũng không đến được cái làng đó. Điều phi lí được đặt ra là: “Làng gần nhất, là mục tiêu của người nuôi khát vọng và có năng lực nhưng chẳng thể nào tiếp cận nổi”. Ngoại trừ cảm quan bi đát về giới hạn của con người, ta thấy cứ mỗi bước phấn đấu, chàng trai ấy đều có khả năng tiếp cận được cái đích của mình.

Thì ra cái đích của chàng trai là hình ảnh ẩn dụ cho mục tiêu cao cả nhất của cuộc đời. Nhưng trong cuộc sống, chẳng có ai thỏa mãn với những gì mình đạt được trước khi đặt chân vào nấm mồ. Vậy nên vĩnh viễn làng gần nhất lại là làng xa nhất – cái đích lí tưởng luôn vẫy gọi con người vươn đến. Cho dù trong cuộc đời, chúng ta thành công hay thất bại thì khát vọng vượt lên mình luôn là thách thức để hướng con người đến bến bờ hạnh phúc hơn.

Bài văn tham khảo:

Phân tích truyện ngắn “Làng gần nhất” của Franz Kafka

Truyện cực ngắn. Thế nhưng để hiểu được ý nghĩa của truyện là cả một quá trình. Ngay từ nhan đề đã là một thách thức lớn đối với người đọc. Thực tế, đọc “Làng gần nhất” ta thấy mình trong đó. Bởi bất kì ai cũng sinh ra từ làng, gắn bó với làng. Làng chính là nơi ta sinh ra và lớn lên. Nơi ta được chở che, yêu thương từ cha mẹ, người thân. Nơi mà mọi người, dù không thân quyến cũng “tối lửa tắt đèn” có nhau. Đây chính là chốn bình yên nhất, an toàn nhất của cuộc đời mỗi con người. Vì lẽ đó làng gần nhất là làng cạnh làng của ta. Ngôi làng này kề bên nơi ta sống. Tất nhiên nó cũng sẽ bình yên giống như làng ta vậy. Và như thế thì “Làng gần nhất” có nghĩa là nơi ít sóng gió, ít rủi ro…

Tuy vậy, đây không phải là lớp nghĩa cuối cùng. Kafka muốn hướng người đọc đến một điều khác. Hoàn toàn không giống với suy nghĩ của người đọc “Làng gần nhất” khi lần đầu tìm hiểu truyện ngắn này. Nghiền ngẫm kĩ, hóa ra ba từ “Làng gần nhất” không chỉ để nói về một ngôi làng nào đó tồn tại trong vòm trời này. “Làng gần nhất” (Das Nachste Dorf – làng kế bên) mang một nghĩa khái quát, phổ quát hơn.

Có thể nói, ngay truyện ngắn này, thiên tài Kafka không những là nhà văn mà còn là một bậc thầy của nghệ thuật hội họa, một kĩ sư xây dựng đa tài. Bởi chỉ với ba từ “làng gần nhất” nhà văn đã xây dựng thành công hai công trình tuyệt diệu: làng ta và làng kế bên. Nếu làng được xây dựng bởi một kiến trúc khép kín có tường rào, cổng rào kiên cố thì làng kế bên lại có kiến trúc mở, thoáng đãng hơn nhiều so với không gian chật hẹp của làng.

Vượt qua ngoài làng là làng kề bên. Thoát khỏi không gian tù túng, chật hẹp như vây hãm là không gian bao la rộng lớn. Không gian ấy khác lạ, mới mẻ và đầy bí ẩn so với làng. Phải chăng không gian ngoài làng là một dấu chấm hỏi đầy mê hoặc đối với mọi người trong làng? Nó thôi thúc mọi người, đặc biệt là tuổi trẻ, dấn thân và khám phá? Hiểu như thế, “Làng gần nhất” thực chất là mục đích của mỗi người trong cuộc đời.

Chính thế mà “Ông tôi thường hay nói: Cuộc đời ngắn ngủi đến kì lạ”. Câu nói cửa miệng hàng ngày đã “tố cáo” nhân vật ông là một người lẩm cẩm hay kiêu ca. Thoạt nhìn thì tưởng thế. Nhưng hãy thử so sánh biểu hiện của những cụ già mắc bệnh lẩm cẩm và “ông”. Người già thường quên trước quên sau, một việc có thể nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đầu đuôi lẫn lộn. Riêng ông, người đọc cũng thấy ông thường hay nói nhưng ông nói rất ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch: “Cuộc đời ngắn ngủi đến kì lạ”. Mỗi lần lặp lại, câu nói có ý nghĩa riêng của nó.

Theo đó, nhân vật tôi khi kể về ông đã quên nói về nụ cười, ánh mắt xa xăm, cái gật gù hoặc cái nheo mắt đầy ẩn ý mỗi khi ông nói “Cuộc đời ngắn ngủi đến kì lạ”. Và như thế, câu nói của ông như một chân lí, một triết lí do ông đúc rút từ chính chiêm nghiệm của bản thân mình. Người như vậy chỉ có thể là người rất minh mẫn, từng trải, hiểu biết nhiều và rất có thể đã từng vượt qua “làng”. Vượt qua giới hạn của bản thân để tìm đến cái vô hạn của vạn vật của kiếp người. Vậy ra, cái ẩn ý trong câu nói của ông có bóng dáng của một túi hành trang, tiếng còi tàu thúc giục lên đường. Vọng vang trong tâm trí của hành khách đi tàu là lời hối thúc: “Nhanh nhanh đi. Nhanh nữa đi. Chuyến tàu của cuộc đời đã lăn bánh. Hãy lên tàu, đi và khám phá những vùng đất mới. Chậm trễ tàu sẽ vụt qua, mất hút…”.

Cuộc đời là vậy đó. Chuyến tàu của cuộc đời không có chỗ cho sự băn khoăn, chần chừ. Hoặc vác balo ra khỏi làng để đến làng gần bên hoặc ở lại làng mãi mãi. Và tất nhiên làng gần bên là cái đích của tuổi trẻ biết bao người. Do dự trong một phút giây sẽ không còn thời gian, không còn cơ hội để bước ra thế giới. Bởi “Cuộc đời ngắn ngủi đến kì lạ”. Vậy nên, lúc này đây, “Trong kí ức của ông, giờ đây nó thu nhỏ mình lại đến mức thật khó hiểu nổi vì sao một chàng trai lại có thể quyết định đi ngựa tới làng gần nhất mà không e ngại – cứ cho là không gặp tai nạn gì đi nữa – rằng một kiếp sống bình thường và trôi chảy cũng còn khó mà đủ cho cuộc du lãm ấy”.

Hóa ra nhân vật ông không những thường nói “Cuộc đời ngắn ngủi đến kì lạ” mà sau mỗi lần nói, ông cũng kể về một câu chuyện, một cuộc hành trình. Nhân vật chính của cuộc hành trình đầy phiêu lưu mà ông thường kể chính là một chàng trai. Chàng trai ấy với khát vọng muốn vượt qua giới hạn của “làng”, vượt qua chính bản thân mình đã không ngần ngại “đưa ngựa tới làng gần nhất”. Việc “không e ngại” của chàng trai cho thấy chàng có đủ quyết tâm, đủ dứt khoát để từ bỏ cuộc sống bình yên trôi chảy ngày thường mà từ “làng” bước qua “làng gần nhất”. Thế nhưng khi “nó thu nhỏ mình lại đến mức thật khó hiểu nổi” thì trong chuyến đi này chàng trai đã không thể bước đến làng kề bên.

Vậy là dù có quyết tâm, có điều kiện (không gặp tai nạn gì) chàng trai, theo lời ông kể, vẫn không đến được “làng gần nhất”, không đến được cái đích của chuyến phiêu lưu, không đến được cái đích của cuộc đời. Điều này thật phi lí nhưng cũng lại rất hợp lí nếu ta tư duy theo kiểu Kafka. Bởi “Làng gần nhất”, làng kề bên chính là mục đích, là ước mơ, hoài bão, khát vọng của chàng trai – cũng có thể là của ông thời trẻ, của tất cả mọi người. Hiển nhiên, lúc này, cuộc lãm du của chàng trai cũng chính là cuộc hành trình tự bước qua giới hạn của bản thân để chinh phục khát vọng của tuổi trẻ. Chính vì thế, đích đến tưởng đâu kề bên nhưng hóa ra lại xa xôi vạn dặm đến mức không phải ai cũng có thể đạt được dự định ban đầu dù đã nhiều lần dắt ngựa ra đi.

Thế mới thấy câu nói của ông thật triết lí. Cuộc đời ngắn ngủi, liệu ta có đủ thời gian cho mấy lần lãm du? Đây là lí do vì sao trong kí ức của ông vẫn in đậm mãi hình ảnh về chàng trai năm ấy như một hoài niệm đẹp về một thời trai trẻ sống nhiệt huyết, sống hết mình cho những đam mê, những khát vọng, những hoài bão của cuộc đời.

Vậy ra, “Làng gần nhất” lại là làng xa nhất. Con người phải bỏ toàn bộ thời gian ngắn ngủi của kiếp người hữu hạn may mắn mới có thể vượt qua “làng” để đến “làng gần nhất”. Phải chăng đây là điều mà Kafka muốn đề cập đến? Nó chỉ có thể là một mô hình chung cho mọi kiếp người trên thế giới: “Làng gần nhất” chính là khát vọng khám phá, chinh phục của con người trước bản thân và cuộc sống xung quanh. Cuộc sống đã là và sẽ là một cuộc hành trình mà ở đó ý chí, nghị lực, quyết tâm của mỗi con người quyết định thời gian đến “làng gần nhất” là ngắn hay dài.

Có thể khẳng định “Làng gần nhất” của Kafka là một kiệt tác nghệ thuật. Dù có nhiều ý kiến cho rằng truyện ngắn này của ông nhuốm màu sắc bi quan không lối thoát. Thế nhưng, đối với riêng tôi, cái bế tắc, quẩn quanh của truyện lại dẫn người đọc đi đến một con đường sáng đến diệu kì. Cuối con đường ấy là một thông điệp có tầm ảnh hưởng cả nhân loại về giá trị đích thực của cuộc sống con người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang