Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ khi Tràng đưa người vợ “nhặt” về nhà
Gợi ý làm bài:
- Mở bài:
Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm “Vợ nhặt”, đoạn trích, nhân vật bà cụ Tứ. Sơ lược tình huống truyện (Tràng với hai lần gặp gỡ, bông đùa mà thị theo về); tam trạng bà cụ Tứ phần trước đoạn trích (ngạc nhiên khi Tràng đón tận ngõ, phấp phỏng bước vào nhà; ngạc nhiên hơn khi thấy người đàn bà lạ trong nhà, chào mình bằng “U”)
- Thân bài:
Diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích:
+ Khi hiểu cơ sự, bà cúi đầu nín lặng; lòng ai oán, xót thương cho số kiếp đứa con mình: “Chao ôi, … Còn mình thì…”; khóc và lo lắng cho số phận của các con: “Biết rằng chúng nó… này không”
+ Bà thở dài, cảm thông với hoàn cảnh của người đàn bà lạ: “Người ta có gặp bước khó khăn,… con mình mới có vợ được…” và mở rộng lòng mình chấp nhận nàng dâu mới.
+ Bà mừng cho hạnh phúc của con “Ừ, thôi thì … u cũng mừng lòng…”, khuyên và động viên con bằng những lời đôn hậu, trăn trở cho hoàn cảnh gia đình mình.
+ Thương xót, ái ngại cho tình cảnh của nàng dâu mới; xúc động, nghẹn ngào: “nghẹn lời …chảy xuống ròng ròng”
+ Nghệ thuật: Bằng vài chi tiết miêu tả hành vi, cử chỉ; khắc họa qua ngôn ngữ giản dị, phương ngữ Bắc bộ ngữ, Kim Lân đã thể hiện một cách tinh tế, sinh động tâm trạng phức tạp, đầy mâu thuẫn của một người mẹ nghèo, trải đời.
– Tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân: Qua nhân vật bà cụ Tứ, tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn người lao động nghèo Việt Nam nói chung, người phụ nữ nói riêng: nhân hậu, bao dung, vị tha, yêu thương con, lạc quan, sẵn lòng cảm thông và cưu mang những người cùng cảnh ngộ, …
- Kết bài:
Đánh giá chung: Việc miêu tả diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ góp phần tạo nên giá trị cho tác phẩm; thể hiện tấm lòng của tác giả.
Bài tham khảo:
- Mở bài:
Nhà văn Kim Lân tâm sự: “ Phần gây xúc động lớn nhất cho tôi khi đọc lại truyện ngắn Vợ nhặt đó là đoạn bà cụ Tứ- mẹ Tràng trở về”. Thông điệp nghệ thuật về bản chất nhân đạo trong tâm hồn người Việt ở hình tượng nhân vật bà cụ Tứ đã được Kim Lân thể hiện thành công qua diễn biến tâm trạng của người mẹ nghèo ấy khi nhìn thấy chị vợ nhặt xuất hiện trong nhà mình cho đến buổi sáng ngày hôm sau.
- Thân bài:
Ngạc nhiên và bất ngờ là tâm trạng đầu tiên ở người mẹ nghèo khi lật đật theo con từ ngõ vào nhà. Từ trước đến giờ có bao giờ Tràng mong ngóng mẹ về đến thế đâu, nhất định là phải chuyện gì quan trọng, khác thường. Chân bước theo con nhưng lòng bà đang phấp phỏng. Rồi “đứng sững lại” khi bà nhìn thấy một người phụ nữ đứng ở đầu giường con trai bà , mà lại chào bà bằng u. Ngạc nhiên đã làm cho bà lão không còn tin vào cảm giác của bà nữa, tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn đi thì phải. Nhưng thực sự mắt bà không nhoèn, và tai bà cũng không đến mức điếc lác như chị vợ nhặt nghĩ ban đầu. Bà chưa thể tin, không thể tin rằn con mình lại có người theo và lại chưa bao giờ hình dung nhận dâu trong một tình cảnh trớ trêu, tội nghiệp đến thế.
Bà lão cúi đầu nín lặng, đằng sau cái cúi đầu nín lặng ấy là dòng cảm xúc tuôn trào, là cơn bão lòng đang cuộn xoáy với tình thương con vô bờ bến. Bây giờ thì bà không chỉ biết sự việc “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ” như lời Tràng thưa gửi mà bà còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp của con trai mình. Bà tủi thân, tủi phận, bà so sánh người ta với mình “người ta dựng vợ gả chồng cho con những lúc nhà ăn lên làm nổi, còn mình thì…”. Bà lão chua chát, tự trách bản thân mình, càng thương con bao nhiêu bà lại càng tủi phận bấy nhiêu. Bà lão đã khóc, những giọt nước mắt hiếm hoi của người già dưới ngòi bút nhạy cảm của Kim Lân đã gieo vào lòng người đọc biết bao thương xót, tủi buồn.
Bà đã chấp nhận nàng dâu không phải chỉ bằng tình mẫu tử mà lớn hơn đó là tình người, là sự cảm thông với chị vợ nhặt từ cái nhìn của người cùng giới, cùng là phụ nữ. Câu nói đầu tiên mà bà cụ Tứ dành cho chị vợ nhặt “Ừ thôi các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”, lời nói của bà như trút đi biết bao gánh nặng tâm trạng đang đè nặng trong Tràng, lời nói ấy như một sự chiêu tuyết cho giá trị của cô vợ nhặt. Câu nói ấy của bà làm cuộc hôn nhân của Tràng và thị không còn là chuyện nhặt nhau ở đường và chợ nữa mà là duyên phận. Cách nói giản dị mà chan chứa tình người quả thực đã làm ấm lòng những số phận tội nghiệp. Thị và Tràng dường như cũng sẽ ấm lòng hơn khi kinh nghiệm của một người mẹ từng trải nói “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Bà động viên an ủi con trai và con dâu cùng nhau bước qua khó khăn đói khổ trước mắt mà lòng đầy thương xót.
Nhưng sau những lời động viên ấy ta lại thấy Kim Lân để nhân vật bà cụ Tứ quay về với chính cuộc đời mình để mà lo lắng cho hạnh phúc thực tại của hai con. Điều mà bà lo không phải là “sự hợp nhau hay không hợp nhau” giữa hai người mà điều mà người mẹ ấy lo lắng đó là, cái đói đang đe dọa hạnh phúc của con bà. Trong bóng tối, bà nghĩ về cuộc đời dài dằng dặc của đời mình, cuộc đời của những người thân để mà thấu hiểu, thương xót rồi “nghẹn lời” chỉ có dòng nước mắt chảy xuống ròng ròng.
Hạnh phúc mới của con làm bà cụ Tứ được vui lây, bà động viên an ủi các con, nghĩ về một tương lai tươi sang phía trước. Khuôn mặt của bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, bà xăm xắn quét dọn, giẫy những búi cỏ dại nham nhở trong vườn, thu dọn nhà cửa cho quang quẻ với hy vọng đời sẽ có cơ khấm khá. Trong bữa ăn đầu tiên, mâm cơm ngày đói sao thảm hại: chỉ có một lùm rau chuối thái rối, một đãi muối, một niêu cháo lõng bõng toàn nước và món chính là chè khoán- cháo cám nhưng không khí gia đình thật ấm áp, tình chồng vợ, tình mẹ con- những nguồn động lực lớn lao ấy giúp họ tăng thêm sức mạnh để vượt qua thực tại.
Bà cụ Tứ toàn nói chuyện của tương lai, toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau. Bà lão bàn với con tính chuyện nuôi gà, ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ có đàn gà cho mà xem. Câu chuyện của bà lão bất giác làm cho ta nhớ lại bài ca dao miền Trung- mười cái trứng. Cũng giống như tất cả những người bình dân xưa, bà lão đang gieo vào lòng các con bà niềm lạc quan, niềm tin và hi vọng. Từ đàn gà mà có tất cả. Khát vọng sống bật lên ngay cả trong hoàn cảnh khốn cùng nhất “chớ than phận khó ai ơi- Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Song niềm vui của bà cụ Tứ cũng thật tội nghiệp. Miếng cháo cám đắng chát và tiếng trống thúc thuế dồn dập vội vã đưa bà cụ Tứ trở về với thực tại với tiếng nói xen lẫn cả hơi thở dài trong lo lắng: “Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống được qua được đâu các con ạ”! Và bà lại khóc, tình thương con lại hiện hình qua những giọt nước mắt lặng lẽ tuôn rơi.
- Kết bài:
Với sự thấu hiểu, với sự đồng cảm, Kim Lân đã dựng lên hình ảnh bà cụ Tứ – người mẹ thương con, nhân hậu, bao dung. Trong hoàn cảnh đói nghèo, bà vẫn dang rộng cánh tay đón nhận người con dâu mặc dù trong lòng còn nhiều xót xa, tủi cực, vẫn gieo vào lòng các con ngọn lửa sống trong hoàn cảnh tối tăm của xã hội lúc bấy giờ.
Bài tham khảo:
- Mở bài:
Có thể nói, thành công đầu tiên trong truyện ngắn “Vợ nhặt” đó chính là việc nhà văn Kim Lân đã phát hiện ra một nét đẹp hồn hậu trong nhan vật bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ nhưng có trái tim bao dung, nhan hậu.
- Thân bài:
Bà cụ Tứ, người phụ nữ nghèo khổ, chồng mất sớm, là dân ngụ cư, sống lay lắt trước nạn đói đang đe dọa. Bà sống cùng Tràng – người con trai làm nghề kéo xe bò thuê, xấu trai, ế vợ.
Tác phẩm đặt nhân vật vào hoàn cảnh hoàn toàn bất ngờ trước tình huống đứa con trai vào những ngày đói khủng khiếp, bỗng dưng nhặt được vợ về. Nhà văn đã theo dõi và phân tích một cách độc đáo những diễn biến tâm trạng của người mẹ nghèo.
Bà cụ Tứ ngạc nhiên trước việc con trai có vợ. Khi vừa đến nhà thấy đứa con trai “reo lên như một đứa trẻ”. Bà “phấp phóng” theo con vào trong nhà, khi thấy có người đàn bà xa lạ đến nhà mình và gọi mình bằng u, bà hết sức ngạc nhiên.
Nhà văn Kim Lân đã chọn ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn tả tâm trạng ngạc nhiên của bà cụ. Bà lạo đứng sững lại, với bao nhiêu câu hỏi ùa về: “Quái sao lại có người đàn bà lạ trong nhà ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục. Ai thế nhỉ?”
Bà lão “thấy mắt mình nhoèn đi thì phải” bà nhìn kĩ lại người đàn bà nhưng bà vẫn “không hiểu”. Bà không hiểu bởi lẽ, bà hiểu rất rõ gia cảnh của mình cùng cảnh ngộ của đứa con trai trong nạn đói. Ai đến nhà bà trong hoàn cảnh này? Thế mà lại có người đàn bạ lạ hiện diện trong nhà bà, lại chào bà bằng u.
Khi hiểu ra, bà cụ vừa tủi thân, vừa xót thương lo lắng, vừa mừng vui cho con trai và con dâu. Nhưng bằng sự kinh nghiệm và sự từng trải, qua thái độ rối rít như một đứa trẻ cùng với những câu phân trần, cắt nghĩa không mấy rành rẽ của con trai bà đã hiểu ra cơ sự.
Khi hiểu ra con trai có vợ “bà cúi đầu nín lặng”. Một sự nín lặng chất chứa bao suy nghĩ “Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Bà lão tủi thân, xót thương và lo lắng cho con. Bà tủi thân bởi bà là mẹ mà bà không vun vém được hạnh phúc cho con, bà day dứt vì mình chưa làm tròn bổn phận: “chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nối… còn mình thì”. Bà khóc thương cho con “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Bà lo lắng cho cuộc sống trước mắt của con mình “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này hay không”
Từ chỗ xót xa cho đứa con trai bà chuyển sang thương xót cho người đàn bà. Bà thấu hiểu, xót thương cảnh ngộ của người phụ nữ xa lạ bỗng trở thành con dâu mình… Tác giả sử dụng ngôn ngữ độc thoại diễn tả thật xúc động những suy nghĩ âm thầm của người mẹ: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết thì cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được”.
Bà ôn tồn, nhẹ nhàng nói với nàng dâu: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Câu nói của bà làm cho ngực Tràng nhẹ hẳn đi đồng thời cũng là trả lại danh dự và giá trị cho người vợ nhặt. Có thể nói sự từng trải, trái tim nhân hậu bao dung đã giúp bà mẹ nghèo vượt qua được những định kiến hẹp hòi để đạt đến sự cảm thông lớn lao, chấp nhận con dâu và mừng hạnh phúc cho con.
Bà cụ vẫn không hết lo lắng, từ tốn dặn dò, bảo ban nàng dâu mới những điều chí tình chí nghĩa, hướng con đến tương lai: “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng may về sau…”
Ngòi bút của nhà văn thật tinh tế khi miêu tả sâu sắc tâm trạng lẫn lận buồn vui, lo lắng của bà cụ Tứ. Niềm vui của người mẹ nghèo khổ trong cảnh ngộ này thật tội nghiệp. Nó trở nên héo hắt vì không sao thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của sự buồn tủi, xót thương. “Bà lão thở nhẹ ra một hơi dàu. Bà lão nghĩ đến ông lạo, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lạo nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”. Bà lão, nhìn người đàn bà, lòng đầy xót thương. Bà mong con mình: “Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Bà nghẹn lời không nói được được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.
Thế nhưng, sự xuất hiện của nàng dâu mới đã đem đến cho cái gia đình nghèo khổ này một không khí đầm ấm, hòa hợp chưa bao giờ có. Trong không khí ấy, bà cụ Tứ “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Cùng với nàng dâu, bà cụ “xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa” cho quang quẻ, nề nếp để “cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”.
Trong bữa cơm sáng dù chỉ có cháo loãng, ít ra chuối chấm muối và chè cám đắng chát nhưng cả nhà đầu ăn rất ngon, bà cụ “nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau”. Bà cố vui để động viên an ủi con trai, con dâu. Bà đang nhen nhóm niềm vui, niềm hi vọng cho dâu con của mình hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi hơn ai hết bà hiểu nạn đói đang ập xuống đầu mẹ con bà “bà vội ngoảnh mặt ra ngoài. Bà lão không để cho con dâu nhìn thấy bà khóc”.
- Kết bài:
Khắc họa diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ, ngòi bút của nhà văn rất tỉ mỉ, chân thực, cảm động, nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, ngôn ngữ quê kiểng mà trong sáng chọn lọc. Nhà văn đã miêu tả thành công nhân vật bà cụ Tứ với những tâm trạng khác nhau. Bà là một người mẹ nghèo, rất mực thương con, nhân hậu bao dung, có niềm tin vào tương lai hạnh phúc tươi sáng. Bà là hình ảnh tiêu biểu mang phẩm chất của người mẹ Việt Nam.