»» Nội dung bài viết:
Phân tích đoạn trích Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời (Sử thi Ê-đê)
I. Mở bài:
– Đăm san là sử thi anh hùng nổi tiếng của người Ê Đê, miêu tả những chiến công oanh liệt và những khát vọng tự do, hạnh phúc của người tù tường giàu mạnh, trẻ tuổi, tài năng lỗi lạc Đăm San. Tác phẩm thương được diễn xướng trong những ngày lễ hội lớn (khan). Đoạn trích Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời thuộc phần 3, chương 7 của tác phẩm. Sau khi đánh bại 2 tù trưởng hung bạo, chặt đổ cây thần Smuk, khai phá nương rẫy, lừng lẫy tiếng tăm, Đăm san đi bắt nữ thần mặt trời về làm vợ.
– Qua hành động đi bắt nữ thần Mặt trời của người anh hùng Đăm Săn, đoạn trích ca ngợi khát khao chinh phục nữ thần Mặt trời của Đăm Săn đồng thời thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên của người xưa
II. Thân bài:
1. Hành trình đi bắt Nữ Thần Mặt Trời của Đăm Săn.
* Đăm Săn đến nhà Đăm Par Kvây.
– Cảnh tiếp đón Đăm Săn:
+ tôi tớ trải dưới một chiếu trắng, trải trên một chiếu đỏ làm chỗ ngồi
+ thuốc sợi cả hòm đồng, thuốc lá cả sọt đại, trầu vỏ cả gùi to
+ đốt một gà mái ấp, giết một gà mái đẻ, giã gạo trắng như hoa ê pang, sáng như ánh mặt trời, nấu cơm mời khách
+ ché tuk da lươn, ché êbah M’nông
+ ai đi lấy nước cứ đi lấy nước, ai đánh chiêng cứ đánh chiêng, ai cắm cần cứ cắm cần
→ Cảnh tiếp đón quy củ, hoành tráng, có đầy đủ những đồ dùng, đồ ăn.
* Những dự báo về hành trình tới nhà Nữ Thần Mặt Trời:
– Rừng nhiều cọp, rắn
– đường đi hái cà, hái ớt người ta trồng chông lớn chông nhỏ
→ đường đi nhiều hiểm trở, chướng ngại.
* Lời khuyên của Đăm ParKvây với Đăm Săn:
– Nước thì nhiều đỉa, rừng thì nhiều vắt, người ta chưa hề đem nhau đi vào đó bao giờ. Ven rừng đầy xương người. Trong rừng đầy xương bò, xương trâu. Biết bao tù trưởng nhà giàu, biết bao dũng tướng anh hùng đã bỏ mạng nơi đây.
– Rừng Đen đất nhão là nơi đã chôn vùi nhiều tù trưởng nhà giàu. Tôi cột diêng bằng thừng, tôi trói diêng bằng dây, tôi không cho diêng đi vào đấy đâu. Tôi xin cúng cầu phúc cho diêng một lợn, tôi xin tiễn chân diêng một trâu, tôi không cho diêng đi vào rừng thiêng của Nhà Trời đâu. Ở đấy, chông lớn nhiều như lông nhím, chông nhỏ nhiều như lông chó, con sóc nhảy vào thân nó cũng khó mà vẹn toàn nữa là!
* Thái độ của Đăm Săn khi nghe lời khuyên của Đăm Par Kvây:
– Đăm Săn tỏ thái độ kiên quyết, quyết tâm và không sợ bất kì nguy hiểm nào.
* Cảnh tượng ngôi nhà Nữ Thần Mặt Trời:
– Có bãi thả trâu, thả bò.
– Có sương mù bảo phủ
– Bờ rào làng Dưới giăng dây đồng, trên giăng dây sắt
– Cái thang trông như cầu vồng
– Cối giã gạo bằng vàng, chày cũng bằng vàng
– Tòa nhà dài dằng dặc, voi vây chặt sàn sân, chiêng xếp đầy ngoài nhà, cồng chất đầy nhà trong
– Tôi tớ trai gái như ong đi lấy nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, các xà ngang xà dọc đều thếp vàng
→ Lung linh, đẹp đẽ, hào nhoáng.
* Hình ảnh Nữ Thần Mặt Trời:
– Mặc váy ánh như sét, loáng như chớp
– Mái tóc vén bên tai
– Nàng từ trong buồng đi ra, cửa buồng liền bừng sáng
– Nàng đi trông như diều bay ó liệng, như nước lững lờ trôi cũng không bằng
– Thân hình như cái nụ tai, cổ như cổ công
→ vừa toát lên vẻ đẹp độc nhất, vừa toát lên sự quyền uy của nữ thần.
* Nữ Thần Mặt Trời từ chối Đăm Săn:
– Vì nếu nàng đi thì:
+ Lợn dưới gà trên, cọp, tê giác, ngựa, trâu sẽ chết hết.
+ Chết cả người Kur, người Lào vì hết đất làm nương.
+ Chết cả người Ê-đê Ê-ga vì không có nước uống.
+ Chết cả gâm ghì cu xanh vì không có trái ăn.
+ Cây trong rừng sẽ tuyệt diệt, cây trên rú sẽ chết khô, lau lách sẽ ngừng đâm chồi, cỏ cây sẽ tàn lụi, đất đai sẽ nứt nẻ, sông suối sẽ cạn khô.
→ Nữ thần Mặt Trời rời đi, mặt đất sẽ không có sự sống, cây cối loài vật và con người sẽ bị hủy diệt.
2. Kết cục của Đăm Săn ở Rừng Sáp Đen.
– Đam Săn đã chết lún trong Rừng Sáp Đen của bà Sun Y-rít. Anh đã sống tuyệt đẹp trong khát vọng và chiến công. Anh đã chết trong tư thế hiên ngang của người anh hùng bộ tộc. Cái chết bi tráng của Đăm Săn mang ý nghĩa bi kịch của lịch sử, của thời đại vô cùng sâu sắc. Hành động của Đăm Săn tuy có sức nổ công phá ghê gớm: anh đi bắt nữ thần Mặt Trời, trải qua bao gian nan khổ ải, anh đã đi tới nơi mà anh muốn, nhưng rốt cuộc, anh phải trả giá bằng máu.
– Bi kịch ấy mang màu sắc thời đại, nó nói lên mâu thuẫn gay gắt giữa khả năng hữu hạn và khát vọng vô hạn của người anh hùng. Mặc dù vậy, nhân vật Đam Săn mãi mãi là hình ảnh người anh hùng lý tưởng tuyệt đẹp của bộ tộc Ê-Đê xưa và nay. Trong tâm hồn con người Việt Nam, chàng dũng sĩ Đam Săn đời đời bất tử.
3. Đặc sắc nội dung và nghệ thuật.
– Đoạn trích thể hiện tinh thần dũng cảm, can đảm lạc quan và có chút liều lĩnh của Đăm Săn
– Đồng thời cũng cho thấy tinh thần chinh phục và quyết tâm đạt được ước mơ của con người thể hiện ở người anh hùng Đăm Săn
– Đoạn trích phần nào khắc họa thành công văn hóa của người Ê-đê thể hiện trong nếp sống, sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó còn thể hiện được văn hóa tâm linh của dân tộc Ê-đê qua hình ảnh mặt trời.
– Qua kết cục của nhân vật Đăm Săn, đoạn trích còn đưa ra cảnh tỉnh đối với con người, không nên theo đuổi một mục tiêu vượt quá giới hạn con người.
– Đoạn trích thể hiện được những đặc trưng của thể loại sử thi trong ngôn từ, giọng điệu. Giọng kẻ xen lẫn giữa văn xuôi với văn vần
– Sử dụng nhiều thành ngữ, điền cố. Ngôn từ rõ ràng, súc tích, sử dụng hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian.
III. Kết bài:
– Đoạn trích Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời đã mở ra trong cảm xúc của người đọc những điều tuyệt vời về cuộc đời của một người anh hùng dân tộc, một người anh hùng của thời đại. Lí tưởng trong người chàng là những thứ cao đẹp và đầy tính nhân văn, nó không chỉ góp phần thể hiện một đời sống phong phú dân tộc mà còn mang ý nghĩa giáo dục, thẩm mỹ vô cùng sâu sắc. Không đơn thuần là một người anh hùng bước ra từ những trang sử thi với những yếu tố kì ảo mà còn là một tượng đài kì vĩ về những điều tuyệt vời trong đời sống, người anh hùng văn hoá tạo dựng những nét đẹp phi thường cho cộng đồng, dân tộc.
Bài văn tham khảo:
“Đăm Săn” là sử thi anh hùng nổi tiếng của người Ê-đê, tác phẩm có dung lượng dài hai nghìn không trăm bảy mươi bảy câu, gồm bảy chương. Đây là sử thi truyền miệng lâu đời, thể hiện đậm nét truyền thống lịch sử, văn hóa của bộ tộc Tây Nguyên. Tác phẩm đã khắc họa ngoại hình, sức vóc phi thường của người anh hùng Đăm Săn. Chàng mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp, lập nhiều chiến công lừng lẫy. Khi tìm hiểu đoạn trích “Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời”, chúng ta sẽ phần nào hiểu rõ hơn vẻ đẹp nhân vật và khát vọng của người Ê-đê trong quá trình chinh phục tự nhiên, khám phá thế giới.
Tác phẩm kể về cuộc hành trình chinh phục nữ thần Mặt Trời của người anh hùng Đăm Săn. Sau khi giải cứu được Hơ Nhị và Hơ Bhị khỏi tay Mtao Mxây, Đăm Săn trở thành một tù trường giàu mạnh và vang danh khắp núi rừng. Tuy nhiên, chàng vẫn quyết tâm đi chinh phục nữ thần Mặt Trời. Chàng muốn nữ thần về làm vợ để “từ người Ê-đê bên bờ sông cho đến người Mnông ở dưới thấp không ai dám trái lời”. Chuyến đi của Đăm Săn đã trải qua nhiều khó khăn, chàng đi một mình nhiều ngày, băng qua nhiều rừng núi để đến nhà nữ thần Mặt Trời. Vậy mà chàng lại bị nữ thần Mặt Trời từ chối “Ta là con của Trời, dù ngươi mới chỉ được ăn cơm, tắm nước lã, hương nghệ chưa vương cũng mặc”. Mặc cho lời cảnh báo của nữ thần rằng chàng sẽ chết khi mặt trời lên, Đăm Săn vẫn thản nhiên ra về. Khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc Đăm Săn và ngựa chìm hẳn xuống bùn.
Đoạn trích “Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời” phản ánh những khát vọng của người Ê-đê trong buổi đầu hình thành các bộ tộc Tây Nguyên. Đó là mơ ước, hoài bão vươn tới những đỉnh cao nhận thức về thế giới tự nhiên. Sở hữu sức mạnh, tài năng và lòng dũng cảm phi thường, Đăm Săn vượt qua nhiều thử thách để đến được nhà nữ thần Mặt Trời “Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh, cỏ tranh xé tay, gai mây đâm chân, không màng ăn uống […] Nhưng rồi chàng cũng đến được bãi thả trâu, bò, rồi bãi thả diều làng ông Đu, ông Đie”.
Khát vọng chinh phục nữ thần của Đăm Săn cũng chính là mong ước chinh phục tự nhiên của người Ê-đê cổ đại. Tuy nhiên, kết cục của Đăm Săn cũng là lời cảnh tỉnh với con người, không nên theo đuổi mục tiêu quá giới hạn. Khi nữ thần Mặt Trời ra đi thì mọi sinh vật sẽ không còn sức sống “Nhưng nếu ta đi thì lợn dưới gà trên, cọp, tê giác, ngựa, trâu sẽ chết hết. Cả người Khơ-me, người Lào vì hết đất làm nương. Chết cả người Ê-đê, Ê-ga vì không còn nước uống. Chết cả gầm ghì cu xanh vì không có trái ăn. Nếu ta đi, cây trong rừng sẽ tuyệt diệt, cây trên rú sẽ chết khô, lau lách sẽ ngừng đâm chồi, cỏ cây sẽ lụi tàn, đất đai sẽ nứt nẻ, sông suối sẽ cạn khô”.
Ngoài ra, tác phẩm còn thể hiện một cách sinh động các phong tục, tập quán cùng những nét sinh hoạt đời thường thời kì mẫu hệ tại Tây Nguyên qua cách sắp xếp nhà cửa: “Tòa nhà dài dằng dặc”, “chiêng xếp đầy nhà ngoài, cồng xếp đầy nhà trong”, khi khách đến nhà sẽ có người hầu chạy ra đón khách “kẻ giữ ngựa, kẻ tháo yên, người đưa lời thăm hỏi”,… Qua đoạn trích, người Ê-đê cổ đại thể hiện sự ngợi ca thiên nhiên, họ tôn vinh vẻ đẹp của nữ thần Mặt Trời “Mái tóc nàng vén bên tai trông thật đẹp. Nàng từ trong buồng đi ra, cửa buồng liền bừng sáng. Nàng đi trông như diều bay ó liệng, như nước lững lờ trôi cũng không bằng. Khi lỡ chân hụt bước, nàng dừng lại đứng yên. Đầu nghiêng cúi xuống, hay nàng ngồi thụp xuống, đầu nhè nhẹ ngẩng lên. Tiêng nàng lanh lảnh, người chưa tới mà tiếng đà vẳng lại. Thật không thấy một ai như nàng cả”. Không chỉ vậy, họ còn thể hiện sự cảm mến về bản lĩnh và ý chí của người anh hùng: “Đăm Săn xuống ngựa, tháo yên. Chàng vươn bước lên cầu thang thì trong nhà người ta đã nghe. Chàng vươn người trên sàn nhà thì trong nhà người ta đã nghe. Chàng dậm chân bước trên sàn hiên thì người ta đã thấy”, “Người đi ra đi vào nhà trong nhà ngoài đưa mắt nhìn chàng, thấy chàng oai như một vị thần”.
Bằng những lời thoại, lời kể hấp dẫn, sinh động, tác giả dân gian đã khắc họa nhân vật người anh hùng một cách chi tiết. Người đọc dễ dàng hình dung về tù trưởng Đăm Săn với vẻ đẹp ngoại hình cùng sự kiên cường, dũng cảm. Không chỉ vậy, sự kết hợp văn xuôi xen lẫn văn vần đã thể hiện những đặc trưng trong giọng kể sử thi của người Ê-đê: “Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh… là đẹp thật!”, “Đăm Săn xuống ngựa, tháo yên,… một ngôi nhà như vậy cả”. Ngoài ra, trong đoạn trích, ta còn nhận thấy việc sử dụng các yếu tố thành ngữ, tục ngữ, từ cổ như: “hương nghệ chưa vương”, “còn ưa đằng lưng, còn ưng đằng bụng”,… tạo ấn tượng khó phai cho người đọc. Việc sử dụng ngôi kể thứ ba với giọng điệu ngợi ca đã cho thấy thái độ ngưỡng vọng, thành kính của người kể chuyện sử thi.
Qua đoạn trích “Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời”, chúng ta có thể nhận thấy rõ những sáng tạo, ước mơ, khát vọng của người Ê-đê thời kì mẫu hệ trong quá trình khám phá thế giới, chinh phục tự nhiên. Tác phẩm đã đem đến cho chúng ta cái nhìn độc đáo về người anh hùng Đăm Săn trong quá trình đi cầu hôn nữ thần Mặt Trời. Lời kể chuyện hấp dẫn cùng ngôn ngữ miêu tả sinh động góp phần tạo nên sự đặc sắc, lôi cuốn người đọc. Người anh hùng Đăm Săn được khắc họa tinh tế qua ngoại hình, phẩm chất, những chiến công, đúng như nhà nghiên cứu Nhi-cu-lin đã từng nhận xét về sử thi Đăm Săn nói chung: “Sử thi Đăm Săn là câu chuyện về cuộc đời người dũng sĩ và những chiến công của chàng. Những người diễn xướng không chỉ ca ngợi thủ lĩnh của bộ lạc là Đăm Săn mà cất lời ca ngợi tất cả cộng đồng – tất cả người làng”.
Xem thêm: