Phân tích hình tượng người anh hùng Đăm Săn trong đoạn trích Đăm Săn đi bắt nữ thần Mặt Trời

phan-tich-hinh-tuong-nguoi-anh-hung-dam-san-trong-doan-trich-dam-san-di-bat-nu-than-mat-troi

Phân tích hình tượng người anh hùng Đăm Săn trong đoạn trích Đăm Săn đi bắt nữ thần Mặt Trời.

  • Mở bài:

Đoạn trích Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời nằm ở phần sau của sử thi Đăm Săn của dân tộc Ê-đê. Đăm Săn (hay còn gọi là Bài ca chàng Đăm Săn) là pho sử thi nổi tiếng của người Ê-đê. Truyện ca ngợi khát khao chinh phục nữ thần Mặt trời của Đăm Săn và thể hện khát vọng chinh phục tự nhiên của người xưa.

  • Thân bài:

Đăm săn là nhân vật anh hùng hiện thân cho cộng đồng dân tộc người Ê-đê. Anh chàng sở hữu sức mạnh, tài năng, lòng dũng cảm phi thường. Đăm Săn vì muốn chinh phục được nữ thần Mặt Trời nên đã không ngại vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường đi tới nhà nàng. Đăm săn luôn kiên quyết thực hiện mục đích của mình đến cùng, không dễ dàng bỏ cuộc. Đăm Săn sẵn sàng đối mặt với những khó khăn trên đường đi chinh phục nữ thần Mặt Trời (đi hết rừng rậm đên núi xanh, cỏ tranh xé tay, gai mây đâm chân, không màng ăn uống).

Đăm Săn là người anh hùng có sức mạnh phi thường. Sức mạnh ấy có thể làm lay trời chuyển đất, khiến thần linh phải kiêng dè. Trên đường đi bắt Nữ thần Mặt Trời, chàng đã chặt một sườn núi, ném xuống bùn làm con đường để vựơt qua ranh giới giữa trời và đất. Đăm Săn còn giết tê giác dưới vực thẳm, giết hùm trong núi cao, giết quạ diều trong cây trồng, giết ma quỷ trên các đường đi. Hành động ấy quả chưa từng có. Sức mạnh ấy quả phi phàm.

Đăm Săn mang vẻ đẹp kỳ diệu ở diện mạo và thân hình. Chàng vừa mềm mại, dẻo dai, lại vừa tươi tắn, nhanh nhẹn. Ngay cả trang phục, tư thế của chàng cũng rất đẹp (Chàng khoác màu đen màu trắng. Tay cầm lao. Gươm giắt thắt lưng; đầu mang khăn xếp; vai mang túi da,…). Nếu Asin trong Iliát của Home “từ đầu đến chân đuề ngời lên một niềm vinh quang chói lọi” (Bêlinxki) thì trong bộ tộc của Đăm Săn ai cũng ngưỡng vọng chàng: Người nhà đi lại từ nhà sau ra nhà trước nhìn Đam San như một thần linh. Điều này là lẽ đương nhiên vì cả Asin và Đăm Săn “không đại diện cho bản thân mà đại diện cho nhân dân, được miêu tả như là đại diện của nhân dân” (Bêlinxki).

Nổi bật nhất ở Đăm Săn là lòng quả cảm. Chàng từng chống lại tục nối dây, dám bắt trời thay đổi ý định và cuối cùng là đi chinh phục cả Nữ thần. Đăm Săn hầu như không sợ bất kỳ trở lực nào. Chàng bạt đồi, san núi, phát rẫy, giết mãnh thú, hạ kẻ thù,… với lòng quả cảm. Ở đâu và bao giờ, Đăm Săn cũng là người đứng hàng đầu, tạo nên các kỳ tích chưa từng có.

Ở nhân vật Đăm Săn luôn ngời sáng bản lĩnh phi thường cùng khát vọng cao cả cao đẹp. Mặc dù đã có cuộc sống sung túc, giàu có, nhưng chàng luôn hi vọng cuộc sống sẽ trở nên rực rỡ và tươi đẹp hơn nữa bởi có sức mạnh của nữ thần nên chàng đã quyết tâm tìm tới Nữ Thần Mặt Trời. Đăm Săn luôn mang một khát vọng không cùng. Có những thử thách,chàng biết thật to lớn, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện. Bằng chứng là khi nghe Đam Pắc Quây khuyên can: Xương người đầy bìa rừng, xương trâu bò đầy núi. Chỗ ấy đã chết biết bao tù trưởng khoẻ mạnh và cương quyết. Đất trong rừng là đất đen nhão như nước. Nhiều tù trưởng đã chết lún trong đất lỏng ấy,… Nhất định không để anh vào rừng của trời, rừng đầy chông gai, nhiều đến nỗi con sóc có nhày vào thì thân đã bị đâm thủng trước lúc chân sở tới đất thì Đam San vẫn một mực thực hiện ý định của mình: “Mặc kệ ! Để tôi kiếm một lối đi. Tôi sẽ đi tới chỗ tôi muốn ! Gặp hùm tôi sẽ giết hùm”.

Thông qua nhân vật Đăm Săn các tác giả dân gian còn ca ngợi lòng dũng cảm, luôn sẵn sàng đối mặt với những gian nan, thử thách ở phía trước . Cho dù đã được người bạn Đăm Par Kvây đã ra sức khuyên ngăn “Chết thật đó, diêng ơi!” Nhưng chàng vẫn quyết tâm rời đi “Mặc, diêng cứ để tôi làm bàn trang tôi san đường đi”. Chuyến đi đầy mạo hiểm nhưng chàng vẫn không hề tỏ ra sợ hãi, nao núng mà đã dũng cảm vượt qua, phá tan các trở ngại của thiên nhiên. Sau khi tìm được đến nhà Nữ Thần và bị nàng từ chối, chàng vẫn kiên quyết mong muốn nàng làm vợ mình chỉ khi chàng thấy được thái độ nhất quyết của Nữ Thần, chàng mới chấp nhận từ bỏ ý định rồi kiên quyết lên ngựa trở về quê nhà cho những lời dự báo từ Nữ Thần về việc bản thân sẽ gặp nguy hiểm khi Mặt Trời lên cao “Sống được chết đành! Tôi về đây.”

Không ai ngăn cản được ý định của Đăm Săn. Hành động đi bắt Nữ thần Mặt Trời là đỉnh cao trong khát vọng chinh phục thiên nhiên của Đăm Săn. Đến khi phải gục ngã trong rừng sáp đen, khát vọng của Đăm Săn không tắt. Chàng hoài thai để tiếp tục thực hiện khát vọng của mình. Do đó, hành động mang tính cách liều lĩnh với ước vọng ngây thơ của Đam San không khiến chàng đối lập với bộ tộc của mình. Trái lại, nó ngời sáng lý tưởng của cả bộ tộc nên chàng tái sinh để trở thành tù trưởng mới.

Đăm Săn là người anh hùng của bộ tộc, người đại diện cho cả cộng đồng nên tất cả câu chuyện trong bản sử thi đều xoay quanh chàng, đều góp phần tôn vinh, ca ngợi Đăm Săn. Vì thế, hình tượng anh hùng Đăm Săn đậm chất phi thường, trở thành vẻ đẹp hoành tráng, đời đời. Hình tượng nghệ thuật Đăm Săn là biểu hiện tập trung nhất cho đặc trưng thể loại sư thi ở tác phẩm này.

Nhận xét:

Đoạn trích “Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời” phản ánh những khát vọng của người Ê-đê trong buổi đầu hình thành các bộ tộc Tây Nguyên. Đó là mơ ước, hoài bão vươn tới những đỉnh cao nhận thức về thế giới tự nhiên. Sở hữu sức mạnh, tài năng và lòng dũng cảm phi thường, Đăm Săn vượt qua nhiều thử thách để đến được nhà nữ thần Mặt Trời “Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh, cỏ tranh xé tay, gai mây đâm chân, không màng ăn uống […] Nhưng rồi chàng cũng đến được bãi thả trâu, bò, rồi bãi thả diều làng ông Đu, ông Đie”. Khát vọng chinh phục nữ thần của Đăm Săn cũng chính là mong ước chinh phục tự nhiên của người Ê-đê cổ đại. Tuy nhiên, kết cục của Đăm Săn cũng là lời cảnh tỉnh với con người, không nên theo đuổi mục tiêu quá giới hạn. Khi nữ thần Mặt Trời ra đi thì mọi sinh vật sẽ không còn sức sống “Nhưng nếu ta đi thì lợn dưới gà trên, cọp, tê giác, ngựa, trâu sẽ chết hết. Cả người Khơ-me, người Lào vì hết đất làm nương. Chết cả người Ê-đê, Ê-ga vì không còn nước uống. Chết cả gầm ghì cu xanh vì không có trái ăn. Nếu ta đi, cây trong rừng sẽ tuyệt diệt, cây trên rú sẽ chết khô, lau lách sẽ ngừng đâm chồi, cỏ cây sẽ lụi tàn, đất đai sẽ nứt nẻ, sông suối sẽ cạn khô”.

Ngoài ra, tác phẩm còn thể hiện một cách sinh động các phong tục, tập quán cùng những nét sinh hoạt đời thường thời kì mẫu hệ tại Tây Nguyên qua cách sắp xếp nhà cửa: “Tòa nhà dài dằng dặc”, “chiêng xếp đầy nhà ngoài, cổng xếp đầy nhà trong”, khi khách đến nhà sẽ có người hầu chạy ra đón khách “kẻ giữ ngựa, kẻ tháo yên, người đưa lời thăm hỏi”,… Qua đoạn trích, người Ê-đê cổ đại thể hiện sự ngợi ca thiên nhiên, họ tôn vinh vẻ đẹp của nữ thần Mặt Trời “Mái tóc nàng vén bên tai trông thật đẹp. Nàng từ trong buồng đi ra, cửa buồng liền bừng sáng. Nàng đi trông như diều bay ó liệng, như nước lững lờ trôi cũng không bằng. Khi lỡ chân hụt bước, nàng dừng lại đứng yên. Đầu nghiêng cúi xuống, hay nàng ngồi thụp xuống, đầu nhè nhẹ ngẩng lên. Tiếng nàng lanh lảnh, người chưa tới mà tiếng đà vẳng lại. Thật không thấy một ai như nàng cả”. Không chỉ vậy, họ còn thể hiện sự cảm mến về bản lĩnh và ý chí của người anh hùng: “Đăm Săn xuống ngựa, tháo yếm. Chàng vươn bước lên cầu thang thì trong nhà người ta đã nghe. Chàng vươn người trên sàn nhà thì trong nhà người ta đã nghe. Chàng dậm chân bước trên sàn hiện thì người ta đã thấy”, “Người đi ra đi vào nhà trong nhà ngoài đưa mắt nhìn chàng, thấy chàng oai như một vị thần”.

Bằng những lời thoại, lời kể hấp dẫn, sinh động, tác giả dân gian đã khắc họa nhân vật người anh hùng một cách chi tiết. Người đọc dễ dàng hình dung về tù trưởng Đăm Săn với vẻ đẹp ngoại hình cùng sự kiên cường, dũng cảm. Không chỉ vậy, sự kết hợp văn xuôi xen lẫn văn vần đã thể hiện những đặc trưng trong giọng kể sử thi của người Ê-đê: “Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh… là đẹp thật!”, Đăm Săn xuống ngựa, tháo yên,… một ngôi nhà như vậy cả”. Ngoài ra, trong đoạn trích, ta còn nhận thấy việc sử dụng các yếu tố thành ngữ, tục ngữ, từ cổ như: “hương nghệ chưa vương”, “còn ưa đằng lưng, còn ưng đằng bụng”,… tạo ấn tượng khó phai cho người đọc. Việc sử dụng ngôi kể thứ ba với giọng điệu ngợi ca đã cho thấy thái độ ngưỡng vọng, thành kính của người kể chuyện sử thi.

Đoạn trích “Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời” phản ánh rõ những sáng tạo, ước mơ, khát vọng của người Ê-đê thời kì mẫu hệ trong quá trình khám phá thế giới, chinh phục tự nhiên. Tác phẩm đã đem đến cho chúng ta cái nhìn độc đáo về người anh hùng Đăm Săn trong quá trình đi cầu hôn nữ thần Mặt Trời. Lời kể chuyện hấp dẫn cùng ngôn ngữ miêu tả sinh động góp phần tạo nên sự đặc sắc, lôi cuốn người đọc. Người anh hùng Đăm Săn được khắc họa tinh tế qua ngoại hình, phẩm chất, những chiến công, đúng như nhà nghiên cứu Nhi-cu-lin đã từng nhận xét về sử thi Đăm Săn nói chung: “Sử thi Đăm Săn là câu chuyện về cuộc đời người dũng sĩ và những chiến công của chàng. Những người diễn xướng không chỉ ca ngợi thủ lĩnh của bộ lạc là Đăm Săn mà cất lời ca ngợi tất cả cộng đồng – tất cả người làng”.

Người anh hùng Đăm Săn ấy luôn những khát khao về cuộc sống tươi đẹp và hạnh phúc. Sau khi giành thắng lợi sau cuộc giao chiến, chàng Đăm Săn có cuộc sống sung túc lại thêm càng sung túc. Tuy nhiên, Đăm Săn khao khát chinh phục được Nữ Thần Mặt Trời về làm vợ của mình. Với lòng quyết tâm của mình, chàng đã cưỡi chiến mã ra đi. Chàng đã đến và rủ bạn mình là Đăm Par Kvây đi cùng nhưng người bạn thân đã từ chối và cảnh báo về những gian nan, nguy hiểm ở phía trước. Khó bận tâm những lời đó, chàng vẫn kiên định và mạnh mẽ tiến lên phía trước vượt qua bao gian trắc trở cuối cùng cũng được nhà Nữ Thần. Nhưng khi bị Nữ Thần từ chối, chàng quyết định trở về quê nhà mặc cho những lời can ngăn từ Nữ Thần. Qua chuyến đi đầy gian nan đã góp phần tô đậm phẩm chất anh hùng của chàng Đăm Săn. Qua đoạn trích, các tác giả dân gian đã bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ, thương mến người anh hùng sử thi hiện lên với vẻ sáng cuộc đời. Đồng thời, thể hiện khát vọng về tình yêu, sự chinh phục thiên nhiên và mở rộng bờ cõi.

Các tác giả dân gian đã bày tỏ tình cảm trân trọng, ca ngợi người anh hùng sử thi Đăm Săn, đồng thời gợi lên ước mong được chinh phục thế giới tự nhiên, khai phá, mở mang bờ cõi. Luôn hi vọng cho cuộc sống cộng đồng sẽ ngày càng trở nên ấm no và hạnh phúc. Qua việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật như so sánh, phóng đại “trông nghênh nghênh như một con rắn, ngang ngang như con cọp trong đầm, như con tê giác trong thung” các tác giả dân gian đã phác họa chân thực nên người anh hùng dũng cảm, tài giỏi. Cùng với đó, là ngôn ngữ giàu hình ảnh, phối hợp hài hòa giữa ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật góp phần làm nổi bật lên chủ đề của đoạn trích và để lại ấn tượng cho độc giả.

  • Kết bài:

Đoạn trích thể hiện tinh thần dũng cảm, can đảm lạc quan và có chút liều lĩnh của Đăm Săn, đồng thời cũng cho thấy tinh thần chinh phục và quyết tâm đạt được ước mơ của con người thể hiện ở người anh hùng Đăm Săn. Đoạn trích phần nào khắc họa thành công văn hóa của người Ê-đê thể hiện trong nếp sống, sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó còn thể hiện được văn hóa tâm linh của dân tộc Ê-đê qua hình ảnh mặt trời. Qua kết cục của nhân vật Đăm Săn, giả dân gian đã gửi gắm những mong ước về vị anh hùng sử thi đầy sự dũng cảm, phi thường đồng thời cùng khát vọng về cuộc sống ấm nó tốt đẹp hơn. Đoạn trích còn đưa ra cảnh tỉnh đối với con người, không nên theo đuổi một mục tiêu vượt quá giới hạn con người.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.