Phân tích nghệ thuật ước lệ và tượng trưng qua đoạn trích “Chị em thúy Kiều”.
- Mở bài:
Nghệ thuật ước lệ và tượng trưng được xem là một đặc điểm thi pháp của văn học trung đại. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du sử dụng khá nhiều bút pháp ước lệ. Có điều nhà thơ sử dụng một cách hết sức linh hoạt, sáng tạo nên tránh được sáo mòn, nhàm chán. Không những thế bút pháp ước lệ của Nguyễn Du còn góp phần diễn tả một cách tinh tế, sâu sắc tâm trạng nhân vật. Tài năng ấy được thể hiện rõ ràng qua miêu tả bức chân dung tuyệt sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”.
- Thân bài:
Ước lệ là biện pháp diễn đạt bằng hình ảnh có tính chất qui ước thường được dùng trong văn chương cổ. Chẳng hạn như, dùng hình ảnh “tuyết rơi” để tả mùa đông, “lá vàng rụng” để chỉ mùa thu, “giọt châu” để chỉ giọt nước mắt, “làn thu thuỷ” để chỉ ánh mắt của người con gái. Tượng trưng là biện pháp diễn đạt cái trừu tượng bằng một hình ảnh cụ thể thường lấy từ cây cỏ, chim muông. Vía như hình ảnh cây trúc tượng trưng cho người quân tử, cây tùng tượng trưng cho nhân cách cứng cỏi, vững vàng, tuyết tượng trưng cho tâm hồn trong sáng,… Nghệ thuật ước lệ và tượng trưng giống nhau ở chỗ cả hai đều là hình ảnh ẩn dụ và khác nhau ở chỗ tượng trưng là một hình ảnh hoàn chỉnh, ước lệ phần nhiều chỉ là một chi tiết của hình tượng.
Hình ảnh ước lệ, tượng trưng là sáng tạo nghệ thuật của mĩ học phong kiến, nó có giá trị thẩm mĩ nhất định. Người xưa dùng hình ảnh cây thông (tùng) bốn mùa có tán lá xanh tươi, quanh năm đứng vững chãi trên dốc núi cheo leo bất chấp bão bùng sương tuyết để tượng trưng cho nhân cách cứng cỏi, có bản lĩnh vững vàng, có khí phách hiên ngang không nghiêng ngả trước uy quyền danh lợi. Hay hình ảnh hoa dưới nhiều dạng: hoa cười, hoa rơi, hoa tàn, hoa xưa,…để miêu tả người đẹp, sắc đẹp, tình yêu nam nữ,… Đó là những sáng tạo nghệ thuật có giá trị thẩm mĩ.
Phương pháp nghệ thuật cổ không miêu tả hiện thực theo dạng tả chân thực, theo thẩm mĩ văn học cổ dùng hình ảnh ước lệ, tượng trưng đem lại cho lời văn lời thơ trang nhã, bóng bẩy, súc tích. Trong “Chinh phụ ngâm”, tác giả miêu tả cảnh đêm người chinh phụ nhớ chồng, khi là cảnh đêm có sương, có mưa (Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun) khi là cảnh đêm có tuyết rơi (Tuyết tiêu gió thốc ngoài hiên) khi là đêm có trăng, hoa (Trăng dãi nguyệt, nguyệt in một tấm. Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông),…
Tác giả không tả một đêm cụ thể nào của thời gian và không gian xác định mà tả cái đêm “tổng hợp” của bao nhiêu đêm người chinh phụ đã trải qua. Tuy tác giả không vẽ ra trước mắt chúng ta một đêm cụ thể nào nhưng cái cảm giác duy trì các hình ảnh gợi ra cho người đọc là nỗi lòng nhớ chồng đau đáu, thiết tha, thấm thía của người chinh phụ. Song bên cạnh đó ước lệ, tượng trưng được sử dụng một cách sáo mòn, công thức làm cho câu văn, câu thơ rơi vào tình trạng nặng về hình thức, nghèo nàn về nội dung.
Với những hình ảnh ước lệ, tượng trưng quen thuộc nhưng Nguyễn Du đã chọn lọc một cách tài tình miêu tả được những bức chân dung với nhiều vẻ đẹp khác nhau để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Khi tả chị em Thuý Kiều “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” làm hiện lên dáng vẻ của họ thanh tú như cây mai, tâm hồn trong trắng như tuyết. Khi miêu tả bức chân dung của Thuý Vân, Nguyễn Du đã vận dụng thủ pháp ước lệ một cách chặt chẽ:
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”.
Qua nhiều hình ảnh ước lệ “khuôn trăng”, nét ngài” hay “ngọc”, “mây”, “tuyết” ta không kể hết được tỉ mỉ nhan sắc Thuý Vân nhưng ta biết được nhan sắc ấy rất tuyệt trần. Vẻ đẹp “trang trọng, đầy đặn” “nở nang, đoan trang”, “mây thua, tuyết nhường” luôn tạo cho mọi người xung quanh một tình cảm yêu mến, độ lượng. Vân hiện lên với chân dung một cô gái đoan trang, phúc hậu.
Khi miêu tả bức chân dung của Thuý Kiều, Nguyễn Du nâng thủ pháp ấy lên một bực, đạt đến mức uyên thâm, tuyệt diệu:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc vẫn là phần hơn.
25. Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Nguyễn Du vẫn dùng những hình ảnh ước lệ quen thuộc “làn thu thuỷ”, “nét xuân sơn” để chỉ ánh mắt, lông mày. Tuy vậy với những hình ảnh “hoa ghen”, “liễu hờn” nhà thơ đã cho thấy nhan sắc Thuý Kiều thuộc loại nhan sắc độc đáo kì lạ, vượt lên sự bình thường. Vẻ đẹp “sắc sảo”, “mặn mà” kết hợp hình ảnh ước lệ với ngôn ngữ dân gian tạo nên cách diễn đạt giàu sức biểu cảm: Hoa ghen liễu hờn, Mây thua, tuyết nhường.
Vẫn lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp, nhưng ở đây, Nguyễn Du đã phá vỡ nguyên tắc ấy, đưa vẻ đẹp của con người vượt lên trên mọi giới hạn trở thành chuẩn mực cao nhất. Lần đầu tiên trong văn học, với biện pháp ước lệ, thiên tài Nguyễn Du đã tạo bước đột phá trong cấu trúc nghệ thuật, xóa bỏ giới hạn của cái đẹp và làm đảo lộn hoàn toàn quan niệm về cái đẹp của người xưa.
- Kết bài:
Nghệ thuật ước lệ và tượng trưng là một đặc điểm của nghệ thuật thơ văn cổ. Đó là cách diễn đạt theo quy ước, khuôn mẫu có sẵn làm cho lời thơ, lời văn thêm tao nhã, thâm thuý. Các nhà thơ cổ đặc biệt là Nguyễn Du là người đã có nhiều sáng tạo và đạt thành công lớn trong thủ pháp này trong miêu tả bức chân dung tuyệt mĩ của chị em Thúy Kiều.
Phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)