Phân tích nhân vật chị Dậu

phan-tich-nhan-vat-chi-dau

Phân tích nhân vật chị Dậu

  • Mở bài:

Tắt đèn là tiểu thuyết xuất sắc của nhà văn Ngô Tất Tố. “Tức nước vỡ bờ” trích từ chương XVIII của tiểu thuyết “Tắt đèn”. Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Ngô Tất Tố đã tạo dựng được hình ảnh chân thực về người phụ nữ nông dân bị áp bức cùng quẫn trong xã hội phong kiến nhưng vẫn giữ được bản chất tốt đẹp của người lao đông, đó là chị Dậu.

  • Thân bài:

Chị Dậu là người phụ nữ hết lòng yêu thương chồng con.

Trước hết là tấm lòng của người vợ đối với người chồng đang đau ốm được diễn tả chân thật và xúc động từ lời nói đến hành động. Chị Dậu chăm sóc anh Dậu trong hoàn cảnh:  Giữa vụ sưu thuế căng thẳng, nhà nghèo, phải bán chó, bán con mà vẫn không lo đủ tiền sưu. Còn anh Dậu thì bị tra tấn, đánh đập và bị ném về nhà như một cái xác rũ rượi.  Trước hoàn cảnh khốn khó, chị Dậu đã chịu đựng rất dẻo dai, không gục ngã trước hoàn cảnh.

Trong cơn nguy biến chị đã tìm mọi cách cứu chữa cho chồng: Cháo chín, chị Dậu mang ra giữa nhà, ngả mâm bát múc la liệt. Rồi chị lấy quạt quạt cho chóng nguội. Chị rón rén bưng một bát đến chỗ chồng nằm: “Thầy em  hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột. Rồi chị đón lấy cái Tỉu và ngồi xuống đó như có ý chờ xem chồng ăn có ngon miệng không”. Đó là những cử chỉ yêu thương đằm thắm, dịu dàng của một người vợ yêu chồng. Tình cảm ấy như hơi ấm dịu dàng thức tỉnh sự sống cho anh Dậu.

Tác giả miêu tả thật tỉ mỉ, kĩ lưỡng từng hành động cử chỉ, từng dấu hiệu chuyển biến của anh Dậu: “anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng”… Dường như  mỗi cử chỉ, hành động của anh Dạu đều có ánh mắt thấp thỏm, lo lắng của chị Dậu dõi theo da diết. Cứ tưởng rằng đây là một phút giây ngắn ngủi trong cả cuộc đời đau khổ của chị Dậu để chị có thể vui sướng tràn trề khi anh Dậu hoàn toàn sống lại. Nhưng dường như chị Dậu sinh ra là để khổ đau và bất hạnh nên dù chị có khao khát một giây phút hạnh phúc ngắn ngủi nhưng nào có được. Bọn Cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập tiến vào như cơn lốc dữ dập tắt ngọn lửa sống đang nhen nhóm trong anh Dậu. Nỗi cay đắng trong chị Dậu không biết lớn đến mức nào. Nhưng giờ đây chị sẽ phải xử sự ra sao để cứu được chồng thoát khỏi đòn roi.

Chị Dậu là một người phụ nữ cứng cỏi đã dũng cảm chống lại bọn cường hào để bảo vệ chồng.

Ban đầu chị nhẫn nhục chịu đựng. Chị Dậu cố van xin thiết tha bằng giọng run run cầu khẩn: “Hai ông làm phúc nói với ông lí cho cháu khất”. Cách cư xử và xưng hô của chị thể hiện thái độ nhẫn nhục chịu đựng. Chị có thái độ như vậy là vì chị biết thân phận bé mọn của mình, người nông dân thấp cổ bé họng, biết cái tình thế khó khăn, ngặt nghèo của gia đình mình (anh Dậu là kẻ có tội thiếu suất sưu của người em đã chết, lại đang ốm nặng). Trong hoàn cảnh này, chị chỉ mong chúng tha cho anh Dậu, không đánh trói hành hạ anh.

Khi tên cai lệ chạy sầm sập đến trói anh Dậu, tính mạng người chồng bị đe dọa, chị Dậu “xám mặt” vội vàng chạy đến đỡ lấy tay hắn, nhưng vẫn cố van xin thảm thiết: “Cháu van ông ! Nhà cháu vừa mới tỉnh được mọt lúc, ông tha cho”.  Chị đã rất tức giận, bất bình trước sự vô lương tâm của lũ tay sai. Mặc dù vậy, lời nói của chị vẫn rất nhũn nhặn, chị đã nhẫn nhục hạ mình xuống- chứng tỏ sức chịu đựng của chị rất lớn. Tất cả chỉ là để cứu chồng qua cơn hoạn nạn.

Thế nhưng chị Dậu không thuộc loại người yếu đuối chỉ biết nhẫn nhục van xin mà còn tiềm tàng một khả năng phản kháng mãnh liệt. Khi tên cai lệ mỗi lúc lại lồng lên như một con chó điên “bịch vào ngực chị mấy bịch” rồi “tát đánh bốp vò mặt chị thậm chí nhảy vào chỗ anh Dậu”…. tức là hắn hành động một cách dã man thì mọi sự nhẫn nhục đều có giới hạn. Chị Dậu đã kiên quyết cự lại. Sự cự lại của chị Dậu cũng có một quá trình gồm hai bước.

Thoạt đầu, chị cự lại bằng lí lẽ : “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ”. Lời nói đanh thép như một lời cảnh cáo. Thực ra chị không viện đến pháp luật mà chỉ nói cái lí đương nhiên, cái đạo lí tối thiểu của con người. Lúc này chị đã thay đổi cách xưng hô ngang hàng nhìn vào mặt đối thủ. Với thái độ quyết liệt ấy, một chị Dậu dịu dàng đã trở nên mạnh mẽ, đáo để.

Đến khi tên cai lệ dã thú ấy vẫn không thèm trả lời còn tát vào mặt chị một cái đánh bốp rồi cứ nhảy vào cạnh anh Dậu thì chị đã vụt đứng dậy với niềm căm giận ngùn ngụt: Chị Dậu nghiến hai hàm răng: “mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Một cách xưng hô hết sức đanh đá của phụ nữ bình dân thể hiện tư thế “đứng trên đầu thù” sẵn sàng đè bẹp đối phương. Rồi chị “túm cổ cai lệ ấn dúi ra cửa, lẳng người nhà lí trưởng ngã nhào ra thềm”. Chị Dậu vẫn chưa nguôi giận. Với chị, nhà tù thực dân cũng chẳng có thể làm cho chị run sợ nên trước sự can ngăn của chồng, chị trả lời: “thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được”. Sức sống mạnh mẽ bấy lâu tiềm tàng đang trỗi dậy trong chị. Nhún nhường bị đàn áp, chị phản kháng quyết liệt, vượt lên những thứ phép tắc quy cũ tầm thường để bảo vệ người thân.

Với nghệ thuật xây dựng nhân vật, sử dụng vốn từ ngữ giàu có sinh động, Ngô Tất Tố đã xây dựng thành công nhân vật chị Dậu, qua đó thể hiện chiều sâu nhân đạo cũng như triết lý: Có áp bức thì sẽ có đấu tranh.

  • Kết bài:

Đoạn trích Tức nước vỡ bờ cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Nhân vật chị Dậu chính là tiêu biểu cho người phụ nữ nông dân Việt Nam giàu đức hy sinh, yêu thương chồng con hết mực và đặc biệt là khao khát sống, khao kháo hạnh phúc mãnh liệt. Đồng thời qua đó vạch trần bộ mặt tàn ác, bất nhân của xã hội thực dân phong kiến đương thời; xã hội ấy đã đẩy người nông dân vào tình cảnh khổ cực, khiến họ phải liều mạng chống lại.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.