phan-tich-nhan-vat-trong-tac-pham-truyen

Phân tích nhân vật trong tác phẩm truyện

Phân tích nhân vật trong tác phẩm truyện

1. Ý nghĩa của việc phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự

Trong tác phẩm tự sự, nhà văn “phát biểu” qua nhân vật. Nhân vật chính là nơi chuyên chở nội dung phản ánh, tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, là nơi kí thác quan niệm về con người, về nhân sinh của nhà văn. Bởi thế phân tích nhân vật trở thành con đường quan trọng nhất để đi đến giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm, để nhận ra lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Một nhân vật văn học lớn bao giờ cũng thể hiện một số phận, một quan niệm nhân sinh độc đáo và thường điển hình cho một tầng lớp xã hội, một giai cấp, thậm chí một thời đại nào đó. Việc nhận thức một nhân vật cần được soi tỏ dưới các ánh sáng này và khi phân tích nó phải vươn lên khái quát được các giá trị này.

Không phải không còn những người chưa hiểu thật đầy đủ rằng nhân vật trong tác phẩm văn học là “con đẻ”, là sản phẩm sáng tạo của một nhà văn nhất định. Nó là kết quả của một quá trình khám phá, chiêm nghiệm. Nó là sản phẩm từ sự tổng hợp, nhào nặn. Cũng do thế, nó mang dấu ấn của cá nhân sáng tạo ra nó. Phân tích nhân vật còn để nhận ra tài năng, đặc điểm bút pháp nghệ thuật của nhà văn, để thêm thú vị khi thưởng thức một giá trị thẩm mĩ. Không ít người còn đối chiếu máy móc nhân vật với hiện thực lịch sử, với sự thật cuộc đời để đánh giá đúng, sai, hay, dở mà “quên” đi một sự thật khác: nhân vật có thể mang sắc thái riêng, có thể đi lối riêng theo cách dẫn dắt, theo ý đồ và bút pháp nghệ thuật của nhà văn.

2. Các phương diện cơ bản khi phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự

Một nhân vật văn học thành công bao giờ cũng mang một tính cách, một số phận riêng. Nó là “con người này” theo cách nói của nhà mĩ học người Đức nổi tiếng Heghen. Vậy phân tích một nhân vật chính là làm sáng tỏ một tính cách, một số phận độc đáo. Nhưng tính cách, số phận ấy bộc lộ qua các phương diện nào trong tác phẩm?

Lai lịch của nhân vật

Đây là phương diện đầu tiên góp phần chi phối đặc điểm tính cách cùng cuộc đời nhân vật. Lai lịch có quan hệ khá trực tiếp và quan trọng với đường đời của một người cũng như mục đầu tiên trong bản “sơ yếu lí lịch” ta thường khai là thành phần xuất thân và hoàn cảnh gia đình vậy. Hoàn cảnh mồ côi từ nhỏ, hành vi vô giáo dục khi ở với người bác họ (để bị đuổi ra khỏi nhà) cùng những thành tích bất hảo của Xuân Tóc Đỏ trong cuộc sống lang thang hè đường xó chợ đã góp phần tạo nên tính cách lưu manh, láu cá của y sau này.

Chí Phèo ngay từ khi sinh ra đã bị ném khỏi cuộc sống, đã là đứa trẻ hoang không biết bố mẹ, chẳng có cửa nhà. Hoàn cảnh xuất thân ấy đã góp một phần tạo nên số phận cô độc thê thảm của Chí.

Vốn xuất thân từ tầng lớp trên, quen hưởng cuộc sống giàu sang, lại ít có dịp gần gũi với quần chúng lao động nên văn sĩ Hoàng (truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao) dễ có cái nhìn khinh miệt, đen tối về người dân quê kháng chiến…

Tính cách, số phận nhân vật được lí giải một phần bởi thành phần xuất thân, hoàn cảnh gia đình và điều kiện sinh hoạt trước đó.

Ngoại hình của nhân vật

Trong văn học, miêu tả ngoại hình chính là một biện pháp của nhà văn nhằm hé mở tính cách nhân vật. Phần lớn trường hợp, đặc điểm tính cách, chiều sâu nội tâm (cái bên trong) của nhân vật được thống nhất với ngoại hình (vẻ bên ngoài). Song cũng có những trường hợp cái bên trong và vẻ bên ngoài của nhân vật “trật khớp”, thậm chí trái ngược nhau.

Một nhà văn có tài thường chỉ qua một số nét khắc họa chấm phá có thể giúp người đọc hình dung ra diện mạo, tư thế cùng bản chất của nhân vật nào đó. Miêu tả nhân vật văn sĩ Hoàng (“Đôi mắt”), Nam Cao đâu cần quá kĩ lưỡng, rườm rà. Dáng người to béo, bước đi khệnh khạng, vừa đi vừa bơi hai cánh tay ra hai bên vì những khối thịt ở dưới nách kềnh ra, bàn tay múp míp, bộ mặt đầy đặn và trên mép có một cái vành móng ngựa ria trông như một chiếc bàn chải nhỏ – chừng ấy chi tiết đã đủ giúp người đọc hình dung rõ một con người kiểu cách, trưởng giả, một lối sống sung túc, dư thừa giữa lúc nhân dân đang gian khổ kháng chiến. Trái lại, khuôn mặt với đôi gò má cao đầy tàn hương, bàn tay có những ngón rất to ở nhân vật Đào (“Mùa lạc” của Nguyễn Khải) đã “nói” với người đọc về số kiếp “quân tử gian nan, hồng nhan vất vả”, về những năm tháng long đong, nhiều sương gió của người phụ nữ này. Trong phân tích nhân vật, cần qua các chi tiết ngoại hình mà đi sâu vào nội tâm, vào bản chất của nhân vật.

Ngôn ngữ của nhân vật

Qua lời ăn tiếng nói của một người, chúng ta có thể nhận ra trình độ văn hóa, nhận ra tính cách của người ấy. Ngôn ngữ của nhân vật trong tác phẩm văn học được cá thể hóa cao độ, nghĩa là mang đậm dấu ấn của một cá nhân. Nhân vật cố Hồng trong tiểu thuyết trào phúng “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng hễ cứ mở miệng ra là gắt: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” mặc dầu ông ta chẳng biết cho ra đầu ra đũa việc gì cả. Cho đến khi đã trở thành “nhà cải cách thẩm mĩ”, “đốc tờ Xuân”, “giáo sư quần vợt”, “cố vấn báo Gõ Mõ”,… được cả xã hội thượng lưu thành thị trọng vọng, Xuân Tóc Đỏ vẫn đầu cửa miệng mấy chữ “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”. Điều ấy chứng tỏ cái tính cách lưu manh, vô học của y không sao gột rửa nổi

Nội tâm của nhân vật

Nội tâm nhân vật là toàn bộ những biểu hiện thuộc cuộc sống bên trong của nhân vật. Đó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lí… của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà nó gặp phải trong cuộc đời

Miêu tả nội tâm là một khía cạnh quan trọng trong viết văn tự sự, cho phép người viết tái hiện và thể hiện sâu sắc những suy nghĩ, tâm trạng và cảm xúc của nhân vật chính. Nó là công cụ tạo nên tính chân thực và sống động cho câu chuyện, giúp độc giả hiểu rõ hơn về con người và trải nghiệm cá nhân của nhân vật.

Khi phân tích nhân vật cần quan tâm đến thế giới bên trong với những cảm giác, cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ,… Thế giới bên trong này thường tương tác với thế giới bên ngoài (môi trường thiên nhiên, quan hệ và hành vi của những nhân vật khác xung quanh, sự biến chuyển của đời sống xã hội,…) đồng thời cũng có quy luật vận động của riêng nó. Một nghệ sĩ tài năng bao giờ cũng là một bậc thầy trong việc nắm bắt và diễn tả tâm lí con người.

Miêu tả chân thực, tinh tế đời sống nội tâm nhân vật là chỗ thử thách tài nghệ nhà văn, và cảm nhận, phân tích được một cách thuyết phục, kĩ lưỡng mặt này cũng là nơi chứng tỏ năng lực của người phân tích tác phẩm. Bố cục truyện ngắn Hai đứa trẻ vận động theo dòng cảm giác bâng khuâng, tâm trạng buồn man mác của nhân vật Liên trong không gian phố huyện nhỏ trước giờ khắc ngày tàn dần về đêm. Tính trữ tình, sự tinh tế của ngòi bút Thạch Lam thể hiện qua việc diễn tả bao biến thái nhẹ nhàng của cảnh vật với lòng người. Ở truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, hay nhất có lẽ là những trang Tô Hoài diễn tả sự trỗi dậy từng bước của sức sống tiềm tàng trong lòng Mị, quá trình hồi sinh của tâm hồn cô trong đêm mùa xuân nghe tiếng sáo gọi bạn tình. Sự hồi sinh này biểu hiện qua diễn biến tâm trạng, qua các cử chỉ, hành động. Nhìn mọi người trong nhà thống lí Pá Tra vừa ăn xong bữa cơm Tết cúng ma, , đang tụ tập quanh bếp lửa khua chiêng, nhảy múa và uống rượu, Mị nghĩ: “Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Cô lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát”. Hành động uống rượu ấy là gì nếu không phải là biểu hiện của ý thức về quyền làm người, quyền bình đẳng đang trỗi dậy. Đã là con người, ai chẳng có quyền uống rượu trong ngày Tết. Mị cũng uống rượu và uống ừng ực như thế để chứng tỏ mình còn là một con người, để bõ hờn. Nhiều người viết về “Vợ chồng A Phủ” đã quên để ý đến chi tiết ấy. Cũng tương tự như thế, hãy chú ý đến hành động thắp sáng đĩa đèn của Mị: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn thêm một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo”. Hành động này có ý nghĩa gì? Bấy lâu nay Mị có bận tâm đến bóng tối hay ánh sáng xung quanh mình đâu. Cuộc đời đối với người con dâu gạt nợ chỉ như một đêm dài. Nhưng giờ đây, có lẽ Mị không còn chịu nổi bóng tối đang vây bọc quanh mình nữa. Thắp sáng thêm đĩa đèn hay là Mị đang muốn thắp sáng lại cuộc đời mình? Đó là những hành động phản kháng âm thầm mà quyết liệt, những hành động chứng tỏ sóng cuộc trong chiều sâu tâm trạng từ khi nghe tiếng sáo gọi bạn yêu lấp ló ngoài đầu núi, lửng lơ bay ngoài đường.

Thâm nhập thế giới nội tâm phong phú của một nhân vật nào đó trở thành hành trình đầy thú vị của nhà văn, cũng là điều hấp dẫn đối với người đọc, người phân tích tác phẩm sau đó. Điều đáng lưu ý mà qua dẫn chứng vừa nêu trên các bạn đã thấy là diễn biến nội tâm thường gắn liền từng cùng cử chỉ, hành động của nhân vật, thường được hữu hình hóa qua cử chỉ, hành động.

Cử chỉ, hành động của nhân vật

Bản chất con người ta bộc lộ chân xác, đầy đủ nhất qua cử chỉ, hành động. Phân tích nhân vật vì thế cần tập trung khai thác kĩ các cử chỉ, hành động. Đó là sự thật hiển nhiên. Nhưng đáng chú ý là bản chất nhân vật không chỉ bộc lộ ở việc nhân vật ấy làm mà còn qua cách làm việc ấy của nhân vật nữa. Vế sau này là một phương diện vô cùng quan trọng để nhà văn cá tính hóa nhân vật. Nam Cao đã dựng lên trước mắt ta một Chí Phèo bằng xương bằng thịt với tính cách điên khùng, uất ức, với số phận cô độc tuyệt đối và bi thảm không thể lẫn với bất kì một ai khác. Quả rất Chí Phèo từ bộ mặt đầy những vằn ngang vạch dọc, dáng đi ngật ngưỡng đến cách chửi, từ kiểu rạch mặt ăn vạ đến lối làm tình với Thị Nở, từ hành động xách dao đi trả thù đến cách đâm chết Bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình. Cũng trừng trị người nô lệ song cái cách thống lí Pá Tra hành hạ A Phủ chỉ vì anh để hồ vồ mất một con bò nhà nó mới độc ác làm sao, càng chứng tỏ cái quyền lực ghê gớm và bộ mặt tàn bạo của giai cấp phong kiến thống trị ở miền núi. Khi điển hình hóa nhân vật, một nhà văn có tài thường lựa chọn cho nhân vật những hành động độc đáo, gây ấn tượng sâu đậm đối với người đọc.
Trở lên trên chúng tôi đã chỉ ra các phương diện cơ bản khi phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự.

Ở đây có mấy điểm cần lưu ý:

Thứ nhất: Không phải bất cứ nhân vật nào cũng được nhà văn thể hiện đầy đủ các phương diện này (lai lịch, ngoại hình, ngôn ngữ, nội tâm, cử chỉ, hành động). Có chỗ nhiều, chỗ ít. Có chỗ đậm, chỗ nhạt. Bởi thế, không cứ phải máy móc tìm đủ, phân tích đủ mà cần biết tập trung, xoáy sâu vào các phương diện thành công nhất trong tác phẩm. Cũng không cứ phải tuần tự theo năm phương diện như thế, mà nên sắp xếp theo thực tế, cho bài làm văn của mình hấp dẫn.

Thứ hai: Tránh lầm lẫn các cấp độ của phương diện phân tích. Có thể xem năm phương diện đã nêu đồng đẳng và đều là sự cụ thể hóa, sự hiện thực hóa của tính cách, số phận nhân vật. Nói cách khác, phân tích những phương diện ấy chính là để khái quát lên tính cách, số phận. Không nên xem tính cách như một phương diện ngang bằng các phương diện ấy. Điều này không đúng về mặt lí luận và sẽ gây lúng túng trong thực tế làm bài.

Thứ ba: Nắm vững năm phương diện cơ bản đã nêu khi phân tích nhân vật chính là điều có ý nghĩa định hướng cho việc đọc tác phẩm tự sự. Biết đọc tác phẩm tự sự nghĩa là hiểu được, nhớ được nội dung phản ánh của tác phẩm và mối quan hệ giữa các nhân vật, nắm được tính cách, số phận của các nhân vật chính. Để có căn cứ phân tích, để có chất liệu làm bài, khi đọc tác phẩm cần ghi nhớ các chi tiết, các hình ảnh về từng phương diện ấy.

3. Vai trò của tình huống đối với việc thể hiện nhân vật trong tác phẩm tự sự

Trong tác phẩm tự sự, tình huống có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thể hiện tính cách và số phận nhân vật. Có thể hiểu tình huống là trạng thái xã hội, là hoàn cảnh bất bình thường đang thử thách con người. Nó gồm những diễn biến, sự kiện đòi hỏi con người trong đó cần phải xoay xở, cần phải bộc lộ một cách chân xác năng lực và bản chất của mình. Như vậy, tình huống gắn chặt cùng cốt truyện, thường hiện lên rõ rệt ở các bước ngoặt trên dòng cốt truyện và tác động trực tiếp tới nhân vật. Xây dựng tình huống trở thành nhiệm vụ và hứng thú, trở thành nơi thử thách tài nghệ của nhà văn.
Khi phân tích nhân vật, cần quan tâm thích đáng đến tình huống. Đó chính là căn cứ để phân tích, lí giải sự phát triển của tính cách, số phận nhân vật. Cuộc đời Chí Phèo sẽ ra sao nếu không có cuộc gặp gỡ tình cờ với Thị Nở? Tại sao cuộc gặp gỡ có vẻ ngẫu nhiên mà thật mang tính định mệnh này, Nam Cao đã dẫn Chí Phèo đến một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Chí Phèo được một bàn tay đàn bà chăm sóc, được hưởng hương vị cháo hành. Chí Phèo ước ao được làm hòa với mọi người, được trở về với xã hội bằng phẳng và thân thiện của loài người. Rồi vì lời lẽ bà cô, Thị Nở đột ngột… trở mặt. Chí Phèo tự nhận ra tấn bi kịch chua xót của kẻ bị cự tuyệt quyền làm người. Những sự kiện dồn dập ấy làm nổi bật lên quá trình hồi sinh cảm động, đáng thương của người cố nông lương thiện trong con quỷ dữ Chí Phèo, càng ngời lên vẻ đẹp nhân phẩm và số phận tuyệt vọng, bế tắc của một tầng lớp nông dân cùng khổ.

Cũng viết về người lao động nghèo, hiếm ai xây dựng được những tình huống truyện độc đáo và hấp dẫn như Kim Lân trong Vợ nhặt. Bối cảnh xám xịt của nạn đói khủng khiếp mùa xuân năm 1945 với cuộc trở về lạ lùng của Tràng cùng một người đàn bà lạ trong căn nhà tồi tàn xóm ngụ cư. Hai bận tầm phơ tầm phào với mấy câu nửa đùa nửa thật, với bốn bát bánh đúc, ấy thế mà thành vợ chồng. Quả là những tình huống cười ra nước mắt, đan xen thú vị giữa hài và bi, giữa đen tối và tươi sáng. Nhưng chính trên nền cảnh tối sầm này bỗng lấp lánh cái nhìn nhân đạo vô cùng đáng quý của Kim Lân. Nhà văn như muốn nói với bạn đọc rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù cả khi phải đối chọi hàng ngày với cái đói, cái chết, người dân lao động vẫn biết vui với hạnh phúc bình dị mà mình đang có, vẫn không nguội tắt hết niềm tin vào tương lai…

Mối quan hệ giữa tình huống với nhân vật thể hiện mối tương quan giữa hoàn cảnh và tính cách. Hoàn cảnh càng có tính điển hình, càng có độ gây cấn thì càng dễ nổi bật tính cách điển hình của nhân vật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang