Phân tích những giá trị nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.
Lão Hạc là một trong những truyện ngắn hay nhất của cây bút truyện ngắn bậc thầy Nam Cao. Tài nghệ bậc thầy đó trước hét thể hiện ở cách xây dựng nhân vật. Nhân vật lão Hạc không được miêu tả thật kĩ về ngoại hình, cũng không có nhiều hành động, song được tập trung soi sáng từ bên trong. Tác giả đã đi sâu vào những tâm tư, những lo tính của lão Hạc chung quanh việc bán “cậu Vàng” và việc lặng lẽ chuẩn bị cho cái chết, chính từ đó mà số phận đau thương, tính cách độc đáo của nhân vật hiện ra thật rõ nét.
Xây dựng tính cách nhân vật Lão Hạc, nhà văn không miêu tả trực tiếp mà đã thông qua miêu tả ngoại hình và nhất là miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật rất thành công. Nhân vật chính (Lão Hạc) được miêu tả và nhìn nhận qua nhiều nhân vật khác như qua ông giáo, Binh Tư, qua vợ ông giáo … với nhiều khía cạnh khác nhau bộc lộ nên các tính cách, hành động sống động, đa chiều chứ không khô khan.
Nhân vật lão Hạc chân thực, sinh động, có bề dày xã hội và đồng thời có cá tính độc đáo, chủ yếu được nhà văn khắc họa bằng miêu tả tâm lý. Chẳng hạn, qua cản lão Hạc trò chuyện với “cậu Vàng”, có thể thấy rõ cảnh sống cô đơn của lão, chất người trung hậu ( thể hiện qua thái độ âu yếm, chiều chuộng đối với cậu Vàng) và tình thương sâu nặng đối với đứa con trai đang ở xa. Hoặc những chi tiết thể hiện phản ứng tâm lí của lão Hạc xung quanh việc mà lão cho rằng đã “lừa cậu Vàng”: đau đớn, chua xót, hối hận, đã cho thấy rất rõ tâm hồn, tính cách ông lão nông dân nhân hậu, đáng thương ấy.
Tác phẩm Lão Hạc với nét đặc sắc là cách kể chuyện của nhà văn được xây dựng thông qua ngôi kể thứ ba bằng lời kể của một nhân vật được chứng kiến câu chuyện Ông giáo làm cho câu chuyện giàu tính chân thực, khách quan, bộc lộ được thái độ tình cảm và cách đánh giá nhân vật Lão Hạc rất thuyết phục…
Nam Cao đã xây dựng tình huống truyện đọc đáo. Từ những sự việc tưởng như rất vụn vặt, tác giả đã tạo ra sự hấp dẫn của câu chuyện qua các tình huống truyện : từ việc lão Hạc bán con chó vàng,lão Hạc nhờ ông giáo trông coi giúp mảnh vườn, lão Hạc xin bả chó đến cái chết thêthảm của lão Hạc … Tình huống truyện được xây dựng bất ngờ khiến cho người đọc cũng đã có lúc hoài nghi lão Hạc như ông giáo, để rồi vỡ òa trong sự thương xót và kính trọng.
Cách dựng cốt truyện độc đáo, bút pháp trần thuật linh hoạt, mới mẻ. Tác giả đi thằng vào giữa truyện (cảnh lão Hạc nói chuyện với “tôi” về việc sẽ phải bán “cậu Vàng”) rồi mới nhẩn nhà đi ngược thời gian, kể về cảnh ngộ nhân vật, từ chuyện “con chó là của cháu nó mua đấy” chuyển sang chuyện anh con trai đã bỏ đi phu, để lại lão Hạc sống cô đơn và giờ đây đang lâm cảnh cùng đường… Cách dẫn chuyện rất thoải mái, tự nhiên, có vẻ lỏng lẻo song kì thật thật chặt chẽ, tập trung, khắc hoạ nhân vật và thể hiện chủ đề.
Truyện rất mực chân thực, đồng thời thấm đượm cảm xúc trữ tình. Qua nhân vật “tôi”, người kể chuyện, tác giả đã biểu lộ tự nhiên những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Chất trữ tình thể hiện ở giọng kể, ở những câu cảm thán nhiều khi không nén được cảm xúc, tác giả đã gọi tên nhân vật lên để trò chuyện, than thở: “Lão Hạc ơi ! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó vàng của lão ! Hỡi ơi lão Hạc ! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều hơn ai hết.. !”, “Lão Hạc ơi, lão hãy yên lòng nhắm mắt…”. Chất trữ tình còn thể hiện ở những lời mang giọng tâm sự riêng của “tôi“, như chung quanh việc “tôi” phải bán mấy quyển sách: “ôi những quyển sách rất nâng niu(…) kỷ niệm một thời hăng hái và tin tưởng đầy những say mê đẹp và cao vọng”.
Một trong những nét nổi bật của nghệ thuật trong tác phẩm Lão Hạc chính là khắc họa rất nhiều triết lí của câu truyện. Trong tác phẩm có chứa rất nhiều câu văn, đoạn văn giàu tính triết lí về cuộc sống, về con người, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Triết lí, chiệm nghiệm về cuộc đời thể hiện rõ nhất là ở những đoạn văn trữ tình ngoại đề đậm màu sắc triết lý: “Chao ôi ! Đối với những người ở xung quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…”.
Kết bài:
Truyện ngắn “Lão Hạc” gây ấn tượng với người đọc bởi nghệ thuật xây dựng và khắc họa nhân vật vô cùng tiêu biểu, đậm nét. Tiếp đến nhà văn rất thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật, kết hợp giữa phương thức tự sự và trữ tình cũng tạo nên sự đa chiều của câu chuyện. Truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao tiêu biểu khi viết về số phận người nông dân trước Cách mạng. Truyện không chỉ thành công bởi những giá trị về nội dung mà còn cả bởi giá trị về nghệ thuật. Vừa tỉnh táo, chân thực, vừa trữ tình thắm thiết và đậm đà ý vị triết lí, đó chính là đặc điểm bút pháp văn xuôi Nam Cao được thể hiện rõ nét trong “Lão Hạc”.