Tính biểu tượng của hình ảnh: “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và hình ảnh “trăng” trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.
- Mở bài:
– Giới thiệu hình tượng “trăng” trong thi ca.
– Dẫn vào vấn đề nghị luận: tính biểu tượng của hình ảnh: “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và hình ảnh “trăng” trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.
- Thân bài:
Hình ảnh Đầu súng trăng treo của Chính Hữu.
“Đầu súng trăng treo” là câu kết bài thơ Đồng chí, cũng là một biểu tượng đẹp về người chiến sĩ thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Trong đêm phục kích giữa rừng, bên cạnh hình ảnh thực là súng, là nhiệm vụ chiến đấu tạo nên con người chiến sĩ thì cái mộng, cái trữ tình là trăng. Hình ảnh trăng tạo nên con người thi sĩ. Hình ảnh chiến sĩ, thi sĩ hài hòa với nhau trong cuộc đời người lính cách mạng. Hai hình ảnh tưởng là đối lập đặt cạnh nhau tạo ra ý nghĩa hoà hợp vô cùng độc đáo. Súng là chiến đấu, gian khổ, hi sinh là hiện thực. Còn trăng là tượng trưng cho hòa bình, gợi lên sự đẹp đẽ, thơ mộng, dịu dàng là lãng mạn. Người lính cầm súng để bảo vệ hòa bình, khát khao hòa bình, không ngại gian khổ, hi sinh nhưng xét về phương diện tinh thần, tình cảm thì đây chính là cuộc chiến mang vẻ đẹp của chính nghĩa, của lòng yêu nước. Súng và trăng: chiến tranh và hòa bình, chiến sĩ và thi sĩ, có người còn gọi đây là một cặp đồng chí.
Chính Hữu đã thành công với hình ảnh Đầu súng trăng treo – một biểu tượng thơ giàu sức gợi cảm. Tác giả đã từng nói : “Trong chiến dịch nhiều đêm có trăng đi phục kích giặc trong đêm trước mắt tôi chỉ có ba nhân vật : Khẩu súng, vầng trăng và người bạn chiến đấu. Ba nhân vật quện với nhau tạo ra hình ảnh đầu súng trăng treo”
Hình ảnh “Đầu súng trăng treo”, đã trở thành một biểu tượng đẹp của người lính cách mạng Việt Nam : Hiện thực và lãng mạn, chiến sĩ và thi sĩ. Trăng là biểu tượng đẹp của tình đồng chí gắn bó, keo sơn trong cuộc chiến đấu gian khổ ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Hình ảnh trăng của Nguyễn Duy
“Ánh trăng” của Nguyễn Duy với hình ảnh trăng không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên đất nước mà còn gắn bó với tuổi thơ, với những ngày kháng chiến gian khổ. Vầng trăng mà mỗi chúng ta không bao giờ có thể quên và đừng vô tình lãng quên.
Hình ảnh trăng bắt đầu gắn với cuộc sống bình thường của con người và vầng trăng thời chiến tranh. Đầy ắp những kỉ niệm về vầng trăng trải rộng trên một thiên nhiên bao la với sông, với đồng, với bể. Thời chiến tranh máu lửa vầng trăng đã thành tri kỉ với người lính. Vầng trăng là biểu tượng đẹp của những năm tháng nghĩa tình ngỡ không bao giờ có thể quên.
Thật đáng sợ là sự thay đổi của lòng người. Từ ở rừng, sau chiến thắng về thành phố, được sống cuộc sống tiện nghi : ở buyn đinh, quen ánh điện, cửa gương… Và vầng trăng tri kỉ, nghĩa tình đã bị người tri kỉ xưa lãng quên, dửng dưng. Trăng được nhân hóa, lặng lẽ đi qua đường, như người dưng, chẳng còn ai nhớ, chẳng ai hay.
Bất ngờ vầng trăng và con người gặp một tình huống của nhịp sống thị thành: thình lình đèn điện tắt. Vầng trăng xưa xuất hiện, vẫn tròn, vẫn đẹp, vẫn thủy chung với người. Nước mắt rưng rưng của ngưòi lính, cái giật mình của người lính trước sự im lặng của trăng xưa hiện về nơi thành phố hôm nay là một biểu tượng nghệ thuật mang tính hàm nghĩa độc đáo. Đó là sự bao dung, độ lượng, nghĩa tình, thủy chung của nhân dân, sự trong sáng mà không hề đòi hỏi được đền đáp. Đây chính là phẩm chất cao đẹp của nhân dân mà tác giả muốn ngợi ca, tự hào.
Cũng là thông điệp hãy biết nhớ về quá khứ tốt đẹp, không nên sống vô tình. Đó chính là ý nghĩa sâu sắc của hình ảnh trăng trong bài thơ của Nguyễn Duy tự nhắc nhủ mình và muốn gửi gắm.
- Kết bài:
Hai bài thơ là hai bức chân dung của người lính ở hai thời kì khác nhau. Người lính trong bài thơ Đồng chí mang vẻ đẹp của con người thời kì đầu cuộc chiến đấu chống Pháp, kiên cường và thủy chung. Người lính trong bài thơ Ánh trăng là lúc đất nước đã hòa bình, tuy đã lãng quên quá khứ nghĩa tình nhưng cũng kịp hồi hướng, tự nhắc nhở mình gắn bó với quá khứ. Với sự sáng tạo tài tình của các nhà thơ, hình ảnh trăng trong hai tác phẩm thật sự là những hình ảnh đẹp, để lại trong lòng độc giả những cảm xúc dạt dào, sâu lắng.
Xem thêm: