Phân tích truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn (dưới góc độ thi pháp)
Quan niệm nghệ thuật về con người trong Cố hương được thể hiện qua nhân vật Tôi (Tấn) – người kể chuyện, và đặc biệt là nhân vật Nhuận Thổ – đối tượng phản ánh. Các nhân vật khác còn lại như người mẹ, Hoàng, Thủy Sinh, thím Hai Dương là những nhân vật phụ, góp phần thể hiện tư tưởng và chủ đề tác phẩm thông qua những mối quan hệ với nhân vật chính. Vấn đề chính trong quan niệm nghệ thuật về con người của tác phẩm là sự tổn hao, mất mát, phai tàn những giá trị của con người theo thời gian trong những tác động của môi trường sống, điều kiện sống do xã hội tạo nên.
Để triển khai quan niệm đó, cái nhìn nghệ thuật của tác giả thiên truyện tập trung vào hai điểm nhìn ở hai thời gian và không gian khác nhau. Con người được nhìn trong một chuỗi thời gian với hai chặng đời khác nhau là tuổi ấu thơ và tuổi trung niên, trưởng thành.
Tuổi ấu thơ của Nhuận Thổ và Tấn – nhân vật tôi, được miêu tả bằng những chi tiết giàu tính hình tượng và biểu cảm, trong đó tác giả khắc họa nhân vật với những dáng nét vô tư, hồn nhiên, giàu tình cảm, trong trẻo, thơ ngây, quí trọng nghĩa tình và chưa bị những hủ tục, những nỗi vất vả cơ cực của chuyện gia đình cùng áo cơm đời thường làm cho méo mó, dị thường về ngoại hình, sa sút và tầm thường về nhân cách. Hình ảnh tiêu biểu về Nhuận Thổ được tác giả nhắc lại đầy hàm ý biểu trưng cho vẻ đẹp con người trước khi phải chịu sự tấn công của những áp bức, bất công, khốn khó, đói khát:
Một vầng trăng tròn vàng thắm treo lơ lửng trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một, mười hai tuổi, cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đâm theo một con tra…
Nhưng, cũng chính con ngưới ấy, bây giờ đã khác: Anh cao gấp hai trước, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật trước kia nay đổi thành vàng sạm, lại có thêm những nếp răn sâu hoắm. Cặp mắt giống hệt cặp mắt bố anh ngày trước, mi mắt viền đỏ húp mọng lên (…). Anh đội một cái mũ lông chiên rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm, tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài. Bàn tay này cũng không phải là bàn tay tôi còn nhớ, hồng hào, lanh lẹn, mập mạp, cứng rắn, mà vừa thô kệch vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông.
Cái nhìn của tác giả về Nhuận Thổ phát hiện những điểm tương phản với nhau ngay trong một con người. Những điểm ấy vừa thể hiện nét đẹp trong tình cảm con người Nhuận Thổ chưa hẳn đã mất hết, vẫn còn, nhưng mới chớm hé thì phải dằn lại, kìm xuống, nhường chỗ cho thái độ nô lệ và ứng xử của một con người đã mất tự do: Nhuận Thổ dừng lại, nét mặt vừa hớn hở vừa thê lương, môi mấp máy nhưng cũng không nói ra tiếng. Rồi bỗng anh lấy một dáng điệu cung kính, chào rất rành mạch: Bẩm ông ! (…) Tôi hỏi thăm gia đình anh. Anh chỉ lắc đầu: Bẩm, vất vả lắm! Cháu thứ sáu cũng đã giúp được việc, nhưng nhà vẫn không đủ ăn, lại có được sống yên ổn đâu!… Chỗ nào cũng hỏi tiền, chẳng có luật lệ gì cả. Mùa lại mất. Trồng được gì là gánh đi bán tất. Chỉ đóng góp vài lần là cụt vốn rồi. Không đem bán thì lại thối mục hết.
Trong cái nhìn và biểu đạt của tác giả, Nhuận Thổ vừa có sự khác biệt của ngày nay so với ngày xưa ở dáng hình, hành động, lời nói, thái độ, tính cách, vừa có chút thoáng của cái ngày xưa vương lại nối liền hai Nhuận Thổ của hai thời gian khác nhau. Đó là tình cảm tốt đẹp của Nhuận Thổ đối với Tấn ngày xưa và cho đến lúc bấy giờ vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Nhưng Nhuận Thổ không dám thổ lộ, không dám bộc bạch một cách tự nhiên theo lẽ phải của một người tự do. Theo đó, nỗi buồn cho thân phận con người được đẩy cao lên: Người ta không dám sống với những gì tốt đẹp, tự nhiên, mà buộc phải ép mình sống với những khuôn phép vô lý và bất nhân.
Như vậy, tác giả chọn hai điểm nhìn về một không gian, nhưng ở hai thời gian khác nhau. Và chính bởi thời gian khác nhau nên một không gian nhưng thành hai không gian, vì nội dung của không gian đã biến đổi. Trong không gian của ngày xưa ấy, Nhuận Thổ đẹp như tiên đồng, tình bạn của Nhuận Thổ và Tấn trong sáng thơ ngây, chứa chan tình cảm, còn thím Hai Dương là Tây Thi… Thế nhưng, cũng tại không gian ấy, bây giờ thì con người tàn tạ, héo úa, băng hoại theo thời gian bởi những nỗi khổ của đời người bị áp bức, bóc lột. Bên cạnh điểm nhìn chính về nhân vật Nhuận Thổ, để quan niệm về con người được mở rộng và nâng cao thành tầm phổ quát chứ không chỉ cá biệt trong mỗi nhân vật Nhuận Thổ, tác giả thiên truyện chuyển cái nhìn sang những nhân vật phụ, tiêu biểu là nhân vật thím Hai Dương của ngày xưa nhân ái tươi đẹp như Tây Thi, nhưng bây giờ tàn tạ:
Tôi giật mình, vội ngẩng đầu lên thì trông thấy một người đàn bà, trên dưới năm mươi tuổi, lưỡng quyền nhô ra, môi mỏng dính, hai tay chống nạnh, không buộc thắt lưng, chân đứng dạng ra, giống hệt cái com-pa trong bộ đồ vẽ, hai chân bé tí; Và bây giờ, chị ta trở nên hư đốn, lưu manh: Chị ta đứng cạnh đống tro, moi ra hơn mười chiếc, cả bát lẫn đĩa, bàn tán một hồi rồi nói quyết rằng Nhuận Thổ vùi vào đấy để khi nào xúc tro là mang đi luôn. Chị ta khám phá ra việc đó, tự cho mình là có công, liền lấy ngay cái “cầu khí sát” (…) rồi chạy biến.
Con người trong không gian hiện tại được đặt trên cái nền của mùa đông lạnh giá, u ám: Đang độ giữa đông, gần về đến làng, trời lại càng u ám. Gió lạnh lùa vào khoang thuyền, vi vu. Nhìn qua các khe hở mui thuyền, thấy xa xa thấp thoáng mấy thôn xóm tiêu điều, hoang vắng, nằm im lìm dưới vòm trời màu vàng úa. Nhưng đó là không gian mở đầu truyện, là kênh dẫn, lối vào hiện thực của những thân phận người buồn thảm. Còn không gian kết truyện là một mảng khác, với những sắc màu vũ trụ, thiên nhiên và triết luận của tác giả hàm chứa những sự đổi thay, những hy vọng tốt đẹp hơn: Tôi đang mơ màng thì trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng một cánh đồng cát, màu xanh biếc, cạnh bờ biển, trên vòm trời xanh đậm, treo lơ lửng một vừng trăng tròn vàng thắm. Tôi nghĩ bụng: Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.
Tóm lại, với Cố hương, Lỗ Tấn thể hiện một quan niệm nghệ thuật mới về con người: Con người với sự hao tàn, phôi phai, băng hoại, tha hóa theo thời gian bởi những cơ cực, vất vả trong cuộc sống áo cơm, gia đình, bởi những áp chế xã hội. Toàn bộ các phương diện khác của thi pháp truyện như không gian, thời gian, các thủ pháp miêu tả, phẩm bình, triết luận đều tập trung thể hiện quan niệm đó. Tuy nhiên, vượt lên trên cái nền xám lạnh, buồn thảm của không gian và thân phận con người là ánh sáng của lương tri, ánh sáng trong cách nhìn hiện thực, thương cảm con người và từ tâm thế của nhân vật người kể chuyện – một nhà tư tưởng và cải cách, một người mở đường đã hé lộ những hy vọng mới tốt đẹp hơn cho con người.