Phân tích truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp (dưới góc độ thi pháp)
Những tác phẩm văn học xuất sắc dù thuộc một dân tộc nào đấy, trước hết mang tính dân tộc, nhưng bao giờ cũng đạt tới tính nhân loại. AQ chính truyện của Lỗ Tấn, Chí Phèo của Nam Cao…, và Người trong bao của A.P. Sê-khốp là những trường hợp như thế. Với nhân vật AQ là phép thắng lợi tinh thần, với Chí Phèo là muốn làm lương thiện nhưng không được, với Bê-li-cốp là tất tần tật mọi thứ đều giấu trong bao. Đó là những thứ bệnh của con người, những cũng là những bi kịch, những nỗi đau tinh thần của con người như là những cái ách, những dị tật mà con người phải mang gánh bởi những áp chế từ nhiều phương diện của xã hội. Cũng như với của AQ, Chí Phèo, vấn đề của nhân vật Bê-li-cốp không chỉ là vấn đề của người Nga thời bấy giờ, mà là vấn đề cho đến nay vẫn còn tính phổ quát của nhân loại.
Đặc sắc về mặt thi pháp của thiên truyện thể hiện ở quan niệm, cái nhìn và điểm nhìn nghệ thuật về con người. Về quan niệm nghệ thuật, truyện toát lên rằng, con người như là một dạng sản phẩm tất yếu của xã hội, tính đặc thù của con người ở một giai đoạn nào đấy, cả về ngoại hình và tính cách, tinh thần là sự phản ánh những đặc thù của giai đoạn xã hội ấy. Chính xã hội Nga thời kỳ cuối thế kỷ XIX đã đẻ ra anh chàng người trong bao dị hình, dị tính Bê-li-cốp vừa đáng cười trách, vừa đáng thương cảm.
Với quan niệm như thế, trong truyện ngắn Người trong bao, cái nhìn nghệ thuật của nhà văn thể hiện ở hai bình diện chính. Thứ nhất là ở bình diện hẹp với cấp độ trực cảm, qua việc miêu tả, tường thuật về cuộc đời và số phận nhân vật Bê-li-cốp, nhân vật chính của thiên truyện. Thứ hai là ở bình diện rộng, Người trong bao được xem xét ở một số đặc điểm có tính phổ quát của con người trong xã hội Nga lúc bấy giờ. Theo đó, ý nghĩa của Người trong bao là ở cấp đánh giá, cấp triết lý.
Ở bình diện thứ nhất, điểm nhìn về nhân vật người trong bao, Bê-li-cốp là điểm nhìn của người thuật chuyện Bu-rơ-kin. Điểm nhìn này được thể hiện ở các đặc điểm cụ thể của nhân vật Bê-li-cốp: Hắn ta nổi tiếng về điều là lúc nào cũng vậy, thậm chí cả vào khi rất đẹp trời, hắn đều đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông. Ô hắn để trong bao, chiếc đồng hồ quả quít cũng để trong bao bằng da hươu; và khi rút chiếc dao nhỏ để gọt bút chì thì chiếc dao ấy cũng đặt trong bao; cả bộ mặt hắn ta nữa dường như cũng ở trong bao vì lúc nào hắn ta cũng giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên…
Điểm nhìn nhân vật chuyển từ các chi tiết cụ thể sang khái quát: Nói tóm lại, con người này lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt thu mình vào trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một thứ bao có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài. Như vậy, không chỉ về ngoại hình và các vật dụng được đặt trong bao, che trong bao, mà quan trọng nhất là về tư tưởng và ý nghĩ của Bê-li-cốp cũng được giấu trong cái bao.
Cái nhìn nghệ thuật di chuyển từ miêu tả sang đan xen miêu tả với tường thuật và kể chuyện. Như thế, nhân vật không chỉ được thể hiện, mà còn được tự thể hiện qua ngôn từ, hành vi và trong quan hệ với nhân vật khác. Tính chất trong bao của Bê-li-cốp tiếp tục được thể hiện qua câu chuyện về ý định lấy vợ của anh ta, và nhất là qua cuộc gặp gỡ và đối thoại của nhân vật này với Cô-va-len-cô, em trai của cô gái Va-ren-ca, người mà anh định lấy làm vợ. Trong cuộc đối thoại này, tính chất trong bao ở quan điểm và suy nghĩ của Bê-li-côp là cho rằng hoạt động đi xe đạp của hai chị em Va-ren-ca là không tốt, không đứng đắn, là buông thả, không tôn trọng chính quyền. Hơn nữa, việc Bê-li-cốp nói với Cô-va-len-cô rằng sẽ báo với ngài hiệu trưởng những chuyện đó, thực chất không phải có ý đồ xấu muốn hại hai chị em Cô-va-len-cô, mà là để cho mọi thứ cũng phải vào trong bao thì mới hợp lệ, hợp lẽ, hợp tình.
Trong tác phẩm, ngoài nhân vật Bu-rơ-kin là người dẫn và kể chuyện, I-van là người nghe chuyện và bình phẩm, còn có các nhân vật khác là hai chị em Va-renca và Cô-va-len-cô. Hai nhân vật chị em Va-ren-ca là những nhân vật phụ, là nhân vật chức năng tạo tình huống để nhân vật chính biểu lộ và thể hiện hành vi, suy nghĩ và tư tưởng của mình. Khác với hai nhân vật chị em Cô-va-len-cô, nhân vật bác sĩ I-van cũng là nhân vật phụ, lại có ý nghĩa trong cái nhìn nghệ thuật của tác giả. Có thể coi nhân vật I-van là một phần của hình tượng tác giả. Các nhận xét, triết lý và đánh gia của I-van thể hiện cái nhìn nghệ thuật của tác giả ở diện rộng, diện tổng hợp và triết luận: Đó, vấn đề là ở chỗ đó. Chúng ta sống chui rúc ở thành phố này trong không khí ngột ngạt. Chúng ta viết những thứ giấy tờ vô dụng, đánh bài đánh bạc – những cái đó không phải là một cái bao sao? Chúng ta sống cả đời bên những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ xui nguyên giục bị, những mụ đàn bà nhàn rỗi ngu si, chúng ta nói và nghe đủ thứ chuyện nhảm nhí, vô nghĩa – đó chẳng phải là một thứ bao sao? Chính đấy mới là điều đáng nói! (…) Không thể sống mãi như thế được!
Đoạn văn cho thấy cái nhìn nghệ thuật của nhà văn thể hiện ở bình diện rộng qua việc di chuyển điểm nhìn từ trường hợp người trong bao Bê-li-cốp cụ thể, xác thực, chi tiết sang những con người khác có cuộc sống, sinh hoạt khác nhau với Bê-li-côp về hình thức, đặc điểm nhưng lại giống nhau với Bê-li-côp về bản chất vấn đề. Thực chất, tất cả đều là người trong bao. Do vậy, cái nhìn nghệ thuật của tác giả đã di chuyển điểm nhìn từ không gian cụ thể, trực cảm sang nhận xét, đánh giá; từ không gian hẹp sang không gian rộng, từ không gian cá nhân sang không gian xã hội; từ địa hạt sinh hoạt sang địa hạt tư tưởng.
Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn ở tác phẩm Người trong bao mang tính triết học, thẩm mỹ, mà nguồn gốc là từ tư duy nghệ thuật, tư tưởng nghệ thuật về quyền sống của con người trước cái thực trạng bi thảm, tẻ nhạt, vô vị, bế tắc của những con người đang sống trong xã hội Nga đương thời. Tác phẩm là một áng văn đả kích lên đến tuyệt đỉnh: hình thù, tên họ nhân vật đã thành một cái sự, đã thành một hình dung từ ngày nay vẫn còn tác dụng lớn.