Phân tích truyện ngắn Số phận con người của Sô-lô-khốp (dưới góc độ thi pháp)
Kiệt tác Số phận con người của Sô-lô-khốp thể hiện một quan niệm nghệ thuật về con người thấm đẫm chất hiện thực và tính nhân văn cao cả. Như chiếc lá trong cơn giông bão, con người giữa bão tố của chiến tranh phải chịu biết bao cay đắng, mất mát, hy sinh. Nhưng, những con người của một cuộc chiến vĩ đại vì nhân loại, vì hòa bình sẽ không gục ngã dù cuộc chiến đã tạo nên những mất mát to lớn, bởi trong họ, ngoài lòng căm thù cái ác của thế lực phi nghĩa, bạo tàn, vẫn luôn đầy ắp những tình cảm với Tổ quốc mình, và đặc biệt là lòng nhân ái, bao dung, vị tha cùng khát vọng sống an bình trong tình yêu thương của con người. Đó là ý tưởng lớn thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người bao trùm toàn bộ thiên truyện và thể hiện đậm nét trong phần cuối của tác phẩm.
Trong Số phận con người của Sô-lô-khốp, con người được đặt trên nền của chiến tranh li loạn, mất mát và chết chóc, phiêu bạt và cô đơn. Nghĩa là số phận con người được rọi từ chiến tranh, tham chiếu từ chiến tranh như là hệ quả của chiến tranh. Dù thiên truyện không trực tiếp miêu tả chiến tranh nhưng cái bóng của nó, ám lực của nó, hơi hướng của nó qua hồi ức và lời thuật của các nhân vật, nhất là của An-đrây Xô-cô-lốp vẫn trùm chụp, bủa vây không gian nghệ thuật của thiên truyện.
Con người Nga trong thời đại đó được nhìn ở nhiều chiều kích, dù họ không phải là kẻ gây chiến tranh, nhưng buộc phải tham gia cuộc chiến thế giới lần thứ II để vệ quốc, để chống lại chủ nghĩa phát – xít và góp phần bảo vệ, giải phóng dân tộc và nhân loại. Về phương diện con người xã hội, họ chịu nhiều tổn thất, hy sinh nhưng vẫn hoàn thành bổn phận và nghĩa vụ công dân, cả nhân vật An-đrây Xô-cô-lốp và chú bé Va-ni-a đều chịu những tổn thất to lớn về gia đình trước khi họ gặp nhau. Về phương diện tâm hồn và nhân cách, họ là những con người nhân hậu, khát khao tình cảm gia đình và lòng thương yêu con người vô bờ bến. Mặt thứ hai này chính là điểm sáng và cũng là sự thẳm sâu đậm chất nhân văn của hai bố con An-đrây Xô-cô-lốp và Va-ni-a.
Cuộc chiến qua đi, mọi người thân trong hai gia đình của hai con người này đều hi sinh, chỉ trơ lại mỗi họ trên cái nền thương đau, nhưng họ đã có nhau – như một điểm sáng hội tụ ánh sáng của những nguồn sáng đơn lẻ, tạo nên sức ấm nóng của tình người và tạo nên niềm tin cho tương lai. Đó là quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả thiên truyện Số phận con người Đó cũng là sự tương đồng khá sâu sắc với quan niệm của Sô-lôkhốp trong Sông Đông êm đềm, khi mà sau thời gian trải qua bao nhiêu chiến trận với bao cuộc chém giết, bao sự thù hận, hiểu nhầm, bao cuộc tình trong và ngoài hôn thú…, để cuối cùng, ngày trở về, Gri-gô-ri Mê-lê-khốp gặp đứa con trai bé bỏng của mình ở bến sông quê và ôm ghì lấy nó như cái giá trị quí báu đích thực nhất của cuộc đời mình.
Về thời gian nghệ thuật: Số phận con người phản ánh cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời quá khứ của hai nhân vật chính An-đrây Xô-cô-lốp và Va-ni-a không được miêu tả trực tiếp mà chỉ được tái hiện qua hồi ức của các nhân vật này. Với An-đrây Xô-cô-lốp thì là quá khứ êm đềm, hạnh phúc khi anh cùng sum vầy cùng gia đình, gồm vợ và các con, nhưng cũng là đau thương tột cùng khi anh biết tin vợ và hai con gái của anh đã bị bom của quân phát xít giết hại từ giữa năm 1942.
Và nỗi đau đó càng to lớn hơn, gần như chặt đứt niềm hy vọng cuối cùng của anh, đẩy anh vào tình thế vô cùng tuyệt vọng khi đứa con trai của anh, đại úy quân đội Xô-viết, chỉ huy một đơn vị pháo hy sinh và phải nằm lại ngay trên đất Đức, như lời anh tự thuật: Tôi đã chôn trên đất người, đất Đức, niềm vui sướng và hi vọng cuối cùng của tôi; đại đội pháo đã nổ súng vĩnh biệt tiễn người chỉ huy của họ tới nơi an nghỉ cuối cùng; trong người tôi như có cái gì đó vỡ tung ra… Tôi trở về đơn vị mình như người mất hồn.
Thời gian quá khứ của nhân vật An-đrây Xô-cô-lốp không chỉ được thuật lại theo dạng lời kể trực tiếp, mà còn qua những giấc mơ. Những hình ảnh xuất hiện trong giấc mơ vừa có ý nghĩa như sự thể hiện những ám ảnh, tiếc xót và thương cảm quá khứ của nhân vật, lại vừa vạch đôi quá khứ với hiện tại bằng hình ảnh hàng rào dây thép gai ngăn cách. Như vậy, tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ là làm gia tăng nỗi đau của nhân vật: Lại còn thêm một nỗi khổ tâm này nữa: Hầu như đêm nào tôi cũng chiêm bao thấy người thân quá cố. Và lúc nào cũng thế, tôi ở bên này, sau hàng rào dây thép gai, còn vợ con thì tự do ở bên kia… Tôi nói đủ chuyện với I-ri-na, với các con nhưng chỉ vừa toan lấy tay đẩy dây thép gai ra, thì vợ con lại rời bỏ tôi, cứ như là vụt tan biến mất…
Với Va-ni-a, quá khứ trong nỗi nhớ non nớt của cậu bé không nhiều, cậu chỉ nhớ lại và rỉ tai cho An-đrây Xô-cô-lốp biết bố đã chết ở mặt trận, và mẹ bị bom chết trên tàu hỏa khi mẹ con cháu đang đi tàu, còn từ đâu tới thì cháu không biết, không nhớ; về bà con thân thuộc thì không có ai cả. Có một chi tiết đáng chú ý như kỉ niệm thân thương của Va-ni-a chính là trí nhớ của cậu về cái áo bành tô da của bố cậu.
Cũng như với An-đrây Xô-cô-lốp, thời gian quá khứ của Va-ni-a được tái hiện trong nỗi đau, bằng nỗi đau bởi sự hi sinh mất mát tất cả những người thân yêu trong gia đình đã chết vì chiến tranh. Mặt khác, mối dây liên hệ với quá khứ chỉ còn lại là những hư ảo qua giấc mơ, mà với An-đrây Xô-cô-lốp thì bị ngăn cách bởi hàng rào dây thép gai, còn với Va-ni-a thì như quầng sáng mùa hạ, soi sáng tất cả trong chốc lát rồi vụt tắt. Tín hiệu thẩm mỹ chung trong thời gian quá khứ với họ là xót xa, trống trụi. Điều đó là hiện thực của số phận con người, rất nhiều những con người còn sống sót sau chiến tranh phải đối mặt với thực trạng mất hết người thân yêu trong gia đình, và phải tồn tại cô đơn, lẻ loi một mình trong thời hậu chiến. Đồng thời, đó cũng là một dụng ý trong thi pháp xây dựng nhân vật của tác giả: Hai nhân vật, bố An-đrây Xô-cô-lốp và con Va-ni-a đã bị cắt đứt hết mọi mối dây quan hệ thực tế xã hội với những người thân yêu trong gia đình mình, họ bị đẩy tới tận cùng đầu mút của cô độc, đơn lẻ, buồn thương. Đó là điều kiện để đẩy tới cao trào cả hai bố con ùa vào nhau, yêu thương và nương tựa, hy vọng vào nhau trong hiện trạng của thời gian hiện thực cũng đang đầy khó khăn, thử thách, nhưng ngập tràn yêu thương.
Do vậy, thời gian hiện tại là mảng thời gian được tập trung đề cập với dung lượng lớn nhất, như điểm nhấn về mối quan hệ yêu thương đầy xúc cảm của hai bố – con An-đrây Xô-cô-lốp và Va-ni-a. Khoảng thời gian này được tính kể từ khi An-đrây Xô-cô-lốp gặp Va-ni-a, dõi theo, quan sát, nhận mình là bố của Va-ni-a, sống chung với nhau cho tới khi cả hai bố – con xuống phà đi tới Ka-sa-rư. Khoảng thời gian này được thể hiện cùng với những mảng không gian khá đa dạng thể hiện những chiều kích tình cảm của mối quan hệ giữa An-đrây Xô-cô-lốp và Va-ni-a: Thời gian gặp gỡ và nhận bố – con, thời gian rong ruổi cùng nhau trên chiếc xe chở thóc, thời gian tâm sự, thời gian trong những giấc ngủ… Mỗi điểm thời gian, tình cảm hai bố con biểu đạt những cung bậc, sắc thái khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện một tín hiệu thẩm mỹ chung là yêu thương nhau, cần đến nhau. Thời tương lai không được nói tới, nhưng như phần trữ tình của nhân vật kể chuyện, đó là một tương lai chắc chắn sẽ hạnh phúc, dù cho có gặp bất cứ khó
khăn nào, thử thách nào thì họ cũng sẽ vượt qua.
Theo lô gic của mạch truyện, quá khứ của cả hai người đã chặn mất lối về của mỗi người với từng gia đình riêng, họ có chung nỗi đau, chung khát vọng sống, và đã trải qua thời hiện tại như một quãng đời ngập tràn hạnh phúc và như là một sự trải nghiệm. Theo đó, chính quá khứ và hiện tại đó là những tiền đề cho một tương lại hạnh phúc. Đúng như lời trữ tình đầy xúc cảm của nhân vật kể chuyện, mà cũng là niềm tin vững chắc của độc giả: Cái gì đang chờ đón họ ở phía trước? Thiết nghĩ rằng con người Nga đó, con người có ý chí kiên cường, sẽ đứng vững được và sống bên cạnh bố, chú bé kia một khi lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi chướng
ngại trên đường nếu như Tổ quốc kêu gọi. Không gian nghệ thuật của truyện có ba mảng đan cài, tương tác để cùng thể hiện tư tưởng và thẩm mỹ về thân phận con người: Không gian chiến tranh, không gian hậu chiến tranh và không gian tâm tưởng.
Không gian chiến tranh không được miêu tả trực tiếp, nhưng trong không khí thẩm mỹ của truyện, nó vẫn luôn trùm chụp, phổ cái bóng khủng khiếp của nó xuống đời thường, vào từng mảnh đời, từng thân phận. Bằng lời thuật truyện của các nhân vật, không gian chiến tranh hiện hữu qua những hi sinh, mất mát của các nhân vật chính, nhất là tình tiết vợ và ba con của An-đrây Xô-cô-lốp, bố mẹ của Va-ni-a. Dù phần lớn dung lượng câu chuyện, tác giả tập trung cho không gian hậu chiến tranh – không gian đời thường, thế nhưng nó vẫn luôn nằm trong hệ tham chiếu của không gian chiến tranh, đời thường hậu chiến tranh là hậu quả của chiến tranh. Nghĩa là không gian chiến tranh thâm nhập, tác động vào số phận con người thời hậu chiến tranh, không chỉ trong lao động, sinh hoạt hằng ngày, mà ngay cả trong những giấc mơ.
Trong mảng không gian hậu chiến, tác giả tập trung cho những sắc thái của mối quan hệ bố – con An-đrây Xô-cô-lốp và Va-ni-a giữa đời thường. Trong đó, không gian yêu thương được đặc tả như điểm nhấn cho Số phận con người. Mở đầu cho không gian đó là hoạt cảnh sinh hoạt của Va-ni-a qua quan sát của Anđrây Xô-cô-lốp, kế đến là không gian đối thoại làm quen giữa hai người, và đẩy tới cao trào: Những giọt nước mắt nóng hổi sôi lên ở mặt tôi, và lập tức tôi quyết định: “Không thể để cho mình với nó chìm nghỉm riêng rẽ được! Mình sẽ nhận nó làm con”. Ngay lúc ấy, tâm hồn tôi bỗng nhẹ nhõm và bừng sáng lên. Tôi cúi xuống bên nó khẽ hỏi: “Va-niu-ska, có biết ta là ai không nào?”. Nó hỏi lại nghẹn ngào: “Thế chú là ai?” Tôi nói lại cũng khẽ như thế: “Ta là bố con!”
Tác giả đặc tả tình tiết biểu lộ cảm xúc của Va-ni-a khi khi nghĩ An-đrây Xô-cô-lốp là bố của mình thật, và xúc cảm của An-đrây Xô-cô-lốp trước sự biểu cảm đầy xúc động của Va-ni-a: Trời ơi, thật không thể tưởng tượng được. Nó nhảy chồm lên cổ tôi hôn vào má, vào môi, vào trán và như con chim chích, nó ríu rít líu lo vang rộn cả buồng lái: “Bố yêu của con ơi! Con biết mà! Con biết thế nào bố cũng tìm thấy con mà! Con chờ mãi mong được gặp bố!”. Nó áp sát vào người tôi, toàn thân cứ run lên như ngọn cỏ trước gió. Còn mắt tôi thì cứ mờ đi, cả người cũng run lên, hai bàn tay lẩy bẩy…
Trong không gian hiện thực đời thường này, mối quan hệ giữa hai nhân vật bố – con này tiếp tục được triển khai ở những hoàn cảnh khá tiêu biểu, khi thì trên buồng lái ô tô, trong đối thoại bất chợt khi người bố phải trả lời liên tục những câu hỏi của người con, khi là trong giấc ngủ êm đềm, hạnh phúc: Tôi thức giấc, thấy nó rúc vào nách tôi như con chim sẻ dưới mái rạ, ngáy khe khẽ, tôi thấy lòng vui không lời nào tả xiết…
Đan cài với không gian hiện thực đời thường trong mối quan hệ giữa hai bố con, thi thoảng, tác giả điểm xuyết một vài nét về không gian tâm tưởng: Với Va-ni-a là những lúc chú bé trầm tư và bất chợt nêu câu hỏi có nội dung hàm ẩn về những băn khoăn về người bố hiện tại khi quá khứ về người bố ngày xưa bất chợt lóe lên, thức dậy, chẳng hạn: Có hôm trời còn sáng, hai bố con đã đi nằm ngủ – ban ngày tôi làm việc mệt lử người – còn nó, lúc thì cứ luôn luôn ríu rít như chim sẻ, có lúc không hiểu sao lại cứ tự nhiên im lặng. Tôi hỏi: “Con trai bố đang nghĩ gì đấy?”. Nó hỏi lại, mắt nhìn lên trần: “Bố ơi, cái áo bành tô bằng da của bố đâu rồi?”. Với An-đrây Xô-cô-lốp, ám ảnh về vợ con đã mất trong nỗi buồn thương đã hiển thị thành những giấc mơ đẹp nhưng buồn bởi sự ngăn cách giữa người sống với những người đã mất.
Tóm lại, sức chinh phục của thiên truyện tuyệt bút Số phận con người bắt nguồn từ nhiều lẽ, trong đó, có cái lẽ cơ bản là quan niệm nghệ thuật về con người mang tính hiện thực và nhân văn sâu sắc của tác giả. Thời gian, không gian nghệ thuật và bút pháp kể chuyện đã thực sự là những phương diện thể hiện quan niệm sâu sắc và đẹp đẽ đó.