Phân tích vẻ đẹp của sông Hương qua ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.
- Mở bài:
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học kháng chiến. Ông trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông có thế mạnh viết tùy bút. Những tác phẩm của ông ghi nhận đặc sắc vẻ đẹp của non sông đất nước. Đồng thời cũng bộc lộ tình yêu nước thiết tha, đằm thắm. “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là bài bút kí xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tác phẩm viết về dòng sông trữ tĩnh, thơ mộng của xứ Huế. Mạch cảm xúc của bài kí chính là vẻ đẹp đặc trưng, riêng biệt của con sông duy nhất chảy qua dòng thành phố Huế. Dấu ấn của tác giả để lại trong bài bút kí này đó là cách nhìn độc đáo mang tính phát hiện của Hoàng Phủ Ngọc Tường về vẻ đẹp của dòng sông Hương. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất tài tình khi lột tả được hết vẻ đẹp và linh hồn của dòng sông mang đặc trưng của Huế này.
- Thân bài:
Cảm hứng chủ đạo của bài lí là vẻ đẹp của dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế. Dòng sông quê hương được soi chiếu từ nhiều góc độ của lịch sử, địa lý, văn hóa… Qua những suy tư và liên tưởng, dòng sông đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của đất cố đô với trang sử vẻ vang, với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trở thành biểu tượng cho văn hóa và tâm hồn con người xứ Huế. Bài tùy bút mang đậm phong cách tùy bút bởi giọng văn phóng túng và sự bộc lộ cái “tôi” suy tư, trữ tình của nhà văn.
Hình tượng con sông Hương được nhà văn khám phá từ nhiều điểm nhìn và nhiều góc độ khác nhau. Đó là một vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên. Trước hết là vẻ đẹp của sông Hương được phát hiện ở cảnh sắc thiên nhiên. Nhà văn phát hiện sông Hương có vẻ đẹp thiên tạo, có sức sống mãnh liệt, phóng khoáng, hoang dại và đầy cá tính. Tác giả phát hiện ra cái thế chảy cuộn xoáy của dòng nước sông Hương khi ở thượng nguồn mạnh mẽ, phóng khoáng và man dại như một cô gái Di-gan. Nó “rầm rộ” và “mãnh liệt” vô cùng. Nó giống như một bản trường ca của rừng già khi nó đi qua giữa lòng Trường Sơn. Sông Hương tô điểm cho vẻ đẹp Trường Sơn vốn đã rất kì vĩ thêm lớn lao hơn. Sông Hương mềm mại đem đến sự dễ chịu trong bức tranh núi non trùng điệp. Nó xoa dịu những khổ ngọc của núi rừng khắc nghiệt. Mỗi khi ta từ núi cao xuống thấp, sông Hương mang đến một vẻ dễ chịu êm ái.
Sông Hương có vẻ đẹp “dịu dàng và trí tuệ” đi qua đất Huế. Nó trở thành “người mẹ phù sa” của một vùng văn hóa đất đế đô. Người mẹ ấy hiền hòa và bao dung ôm lấy vừng đất thanh bình. Từ bao đời nay, sông Hương mang đến cho con người sự tr phú, thịnh vượng. Đôi khi, nó trầm tư như đang nghĩ ngợi về một điều gì đó xa xăm khó hiểu. Sông Hương lại có vẻ đẹp biến ảo như phản quan nhiều màu sắc của nền trời Tây Nam thành phố. Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím. Mỗi thời khắc một sắc màu, huyền ảo vô cùng. Sông Hương có vẻ đẹp “trầm mặc” khi lặng lẽ chảy dưới rừng thông u tịch. Với những lăng mộ âm u và kiêu hãnh của các vua chúa triều Nguyễn nó có vẻ đẹp mang màu sắc triết lí cổ thi. Hay khi đi trong âm hưởng ngân nga của tiếng chuông chùa Thiên Mụ.
Sông Hương có vẻ đẹp “vui tươi” khi đi qua những bãi bờ xanh biết của vùng ngoại ô Kim Long. Có vẻ đẹp “mơ màng trong sương khói” khi nó rời xa thành phố để đi qua những nương dâu, lũy trúc và những thảm cau thôn Vĩ Dạ. Sông Hương quả thực là một kiệt tác của thiên nhiên hoang dại và trữ tình. Dòng sông chảy qua nhiều vùng thiên nhiên của đất nước. Con sông được nhà văn nhìn nhận trong mối quan hệ mật thiết gắn bó với cảnh sắc thiên nhiên hai bên bờ sông. Khác với cách nhìn nhận miêu tả của Nguyễn Tuân đối với con sông Đà.
Sông Hương đẹp lộng lẫy khi đi vào văn hóa nghệ thuật. Sông Hương gắn liền với âm nhạc. Mà đặc biệt là nhã nhạc Cung đình Huế. Sông Hương còn gắn liền với thơ ca. Hình ảnh con sông đã đi vào thơ của của thi nhân bao đời nay. Từ Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà cho đến nhà thơ Tố Hữu. Mỗi nhà thơ có cách cảm nhận riêng mà nhờ con sông Hương hiện lên với nhiều hình ảnh thật lạ, thật đẹp. Với một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, một vốn văn hóa phong phú về Huế, một tình cảm vô cùng thiết tha gắn bó với Huế, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã huy động triệt để mọi tiềm năng văn hóa cùng với ngôn từ giàu có của mình để phát hiện, diễn tả vẻ đẹp và chất thơ của Huế, được thể hiện tập trung dòng sông Hương như một biểu tượng của Huế.
Vẻ đẹp của sông Hương cũng được tác giả nhìn nhận trong mối tương quan của nó với những vùng đất. Đi qua mỗi vùng đất, nó lại có một nét đắc trưng riêng. Cũng chính vì vậy mà vẻ đẹp của con sông Hương hiện lên thật đa dạng và phong phú. Tác giả gắn sông Hương với âm nhạc cổ điển Huế, với không gian nhã nhạc cung đình – một di sản văn hóa thế giới được Unessco công nhận. Nhà văn phát hiện sông Hương là dòng sông văn hoá và thi ca. Sông Hương cũng là đối tượng thẩm mĩ, là nguồn cảm hứng của thi nhân bao đời nay. Do vậy, còn có cả một dòng thi ca về sông Hương. Sông Hương gắn bó trong cái nôi của nền âm nhạc, thi ca dân gian, cổ điển Huế. Sông Hương lung linh trong cái nhìn tinh tế của Tản Đà, sông Hương là “dòng sông trắng, lá cây xanh”. Trong cái hùng tâm tráng chí của Cao Bá Quát, dòng sông như “kiếm dựng trời xanh”. Trong nỗi “quan hoài vạn cổ” của Bà huyện Thanh Quan, Hương Giang luôn in “Trời chiều bản làng bóng hoàng hôn”. Trong cái nhìn lạc quan, “cái nhìn phục sinh” của Tố Hữu thì “Sông Hương quả thật là kiều, rất kiều”. Tác giả đặt mình trong tư thế và tâm thế văn hoá của một con người để chiêm ngưỡng vẻ đẹp sông Hương, nên đã phát hiện ra trong chiều sâu linh hồn của sông Hương chứa đựng bản sắc rất đặc trưng và thật phong phú của một nền văn hoá.
Sông Hương được tác giả nhìn nhận từ góc độ lịch sử. Nó là hiện thân, là bộ mặt, là linh hồn của xứ Huế. Sông Hương gắn liền với lịch sử của đất cố đô. Từ thuở xa xưa, nó là dòng sông biên thùy với nước Đại Việt. Trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi, là dòng sông thiêng với cái tên Linh Giang cổ kính. Sông Hương cũng từng soi bóng kinh thành Phú Xuân của Nguyễn Huệ. Nó từng chứng kiến những ngày xôi nổi Cách mạng thánh Tám năm 1945. Rồi đến cả chiến dịch Mậu Thân 1968.
Nhà văn nhìn sông Hương trong góc nhìn đời thường: sau những biên cố lịch sử thăng trầm nhưng hết sức oai hùng của dân tộc, sông Hương trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước. Soi bóng tâm hồn với tình yêu say đắm, lắng sâu niềm tự hào tha thiết quê hương xứ sở vào đối tượng miêu tả khiến đối tượng trở nên lung linh, huyền ảo, đa dạng như đời sống, như tâm hồn con người. Tác phẩm khẳng định sức liên tưởng kì diệu, sự hiểu biết phong phú về kiến thức địa lý, lịch sử, văn hoá nghệ thuật và những trải nghiệm của bản thân nhà văn.
Đoạn trích bài bút ký mang đậm phong cách của thể tùy bút vì chất tự do phong túng và hình tượng cái “tôi” tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một hồn thơ thực sự trong văn xuôi với trí tưởng tượng lãng mạn và những xúc cảm sâu lắng. – Từ tình yêu say đắm với dòng sông quê hương, từ những hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lý, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm hiện lên những vẻ đẹp khác nhau của sông Hương trong một văn phong tao nhã, hướng nội, qua đó người đọc nhận ra tình yêu và sự gắn bó tha thiết của một trí thức yêu nước với cảnh sắc quê hương và lịch sử dân tộc. Có lẽ đối với Hoàng Phủ Ngọc tường nói riêng, với nhân dân Huế nói chung thì sông Hương chính là biểu tượng đẹp đẽ của xứ Huế suốt mấy nghìn năm lịch sử.Bằng ngòi bút tinh tế, cảm xúc chân thành và tấm lòng yêu thương sâu sắc, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về sông Hương – một vẻ đẹp rất riêng, rất dịu dàng, rất Huế.
Ngôn ngữ trong sáng, phong phú, uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu chất thơ, sử dụng nhiều phép tu tư như so sánh, nhân hoá, ẩn dụ,… Bài kí có sự kết hợp hài hoà cảm xúc, trí tuệ, chủ quan và khách quan. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vẽ con sông Hương bằng ngôn ngữ nghệ thuật một cách tài tình. Sông Hương “vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đội ngột vẻ một đường cong thật tròn…”. Trong tác phẩm, nhà văn cũng sử dụng nhiều từ láy tạo hình đặc sắc. Một vài từ xuất hiện với tần số cao như: lặng lờ, lững lờ, bồng bềnh, ngập ngừng, lô xô, sừng sửng, lập lòe,… Và những so sánh táo bạo, gợi cảm như: “dòng sông như thành quách”, “mềm như tấm lụa”, “những chiếc thuyền ngược xuôi chỉ bé vừa bằng con thoi”, rồi “nhỏ nhắn như những vầng trăng non”,… Qua cách nhìn rất độc đáo ấy, tác giả cho thấy nét tài hoa của một ngòi bút ở thể bút kí; nét độc đáo trong ý tưởng phát hiện về phẩm chất của một dòng sông và hệ thống hình ảnh giàu sức gợi, tác giả đã tạo nên những xúc cảm sâu lắng trong tâm hồn người đọc.
- Kết bài:
Bài kí ngợi ca vẻ đẹp của dòng sông Hương và rộng hơn là vùng đất cố đô Huế đẹp thơ mộng hữu tình, ca ngợi lịch sử vẻ vang của Huế, ca ngợi văn hóa và tâm hồn người Huế. Tác giả coi sông Hương là biểu tượng cho tất cả những gì là vẻ đẹp của cảnh và người đất đế đô này. Bài kí chứng tỏ sự gắn bó máu thịt, tình yêu thiết tha với Huế và một vốn hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa đất cố đô của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Làm rõ ngòi bút tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?