Phân tích vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều được miêu tả trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều.
- Mở bài:
Truyện Kiều là một kiệt tác văn học của đại thi hào Nguyễn Du, được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian, trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc ta. Đoạn trích Chị em Thúy Kiều nằm ở phần mở đầu của Truyện Kiều, giới thiệu gia cảnh nhà Vương viên ngoại. Sau bốn câu thơ nói về gia cảnh gia đình nhà họ Vương (bậc trung lương, con gái út là Vương Quan) tác giả đã dành 24 câu thơ để nói về vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.
- Thân bài:
Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du giới thiệu khái quát chị em Thúy Kiều:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thân
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”.
Hai câu thơ đầu xác định lứa tuổi và vị trí hai chị em. “Tố nga” có nghĩa là cô gái đẹp. Đó không những là cái đẹp của lứa tuổi mà còn là cái đẹp của nhan sắc yêu kiều. Tiếp đến, bằng bút pháp ước lệ, tác giả gợi tả vẻ đẹp duyên dáng, thanh cao, trong trắng của hai người thiếu nữ:
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”.
Thúy Kiều và Thúy Vân được miêu tả là người có cốt cách thanh cao, đẹp đẽ như dáng mai. Không những thế, tâm hồn hai nàng trong sạch và tinh khôi như tuyết trắng. Thủ pháp ước lệ gợi cho người đọc hai hình dung tuyệt đẹp cả về hình dáng lẫn tâm hồn. Vẻ đẹp ấy đạt đến chuẩn mực mà xã hội phong kiến xưa cần có. Một vẻ đẹp hài hòa và toàn vẹn “mười phân vẹn mười”.
Dù là xinh đẹp hay kiều diễm đến mức nào thì cũng phải có giới hạn bởi dù sao Thúy Kiều Và Thúy Vân là con người chứ không phải là tiên nữ giáng trần. Thế nhưng, ở đây, Nguyễn Du muốn phá vỡ giới hạn đó. Ông muốn tạo ra một ngoại lệ, đưa vẻ đẹp của hai nàng đến độ hoàn hảo, hiếm có.
Và hai vẻ đẹp ấy dần dần hiện ra trước mắt người đọc như ánh sáng lúc bình minh ló rạng, khiến cho người đọc không khỏi ngỡ ngàng. Đầu tiên là vẻ đẹp của Thúy Vân. Nàng có một vẻ đẹp khác vời, làm ta cảm thấy gần gũi và ấm áp vô cùng:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”.
Qua bốn câu thơ, Thúy Vân hiện lên với vẻ đẹp đằm thắm lạ thường. Nàng có khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu (khuôn trăng đầy đặn), với nét ngài nở nang. Nụ cười của nàng rạng rỡ như đóa hoa đương thì đậm sắc trong vườn xuân (hoa cười). Giọng nói của nàng trong trẻo như tiếng ngọc ngà, cẩm thạch (ngọc thốt) biết bao mê li. Cử chỉ, hình dung đoan trang, thùy mị khiến cho người nhìn, người nghe càng thêm yêu mến trong lòng. Mái tóc nàng óng mượt và mềm mại như mây bay gió thổi. Làn da mịn màng, trắng đẹp như tuyết trắng non cao. Thật là càng nhìn càng thấy đắm say. Vẻ đẹp ấy làm cho đất trời phải thua, phải nhường, phải khiêm cung cúi đầu chào đón. Một vẻ đẹp tuyệt sắc nhưng điềm đạm, dự báo một tương lai êm đềm, hạnh phúc sẽ đến với nàng.
Đó là một vẻ đẹp trang trọng, cao sang của các công nương quý tử chỉ có thể có ở chốn lầu vàng gác ngọc. Thế nhưng, hoàn cảnh của Thúy Vân hết sức bình thường. Nàng là con dân một nhà “thường thường bậc trung”, không có gì nổi bậc. Đó là một vẻ đẹp trời đất hợp duyên mà có. Vẻ đẹp ấy do tạo hóa ban tặng, là thành quả của tổ tiên nhân đức nhiều đời tích tụ mà thành. Xưa nay ta chưa từng thấy tiên nữ, nay đọc Truyện Kiều mà được gặp tiên nữ vậy. Thật là một vẻ đẹp hiếm có ở trên đời. Ngoại hình và dung hạnh của Thúy Vân thể hiện nàng là một người con gái chuẩn mực, là một mẫu mực cần có của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến: hiền đức, phúc hậu và đoan trang hết mực.
Người đọc càng bất ngờ hơn nữa khi đọc bốn câu thơ tiếp theo miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều. Tưởng rằng người đẹp đến như Thúy Vân sẽ không thể nào có người đẹp hơn được nữa. Thế nhưng, dụng ý của Nguyễn Du thực chất là lấy vẻ đẹp của người em Thúy Vân làm cái nền để cho vẻ đẹp của người chị Thúy Kiều tỏa sáng, lung linh giữa đất trời:
“Kiều càng sắc xảo, mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm. liễu hờn kém xanh”.
Vẻ đẹp của Thúy Kiều hiện lên cái nền của Thúy Vân. Nguyễn Du đã rất tài tình khi tạo được một “lực đẩy”, tiếp tục cho người đọc chiêm ngưỡng hai tuyệt phẩm của đất trời. Không giống như Thúy Vân, Thúy Kiều có mang vẻ đẹp sắc xảo mặn mà hơn nhiều lần.
“Sắc xảo” là cái đẹp của tư dung thể hiện qua khuôn mặt, ánh mắt, giọng nói,… “Mặn mà” là cái đẹp của tâm hồn vừa nồng thắm của cung cách vừa sâu sắc của trí tuệ và tài năng. Ánh mắt nàng trong trẻo như mặt nước hồ thu (“làn thu thủy”) trong ngày gió lặng. Chân mày của nàng cong vút như dáng núi mùa xuân (“nét xuân sơn”) tràn đầy sức sống. Toàn thân nàng toát lên sức cuốn hút đến mê mị lòng người. Vẻ đẹp ấy đã khiến cho hoa ghen tức vì “thua thắm”, liễu hờn giận vì “kém xanh”.
Nguyễn Du đã dành những từ ngữ đẹp nhất của mình dành tặng ca ngợi vẻ đẹp của nhân vật Thúy Kiều. Đó là một vẻ đẹp toàn bích, trác việt, ngoại hạng; một vẻ đẹp có sức quyến rũ và chinh phục lòng người. Và còn hơn thế nữa, đó là một vẻ đẹp chưa từng có ở trên đời: “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”.
Nếu so về tài năng, có thể tìm thấy người thứ hai; còn vẻ đẹp của nàng là duy nhất. Một vẻ đẹp vượt qua mọi giới hạn mà có lẽ phải có duyên cơ ta mới được chiêm ngưỡng. Thế nên, vẻ đẹp độc nhất vô nhị ấy khiến cho đất trời nảy sinh đố kị, lòng người ganh đua. Điều đó dự báo một cuộc đời trắc trở, đầy sống gió mà Kiều sẽ trải qua. Cuộc đời vốn đa đoan, tài năng và xinh đẹp không phải là tội lỗi nhưng lòng người khó đoán, mệnh số trắc trở. Quân tử đa nan, hồng nhan bạc mệnh cũng là lẽ thường tình. Đó cũng là điều mà tác giả muốn gửi gắm khi xây dựng nhân vật này.
Tài năng vượt trội của Thúy Kiều tiếp tục được tác giả trình bày đoạn thơ sau. Nàng không chỉ tuyệt đẹp mà tài năng cũng đến độ phi phàm:
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”.
Thúy Kiều sinh ra vốn đã là người thông minh. Nhờ rèn luyện mà nàng cảng trở nên tinh tế, tài năng phát lộ ra ngoài. Những thú tiêu dao cao quý của người xưa (cầm, kì, thi, họa) nằng đều thành thạo hơn người. Âm luật xưa nay nàng đều thấu rõ. Lại thêm có tài trích âm tạo nên bản “Bạc mệnh” vô cùng tha thiết đến sầu não nhân gian. Có thể nói, nàng có tất cả các kĩ năng về nghệ thuật và ở lĩnh vực nào nàng cũng đạt đến tuyệt đỉnh. Phải chăng, Nguyễn Du vì quá yêu mến nhân vật của mình mà đã dành cho nàng sự tôn vinh tột bậc đến thế?
Trong sử sách xưa nay cũng có lắm người đẹp nhưng xinh đẹp. Nhưng xinh đẹp, tài năng và tâm hồn cao quý như Thúy Kiều thì chưa từng thấy bao giờ. Nhân vật Thúy Kiều kiểu nhân vật lý tưởng mà Nguyễn Du đã cố công xây dựng. Quan nhân vật, Nguyễn Du đề cao giá trị con người thường dân trong xã hội phong kiến. Đặc biệt là người phụ nữ. Đó là những con người có nhân phẩm cao đẹp, tài năng xuất chúng, khát vọng cao vời, ý thức cao độ về thân phận cá nhân,…nhưng lại không được nhận lấy cuộc sống xứng đáng mà đáng lẽ ra phải có.
- Kết bài:
Đoạn thơ Chị em Thúy Kiều sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người, khắc họa rõ nét chân dung chị em Thúy Kiều. Đoạn trích còn là bài ca ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của con người và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh là biểu hiện của cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du.
Bài tham khảo:
Cảm nhận nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”
- Mở bài:
Đoạn trích “Chị em Thuý Kiều” trong thi phẩm vĩ đại “Đoạn trường tân thanh” của thi hào Nguyễn Du là những vần thơ tuyệt bút, là bức tranh con người được vẽ bằng ngôn ngữ Tiếng Việt đạt đến mức hoàn chỉnh. Chỉ 24 câu thơ lục bát, Tố Như đã miêu tả tài năng, nhan sắc và đức hạnh của chị em Thuý Kiều, Thuý Vân – hai tuyệt thế giai nhân – bằng tất cả tấm lòng và sự nâng niu, trân trọng.
- Thân bài:
Nói đoạn thơ là bức tranh, bởi lẽ ngôn từ trong văn bản không chỉ tác động đến cảm xúc, mà nó còn gợi nên hình ảnh sống động về con người một cách rõ nét. Gấp trang sách lại, người đọc hình dung được Thuý Kiều, Thuý Vân từ dáng vẻ bên ngoài đến tâm hồn bên trong.
Trong họa pháp cổ, chuẩn mực của nghệ thuật cốt ở cái tinh. Cho nên nhà họa sĩ thường chú trọng đến cái thần của tác phẩm. Khi vẽ rồng nhất định chú ý đến đôi mắt, vẽ mùa thu nhất thiết phải có lá vàng… Để diễn tả sức sống của mùa xuân, trong một cuộc thi lớn nhà họa sĩ Trung Quốc Bạch An vẽ con ngựa lao nhanh về phía trước, xung quanh tràn đầy những hoa là hoa . Không tả nhiều nhưng gợi cho người xem biết bao cảm xúc thẩm mĩ.
Nguyễn Du tả Thuý Kiều và Thuý Vân trên cơ sở hoạ pháp cổ nhưng được soi chiếu và trình diễn đạt đến độ vi diệu. Chất liệu của nó không phải là màu sắc và âm thanh mà bằng ngôn từ. Qua tay của Nguyễn Du ta có cảm giác các con chữ vừa đi vừa khiêu vũ.
Bốn câu thơ đầu là lời giới thiệu, khái quát chung về hai cô gái đầu lòng của nhà Viên ngoại họ Vương:
Đầu lòng hai ả tố nga
Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.
Mai cốt cách , tuyết tinh thần,
Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười.
Hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng, kết hợp với phép ẩn dụ: “cốt cách” thanh cao như mai, “tinh thần” trong trắng như tuyết cho thấy sự nâng niu, quý trọng của nhà thơ với các nhân vật. Họ đẹp một cách lộng lẫy, đẹp “mười phân vẹn mười”. Thật khó để nói được vẻ đẹp riêng của hai ả tố nga nhà họ Vương. Nếu quan niệm đoạn trích là một bức tranh, thì đây là phần nền của hai bức chân dung chị em Thuý Kiều. Chưa tả nhưng hai nàng hiện lên thật nổi bật. Đó là cái tài đặc biệt của Nguyễn Du: giới thiệu nhưng mang yếu tố tả, kể nhưng như vẽ. Trên cái phong nền ấy đại thi hào lần lượt cho các nhân vật của mình xuất hiện hết sức tự nhiên, đầy thần thái.
Sau lời giới thiệu chung, là bức chân dung của Thuý Vân :
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Vẫn bút pháp ước lệ kết hợp với hệ thống từ ngữ chọn lọc, Thuý Vân hiện lên với những gì đẹp đẽ nhất, đặc sắc nhất, thiêng liêng nhất của tinh hoa đất trời: Hoa, trăng, ngọc, mây, tuyết. Đó là sự quy tụ của vẻ đẹp trời đất, của thiên nhiên. Đó cũng là chuẩn của vẻ đẹp con người cần hướng đến trong thi pháp văn học trung đại. Mỗi câu thơ, là một nét vẽ tài hoa về bức chân dung giai nhân. Cử chỉ, dáng đi đứng rất trang trọng, quý phái. Cách xử sự rất đúng mực, đoan trang. Đây là vẻ đẹp toàn bích của một thiếu nữ trong sáng, dịu hiền, không vướng một chút bụi trần.
Tác giả miêu tả khuôn mặt của Thuý Vân đầy đặn, sáng trong như khuôn trăng tròn vành vạnh. Tiếng nói trong như ngọc. Miệng cười tươi như hoa. Tóc mềm bóng mượt đến nỗi mây trời cũng phải “thua”. Da trắng làm cho tuyết phải “nhường”. Rõ ràng, ở nàng Vân là cái đẹp phúc hậu, đoan trang, cái đẹp chinh phục được xung quanh.
Nhưng nhà họa sĩ hình như không dụng công nhiều trong miêu tả Thuý Vân. Bút lực của ông chủ yếu khắc họa cho nhân vật Thuý Kiều. Tưởng Vân là một trang quốc sắc thiên hương không ai sánh kịp nữa, nào ngờ đâu, sau đó Thuý Kiều xuất hiện thì Thuý Vân chỉ làm nền tôn thêm vẻ đẹp của Kiều. Bằng cách tạo dựng tình huống theo kiểu đòn bẫy, Nguyễn Du chứng tỏ mình là bậc thầy trong việc miêu tả nhân vật. Thuý Vân đã đẹp đến mức thiên nhiên cũng nhường bước nhưng Kiều còn hơn. Thế thì vẻ đẹp đó như thế nào? Nhà thơ tiếp tục giới thiệu:
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Nếu vẻ đẹp của Vân là thuần phác, dịu hiền, đằm thắm, thì Kiều hiện lên với sự sắc sảo, mặn mà hiếm có. Vẻ đẹp này rất đài các, kiêu sa. Nó không thuộc về đời thường, chỉ để dành chiêm ngưỡng, ngước nhìn mà thôi. Khi miêu tả Thuý Kiều, theo tôi tác giả đặc tả đôi mắt. Người ta thường nói: đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn là vì nói đến đôi mắt là nói đến thế giới quan, nhân sinh quan của con người. Mắt đẹp là tự thân mang vẻ đẹp của tâm hồn. Cái thần của bức chân dung Thuý Kiều nằm ở chỗ này. Người đọc truyện Kiều tinh ý sẽ thấy được, Nguyễn Du không chú ý tả vẻ đẹp hình thức của Thuý Kiều. Ông chỉ dùng hai hình ảnh có giá trị biểu trưng: “làn thu thuỷ, nét xuân sơn”. Mắt nàng Kiều xanh trong như nước mùa thu, lông mày thanh tú như dáng vẻ, nét núi mùa xuân . Thế là đủ cho một tuyệt sắc. Trong nhân tướng học Trung Hoa, phàm ai có đôi mắt vậy thì rất đa đoan và nặng tình. Chính “làn thu thủy” ấy đã dự cảm cho số phận nghiệt ngã của nàng Kiều trong suốt 15 năm trời lưu lạc sau này.
Có thể nói như vậy, bởi quan sát kĩ chân dung hai chị em Thuý Kiều, tôi thấy hình như khi tả Thuý Vân, Nguyễn Du không hề miêu tả đôi mắt. Đây là điểm nhấn quan trọng để thấy dụng ý xây dựng nhân vật, tài năng của nhà thơ. Sách giáo khoa và nhiều tài liệu cho rằng “nét ngài” trong câu tả Thuý Vân “ Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” là nói đến đôi lông mày đậm, thanh tú như con bướm tằm . Song cần chú ý, đại thi hào Nguyễn Du quê ở Hà Tĩnh . Mà Hà Tĩnh thì có câu: “Trông ngài mà bắt hình dong”, “Tốt ngài hơn dài quần áo”. Rõ ràng, “ngài” ở đây là người. “Nét ngài nở nang” là muốn nói bề ngoài của Vân đẫy đà, căng tràn sức sống. Điều này phù hợp với quan niệm của cụ Nguyễn Du với thuyết tướng pháp. Sự đầy đặn về ngoại hình của Thuý Vân cũng như định báo trước một cuộc đời mĩ mãn, bằng phẳng “Phong lưu phú quý ai bì”.
Chính vì điều đó, nên vẻ đẹp của Thuý Kiều không bình thường chút nào, đẹp đến mức “hoa ghen”, “liễu hờn”. Thế thì không cần nói nhiều, người đọc cũng có thể thấy được sự khác biệt trong nét vẽ của cụ Nguyễn Tiên Điền với hai nhân vật chính của thiên truyện bất hủ này.
Miêu tả Thuý Vân với chỉ 4 câu thơ, song nói về Thuý Kiều tác giả dành 12 câu để nói về tài sắc của nàng. Nhà thơ dùng nhiều câu kiến trúc theo lối tiểu đối nhằm khắc họa nhân vật đạt mức độ tới hạn của vẻ đẹp :
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.
Các từ ngữ tả Kiều đã được tuyệt đối hoá: sắc sảo, mặn mà, phần hơn, ghen, hờn, đòi một, họa hai, vốn sẵn, pha nghề, đủ mùi, lầu bậc, ăn đứt, bạc mệnh, não nhân. Hình ảnh thơ đối chọi với nhau đã tạo nên nhịp thơ trang trọng, càng tôn thêm vẻ đẹp của nàng Kiều .
Nàng không chỉ đẹp về hình thức mà nàng còn hội tụ vẻ đẹp của sự thông minh “vốn sẵn tính trời”, cho nên các môn nghệ thuật: cầm, kì, thi, họa nàng rất sành điệu, điêu luyện “làu bậc ngũ âm”, “ăn đứt” thiên hạ. Theo tôi, không những thiên nhiên “ghen”, “hờn” mà trước tài năng của nàng loài người cũng khó chấp nhận, Kiều phải lâm vào kiếp đoạn trường như là một điều dễ hiểu. Các cụ xưa đã dạy chẳng sai chút nào:
Một vừa hai phải ai ơi,
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.
Chính Nguyễn Du cũng phải thừa nhận sắc, tài sẽ là ngọn roi quất xuống đời Kiều, làm cho nàng bầm dập, đớn đau không tránh khỏi những lụy hệ cuộc đời :
Thuý Kiều sắc sảo khôn ngoan ,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc với mình vào trong.
Thiên lý “bỉ sắc tư phong” như định sẵn ,chờ chực để đọa đày, vùi dập Kiều dù rằng nàng là một trang quốc sắc thiên hương, vừa có sắc đẹp – tài năng – tình yêu – số mệnh theo quan niệm của Tố Như :
Có đâu thiên vị người nào.
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Như vậy, khi tả Thuý Kiều Nguyễn Du không chỉ nói đến nhan sắc khuynh nước khuynh thành, tài hoa trí tuệ, mà còn nói đến trái tim đa sầu đa cảm, tâm hồn vô cùng phong phú của nàng. Chính cung đàn bạc mệnh do Kiều soạn là tiếng lòng của nàng, trong đó có sự thương cảm sâu sắc của nhà thơ làm rung động đến tất cả mọi nhân vật trong truyện, kể cả tên mặt sắt Hồ Tôn Hiến. Dưới ngòi bút thiên tài Tố Như, Kiều càng đẹp bao nhiêu, có tài, có tình bao nhiêu thì số phận nàng càng oan nghiệt bấy nhiêu . Đứng trước chân dung của Thuý Kiều, nhà thơ Chế Lan Viên đã thổn thức xót xa :
Chạnh thương cô Kiều như cuộc đời dân tộc
Sắc tài sao mà lắm truân chuyên
Bỗng quý Kiều như cuộc đời dân tộc
Chữ kiên trinh vượt trăm sóng Tiền Đường.
- Kết bài:
Miêu tả chân dung nhân vật là một trong những biệt tài của Nguyễn Du. Có lẽ ngàn năm sau cũng chưa nói hết cái hay, cái đẹp ngòi bút của đại thi hào. Chúng ta chỉ biết rằng, tài năng của nhà thơ trong việc khắc họa chân dung nhân vật như một giếng nước trong càng khơi càng trào ra những dòng nước mát ngọt ngào. Hy vọng rằng, với những suy nghĩ còn nông cạn trên, bạn đọc sẽ tìm được những điều bổ ích , dẫu rằng nó có thể “mua vui cũng được một vài trống canh”.