4-cau-de-tu-tay-bac-u-co-rieng-gi-tay-bac

Ý nghĩa 4 câu đề từ trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

Ý nghĩa 4 câu đề từ trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

  • Mở bài:

Chế Lan Viên là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Trước Cách mạng, thơ Chế Lan Viên thể hiện thế giới thần bí, kinh dị, bế tắc. Sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã đến với nhân dân, đất nước, thấm nhuần ánh sáng cách mạng vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, nóng hổi tính thời đại. Sau năm 1975, thơ Chế Lan Viên lại trở về với đời sống thế sự và trăn trở về cái “tôi” giữa cuộc đời phức tạp. Thơ Chế Lan Viên nặng suy tư, giàu chất suy tưởng triết lí, mang vẻ đẹp trí tuệ. Hình ảnh thơ đa dạng, phong phú được sáng tạo bởi ngòi bút thông minh tài hoa. Suy tư, khát vọng vươn xa được nhà thơ gói trọn trong 4 câu đề từ:

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc 
Khi lòng ta đã hoá những con tàu 
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát 
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”.

(Tiếng hát con tàu)

  • Thân bài:

Bài thơ được gợi cảm hứng từ sự kiện thời sự của những năm 58 – 60 là cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở Tây Bắc – vùng đất anh hùng và nghĩa tình trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là thời kỳ nhân dân miền Bắc đang khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, hồ hởi xây dựng cuộc sống mới. Bài thơ thể hiện tình cảm hướng về nhân dân, về đất nước với những kỷ niệm sâu nặng, nghĩa tình trong cuộc kháng chiến chống pháp.

Tiếng hát con tàu là tiếng hát của một tâm hồn thơ khao khát được bày tỏ tình cảm ân nghĩa, lòng biết ơn sâu nặng của nhà thơ đối với nhân dân, đối với cuộc đời và cách mạng. Đó là một tâm hồn thơ tràn đầy niềm vui và khát vọng sáng tạo. Trái tim sôi sục nguồn sống và tràn đầy niềm tin vào cuộc đời khi đã được giác ngộ một lẽ sống lớn của người nghệ sĩ. Đó là sự thức tỉnh người nghệ sĩ của nhân dân. Họ đem nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là niềm vui phát hiện ra chân lí lớn của nghệ thuật. Nghệ thuật đích thực nằm ngay chính trong cuộc đời.

Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định: “cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của thơ ca”. Nguyễn Đình Thi cũng từng phát biểu: “Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người. Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn”. (Tiếng nói văn nghệ – Nguyễn Đình Thi).

Với phong cách trí tuệ độc đáo và cách lập luận chặt chẽ, ngay câu thơ mở đầu, Chế Lan Viên đã tạo nên một phong cách thơ đặc sắc:

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc” 

Câu hỏi ngắn nhưng tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, xoáy sâu vào tâm hồn người đọc. Tây Bắc, ngoài nghĩa cụ thể của một vùng đất. Tây Bắc còn là biểu tượng gợi nghĩ đến mọi miền xa xôi của Tố Quốc. Tây bắc là nơi có cuộc sống gian lao mà nặng nghĩa tình của nhân dân. Nơi ấy đã ghi dấu không thể nào quên của đời người trải qua cuộc kháng chiến oanh liệt. Tây Bắc hay cũng chính là nguồn cội của tinh thần và lý tưởng mà ta cần có. Tây Bắc đã vẫy gọi đi tới, giục giã, mời gọi ta lên đường. Lên Tây Bắc cũng chính là trở về với chính lòng mình.

Thế nhưng, “đâu riêng gì Tây Bắc”, nơi nào của đất nước mà chẳng trìu mến, thân yêu. Nơi nào của đất nước cũng sẵn sàng chở che, dưỡng nuôi và cưu mang chúng ta. Từ một địa danh, nhà thơ mở ra một không gian rộng lớn của muôn phương vạn hướng bát ngát bao la của tổ quốc. Từ một tình cảm nhỏ đối với Tây Bắc, nhà thơ hướng đến tình cảm lớn đối với dân tộc, đối với đất nước. Từ góc trời riêng, nhà thơ đã thực sự bước ra bầu trời sáng. Từ thung lũng đau thương ra ông đến với cuộc đời lớn. Đó cũng là sự vận động tất yếu khi con người tìm thấy lí tưởng, tìm thấy một nguồn sống dạt dào trong cuộc đời mới:

“Khi lòng ta đã hoá những con tàu 
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”.

Chính lý tưởng sống cao đẹp và tình yêu nước thiết tha là động lực để họ lên đường. Khi lòng ta “đã hòa những con tàu”, tràn đầy khát vọng đi xa thì đâu ngại gì vất vả gian nan. Tổ quốc luôn nằm trong trái tim. Tổ quốc đã gọi mời ta đến, ta không thể không đến. Đến với Tổ quốc là đến với nhân dân, đến với những người thân yêu kính mến. Đến với Tổ quốc là đến với mẹ thiêng liêng, vĩ đại. Con lên đường ra được trở về nương náu trong yêu thương của mẹ.

Hình ảnh con tàu là một biểu tượng đẹp, có sức khái quát cao độ. Đó đâu chỉ là con tàu với khát vọng đi xa. Đó còn là sự hóa thân của nhà thơ mong tìm kiếm cho riêng mình một cách đi đến với đất nước. Tiếng hát của con tàu nhập cùng khúc hát xây dựng rộn ràng bốn bề Tổ quốc. Chính lúc này, người nghệ sĩ cũng có thể soi vào lòng mình mà thấy được cả đất nước, nhân dân:

“Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu?”

Nhà thơ ý thức rất rõ ràng về vai trò quyết định của hiện thực đời sống. Nhưng ông không coi nhẹ vai trò chủ thể của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ không đứng tách mình ra khỏi cuộc sống. Người nghệ sĩ lấy cuộc sống làm nguồn cảm hứng. Và nghệ thuật phải hướng đến phục vụ cuộc sống chiến đấu.  Những câu thơ tưởng như có sự mâu thuẫn: “Lòng ta đã hóa những con tàu”. Rồi lại “Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu?” Nhưng kì thực đó là sự hợp lí, thống nhất một cách chặt chẽ trong quy luật tư tưởng và sáng tạo nghệ thuật. Đó là sự hòa quyện giữa cái “tôi” và cái “ta”. Đó là sự kết nối giữa cá nhân và đất nước. Tất cả đều có thể tìm thấy sự hòa hợp thống nhất trong hình ảnh thơ giản dị mà rất sâu sắc của Chế Lan Viên.

Bài thơ rõ ràng là tiếng gọi thúc giục thanh niên lên đường xây dựng tổ quốc. Nhưng Chế Lan Viên không giới hạn bài thơ của mình ở mục đích tuyên truyền vận động cho một chính sách, chủ trương cụ thể. Bài thơ này còn mang một ý nghĩa khát quát sâu rộng hơn về ý nghĩa, đời sống và triết lý nghệ thuật.

Sau chín năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, đất nước ta đã từng bước hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Khắp nơi vang lên khúc hát xây dựng. Cuộc sống ấy chính là điểm xuất phát cho những ước mơ và khát vọng. Cuộc sống ấy cũng là ngọn nguồn của mọi sự sáng tạo nghệ thuật. Trong đó có thơ ca. Nhưng nghệ thuật không tự nó tìm đến. Nghệ thuật chỉ có thể nảy sinh từ ngay trong cuộc sống. Nghệ thuật chỉ đến khi người nghệ sĩ mở rộng tâm hồn mình, đón nhận và hòa nhập với cuộc đời rộng lớn:

“Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”.

Nơi như Nguyễn Đình Thi: “Bắt rễ ở cuộc đời hằng ngày của con người, văn nghệ lại tạo được sự sống cho tâm hồn con người”. Một khi tâm hồn nhà thơ đã “hóa những con tàu” và tiếng hát con tàu hòa nhập cùng với bốn bề của Tổ quốc thì chính lúc này, người nghệ sĩ có thể soi vào lòng mình và thấy cả được đất nước và nhân dân. “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu” thực ra ý tưởng này xuất hiện không chỉ một lần trong thơ Chế Lan Viên mà chúng ta còn bắt gặp nhiều bài thơ, câu thơ khác:

“Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ”.

(Chim lượn trong vòng – Chế Lan Viên)

Ý thơ gói gọn trong phương thức lập luận vừa mền mại, vừa hết sức cứng cỏi. Sự chuyển hóa trong tình cảm  lúc nào cũng cần có thời gian. Nhưng nếu có một động lực đủ lớn để thúc đẩy thì nó ngay lập tức được chuyển hóa. Một cách biện chứng trong quy luật của tư tưởng và sáng tạo nghệ thuật. Mới đặt vấn đề: “Tây bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc” thì ngay sau đó đã “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”.

Có được sự kì diệu đó là bởi khi tâm hồn nhà thơ thực sự gắn bó với Tây Bắc rồi. Ông không cần tìm kiếm ở đâu xa. Tây Bắc đã hiện diện ngay trong chính tâm hồn nhà thơ. Chính vì vậy, lời thơ là lời thúc giục lên đường, đến với những miền đất xa xôi của đất nước, đến với nhân dân:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Muôn vàn vẻ đẹp mở ra trong một tâm hồn yêu cuộc đời, yêu đất nước. Chính nó là thứ keo dính thần kì, gắn kết người nghệ sĩ với cuộc đời lớn. Đó cũng còn là lời nhắc nhở hãy trở về với chính lòng mình, với những tình cảm đẹp đẽ trong sáng. Những tình nghĩa sâu nặng làm nên ý nghĩa của đời người, đời thơ.

  • Kết bài:

Về với Tây Bắc là về với tâm hồn. Nỗi mong chờ của Tây Bắc cũng chính là nỗi mong nhớ của tâm hồn mình. Hai sự thống nhất nói trên đã trở thành sự thống nhất biện chứng trong hồn thơ Chế Lan Viên. Vì vậy, bốn câu thơ đề từ trên đã kết tinh, tiêu biểu cho cả bài thơ “Tiếng hát con tàu”.

Phân tích bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang