Phân tích ý nghĩa đoạn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt
- Mở bài:
Không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Đó là bi kịch của Hồn Trương Ba, nhân vật chính trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt sau thời gian phải trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt. Nhưng đó cũng là khát vọng của tất cả những cuộc đời chân chính. Triết lí về mối quan hệ giữa hồn và xác được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đặt ra trong vở kịch thực sự rất sâu sắc. Qua đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt, nhà văn Lưu Quang Vũ cũng đã phát biểu quan điểm của mình về giá trị và mối quan hệ giữa phần hồn và phần xác của con người: “Con người liệu có thể giữ cho mình những giá trị tinh thần cao quý khi phải chấp nhận sống chung với sự dung tục, có tránh được sự tha hóa khi phải thường xuyên thỏa mãn những ham muốn vật chất tầm thường?”
- Thân bài:
Bi kịch (theo Từ điển văn học): là mâu thuẫn giữa khát vọng, hoài bão, lí tưởng của cá nhân với thực tại; hiểu theo nghĩa thông thường bi kịch là nỗi đau khổ vò xé dai dẳng mà không có cách nào giải thoát. Trương Ba qua đoạn thoại trên đối mặt với bi kịch phải sống nhờ, sống gửi, sống không được là mình; ý thức đang dần bị tha hóa với nỗi đau khổ cùng cực và cách Trương Ba giải quyết bi kịch của chính mình.
Viết lại cổ tích – một thể loại bao giờ cũng viên mãn với những cái kết có hậu. Trong khi đó, thực tế cuộc đời thì luôn luôn khác. Cũng như nhiều nhà văn cùng thời, Lưu Quang Vũ đang muốn dùng sáng tác của mình để đối thoại với cổ tích, bằng cách tái hiện cuộc đời theo đúng cái cách hiện tồn của nó. Bởi thế nên tình huống kịch trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã được xây dựng bắt đầu từ chỗ kết thúc tích truyện dân gian. Bằng cách đó, nhà viết kịch hậu hiện đại này muốn đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc. Xét ở góc độ triết lí về mối quan hệ giữa hồn và xác, vở kịch của Lưu Quang Vũ vừa kế thừa quan niệm của dân gian nhưng cũng có nhiều điểm mới mẻ.
1. Bi kịch của Trương Ba qua đoạn thoại:
* Hoàn cảnh của bi kịch:
– Sau những nhầm lẫn và sửa sai oái oăm của người thiên đình, để có thể tiếp tục được sống, hồn Trương Ba phải trú nhờ vào thân xác thô kệch của anh hàng thịt, đó là nghịch cảnh trái tự nhiên mà hồn Trương Ba buộc phải chấp nhận, quy phục.
– Phải sống nhờ vào những yếu tố vật chất bên ngoài, không được sống với con người thực của mình, hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh sống dung tục, bị nó chi phối, sai khiến – đó là bi kịch đau đớn nhất của con người.
– Hoàn cảnh bi kịch của Trương Ba với sức mạnh ghê gớm, sự cám dỗ khó lòng cưỡng lại của cái dung tục, tầm thường đã được cụ thể hóa trong thân xác anh hàng thịt.
* Nỗi đau khổ của Trương Ba trong cuộc sống không phải của mình:
– Lúc vừa được sống lại trong xác hàng thịt, hồn Trương Ba hốt hoảng khi soi gương : “Không! Không phải tôi. Cái mặt của tôi đâu rồi? Chân tay của tôi đâu rồi? Người này không phải là tôi”. Nhưng rồi, để được sống, Trương Ba đành chấp nhận. Chấp nhận cả những đổi thay đến lệch lạc, chấp nhận sự trói buộc của hoàn cảnh, chấp nhận bị xê dịch đến cuộc sống tầm thường không mong muốn.
– Không lâu sau khi trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt, ở Trương Ba diễn ra sự tha hóa nhanh chóng. Sự tha hóa của Trương Ba không chỉ dừng lại ở những hành động phụ thuộc vào xác hàng thịt nữa, ngay cả linh hồn Trương Ba cũng thay đổi, từ cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử và cả cách dạy con,…
+ Xác hàng thịt đã chỉ rõ sự tha hóa không tránh khỏi của hồn Trương Ba khi phải nhờ vào nó để tồn tại: Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân,…Ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi. Khi phải chấp nhận hoàn cảnh trớ trêu để tiếp tục duy trì sự sống, Trương Ba hầu như không còn được sống theo cách riêng của mình, tồn tại qua thân xác không phải của mình.
+ Vợ Trương Ba nhận thấy sự thay đổi của chồng mình: Giờ mỗi bữa ông ăn tám, chín bát cơm, lại còn hay đòi uống rượu.
+ Khi xưa, Trương Ba đối với ai cũng điềm đạm, nhẹ nhàng, và đặc biệt là không đánh con bao giờ. Nhưng nay, trước những lời nói sự thật của anh con trai, Trương Ba đã tát mạnh nó đến chảy máu.
+ Với bàn tay giết lợn lúc chiết cây cam hồn Trương Ba đã làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm, lúc sửa diều cho cu Tị thì làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quý. Cái Gái gọi ông là lão đồ tể, thấy ông xấu lắm, ác lắm, và xua đuổi ông như một tội đồ, Cút đi! Lão đồ tể cút đi!
+ Bác Trưởng Hoạt, một người bạn cờ rất mến mộ Trương Ba cũng phải nói lời thành thực: Lúc nào bác cũng sặc sụa hơi men(…) Bác đâm nát rượu mất rồi! Những thói xấu thường ngày nó làm hư hại tâm hồn, trí não của người ta bác ạ!. Trong lúc đánh cờ Trưởng Hoạt phải thốt lên: Người đàng hoàng không ai đòi ăn nước ấy!… Lối đánh của bác khác hẳn ngày xưa. Thoạt trông thì thấy cách vào cờ của bác vẫn như xưa, nhưng sau thì… Chẳng còn cái khoáng hoạt, dũng mãnh thâm sâu ngày trước. Cách tiến, cách thủ của bác bây giờ vụn vặt, tủn mủn thô phũ. Mà cái nước ăn vừa rồi nói xin lỗi bác, nó bần tiện làm sao!
– Bi kịch đau khổ của Trương Ba được thể hiện qua sự bối rối, khổ sở, bế tắc và sự đắc thắng bởi những lí lẽ trâng tráo nhưng đầy thuyết phục của xác hàng thịt. Đấy là nguyên nhân khiến linh hồn Trương Ba rơi vào tình trạng bất lực trước sự sai khiến ghê gớm của thân xác.
* Ứng xử của Trương Ba trước bi kịch:
– Phải để linh hồn trong sạch, cao khiết của mình sống nhờ trong thân xác thô phàm của anh hàng thịt, ý thức sâu sắc mình đang bị đồng hóa, hồn Trương Ba càng thấy không thể chấp nhận kiểu sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo.
– Cách duy nhất giúp Trương Ba thoát khỏi bi kịch là từ bỏ xác: “Không cần đến cái đời sống do mày mang lại!”
2. Bình luận về ý kiến:
– Ý kiến đặt ra vấn đề nhân sinh mang ý nghĩa lớn lao mà Lưu Quang Vũ gửi gắm qua đoạn thoại: Con người liệu có thể giữ cho mình những giá trị tinh thần cao quý khi chấp nhận sống chung với sự dung tục, có tránh được sự tha hóa khi thường? Trương Ba có được cuộc sống nhưng đấy là một cuộc sống đáng xấu hổ vì phải sống nhơ vào thân xác thô kệch của anh hàng thịt, bị nó chi phối, đồng hóa thậm chí lôi kéo, thỏa hiệp trong cách sống giả dối với mình, với người.
– Phải trú nhờ trong thân xác hàng thịt, mặc dù một mực khẳng định Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn, nhưng rõ ràng như lời của xác hàng thịt đã nói: Tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục . Sự quy phục đó đã làm cho hồn Trương Ba trở nên khác lạ trong mắt mọi người. Từ sự thay đổi tất yếu đó nhà viết kịch lưu Quang Vũ muốn gửi gắm triết lí sâu xa: Linh hồn và thể xác là hai phương diện tồn tại trong mỗi con người. Có thể nào sống mà không cần đến dáng hình, thân thể? Nhưng có lẽ nào đời sống của con người chỉ thu gọn lại trong những nhu cầu thuần túy bản năng? Đừng bỏ bê thân xác để chỉ biết đến một thứ linh hồn chung chung trừu tượng không thuộc về một ai trên cõi thế gian này. Cũng đừng chạy theo những khát thèm của thân xác mà trở về với hồng hoang nguyên thủy. Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và xác thịt chính là cuộc đấu tranh giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng, giữa phần người và phần con trong mỗi con người.
– Nếu trong tích truyện dân gian, được sống là niềm hạnh phúc lớn lao, nên mặc dù mang thân anh hàng thịt nhưng Trương Ba vẫn sống cuộc sống vui vẻ, thì trong vở kịch của Lưu Quang Vũ, phải trú nhờ vào thân xác thô kệch của anh hàng thịt lại là một nghịch cảnh phi lí, trái tự nhiên, là hoàn cảnh trớ trêu mà hồn Trương Ba buộc phải chấp nhận, qui phục. Đây chính là mấu chốt của tấn bi kịch mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt.
– Trước sự thay đổi của chính mình, trước những suy nghĩ của mọi người về mình, hồn Trương Ba vô cùng đau khổ. Rất nhiều lần trong kịch bản Lưu Quang Vũ đã miêu tả vẻ mặt đầy tâm trạng của hồn Trương Ba: buồn rầu, khổ sở, khó chịu, bịt tai lại, như tuyệt vọng, thẫn thờ, ngồi xuống tay ôm đầu, mặt lặng như tảng đá… Điều đó có nghĩa là hồn Trương Ba đã ý thức sâu sắc được tấn bi kịch của đời mình, cảm thấy đau đớn, bàng hoàng, bế tắc khi nhận ra thể xác đang xâm chiếm, đang lấn lướt linh hồn, đang tha hóa cái linh hồn ấy. Tiếng nói, tiếng cười đắc thắng, hợm hĩnh của xác đang vang vọng đâu đây, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu… Và rồi, một sự vỡ lẽ, vừa bàng hoàng, vừa chua chát đã dẫn đến quyết định dứt khoát, đẩy tình huống vào độ căng thẳng, quyết liệt hơn: Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? ; Chẳng còn cách nào khác! mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!. Những câu độc thoại nội tâm đã phơi trải cơn bão tố dữ dội và đau đớn trong cuộc đấu tranh giành giật lại bản thân mình từ bàn tay thô bạo của con quỷ dữ bản năng ở nhân vật Trương Ba. Tất cả đã dẫn đến hành động: Đứng dậy, lập cập, nhưng quả quyết thắp hương, châm lửa gọi Đế Thích.
– Gặp người nhà trời, hồn Trương Ba quyết định không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, bởi không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Ông đã từ chối cuộc sống khi Đế Thích cho được nhập vào xác cu Tị. Ông cũng vượt lên nỗi ám ảnh về sự hư vô đáng sợ của cái chết khi Đế Thích cho biết ra khỏi thân xác, hồn chẳng còn là gì nữa… ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Vượt lên tất cả, hồn Trương Ba chấp nhận tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn.
– Giống như tất cả mọi người trong cuộc đời này, Trương Ba cũng ham sống, ông càng khao khát được sống bên những người ông yêu thương và cũng rất yêu thương ông. Nhưng khi trải qua bi kịch hồn Trương Ba da hàng thịt, khi phải đối diện với bi kịch của một cuộc sống không phải của mình, Trương Ba khẳng định chua xót và thấm thía: Sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Với một người nhân hậu như Trương ba, ông còn day dứt vì sự sống vay mượn, giả tạo của mình đã đem đến bao đau khổ cho người thân, khiến gia đình như sắp tan hoang ra cả…Đó là những cái giá quá đắt cho cả Trương Ba và gia đình ông, cái giá mà ông không thể trả dù là cho sự sống quí giá của chính mình.
– Quyết định xóa bỏ sự tồn tại của cái vật quái gở mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt, đó là một sự lựa chọn dũng cảm của hồn Trương Ba. Chấp nhận cái chết, chấp nhận sự hư vô để được là tôi trọn vẹn, đó là kết quả của sự đấu tranh ở một tâm hồn thanh cao, trong sáng, vượt lên nghịch cảnh. Chấp nhận cái chết, Trương Ba đã tìm lại được sự trong sạch cho linh hồn mình. Được hóa thân vào các vật bình dị, gần gũi, thân thương, tồn tại vĩnh viễn trong kí ức và tình yêu của người thân, khúc vĩ thanh ở phần kết vở kịch đã thổi vào lòng người ta một làn gió nhẹ mang âm hưởng lạc quan: niềm tin vào sự chiến thắng cuối cùng của cái Đẹp, cái Thiện.
– Đề cao phần linh hồn của con người, đó là điểm gặp gỡ, qui tụ của quan niệm giân dan và triết lí về mối quan hệ giữa hồn và xác của nhà viết kịch hậu hiện đại Lưu Quang Vũ trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Tất nhiên điểm sáng tạo mới mẻ của Lưu Quang Vũ là từ một tích truyện dân gian, tác giả đã đi sâu khai thác mâu thuẫn kịch từ mối quan hệ giữa hồn và xác để gửi gắm thông điệp mang tính triết lí sâu sắc: Được sống làm người quí giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quí giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục, để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quí.
– Bi kịch Trương Ba là lời cảnh báo về những tác động tiêu cực của hoàn cảnh sống đối với con người – khi con người phải sống trong sự dung tục thì sớm muộn, cái dung tục cũng sẽ ngự trị, thắng thế, lấn át và hủy hoại những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý trong con người.
- Kết bài:
Xung đột giữa tâm hồn thanh cao của Trương Ba với thể xác phàm tục của anh hàng thịt đã khắc hoạ bi kịch tha hoá và cuộc đấu tranh gay gắt bảo vệ, hoàn thiện nhân cách của con người. Từ đó tác giả đã phê phán một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội và gửi gắm triết lý nhân sinh sâu sắc về yêu cầu thống nhất giữa thể xác và tâm hồn.
Bài văn tham khảo:
Trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ có đoạn:
Hồn Trương Ba: A, Mày cũng biết nói cơ à? Vô lí, mày không thể biết nói! Mày không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u đui mù…
[…]
Hồn Trương Ba: (bịt tai lại) Ta không muốn nghe mày nữa!
(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ, Ngữ Văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014, tr.144-145).
Cảm nhận của anh/ chị về đoạn trích trên; từ đó nhận xét về triết lí nhân sinh mà tác giả Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua đoạn trích.
- Mở bài:
Trong những năm tám mươi của thế kỉ XX, nếu Thanh Thảo được coi là một trong số không nhiều những “cây bút nỗ lực cách tân thơ Việt”, Nguyễn Minh Châu được đánh giá là “người mở đường tinh anh và tài năng” ở lĩnh vực truyện ngắn và tiểu thuyết, thì Lưu Quang Vũ được xem là một “hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường”. Đặc biệt, riêng đối với Lưu Quang Vũ, niềm trăn trở đau đáu trước những “vết thương” của xã hội bấy giờ đã khiến ông dũng cảm cầm bút để viết, để nói về những điều mà trước đó chưa ai dám nói. Tất nhiên, thông qua những vấn đề có tính chất một thời ấy, Lưu Quang Vũ hướng đến những vấn đề muôn thuở. “Hồn Trương Ba da hàng thịt” được xem là vở kịch đặc sắc nhất của ông, trong đó, màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt là một ẩn dụ vô cùng sâu sắc, vừa tái hiện những ung nhọt trong xã hội hiện tại, vừa là cuộc đấu tranh muôn đời giữa phần lương thiện thanh cao với cái xấu xa thấp hèn trong mỗi một con người, tiêu biểu là đoạn trích sau:
Hồn Trương Ba: A, Mày cũng biết nói cơ à? Vô lí, mày không thể biết nói! Mày không có
tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u đui mù…
[…]
Hồn Trương Ba: (bịt tai lại) Ta không muốn nghe mày nữa!
- Thân bài:
1. Khái quát tác giả, tác phẩm
Lưu Quang Vũ không chỉ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kì XX, mà còn được coi là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Kịch Lưu Quang Vũ tham dự vào dòng chảy mãnh liệt của đời sống, thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện, về sự hoàn thiện nhân cách con người, thể hiện ý thức công dân và cảm hứng nghệ sĩ sâu sắc. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được xem là vở kịch đặc sắc nhất của ông. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được Lưu Quang Vũ sáng tác năm 1981, công diễn lần đầu năm 1984.
Vở kịch được sáng tác theo hướng khai thác cốt truyện dân gian để gửi gắm những suy nghĩ về nhân sinh, về hạnh phúc, kết hợp phê phán một số tiêu cực trong cuộc sống hiện đại. Đoạn trích mà chúng ta được học trong sách giáo khoa là phần lớn cảnh VII. Đây cũng là đoạn kết của vở kịch, đúng vào lúc xung đột trung tâm của vở kịch lên đến đỉnh điểm. Đoạn trích tập trung diễn tả sự đau khổ, dằn vặt và quyết định cuối cùng vô cùng cao thượng của hồn Trương Ba: quyết định chết để được là chính mình.
2. Cảm nhận đoạn trích:
Đây là một màn đối thoại vô cùng căng thẳng, quyết liệt. Ban đầu, hồn nói những lời khảng khái để đề cao mình, Hồn khẳng định: “Ta vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Hồn khinh bỉ xác thịt là “âm u, đui mù”, chỉ là “cái vỏ bề ngoài không có ý nghĩa gì hết”. Sau đó xác đã đưa ra những bằng chứng ko thể chối cãi để phản bác lí lẽ của hồn. Hồn không thể có đời sống riêng, mà trái lại, lệ thuộc vào xác thịt. Đó là cái đêm khi ông đứng cạnh vợ anh hàng thịt với “tay chân run lẩy bẩy”, “hơi thở nóng rực”, “cổ nghẹn lại” và “suýt nữa thì…”; đó là cảm giác “xao xuyến” trước những món ăn mà trước đây hồn cho là “phàm tục”.
Trong cuộc đối thoại này, xác càng ngày càng thắng thế. Sự thắng thế của xác được thể hiện qua ba yếu tố: đó là lời thoại, giọng điệu và cách xưng hô. Về lời thoại, xác rất hả hê tuôn ra những lời thoại dài với chất giọng khi thì mỉa mai cười nhạo, khi thì lên mặt dạy đời, chỉ trích, châm chọc: “Có thật thế không?”, “Nào, hãy thành thực trả lời!”, “Nực cười thật!…”. Trong khi đó Hồn chỉ buông ra những lười thoại ngắn với chất giọng nhát gừng kèm theo những tiếng than, tiếng kêu thể hiện sự bất lực. Hồn càng lúc càng rơi vào bế tắc, không chống trả được những lí lẽ đó. Không chỉ đau khổ, hồn Trương Ba còn xấu hổ trước những lời nói công khai của xác mà hồn dù muốn hay không cũng phải thừa nhận.
Về giọng điệu, xác luôn đối thoại bằng giọng điệu khi thì ngạo nghễ, thách thức, khi thì châm chọc, mỉa mai. Trong khi hồn ban đầu thì giận dữ, mắng mỏ, khinh bỉ xác: “A! Mày cũng biết nói cơ à? Vô lí! Mày không thể biết nói!”; “Nói láo”… Nhưng càng về sau, giọng điệu của nhân vật hồn càng ngậm ngùi, bế tắc và tuyệt vọng.
Về xưng hô: ban đầu hồn xưng hô là “mày” “ta” tỏ ý xem thường. Riêng xác thì trước sau vẫn xưng hô “ông”, “tôi”, thể hiện thái độ bình tĩnh, ngang hàng, thách thức với hồn.
3. Nghệ thuật
Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn trích là ở việc tạo dựng xung đột giàu kịch tính, càng lúc càng lên cao; ngôn ngữ đối thoại sinh động, giàu chất triết lí; kế thừa các yếu tố truyền thống một cách nhuần nhuyễn để phản ánh các vấn đề thời sự hiện đại; các hình tượng trong vở kịch mang tính ẩn dụ sâu sắc.
4. Nhận xét về triết lí nhân sinh:
Cuộc đối thoại giữa hồn TB và xác anh hàng thịt mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Thứ nhất, cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt là cuộc đấu tranh trong bản thân mỗi con người, giữa phần lương thiện thanh cao và phần xấu xa thấp hèn: Thể xác có tiếng nói riêng, có những nhu cầu tự nhiên, hợp lí; nhưng linh hồn phải biết kiểm soát, điều chỉnh những nhu cầu ấy để nó dần đi vào quy củ, nhằm hướng tới một cuộc sống cao đẹp. Thứ hai, cuộc đối thoại giữa hồn và xác cũng cho thấy con người không thể có hạnh phúc khi sống nhờ, sống lệ thuộc vào người khác. Thứ ba, màn đối thoại còn ngầm phê phán thói đạo đức giả, sống không trung thực với chính mình; tự ru mình trong những giấc mơ hão huyền, viển vông mà quên mất rằng cuộc sống của con người trên thế gian này phải là sự trọn vẹn về cả tinh thần lẫn vật chất.
- Kết bài:
Đoạn trích màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt là một màn kịch đầy tính triết lí và ẩn dụ sâu sắc. Thông qua màn kịch này, Lưu Quang Vũ vừa thể hiện được tài năng của mình, vừa qua đó gửi gắm một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống. Lưu Quang Vũ đã từ giã cõi đời khi mới ở tuổi bốn mươi, khoảng trống ông để lại cho sân khấu nước nhà là không thể lấp đầy, nhưng với di sản gồm gần 50 vở kịch, Lưu Quang Vũ chính là loài “chim sâm cầm không chết”, như tên của một vở kịch cuối cùng của ông trước lúc ra đi.
Xem thêm: