Phân tích ý nghĩa đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu).
- Mở bài:
Lục Vân Tiên là một tác phẩm truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu, được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19. Đây là một trong những sáng tác có vị trí cao của văn học miền Nam Việt Nam. Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khắc họa thành công những phẩm chất đẹp đẽ của nhân vật Lục Vân Tiên, một người anh hùng luôn vì nghĩa lớn mà hành động.
- Thân bài:
Nhân vật Lục Vân Tiên:
Qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, nhân vật Lục Vân Tiên được khắc họa bằng mô típ ở truyện Nôm truyền thống: Một chàng trai tài giỏi cứu một cô gái thoát hiểm nghèo, từ ân nghĩa đến tình yêu.
Lục Vân Tiên là một nhân vật lý tưởng và mơ ước của Nguyễn Đình Chiểu. Đây là một chàng trai vừa rời trường học bước vào đời, lòng đầy hăm hở muốn lập công danh, mong thi thố tài năng cứu người, giúp đời. Tình huống đánh cướp là thử thách đầu tiên, là cơ hội hành động cho chàng.
Hành động đánh cướp, trước hết bộc lộ tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Lục Vân Tiên. Vẻ đẹp của Lục Vân Tiên là vẻ đẹp riêng của con người dũng tướng. Thấy bọn cướp hại người, kẻ khác có thể né tránh, giữ mình, còn Vân Tiên coi đó là tình huống, cơ hội đầu tiên để hành động. Chàng chỉ có một mình, trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đầy đủ, thanh thế lẫy lừng: “Người đều sợ nó, có tài không đương”. Vậy mà Vân Tiên vẫn can đảm “bẻ cây làm gậy” xông vào đánh cướp. Hình ảnh của chàng trong trận đánh được miêu tả thật đẹp: “tả đột hữu xung, khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang”, được so sánh với hình mẫu Triệu Tử Long trong Tam quốc. Hành động của Vân Tiên chứng tỏ cái đức của con người “vị nghĩa vong thân”, “cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng nhiều thế lực bạo tàn”.
Thái độ cư xử với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh cướp lại bộc lộ tư cách con người chính trực, hào hiệp, khiêm tốn, giản dị, trọng nghĩa khinh tài và cũng rất từ tâm nhân hậu. Thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên “động lòng” tìm cách an ủi họ: “Ta đã trừ dòng lâu la” và ân cần hỏi han, cho thấy chàng rất đàng hoàng, chững chạc. Khi nghe họ nói muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên đã gạt đi ngay, từ chối cả lời mời về thăm nhà Nguyệt Nga để cha nàng đền đáp: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Dường như với Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên của một con người chân chính: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi / Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. Lời Vân Tiên chắc nịch vừa để đối chứng, phê phán những kẻ tầm thường, vừa khẳng định việc mình làm là hiển nhiên, thuộc căn cốt, gốc rễ trong lẽ sống của mình.
Với những nét tính cách đó, hình ảnh Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp, là hình ảnh lý tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin và ước vọng của mình.
Nhân vật Kiều Nguyệt Nga:
Với tư cách là người chịu ơn, Kiều Nguyệt Nga cũng bộc lộ nhiều nét đẹp tâm hồn. Đó là một cô gái thuỳ mị, nết na, có học thức, thể hiện qua cách xưng hô khiêm nhường:
Trước xe quân tử tạm ngồi,
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.
Cách nói năng văn vẻ, mực thước, khuôn phép:
Làm con đâu dám cãi cha,
Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành.
Cách trình bày vấn đề rõ ràng, khúc triết vừa đáp ứng đầy đủ những lời thăm hỏi ân cần của Vân Tiên, vừa bộc lộ chân thành niềm cảm kích, xúc động của mình:
Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,
Con này tì tất tên là Kim Liên.
……..
Sai quân đem bức thơ về,
Rước tôi qua đó định bề nghi gia.
Kiều Nguyệt Nga là một con người đằm thắm, ân tình, cư xử có trước có sau. Với nàng, Vân Tiên không chỉ cứu mạng, mà còn cứu cả cuộc đời trong trắng của nàng:
Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.
Nàng coi đó là ơn trọng và áy náy, băn khoăn tìm cách trả ơn dù biết rằng có đền đáp bao nhiêu cũng chưa đủ:
Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.
Gẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.
Bởi thế, cuối cùng nàng đã tự nguyện gắn bó cuộc đời với chàng trai hào hiệp ấy, dám liều mình để giữ trọn ân tình thuỷ chung với chàng.
Nhân vật Kiều Nguyệt Nga đã chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân, những con người luôn đặt ân nghĩa lên hàng đầu, coi ân nghĩa là gốc rễ của đạo đức.
Qua hình ảnh nhân vạt Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, đoạn trích thể hiện rõ tư tưởng của nhà thơ. Nguyễn Đình Chiểu luôn coi trọng tình nghĩa giữa người với người; đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khốn phò nguy; đồng thời thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời thông qua kết thúc có hậu của tác phẩm là thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà
- Kết bài:
Đoạn thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khắc họa thành công những phẩm chất đẹp đẽ của nhân vật Lục Vân Tiên, một người anh hùng luôn vì nghĩa lớn mà hành động. trích thể hiện khát vọng hành động hành đạo giúp đời của tác giả và khắc hoạ những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật chính: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trong nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na, ân tình chung thủy.
Bài tham khảo:
Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.
- Mở bài:
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy mang tật mù tối, và gặp lúc biến loạn mà vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy mẫu mực, mà còn là một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Nổi bậc nhất trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu là truyện thơ “Lục Vân Tiên”, một bộ truyện thơ Nôm xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ XIX. Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” trích phần đầu của thiên truyện này.
- Thân bài:
Nguyễn Đình Chiểu luôn có quan niệm nhất quán trong sáng tác văn chương. Ông chủ trương dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Nói khác hơn, ông làm thơ là để “chở đạo, sửa đời và dạy người” . Vì vậy, mỗi vần thơ của ông đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi, và đều bộc lộ một tấm lòng thương dân, yêu nước của ông. Tác phẩm Lục Vân Tiên thể hiện sâu sắc quan niệm ấy của Đồ Chiểu.
Truyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật Lục Vân Tiên. Lục Vân Tiên là một nho sinh vừa có đưc vừa có tài, giỏi văn giỏi võ. Trên đường đi thi, chàng dẹp tan bọn cướp Phong Lai, cứu Kiều Nguyệt Nga được cô gái này khâm phục. Giữa đường, được tin mẹ mất, Vân Tiên trở về quê thọ tang. Chàng bao lần gặp nạn nhưng vẫn được thần và người cứu giúp. Kiều Nguyệt Nga bị buộc đi cống giặc Ô Qua nhưng vẫn một lòng thuỷ chung với Lục Vân Tiên. Thuyền đi tới biên giới, nàng mang theo bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tử tử. Nàng được Phật Bà Quan Âm và nhân dân cứu giúp. Cuối cùng hai người gặp nhau và chung hưởng hạnh phúc.
Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu truyện. Sau nhiều năm theo học thầy ở trên núi, Lục Vân Tiên xin phép thầy xuống núi chuẩn bị lên kinh ứng thí. Chàng tiện đường ghé về thăm nhà thăm cha mẹ. Trên đường đi, chàng gặp cảnh bọn cướp hung hãn đang ức hiếp dân lành nên đã ra tay ứng cứu. Người gặp nạn chính là Kiều Nguyệt Nga, một thiếu nữ con nhà quan. Đó cũng chín là người vợ sau này của Lục Vân Tiên.
Bằng cách diễn đạt bình dị và chân thực, Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả hết sức sinh động cảnh Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp, đồng thời làm nổi bậc hình tượng người anh hùng trẻ tuổi này. Nhìn thấy bọn cướp ngang ngược, Vân Tiên không chút chần chừ, lập tức ra tay:
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Đó là hành động vì nghĩa, biểu hiện sâu sắc tính cách anh hùng, tinh thần dũng cảm và tài năng võ nghệ cao cường của Lục Vân Tiên. Thấy dân gặp nạn, Lục Vân Tiên không thể làm ngơ. Chỉ có một mình tay không vũ khí, thế mà Vân Tiên đã hành động dứt khoát, không tính toán, do dự cho bản thân. Chàng dám đối mặt với lũ cướp đầy vũ khí, bản chất côn đồ hành động dũng cảm anh hùng.
Hành động xông vô thật dũng liệt. Bọn cướp đông người, hết sức hung hãn, thế mà chàng không hề sợ hãi. Hành động ấy một mặt khẳng định niềm tin vào khả năng chiến thắng của bản thân, mặt khác là biểu hiện sâu sắc của tính khí nghĩa hiệp, cứu người lúc lâm nguy là việc cấp bách không thể chần chừ. Không những xông vào mà chàng còn kêu gọi kẻ cướp dừng tay và cảnh báo hậu quả đối với hành động phi nghĩa của chúng:
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.
Thế nhưng, không những không buông giáo quy hàng, tướng cướp Phong Lai còn tỏ ra giận dữ, đe dọa vân Tiên:
Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.
Sau đó hắn còn đỗ lỗi cho Vân Tiên. Không cớ gì mà Vân Tiên can thiệp chuyện của hắn: “trước gây việc dữ tại mầy”, nhất định sẽ nhận lãnh hậu quả nặng nề. Nói rồi lập tức hắn: “truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng” .
Thế nhưng, mọi lời đe dọa của tướng cướp Phong Lai và thái độ hăm he của lũ lâu la không hề làm Vân Tiên run sợ. Chàng không nói thêm một lời nào nữa bởi bọn cướp quá phách lối, trắng trợn dẫm đạp lên đạo lí làm người, không biết quay đầu phục thiện, chàng quyết phải trừng trị cho thích đáng:
Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
Tài năng võ nghệ của chàng được sánh với Triệu Tử Long, một anh hùng trong sử sách, người đã phá vòng vây Tào Tháo để cứu con nhỏ của Lưu Bị. Cụm từ “tả đột hữu xông” đã bộc lộ hết khí phách của người anh hùng Lục Vân Tiên. Trận chiến diễn ra chớp nhoáng nhưng vô cùng khốc liệt, bọn cướp bị đánh tơi bời:
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Đến cả tướng cướp Phong Lai cũng bị trọng thương tìm đường tháo chạy:
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong
Lục Vân Tiên là một người quân tử hiền đức, trọng nghĩa khinh tài. Sau khi đánh cướp, Lục Vân Tiên còn hỏi han người gặp nạn để giúp đỡ thêm nữa. Lời nói lịch thiệp, ân cần khiến cho người gặp nạn vô cùng cảm động. Kiều Nguyệt nga ngỏ lời báo đáp ân công nhưng chàng nhất định không nhận sự đền ơn. Thái độ ứng xử đàng hoàng, chửng chạc của người chính trực, phong độ biết giữ gìn lễ giáo.
Chàng từ chối khảng khái: “làm ơn há dễ trong người trả ơn” . Đó là quan niệm sống đẹp, trọng nghĩa khinh tài, coi việc diệt ác cứu người là bổn phận của người quân tử. Chàng quan niệm “Kiến nghĩa bất vi anh hùng”, thấy việc nghĩa không làm thì không phải anh hùng. Chàng sống không màng danh lợi, quyền quý, không nhân người lúc gặp nạn mà tư lợi riêng mình. Lục Vân Tiên chính là niềm mơ ước, khác xọng mà Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gấm niềm tin và hy vọng: đạo lý nhân dân được trườn tồn, có nhiều người tài đức cứu nạn giúp đời.
Ở nhân vật Kiều Nguyệt Nga, Nguyễn Đình Chiểu nhân cơ hội này cũng khắc họa đậm nét hình dung và phẩm chất của nàng. Được người cứu giúp, sau khi qua cơn hoạn nạn, hành động đầu tiên, nàng lập tức tri tôn công đức của người nghĩa hiệp đã ra tay tương trợ, cứu giúp:
“Lâm nguy chẳng gặp giải nguy,
“Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi.”
Sau đó, ngay lập tức, nàng khấu đầu cảm tạ và xin báo đáp ơn sâu:
“Trước xe quân tử tạm ngồi,
“Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa:
“Chút tôi liễu yếu đào thơ,
“Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần.
“Hà Khê qua đó cũng gần,
“Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng”.
Đó là đạo lí làm người cao thượng, có ơn nhất định phải báo đền. Cách xưng hô của nàng đối với Vân Tiên cũng hết sức khiêm nhường, đúng mực và trang trọng: “quân tử”, “tiện thiếp”. Lời lẽ nói năng văn vẻ, dịu dàng, mực thước của con nhà gia giáo, có học thức, có phẩm hạnh cao đẹp. Cách trình bày tâm tư và nguyện vọng của Kiều Nguyệt Nga cũng rất rõ ràng và khúc chiết, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục nhằm muốn lục Vân Tiên nhận lời thỉnh cầu để cho nàng làm tròn đạo nghĩa:
“Ngẫm câu báo đức thù công,
“Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”
Tất cả cho thấy Kiều Nguyệt Nga là bậc cao quý, khuê các, thuỳ mị, nết na, có học thức, biết trọng tình nghĩa. Hơn thế nữa, nàng là một người thủy chung, sơn sắt, tận tình với ân công. Sau khi Vân Tiên từ chối tất cả, chàng cười cảm khái và tiếp tục lên đường, từ đó nàng đã ôm ấp bóng hình, nguyện làm vợ của chàng đến suốt cuộc đời không bao giờ thay lòng đổi dạ. Đó là điều phi thường mà Nguyễn Đình Chiểu đã kí thác ở nhân vật này. Không phải nàng làm trái luân lí, xem thường lễ nghi mà nàng ngưỡng vọng cái cao cả, ngưỡng vọng con người anh hùng, sống vì lẽ phải, được làm con người đích thực, nghĩ và hành động theo ý mình. Đó là nét đột phá trong tư tưởng nhân văn mà Nguyễn Đình Chiểu đã mạnh mẽ vượt phá.
- Kết bài:
Đoạn trích đã làm nỗi bậc hai nhân vật: Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tà và Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na, ân tình. Qua đó thể hiện khác vọng hành đạo giúp đời của tác giả. Nguyễn Đình Chiểu đã không hề dụng công gọt giữ ngôn ngữ và diễn đạt. Ông làm thơ mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói thường ngày và mang đậm sắc thái địa phương Nam Bộ. Qua cách xây dựng nhân vật chính diện và phản diện, truyện thơ Lục Vân Tiên đề cao đạo đức, truyền dạy đạo lý làm người.