Phân tích ý nghĩa nhan đề bài thơ Ánh trăng.
Trong thi ca, vầng trăng được xem là biểu tượng của cái đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, vũ trụ, là khát vọng tình yêu, hòa bình và cuộc sống trường cửu. Nguyễn Duy đã lấy biểu tượng đẹp đẽ ấy làm nhan đề cho bài thơ là hoàn toàn có dụng ý nghệ thuật đặc sắc, đem đến cho người đọc những cảm xúc mới mẻ, thật đáng trân trọng.
Trước hết, ánh trăng trong bài thơ cùng tên của Nguyên Duy là hình ảnh đẹp. Đó là tất cả những gì gọi là thi vị, gần gũi, hồn nhiên, tươi mát của thiên nhiên, vũ trụ. Ánh trăng soi rọi những thánh ngày thơ ấu hồn nhiên, bình dị, đầy mơ mộng và khát khao. Ánh trăng ấy theo con người ra chiến trường, soi rọi bước chân hành quân, động viên, an ủi con người vượt qua khó khăn, thử thách quyết chiến, quyết thắng kẻ thù. Trăng là người đồng đội thân thiết, là đồng chí kiên trung của người lính.
Chưa bao giờ vầng trăng đòi hỏi con người đáp trả điều gì. Nó chỉ biết cho đi thứ ánh sáng kì diệu và chẳng bao giờ than vãn, đố kỵ hay hờn ghét. Trăng hồn nhiên, vô tư như đất trời, cỏ cây. Bởi những phẩm chất cao quý ấy, con người “ngỡ” rằng “không bao giờ quên” “cái vầng trăng tình nghĩa” ấy. Hơn cả một điều tâm niệm, đó là một lời thề thủy chung của người lính đối với vầng trăng.
Nhưng nhan đề “Ánh trăng” còn thực sự sâu sắc, ý nghĩa bởi vầng trăng ấy còn là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình – ký ức gắn vói cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cam go mà hào hùng. Cuộc sống hoà bình với “ánh điện của gương”, “phòng buyn-đinh” tiện nghi, thuận lợi đã khiến cho nhà thơ bao lần nhìn ánh trăng như một “người dưng qua đường”. Con người từng một thời chiến đấu, từng ngang dọc trên nhiều chiến trường đã có lúc như lãng quên quá khứ. Để đến hôm nay, khi bất ngờ đối diện với vầng trăng, con người nhận ra sự bạc bẽo, vô tâm của mình, lòng tràn đầy ân hận, hối tiếc. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”,đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc.
Như vậy, Vầng trăng với ánh sáng kì diệu của nó tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung, nhân hậu. Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.
Ánh trăng lặng lẽ toả sáng trong bài thơ hay lặng lẽ như lời nhắc nhở giản dị mà sâu lắng, không được phép lãng quên quá khứ, có những thử thách, những hy sinh, những tôn thất thời đánh Mỹ ác hệt mói có cuộc sống hòa bình ngày hôm nay. Chính những lí do đó, Nguyễn Duy đã lấy hình ảnh này làm nhan đề cho bài thơ là một lựa chọn đúng đắn, hết sức thi vị.
Đọc thêm:
- Cảm nhận ý nghĩa 3 khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
- Cảm nhận và suy nghĩ về ý nghĩa bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy