phan-tich-y-nghia-truyen-tam-cam-10861-2

Phân tích ý nghĩa truyện cổ tích Tấm Cám

Phân tích ý nghĩa truyện cổ tích “Tấm Cám”

I. Tìm hiểu chung.

1. Truyện cổ tích:

Truyện cổ tích là những tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận những con người bình thường trong xã hội có giai cấp, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.

Truyện cổ tích được chia thành ba loại: cổ tích về loài vật, cổ tích sinh hoạt và cổ tích thần kì. Truyện cổ tích thần kì phong phú nhất và chiếm số lượng nhiều nhất.

2. Đặc trưng của truyện cổ tích thần kì.

– Sự tham gia của yếu tố thần kì là khá phổ biến (tiên, bụt, sự biến hoá thần kì, những vật có phép màu…).

– Kết cấu tương đối thống nhất: Dạng kết cấu phổ biến là nhân vật chính trải qua những phiêu lưu, hoạn nạn, thử thách, cuối cùng đạt được ý nguyện của mình.

– Nhân vật chính phần lớn là những con người bình thường

– Mâu thuẫn, xung đột gia đình và xã hội được thể hiện dưới dạng khái quát: đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác.

3. Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu cho loại cổ tích thần kì.

Câu chuyện là cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt giữa cái thiện và cái ác. Mẹ con Cám tàn nhẫn và độc ác đã chiếm đoạt tất cả những gì thuộc về Tấm và hơn nữa còn muốn tiêu diệt Tấm đến cùng. Thế nhưng bằng sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt, bằng ước mơ và niềm lạc quan của người lao động, Tấm đã đứng lên chiến đấu quyết liệt với cái ác và giành chiến thắng.

II. Phân tích:

1. Diễn biến của truyện có thể chia thành hai giai đoạn.

Từ đoạn truyện về chiếc yếm đỏ đến đoạn truyện Tấm đi xem hội phản ánh mâu thuẫn xoay quanh những quyền lợi về vật chất và tinh thần trong cuộc sống hàng ngày.

Đoạn còn lại liên quan đến cái chết của Tấm và sự hóa thân trở đi trở lại của cô, xuất hiện những mâu thuẫn về địa vị và quyền lợi đẳng cấp (mâu thuẫn xã hội) nên tính quyết liệt của mâu thuẫn hiện rõ hơn. Diễn biến của cốt truyện cho ta hình dung về xu hướng phát triển của hai tuyến nhân vật:

Tuyến mẹ con Cám: càng ngày càng tỏ ra độc ác hơn, tàn nhẫn hơn. – Tuyến nhân vật Tấm, từ những hành động và phản ứng yếu ớt, cô đã trở nên quyết liệt và chủ động hơn để đòi lại hạnh phúc đích thực của mình.

2. Nhân vật Tấm Tấm.

Sau khi chết đã hóa thân trở đi trở lại thành: chim vàng anh – hai cây xoan đào – khung cửi – quả thị, nghĩa là đều hóa thành vật. Sự hóa thân thần kì này phản ánh một quan niệm của dân gian xưa: quan niệm đồng nhất giữa người và vật. Cả bốn hình thức biến hóa này đều cho thấy vẻ đẹp về phẩm chất của nhân vật vẫn không thay đổi: bình dị và sáng trong. Bốn lần biến hóa còn cho thấy sự biến chuyển trong ý thức đấu tranh của nhân vật.

Ví dụ: Khi là chim vàng anh, nhìn thấy Cám đang giặt áo, chim nói: “Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”. Nhưng khi chiếc khung cửi lên lời, nó quyết liệt hơn: Cót ca, cót két – Lấy tranh chồng chị – Chị khoét mắt ra

Có thể nói ý nghĩa chung nhất của quá trình biến hóa ấy là thể hiện sức sống mãnh liệt của Tấm. Sức sống ấy không thể bị tiêu diệt bởi bất cứ một thế lực nào. Và nó chính là nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên chiến thắng cuối cùng của nhân vật.

3. Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện cổ tích Tấm Cám.

Mâu thuẫn và xung đột trong truyện cổ tích này trước hết là mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ đại (mâu thuẫn dì ghẻ mâu thuẫn con chồng). Nguyên nhân bắt nguồn từ việc kế thừa tài sản và hưởng những quyền lợi vật chất của các thành viên (con cái) trong gia đình.

Truyện cũng thấp thoáng xuất hiện những mâu thuẫn xã hội (về quyền lợi và địa vị) nhưng không phải là chủ đạo. ý nghĩa chung nhất của tác phẩm toát lên từ mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác. Đó là cuộc đấu tranh giữa người lương thiện và những kẻ bất lương.

4. Hành động Tấm ở kết thúc truyện.

Giội nước sôi giết Cám, lấy xác làm mắm, gửi cho dì ghẻ ăn gây nhiều tranh cãi và không ít người phản đối cho rằng hành động ấy làm mất đi vẻ đẹp vẹn toàn của nhân vật Tấm. Thực ra phải hiểu rằng: trong truyền thống cảm nhận của dân gian, người ta không quan tâm đến tính chất dã man của sự việc. Theo quan niệm “ác giả ác báo” người ta chỉ chú ý đến việc cái ác bị trừng phạt như thế

nào và với mức độ ra sao. Với tác giả dân gian, kết cục của mẹ con Cám như vậy là thích đáng, là phù hợp với những gì mà mẹ con mụ đã gây ra.

5. Những đặc trưng của thể loại truyện cổ tích thần kì được biểu hiện trong Tấm Cám.

– Cốt truyện có sự tham gia của nhiều yếu tố thần kì: nhân vật Bụt, xương cá bống và những lần biến hóa của nhân dân chính.

– Về kết cấu, truyện có dạng: nhân vật chính phải trải qua nhiều hoạn nạn cuối cùng mới được hưởng hạnh phúc. Đây là một trong những kiểu kết cấu khá phổ biến của loại truyện cổ tích thần kì.

– Truyện phản ánh những xung đột trong xã hội thời kì đã có sự phân chia giai cấp.

– Kết thúc truyện có hậu mang tính nhân đạo và lạc

III. Tổng kết:

1. Ý nghĩa nội dung truyện cổ tích Tấm Cám:

– Mâu thuẫn chủ yếu trong tác phẩm là mâu thuẫn giữa cô Tấm mồ côi, xinh đẹp, hiền lành với dì ghẻ và Cám ác độc, tàn nhẫn. Mâu thuẫn này phát triển từ thấp đến cao: ban đầu chỉ là những hơn thua về vật chất, tinh thần, sự ganh ghét mẹ ghẻ con chồng,…Khi đó, Tấm luôn là người nhường nhịn, chịu thua thiệt. Càng về sau mâu thuẫn chuyển thành sự đố kị, một mất một còn, tiêu diệt lẫn nhau. Đây là những mâu thuẫn trong gia đình phụ quyền thời cổ nhưng trên hết là mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội. Mâu thuẫn này được tác giả dân gian giai quyết theo hướng thiện ác.

– Ý nghĩa những lần biến hóa của Tấm: dù bị mẹ con Cám tìm mọi cách tận diệt, Tấm vẫn tái sinh dưới các dạng thức khác nhau (chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị). Càng về sau, Tấm càng đấu tranh quyết liệt để giành lại sự sống. Qua những lần biến hóa, dân gian muốn khẳng định: cái thiện không bao giờ chịu khuất phục, chính nghĩa không bao giờ đầu hàng, cái thiện sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lẽ phải và công lí. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất làm nên chiến thắng.

– Ý nghĩa việc trả thù của Tấm: hành động trả thù của Tấm là hành động của cái thiện trừng trị cái ác. Nó phù hợp với quan niệm “Ở hiền gặp lành”, “Ác giả, ác báo”.

2. Giá trị nghệ thuật:

– Xây dựng những mâu thuẫn, xung đột ngày càng tăng tiến.

– Xây dựng nhân vật theo hai tuyến đối lập cùng tồn tại và song song phát triển. Ở đó, bản chất của từng tuyến nhân vật được nhấn mạnh.

– Có nhiều yếu tố thần kì song vai trò của yếu tố thần kì cũng khác nhau trong từng giai đoạn.

– Kết cấu quen thuộc của truyện cổ tích: người nghèo khổ, bất hạnh trải qua nhiều hoạn nạn cuối cùng được hưởng hạnh phúc.

3. Ý nghĩa văn bản:

Truyện cổ tích Tấm Cám ngợi ca sức sống bất diệt, sự trỗi dậy mạnh mẽ của con người và cái thiện trước sự vùi dập của kẻ xấu, cái ác, đồng thời thể hiện niềm tin của nhân dân vào công lí và chính nghĩa.


Bài tham khảo:

  • Mở bài:

Tấm Cám là truyện cổ điển hình và tiêu biểu nhất cho thể loại truyện cổ thần kì. Với trí tưởng tượng phong phú, cách xây dựng nhân vật toàn diện, cốt truyện lôi cuốn, hấp dẫn, nhân dân ta đã gửi gắm vào nhân vật này ước mơ, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, công bình, kẻ xấu bị trừng trị, người tốt được báo đáp, công lí được thực thi. Vượt lên trên thời gian, truyện cổ Tấm Cám vẫn còn gây hứng thú đối với người đọc nhiều thế hệ, trở thành câu chuyện kể mang hàm ý giáo dục con người sâu sắc.

  • Thân bài:

Chuyện kể về cuộc đời và số phận đầy bất hạnh của nhân vật Tấm. Tấm là một cô gái hiền lành, xinh đẹp, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống với dì ghẻ và Cám – cô em cùng cha khác mẹ. Tấm luôn bị mẹ con Cám ghen ghét và ngược đãi. Một lần đi hớt tép Tấm bị Cám lừa lấy hết tép, chỉ còn lại con bống nhỏ. Tấm nghe lời Bụt khuyên nuôi chú cá bống trong giếng. Biết Tấm nuôi cá bống, mẹ con Cám lừa bắt bống ăn thịt. Ngày hội, mẹ con Cám trộn thóc lẫn gạo bắt Tấm nhặt, không cho đi xem hội. Bụt  lại hiện lên giúp Tấm làm việc và biến chỗ xương của bống thành quần áo đẹp cho Tấm đi hội. Tấm đi xem hội đến chỗ lội, đánh rơi chiếc giầy xuống nước. Nhờ chiếc giầy, Tấm được làm vợ vua. Tấm về giỗ cha, bị mẹ con Cám hại chết và đưa Cám thế chỗ Tấm trong cung vua.

Tấm chết hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, con ác trên khung cửi và khi thành quả thị thì được một bà lão đem về. Mỗi khi bà lão đi vắng, Tấm hiện ra dọn dẹp nhà cửa. Sau đó bà lão phát hiện ra Tấm. Một hôm, nhà vua đi qua, ghé vào quán nước của bà cụ. Nhận ra Tấm qua miếng trầu, đem Tấm về cung. Tấm hạnh phúc bên vua còn mẹ con Cám sau đó bị trừng trị đích đáng.

Nhân vật chính trong truyện chính là cô Tấm. Tấm mang thân phận mồ côi cha mẹ từ rất sớm. Cô sống với dì mụ ghẻ độc ác và cô em cùng cha khác mẹ là Cám. Trong hoàn cảnh ấy, Tấm luôn bị đối xử bất công, chịu nhiều thiệt thòi và khổ đau.

Với bản tính hiền lành lại rất chăm chỉ, Tấm sớm biết làm mọi việc trong nhà. Phẩm chất ấy không những không được trân trọng mà còn bị mẹ con dì ghẻ ghen tức, hành hạ, bắt cô phải lao động quần quật suốt ngày. Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng. Cuộc sống làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn khiến cho số phận của Tấm chứa đầy bất hạnh, cay đắng và khổ cực.

Chính lòng đố kị và thù ghét Tấm của mẹ con Cám khiến cho mâu thuẫn gia đình từng bước dâng cao. Mâu thuẫn đầu tiên bắt đầu từ chuyện đi bắt tép của chị em Tấm Cám. Bản chất của Cám không khác gì mụ gì ghẻ, lúc nào cũng giành phần hơn với chị nên đã xảo quyệt lừa chị lặn sâu mà tranh thủ trút hết tép của chị. Đó là hành động cướp công đê tiện. Rồi đến chuyện rình mò việc Tấm nuôi bống trong giếng của mẹ con Cám rồi đi đến hành động bắt bống ăm thịt. Dường như, mẹ con Cám không muốn Tấm có bất kì một niềm vui nào trong cuộc sống. Họ cố gắng tìm mọi cách cướp đoạt niềm vui và đẩy tấm vào đau khổ.

Mâu thuẫn được đẩy lên cao điểm trong lần đi xem hội. Tấm háo hức muốn đi nhưng mụ gì ghẻ lại nghĩ ra cách tàn nhẫn bắt Tấm phải ở nhà. Mụ gì ghẻ không nghĩ rằng Tấm sẽ có được gì trong buổi hội ấy, chỉ đơn giản là mụ không muốn Tấm có niềm vui mà thôi. Nhờ Bụt giúp đỡ mà nàng có cơ hội được đến với mọi người. Tình cờ ướm thử và vừa vặn với chiếc giày đã làm thay đổi cuộc đời Tấm. Từ một cô gái quê mùa trở thành hoàng hậu khả kính. Điều đó như một vết dao khoét sâu vào lòng ghen tức của mẹ con mụ gì ghẻ, thôi thúc mụ có âm mưu tàn độc đối với cô, đẩy mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám lên đến cực điểm

Qua các tình tiết, ta có thể thấy, Tấm là cô gái bất hạnh, bị hắt hủi, yếu đuối, thụ động, dễ khóc, chăm chỉ, hiền ngoan, cũng khát khao được vui chơi. Mẹ con Cám là người độc ác, nhẫn tâm hành hạ Tấm, luôn ghen ghét và đố kị, hãm hại Tấm. Bụt hiền từ, có phép lực, chuyên cứu giúp những người nghèo bất hạnh. Ở đây, Bụt đóng vai trò là yếu tố thần kì kịp thời giải quyết khó khăn, bế tắc của người bất hạnh, tạo nên nét đặc biệt hấp dẫn của loại truyện này.

Mâu thuẫn ban đầu chỉ là sự hơn thua về vật chất, tinh thần, sự ghen ghét mẹ ghẻ con chồng. Những lúc này Tấm luôn là người nhường nhịn, chịu thua thiệt. Sự nhường nhịn của Tấm khiến cho mẹ con Cám không những không nhận ra và trân trọng mà còn ngày càng lấn tới và lún sâu vào tội lỗi. Bởi thế, khi Tấm trở thành hoàng hậu, mâu thuẫn giữa Tấm – Cám và dì ghẻ không những không giảm mà còn ngày một phát triển, ngày một căng thẳng gay gắt, quyết liệt hơn.

Đây không còn là mâu thuần gia đình mà phát triển thành mâu thuẫn giữa cái ác và cái thiện trong xã hội. Mẹ con Cám tìm đủ mọi cách và nhiều lần truy đuổi hòng tiêu diệt bằng được Tấm để độc chiếm ngôi hoàng hậu, hưởng vinh hoa phú quý. Đó là con người vô cùng độc ác, mưu mô, xảo quyệt và có lòng tham vô đáy.

Âm mưu giết Tấm lại được thực hiện ngay ngày giỗ của cha Tấm. Một sự bất lương, đê tiện đang âm thầm diễn ra. Tấm vẫn ngây thơ không biết gì bởi nàng luôn tin vào điều thiện và sự cải hóa của con người. Mẹ con Cám nhẫn tâm chặt cây cau khiến nàng ngã chết. Cám thế chỗ chị lên làm hoàng hậu. Hồn Tấm hóa thành con chim vàng anh. Mẹ con Cám giết vàng anh, nàng hóa thân thành cây xoan đào. Mẹ con Cám chặt cây xoan đào, nàng hóa vào khung cửi. Khung cửi bị đốt, nàng hóa thân vào quả thị thơm. Và cuối cùng, từ quả thị, Tấm bước ra với hình dung con người.

Với bốn lần hoá thân, Tấm càng đấu tranh quyết liệt để giành sự sống. Thực tế khốc liệt cũng thay đổi tính nết và cách nói năng, ứng xử của cô. Sau mỗi lần bị giết, bị chết, bị chặt, bị đốt, Tấm đều không chết mà tìm cách hoá thân sang kiếp khác, vật khác, tìm cách mắng rủa, tố cáo tội ác cướp chồng, giết chị của Cám. Càng hóa thân, Tấm càng trưởng thành hơn. Các lần hóa thân chứng minh sức sống mãnh liệt của Tấm. Đó cũng là sức sống mãnh liệt của cái thiện.

Bốn lần bị giết, bốn lần hoá thân thể hiện quan niệm luôn luân hồi của đạo Phật trong tinh thần nhân dân, thể hiện mơ ước của nhân dân gửi vào nhân vật Tấm.

Tấm phải sống để hưởng hạnh phúc, để trừng trị những kẻ thù độc ác, mẹ con Cám nhất định phải đền tội. Ở giai đoạn biến hoá về sau của Tấm, ta không thấy Bụt xuất hiện nữa. Vai trò của Bụt chấm dứt khi bước vào cuộc đấu tranh giành lại sự sống. Tính tích cực, chủ động của nhân vật Tấm thể hiện ở điểm này và đó cũng là cơ sở để dân gian khẳng định: Chính sức sống mãnh liệt của con người, của cái thiện mới là nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên chiến thắng cuối cùng.

Khi Tấm trở lại ngôi vị hoàng hậu, nàng xinh đẹp hơn xưa. Qua đó, dân gian muốn khẳng định rằng cái thiện không bao giờ chịu khuất phục, chính nghĩa không bao giờ đầu hàng. Cái thiện sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ lẽ phải và công lí. Kết cấu câu chuyện nêu lên một triết lí: “ở hiền gặp lành”. Đây cũng là ước mơ, khát vọng của người nông dân bị đè nén, áp bức.

Mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám là mâu thuẫn trong gia đình phụ quyền thời cổ nhưng trên hết là mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội và được giải quyết theo hướng thiện thắng ác. Đó cũng là quan niệm thiện – ác và tinh thần lạc quan, niềm tin vào chân lí và công bằng vào tâm thức người Việt trong cổ tích.

Năm lần bảy lượt hãm hại Tấm để cướp lấy thành quả của Tấm, mẹ con Cám không thể thành công. Thế nhưng, họ vẫn không nhận ra bài học nào. Họ vẫn cố chấp với sự mê muội của chính mình. Hậu quả cuối cùng mà họ phải nhận lấy là hoàn toàn đích đáng. Cám bị dội nước sôi mà chết cùng khát vọng được đẹp hơn chị. Mụ gì ghẻ cũng lăn ra chết trước cái chết của con gái yêu.

Kết thúc truyện cổ tích Tấm Cám là kết thúc có hậu. Người tốt như Tấm đã được bảo vệ và đền đáp; kẻ xấu như mẹ con Cám phải nhận hậu quả tương xứng với hành động xấu xa của họ. Đó cũng là mong muốn của nhân gian. Có ý kiến cho rằng Tấm trả thù là hợp lí, là thích đáng. Mẹ con Cám đáng bị trừng trị  bằng hình phạt nặng nề như vậy là hợp với lẽ đời. Nhưng có ý kiến không đồng tình, cho rằng hành động ấy trái với bản chất hiền hậu của Tấm.

Theo logic phát triển tính cách của Tấm và quan niệm của người Việt Nam trong cổ tích thì việc trả thù của Tấm là hợp lí. Tấm đã sống bằng trái tim chân thiện, lấy ân báo oán, lấy nghĩa trả thù. Còn mẹ con Cám vì lòng tham mù quáng mà bất chấp lương tri, không chịu hồi tỉnh. Không những giết Tấm, mẹ con Cám còn tiêu diệt tận gốc rễ mọi mầm móng. Đó là hành động man rợ, không còn nhân tính, đáng bị trời tru đất diệt.

Cuối truyện, Tấm đã thấu rõ bản chất của mẹ con Cám.  Lúc này cô đã nhân danh cái thiện trừng phạt cái ác. Tấm là nhân vật văn học do nhân dân lao động sáng tạo để thể hiện quan niệm, thái độ của mình về cuộc sống. Tư tưởng cốt lõi mà dân gian muốn gửi đến người nghe (đọc) là: Thiện luôn thắng ác, “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.

Qua câu chuyện, ta nhận ra hạnh phúc không tồn tại ở đâu đó xa xôi, trừu tượng mà ở ngay trong cõi đời này. Người bình dân xưa không tìm hạnh phúc ở cõi nào khác mà tìm và giữ hạnh phúc thực sự ngay ở nơi trần thế. Xã hội  luôn công bằng, ở đó có công lí sẽ luôn được thực hiện. Tức là người lao động chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng sẽ được hưởng hạnh phúc; kẻ tham lam, độc ác, giết người sẽ bị trừng trị đích đáng. Trong một thời đoạn nào đó, có thể điều ấy không đúng, nhưng nhìn xa vào dòng thời gian, chân lí ấy là hoàn toàn đúng đắn.

Sức hấp dẫn của truyện cổ tích Tấm Cám còn thể hiện ở cốt truyện li kì. Nhiều yếu tố thần kì trong câu chuyện xuất hiện với nhân vật thần kì (Bụt), vật thần (xương cá bống, gà biết nói, đàn chim sẻ biết nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo). Bản thân nhân vật chính cũng có sự biến hoá thần kì đã tạo nên nét kì ảo hết sức lôi cuốn. Cách xây dựng mâu thuẫn và đẩy xung đột ngày càng tăng tiến mang tính kịch sâu sắc. Hai tuyến nhân vật đối lập cùng tồn tại và song song phát triển. Đó là lối kết cấu quen thuộc đã thành mô típ trong thể loại truyện cổ tích: kiểu nhân vật mồ côi, hoặc nghèo khó, bất hạnh trải qua nhiều khó khăn, hoạn nạn, cuối cùng được hưởng hạnh phúc.

  • Kết bài:

Hơn một câu chuyện cổ, truyện cổ tích Tấm Cám để lại trong người đọc một bài học nhân sinh quý giá. Hãy luôn sống chân thiện và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp sẽ đến. Hãy luôn tránh xa cái xấu, cái ác để không phải làm điều sai trái, phải nhân lấy những hậu quả nặng nề. Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm. Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm. Sống hướng đến con người và gìn giữ thiện lương ngay chính trong cuộc sống khác nghiệt này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang