doan-trich-chi-em-thuy-kieu-cua-nguyen-du

Phân tích ý nghĩa và giá trị đoạn trích Chị em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Phân tích ý nghĩa và giá trị đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du).

  • Mở bài:

Nguyễn Du là một thiên tài văn học hiếm có trong lịch sử Việt Nam. “Truyện Kiều” là tác phẩm văn học vĩ đại, kiệt xuất của Nguyễn Du. Tác phẩm là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” là phầm mở đầu của truyện Kiều. Đoạn trích giới thiệu cuộc sống và vẻ đẹp tuyệt sắc của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, khẳng định tài năng miêu tả người đạt đến trình độ siêu việt của thiên tài Nguyễn Du.

  • Thân bài:

Vẫn là lối tả chân cùng thủ pháp ước lệ, tượng trưng nhưng Nguyễn Du đã biết cách lựa chọn tài tình và chấm phá điêu luyện khi miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân và Thúy Kiều. Bức chân dung vẻ đẹp hai chị em Thúy Kiều không vượt khỏi khuôn khổ thi pháp văn học trung đại, thế nhưng Nguyễn Du đã có một bước tiến vượt bậc trong việc lựa chọn phương thức và mức độ biểu đạt. Có thể nói, ông đã phủ một lớp màu lung linh lên một bức tranh vốn đã vô cùng đẹp đẽ, khảm thêm những hoạ tiết phi thường cho 2 bức chân dung tuyệt sắc khiến nó vượt lên trên mọi chuẩn mực của cái đẹp xưa nay, đạt đến toàn bích.

Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du giới thiệu chân dung hai chị em:

“Đầu lòng hai ả tố nga, 
Thuý Kiếu là chị, em là Thuý Vân. 
Mai cốt cách tuyết tinh thần, 
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”

Con gái đầu lòng trong quan niệm cũ vốn không có gì đáng quý bởi trong xã hội phong kiến vốn trọng nam khinh nữ. Nhà Vương ông lại có đến hai nàng. Thế nhưng, những giá trị đích thực đã đánh tan định kiến. Từ lâu vẻ đẹp cốt cách và tinh thần của Thúy Kiều và Thúy Vân là niềm tự hào của Vương ông và Vương bà. “Đầu lòng hai ả tố nga” là tiếng nói đầu tiên và mạnh mẽ của thi hào Nguyễn Du nhằm muốn chống lại cái định kiến lạc hậu, cũ kĩ và sai lầm ấy.

“Mai cốt cách tuyết tinh thần” nghĩa là tâm hồn thanh cao, tinh khiết và cao quý như mai, trong sáng như tuyết. Tác giả sử dụng bút pháp ước lệ, gọi là vẽ đẹp duyên dáng, thanh cao, trong sáng của hai người thiếu nữ. Mỗi người đều có nét đẹp riêng và đều đạt đến mức độ hoàn mĩ “mười phân vẹn mười”. Trong văn học hay hiện thực cuộc sống, đó là vẻ đẹp hiếm thấy, hiếm gặp.

Tiếp đó, bức chân dung tuyệt sắc của Thúy Vân hiện lên với những đường nét trang nhã, thanh cao:

“Vân xem trang trọng khác vời, 
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang, 
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”

Thúy Vân mang vẻ đẹp “trang trọng khác vời”“Trang trọng” là nhìn vào hết sức chuẩn mực và cao quý. “Khác vời” là khác thường, là hiếm gặp, hiếm có.  Vẻ đẹp của Thuý Vân được so sánh với những hình ảnh cao đẹp của thiên nhiên, vũ trụ: trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc. Nàng có khuôn mặt tròn đầy và rạng ngời như vầng trăng sáng. Nét ngài nở nang, thanh tú. Nụ cười tươi như hoa nở. Tiếng nói trong trẻo như tiếng ngọc. Mái tóc mềm mại như mây. Làn da trắng mịn như tuyết.

Với những nét chấm phá quen thuộc nhưng tài tình của Nguyễn Du, Thuý Vân hiện lên với vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu, quý phái. Bức chân dung mang tính cách số phận, dự báo cuộc đời nàng sẽ bình lặng, yên ổn.

Xuất hiện sau vẻ đẹp của thùy mị của Thúy Vân, vẻ đẹp của Thúy Kiều làm cho người đọc phải sửng sốt:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà, 
So bề tài sắc lại là phần hơn: 
Làn thu thuỷ nét xuân sơn, 
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”.

Đó là một vẻ đẹp “sắc sảo”, “mặn mà”. Nghĩa là vẻ đẹp ấy không những sắc nét mà còn cuốn hút đến nỗi khiến người ta không thể rời ánh nhìn. Ánh mắt nàng trong như mặt nước hồ thu. Chân mày như dáng núi mùa xuân tràn đầy sức sống. Nụ cười tươi hơn cả hoa thơm. Hình ánh thướt tha hơn cả dáng liễu. Đó quả thực là nét đẹp của bậc tuyệt sắc giai nhân xưa nay hiếm gặp.

Khác với Thuý Vân khi khắc hoạ chân dung Kiều, tác giả tập trung gợi tat vẻ đẹp của đôi mắt: mắt nàng đẹp, trong sáng như làn nước mùa thu, đôi long mày thanh tú như dáng núi mùa xuân. Một vẻ đẹp sắc sảo, xanh tươi, mơn mởn khiến hoa cũng phải “ghen“, liễu cũng phải “hờn“. Phải chăng, đó là điều Nguyễn Du ngầm dự báo về số phận ép le, cuộc đời Kiều sẽ nhiều đau khổ, gian truân.

Vẫn là bút pháp ước lệ, tượng trưng của thi pháp trung đại khi lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp nhưng ở đây, Nguyễn Du đã có những bước đi táo bạo. Vẻ đẹp của Thúy Kiều đã vượt trội hơn nhiều lần vẻ đẹp của thiên nhiên. Thiên nhiên chỉ còn là cái nền cảnh để cho vẻ đẹp Thúy Kiều tỏa sáng. Cả vũ trụ dường như hội tụ ở thiếu nữ này. Nàng mới là chuẩn mực của cái đẹp trong đất trời.

Thúy Kiều không chỉ đẹp ở hình thức mà tài năng và tâm hồn cũng đạt đến mức tuyệt mĩ:

Một hai nghiêng nước nghiêng thành, 
Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai. 
Thông minh vốn sẵn tính trời, 
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm. 
Cung thương làu bậc ngũ âm, 
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương. 
Khúc nhà tay lựa nên chương, 
Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân.

Thúy kiều được miêu tả là người thông minh, tinh anh đến hiếm gặp. Vốn yêu mến thú tiêu dao, Thúy kiều say mê và thuần thục những thú vui tao nhã của người xưa như một cách để tiếp thụ nền văn hóa chuẩn mực và di dưỡng tài năng, tâm hồn mình. Không những sành sỏi mà nàng còn sáng tác, tạo ra tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình. Khúc “Bạc mệnh” mà nàng đã viết nên thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, trái tim giàu cảm xúc dự cảm về kiếp người tài hoa, bạc mệnh của chính nàng. Có thể nói tài năng của Kiều đạt đến mức lí tưởng theo quan niệm phong kiến.

Như hai viên ngọc quý được giấu kín, hai chị em thúy Kiều đã có một tuổi thơ: “Êm đềm trướng rủ man che”. Cái không gian ấy có vẻ như khiến hai nàng có cuộc sống khép kín nhưng rất cần thiết để bảo vệ hai nàng khỏi phong ba cuộc đời. Thế nhưng, sự đời trái ngang, dù đã hết sức giữ gìn, Vương ông cũng không thể bảo vệ được hai con gái của mình. Sợi dây oan nghiệt vốn đã được tạo nên bởi tạo hóa hay chính từ bàn tay của những kẻ xấu xa vốn đã có nhiều lòng ghen tuông, đố kị với gia đình diễm phúc ấy.

  • Kết bài:

Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” khắc hoạ đậm nét vẻ đẹp “xưa nay chưa từng có” của chị em Thúy Kiều. Với cảm hứng nhân văn cao cả, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của con người và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh. Xây dựng nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du thể hiện tấm lòng trân trọng đối với tài sắc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nước ta.

Chứng minh: Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân và Thúy Kiều là ngầm dự báo về số phận mỗi người

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang