“Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. (Mác-xen Prút)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy cảm nhận những thế giới khác do người nghệ sĩ tạo ra qua hệ thống thi ảnh độc đáo trong “Tây Tiến” (Quang Dũng) và “Đàn ghi ta của Lor-ca” (Thanh Thảo).
1. Giải thích.
– Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập Đây là cách nói hình ảnh của nhà văn Mác-xen Prút nhằm khẳng định bản lĩnh nghệ thuật của nghệ sĩ “thứ thiệt” – những nghệ sĩ biết cách tạo nên sức sống mới mẻ và lâu bền cho tác phẩm:
+ Một nghệ sĩ chân tài bao giờ cũng có cái nhìn riêng về thế giới và tạo lập được những tác phẩm văn học độc đáo với những nhân tố mới mẻ, không lặp lại bao giờ.
+ Nghệ sĩ độc đáo xuất hiện đồng nghĩa với việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo. Cụ thể, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ đích thực đã tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị với sự tổ chức độc đáo bằng những mã nghệ thuật mới (về cách nhìn, kết cấu, lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện hình ảnh, lựa chọn ngôn từ, giọng điệu, cho đến xác lập tứ thơ…).
– Cái độc đáo không trộn lẫn của nghệ sĩ chân tài còn thể hiện ở hiệu ứng thẩm mỹ dồi dào mà tác phẩm mang lại làm người tiếp nhận ghi nhớ mãi mãi, không thể nào quên.
2. Phân tích – chứng minh.
a. Giới thiệu chung về 2 tác giả, tác phẩm.
b. Tây Tiến của Quang Dũng.
– Được tổ chức và sáng tạo qua hệ thống thi ảnh độc đáo:
+ Những thi ảnh tạo dựng không gian đặc trưng Tây Bắc với núi-sương-mây chơi vơi, khuất lấp, heo hút mà «chủ âm» chiếm lĩnh không gian là tiếng thác gầm thét, tiếng cọp trêu người.
+ Những thi ảnh đậm tính biểu tượng ấm nóng hơi người: súng ngửi trời, mưa xa khơi, mùa em, hội đuốc hoa, hồn lau nẻo bến bờ, mắt trừng gửi mộng, dáng kiều thơm,…
– Tạo ra những thế giới khác, khác hẳn thế giới thực tại và ám ảnh người đọc:
+ Không gian thực với núi rừng heo hút, sơn lam chướng khí như thể mất dấu nhường chỗ cho một vùng không gian nội cảm đậm chất Quang Dũng, phản chiếu dáng dấp trượng phu của kẻ sĩ Hà Thành: Những chiến binh Tây Tiến vào tử ra sinh an nhiên như thể đã quên mất cái chết, đang hành quân và đang âm thầm mơ tưởng…
+ Sự tổ chức kết nối các thi ảnh tạo nên sự giao cảm sâu sắc giữa con người và không gian (những vùng không gian ấm áp hương người): có dáng kiều thơm tôi thương mà em đâu có hay (chữ Quang Dũng) đi về trong mộng, có dáng đồng đội bồng súng đội trời, có nàng sơn nữ e ấp ẩn sau man điệu, có bóng ai chèo độc mộc chiều sương, có đôi mắt quắc oai hùng mà đa cảm,… Không gian thực là không gian chiến tranh kiểu như hồn tử sĩ gió ù ù thổi… không tồn tại ở đây. Tất cả đều biến thể qua nỗi nhớ cảnh, nhớ người của một người lính biên cương ngang tàng và lịch lãm.
c. Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo.
– Được tổ chức và sáng tạo qua hệ thống thi ảnh độc đáo:
+ Những thi ảnh tạo dựng không gian đặc trưng Tây Ban Nha với áo choàng đỏ gắt, vầng trăng, yên ngựa, hoa Tử đinh hương (li-la li-la li-la)
+ Sự tổ chức kết nối các thi ảnh bằng kỹ thuật liên văn bản tạo ra sự đồng nhất giữa thi ca và âm nhạc, hội họa và điêu khắc, tự sự và trữ tình, mỹ học Tây phương và minh triết Đông phương để tôn vinh và thương tiếc một thiên tài đoản mệnh: những tiếng đàn bọt nước/li-la li-la li-la…/áo choàng đỏ gắt/áo choàng bê bết đỏ/tiếng ghi ta nâu/tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/tiếng ghi ta tròn/tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy/chiếc ghi ta màu bạc/vầng trăng, yên ngựa/giọt nước mắt vầng trăng,…
– Tạo ra những thế giới khác, khác hẳn thế giới thực tại và ám ảnh người đọc:
+ Hệ thống thi ảnh mở ra một không gian văn hóa đặc trưng của xứ sở Tây ban cầm: Khúc du ca đồng nội, đấu trường, hoa li-la (Tử đinh hương) tím ngát, kẻ lãng du phiêu bồng…Thi ảnh “vầng trăng”, “yên ngựa” khi được cườm nhạc vào gợi liên tưởng hình ảnh Ph.G.Lor-ca khoác cây đàn hát nghêu ngao, rong ruổi trên yên ngựa truyền bá tiếng nói tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật.
+ Thủ pháp đồng nhất giữa hội họa và điêu khắc từ hệ thống thi ảnh áo choàng đỏ gắt/áo choàng bê bết đỏ/tiếng ghi ta nâu/tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/ tiếng ghi ta tròn/tiếng ghi ta ròng ròng/máu chảy/chiếc ghi ta màu bạc thành một thứ ngôn ngữ tượng trưng: đỏ gắt (sự thách thức), bê bết đỏ (màu máu-cái chết), tiếng ghi ta nâu (màu đàn-sự hiện hữu mầu nhiệm), tiếng ghi ta lá xanh biết mấy (niềm hy vọng thiết tha), tiếng ghi ta tròn-ròng ròng máu chảy (cái chết-nỗi đau).
+ Kỹ thuật liên văn bản tích hợp đa chiều tạo tiếng nói đa thanh:
++ Tự sự: Đó là câu chuyện bàn về cái chết oan khiên của Lor-ca qua những câu thơ mang dáng dấp văn xuôi: Lor-ca bị điệu về bãi bắn/chàng đi như người mộng du/không ai chôn cất tiếng đàn/đường chỉ tay đã đứt.
++ Trữ tình: Buộc người đọc “Ở không yên ổn ngồi không vững vàng” vì thao thức khôn nguôi: Một Lor-ca đơn thương độc mã trên “đấu trường chính trị” trước thế lực bạo tàn Frăngcô. Một thiên tài cô đơn đi lang thang về miền đơn độc trong một nền nghệ thuật Tây Ban Nha già nua, lỗi thời. Một cái chết oan khốc thảm đau. Một nỗi tiếc thương vô hạn, sự mất mát lớn lao khi tiễn biệt một thiên tài.
++ Sự đồng nhất giữa tính tượng trưng của văn học phương Tây và sự minh triết trong văn học phương Đông qua các thi ảnh (“vầng trăng”, “yên ngựa”: Với văn học phương Tây là sự tượng trưng cho cái Đẹp và thú lãng du hải hồ. Nhưng với Đông phương lại chứa đựng chiều sâu minh triết: Đó là cái Đẹp mang ý vị vĩnh quyết với dự cảm biệt li nghìn trùng).
++ Là cả một thế giới nghệ thuật qua tâm thức sáng tạo của Thanh Thảo: Sự thương tiếc cùng nỗi lo cho nền nghệ thuật Tây Ban Nha thiếu vắng người dẫn đường và thiếu vắng bản lĩnh dám “đạp đổ thần tượng” để mở ra những chân trời…
3. Đánh giá chung.
– Nhận định được dẫn đã khái quát được vai trò của nghệ sĩ đích thực qua cá tính sáng tạo độc đáo của chính mình-qua một cách diễn đạt cô đọng, súc tích, ấn tượng.
– Quang Dũng và Thanh Thảo đã sáng tạo được những hệ thống thi ảnh độc đáo, góp phần làm nên sự thành công của tác phẩm.
– Người tiếp nhận bằng sự đồng sáng tạo của mình đã thực sự đi vào những thế giới khác qua bản lĩnh nghệ thuật của cá nhân nhà văn.