Quan điểm của Tô Hoài trong sáng tác nghệ thuật
1. Nếu ngôn ngữ là cái áo của tư duy thì nhân vật chính là hình thù con người mặc chiếc áo ấy.
2. Nhân vật quyết định sự thành bại của tác phẩm. Ta cần tập trung vào nhân vật và giải quyết hết thảy trong một sáng tác.
3. Nhân vật hay thì chuyện mới hay, vì vậy cần đặt nhân vật ở hàng đầu.
4. Sáng tác chính là tái hiện cuộc sống, nhưng không phải là làm sống lại một cách tự nhiên mà trong quá trình sáng tác còn mang phần “trang điểm cho cuộc sống”.
5. Muốn viết được, nhất thiết phải biết quan sát để khắc sâu thêm vào trí nhớ, giúp sức cho trí tưởng tượng. Cách quan sát không có gì đặc biệt và bí ẩn, đó chỉ là thói quen mài giũa cái nhìn, cái nghe, cái nghĩ, là việc tập trung tìm tòi sự chuyển động của mọi vật.
6. Tôi thường dè chừng một thói quen dễ mắc phải: Sáng tạo dựa trên tiếng nói của quần chúng nhưng tuyệt đối không phải là bắt chước hay nhại lại. Học tinh hoa từ tiếng nói quần chúng và đưa những tinh hoa ấy thành phong cách văn chương của mình.
7. Mỗi chữ phải là hạt ngọc rơi xuống trang bản thảo, phải là hạt ngọc mới nhất do mình tìm được, phản ánh phong cách văn chương của mình. Trang sách không có ngọc, trang bản thảo không có chữ thần, không có tinh hoa, thì hồn tác phẩm, từ tư tưởng đến nhân vật, tất cả ước vọng và khát khao mà ta gửi gắm vào sáng tác biết lấy gì mà sống được.
8. Mỗi nhà văn bước vào nghề theo cách riêng của mình, và mỗi người có một lối đi riêng. Cùng một ý tưởng nhưng mỗi người lại có lối viết, lối cảm nghĩ, và một tâm hồn khác biệt, tạo nên quang cảnh trăm hoa đua nở trong văn học.
9. Người viết văn cũng như ông thầy lang hay nhà bào chế, càng có nhiều vị thuốc tốt trong tay thì càng dễ pha chế được như ý.
10. Người viết có con mắt sáng rõ mục đích viết, giúp họ luôn nắm bắt được ý chính của tác phẩm và theo đuổi mục đích đó.
11. Người viết văn phải thấy sáng tác là một hình thái lao động, dù hình thái đó có phần đặc biệt, nhưng viết văn chính là một hình thức lao động.