so-sanh-hinh-anh-cai-chet-trong-bai-tay-tien-quang-dung-va-tieng-dan-ghi-ta-cua-lorca-thanh-thao

So sánh hình ảnh cái chết được khắc họa trong bài Tây Tiến (Quang Dũng) và Tiếng đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo)

Hình ảnh cái chết được khắc họa trong bài Tây Tiến (Quang Dũng) và Tiếng đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo)

1. Hình ảnh cái chết được khắc họa trong bài thơ Tây tiến – Quang Dũng:

+ Quang Dũng không hề che dấu sự khốc liệt của chiến tranh, những mất mát hi sinh của người lính cái chết gợi lên sự bi thương:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

+ Câu thơ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” khẳng định mạnh mẽ khí phách của tuổi trẻ, không chỉ tự nguyện chấp nhận mà còn vượt lên cái chết, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho nghĩa lớn của dân tộc. Đó là dũng khí tinh thần và hành động cao đẹp của người lính Tây Tiến. Tư thế ra trận, lý tưởng lên đường hào hùng mà bi tráng.

+ Tác giả đã dùng từ Hán Việt, ngôn ngữ trang trọng (Biên cương, viễn xứ, áo bào, về đất, khúc độc hành) để diễn đạt sự đau đớn tiếc thương, tiễn biệt xen lẫn tự hào ngợi ca qua hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc nói thay cho cả dân tộc. Sự hi sinh của người lính được cảm nhận và miêu tả một cách thấm thía bằng cảm hứng bi tráng. Cái chết hợp trời đất và lòng người nên thiêng liêng và bất tử.

+ Nghệ thuật: bút pháp miêu tả lãng mạn kết hợp với bi tráng, nghệ thuật sử dụng ngôn từ hình ảnh đặc sắc độc đáo, phối hợp thanh điệu, … biểu đạt thành công nội dung.

2. Hình ảnh cái chết được khắc họa trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca – Thanh Thảo:

+ Hình ảnh Lorca bị hành hình được miêu tả khốc liệt đầy đủ qua nghệ thuật hoán dụ áo choàng bê bết đỏ, trực tiếp điệu về bãi bắn tái hiện giây phút bi phẫn nhất cái chết của Lorca. Đó là khi ông bị bọn phát xít Phrăngcô giết, ném xác Lorca xuống giếng để phi tang. Tội ác của các thế lực tàn bạo là kẻ thù đối nghịch của cái đẹp gây nên nỗi kinh hoàng trong lòng người:

Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du

+ Tây Ban Nha – hát nghêu ngao, như người mộng du gợi tư thế cái chết bi tráng Lorca, một cách siêu thoát, chập chờn bước vào cõi tử coi thường mọi đau đớn của người nghệ sĩ yêu tự do, vừa gợi được tính chất quyết liệt trong cuộc đấu tranh giữa ánh sáng – bóng tối, chính – tà, cũ – mới trong nền chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha thời đó.

+ Từ “bỗng kinh hoàng” là một sự đổ vỡ ghê gớm. Báo chí Tây Ban Nha nói vụ giết Lor-ca vẫn là một trong những vết thương chưa lành ở Tây Ban Nha. Tây Ban Nha trở nên kinh hoàng khi nghe tin Lorca bị giết hại. Và gợi đau xót căm phẫn ở lòng người.

+ Hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” gợi liên tưởng tới Tây Ban Nha như một đấu trường khổng lồ. Đó là cuộc đấu quyết tử giữa một bên là khát vọng dân chủ của người chiến sĩ Lor-ca và nền chính trị độc tài thân Phát xít; giữa người nghệ sĩ mang khát vọng cách tân nghệ thuật với sự bảo thủ của nền nghệ thuật già nua.

+ Nghệ thuật: thể thơ tự do mang phong cách tượng trưng, siêu thực, kết hợp giữa tự sự và trữ tình, giữa thơ và nhạc, giữa màu sắc thơ viếng phương Đông và chất bi tráng trong nhạc giao hưởng phương Tây, hình ảnh thơ lạ hoá, áo hoá…

3. So sánh hai bài thơ:

– Sự tương đồng:

= Cả hai bài thơ đều viết về những cái chết của những con người tài năng, yêu tự do, yêu đất nước, tiên phong mở đường cho lí tưởng mang vẻ đẹp bi tráng, hào hùng vượt lên trên hiện thực khốc liệt, bi thảm, nhưng mỗi tác giả lại có cái nhìn, cảm xúc và biểu đạt riêng, đọc đáo và đầy sáng tạo.

– Sự khác biệt:

+ Sự hi sinh, cái chết trong Tây Tiến của Quang Dũng được miêu tả gián tiếp qua hình ảnh (nấm mộ viễn xứ) và ngôn ngữ (về đất). Cái chết không đơn lẻ mà là sự hi sinh bi tráng chung của người lính Tây Tiến qua bức tượng đài tập thể tạo nên khúc tráng ca, mang dấu ấn sử thi của một dân tộc anh hùng. Cảm hứng lãng mạn khiến cách nhìn cái chết của những người lính vừa có chất khốc liệt trong cuộc chiến sinh tử nhưng lại chói ngời vẻ đẹp lí tưởng, khí phách, lí tưởng mang dáng dấp của những tráng sĩ thủa xưa. Nghệ thuật chủ đạo là bút pháp lãng mạn kết hợp với bi tráng, sử dụng ngôn từ hình ảnh đặc sắc độc đáo, giàu tính nhạc và hội họa.

+ Sự hi sinh, cái chết trong Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo miêu tả trực tiếp qua hình ảnh áo choàng bê bết đỏ, điệu về bãi bắn. Cái chết, sự hi sinh của Lorca đơn độc lẻ loi một mình tạo nên vẻ đẹp của con người mở đường tiên phong trong cuộc đấu tranh giữa ánh sáng – bóng tối, chính – tà, cũ – mới trong nền chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha thời đó nói riêng, cho sự tiến bộ nhân loại, cho nghệ thuật nói chung. Với thể thơ tự do mang phong cách tượng trưng, siêu thực, kết hợp giữa tự sự và trữ tình, giữa thơ và nhạc, giữa màu sắc thơ viếng phương Đông và chất bi tráng trong nhạc giao hưởng phương Tây, hình ảnh thơ lạ hoá, ảo hoá… tạo nên dấu ấn riêng của đoạn thơ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang