So sánh vẻ đẹp tình cảm cha con trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang và Nói với con của Y Phương.
- Mở bài:
Chiến tranh có thể tàn phá những gì trên đường nó đi qua, duy nhất tình cảm gia đình không bom đạn nào có thể hủy diệt được. Điều này thể hiện rõ qua đoạn trích từ tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng. Tình yêu thương con mãnh liệt của ông Sáu gửi gắm trong chiếc lược ngà mà anh làm tặng cho con khiến người đọc vừa yêu mến vừa xót xa. Y Phương với bài thơ Nói với con cũng đã bày tỏ tình cảm mến yêu và niềm mong mỏi thiết tha của người cha đối với con nhỏ về một tương lai trong mối gắn kết bền chặt với gia đình và quê hương. Bài thơ đồng thời cũng khơi gợi trách nhiệm của mỗi con người đối với quê hương, đất nước.
- Thân bài:
Truyện được viết tại chiến trường miền Đông Nam Bộ thời kháng chiến chống Mĩ (1966). Toàn bộ câu chuyện kể về tình cha con trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Đoạn trích nằm ở phần giữa của tác phẩm, kể lại chuyện: ông Sáu tiếp tục khoác ba lô lên đường tham gia chiến đấu. Trên chiến trường dù gian lao khốc liệt, ông Sáu vẫn dồn hết tâm sức làm cây lược bằng ngà cho con gái – bé Thu nhưng chưa kịp về trao cho con thì anh đã hi sinh.
1. Ý nghĩa thiêng liêng của chiếc lược bằng ngà – tình yêu con tha thiết mãnh liệt của ông Sáu – người cha chiến sĩ.
Ước muốn của bé Thu gửi gắp ông Sáu trước khi ông trở lại chiến khu rất giản dị “Ba về ba nhớ mua cho con cây lược”. Nhưng anh muốn quà cho con phải đặc biệt, phải tự tay mình làm lấy và anh quyết định làm cây lược cho con – chiếc lược bằng ngà.
Có nhìn thấy ông Sáu với gương mặt hớn hở như đứa trẻ được quà từ trong rừng chạy ra, tay giơ cao khúc ngà, mói biết anh yêu con biết chừng nào. Làm chiếc lược cho con đúng là một cuộc hành trình, bởi người cha chiến sĩ ấy vừa đối mặt với đạn bom, với đói rét, hiểm nguy, lại vừa tỉ mỉ mài từng chiếc răng lược.
Nhà văn miêu tả hình ảnh ông Sáu lúc đó thật chi tiết: “Anh lấy vỏ đạn hai mươi ly của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc.”. Tình yêu thương con đã biến người cha chiến sĩ thành một nghệ nhân, nghệ nhân ấy thực hiện tác phẩm duy nhất trong cuộc đời mình – cây lược bằng ngà để tặng cho con.
Trong từng chiếc răng lược có nỗi nhớ thương con, có sự ân hận vì đã đánh con, có niềm mong đợi ngày trở về. Cho nên, chiếc lược ngà trở thành biểu tượng của tình phụ tử thiêng liêng. Một chiếc lược xinh xắn dành cho con gái duy nhất của anh: “Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sóng lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu, con của ba”. Dòng chữ khắc trên lược thể hiện tất cả nỗi niềm của ông Sáu và sẽ khắc sâu vào trái tim con gái anh.
Chiếc lược làm xong, tâm trạng anh có lẽ nhẹ nhàng hơn, mong ước bé nhỏ của con gái đã được thực hiện. Lúc này, trong anh dậy lên niềm mong muốn, sau chiến thắng, trở về trao cho con món quà ấy. Thế nhưng chiến tranh dập tắt niềm mong ước đó: “Trong một trận càn lớn của quân Mĩ – Ngụy, ông Sáu hy sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực”. Lời kể như nấc nghẹn, người cha đã không thể thực hiện trọn vẹn lời hứa với con – trở về và trao cho con cây lược. Chiếc lược ngà trở thành kỉ vật thiêng liêng của tình phụ tử.
Nhân vật ông Sáu tiêu biểu cho những người cha chiến sĩ có lòng yêu nước nồng nàn và tình yêu con sâu sắc. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh họ không có điều kiện gần gũi yêu thương chăm sóc con. Họ hi sinh niềm hạnh phúc của mình để làm nhiệm vụ với non sông đất nước đồng thời vẫn làm điểm tựa tinh thần cho người thân của mình.
2. Tình yêu con sâu sắc của người cha miền núi – Y Phương, qua một đoạn trong bài thơ “Nói với con”:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát.
(Nói với con, 1980, Y Phương)
Bài thơ “Nói với con” là tiếng lòng của người cha miền núi yêu thương con và nặng lòng với quê hương, làng bản. Bài học đầu đời người cha dạy cho con về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi người được gợi lên từ khố thơ đầu:
Chân phải bước tới cha
Chân trải bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Thật hạnh phúc biết bao, mỗi bước đi, tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ chăm chút, nâng niu, vui mừng đón nhận. Con lớn lên từng ngày, từng ngày trong tình yêu thương, nâng đỡ và mong chờ của cha mẹ. “Chân phải” con bước đến cha để được dạy dỗ, chỉ bảo ân cần, để được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin khi gặp khó khăn vấp ngã. “Chân trái” con bước đến mẹ, phía của trái tim để được đón nhận suối nguồn yêu thương, chở che trìu mến. Vây bọc xung quanh con đầy ắp tiếng nói, tiếng cười chứa chan niềm hạnh phúc đơn sơ, bình dị.
Cách thể hiện cảm nghĩ của nhà thơ thật độc đáo, vừa cụ thể, vừa giàu tính hình tượng và khái quát cao: “chân phải”, “chân trái”, “tiếng nói”, “tiếng cười”... làm nổi bật cái hồn của bức tranh về gia đình hạnh phúc, nơi mà mồi người sinh ra đều được ôm ấp, ru vỗ trong tình yêu thương của cha mẹ. Không gian cảm xúc dường như lan tỏa từ nhà sàn ra làng bản, lời thơ vẫn thiết tha, trìu mến:
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Ngôn ngữ miền núi của Y Phương với ba tiếng “người đồng mình” nghe sao mà thân thương, gần gũi! Nhà thơ đã có một cách gọi những người cùng vùng, cùng miền với mình thật dung dị, mộc mạc mà chất chứa biết bao yêu thương, tự hào, kiêu hãnh. Người cha miền núi như muốn gợi cho con thơ thấy cuộc sống lao động nhọc nhằn của người Tày nhưng đậm sắc thái văn hoá dân tộc.
Bằng hình ảnh “vách nhà ken câu hát”, nhà thơ đã diễn đạt thật ấn tượng đời sống tinh thần vô cùng phong phú của người Tày – họ thích hát, điệu hát then, hát lượn tình tứ gọi mời của người Tày vang lên vào những đêm trăng, đêm xuân… Y Phương thổi cái hồn văn hoá dân tộc minh vào câu thơ và muốn con mình cũng phải biết yêu biết quý cuộc sống này nên hai tiếng “con ơi” hạ cuối dòng thơ vừa thiết tha trìu mến, vừa như cha khát khao trông đợi ở con.
Qua hai đoạn trích, ta thấy được những người cha khắp mọi miền đất nước, dù ở hoàn cảnh nào cũng dành cho con tình yêu tha thiết sâu nặng. Cha mẹ đâu chỉ bao bọc, chở che cho con mà còn mong muốn dạy cho con bao điều tốt đẹp để hoàn thiện nhân cách.
Ông Sáu – người cha chiến sĩ, yêu thương con và nặng lòng yêu nước. Anh đành phải nén lại tình riêng mà tham gia chiến đấu. Tình yêu gia đình là động lực để anh đối mặt với khó khăn gian khổ. Còn người cha miền núi Y Phương, trong tình yêu con có tình yêu và niềm tự hào về quê hương làng bản. Y Phương muốn truyền cho con trọn vẹn tình yêu ấy, muốn con phải trở thành người Tày chân chính để góp phần nâng cao tầm vóc thôn làng.
Truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng có ngôn ngữ kể chuyện đậm chất Nam Bộ; trong khi Nói với con của Y Phương có ngôn ngữ thơ đậm chất miền núi. Hai tác giả đều thành công khi thể hiện tình yêu thương con của những người cha miền xuôi, miền ngược.
- Kết bài:
Bằng ngôn ngữ bình dị, thiết tha, hai tác giả đã thể hiện thành công vẻ đẹp tình cảm cha con thắm thiết và mối gắn kết của con người đối với gia đình, quê hương, đất nước. Tác phẩm cũng khẳng định nét đẹp trong tâm hồn của người cán bộ cách mạng: họ không chỉ là người thiết tha yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hi sinh cho Tổ Quốc mà còn yêu thương gia đình con cái hết mực với tình yêu vô cùng đẹp đẽ và cao thượng.