»» Nội dung bài viết:
Bài ca ngắn đi trên cát
(Sa hành đoản ca – Cao Bá Quát)
I. Tìm hiểu chung.
1. Tác giả: Cao Bá Quát.
– Cao Bá Quát (1809 – 1855), tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, quê huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông là người có tài cao, nổi tiếng văn hay chữ tốt và có uy tín lớn trong giới trí thức đương thời (thần Siêu thánh Quát). Ông là người có khí phách hiên ngang, có tư tưởng tự do, ôm ấp hoài bão lớn, mong muốn sống có ích cho đời, mất trong cuộc khởi nghĩa chống lại chế độ phong kiến nhà Nguyễn.
– Thơ văn phản ánh mạnh mẽ chế độ phong kiến trì trệ, bảo thủ và thể hiện tư tưởng khai sáng trước thực tế.
– Tác phẩm chính: Cụ thể là hiện còn 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi, gồm 11 bài viết theo thể ký hoặc luận văn và 10 truyện ngắn viết theo thể truyền kỳ. Trong số này về chữ Nôm, có một số bài hát nói, thơ Đường luật và bài phú Tài tử đa cùng (Bậc tài tử lắm cảnh khốn cùng). Về chữ Hán, khối lượng thơ nhiều hơn, được tập hợp trong các tập:
– Cao Bá Quát thi tập.
– Cao Chu Thần di thảo.
– Cao Chu Thần thi tập.
– Mẫn Hiên thi tập.
2. Tác phẩm: “Bài ca ngắn đi trên cát”.
– Hoàn cảnh sáng tác: qua những lần ông đi thi Hội qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng
– Thể loại: ca hành (thể thơ cổ)
II. Đọc hiểu văn bản.
1. Tiếng khóc cho cuộc đời dâu bể (4 câu đầu):
– Không gian: rộng lớn, trải dài vô tận
– Thời gian: “mặt trời đã lặn” → trời muộn mà vẫn chưa tới đích
– Hình ảnh:
+ Tả thực: “Bãi cát – lại bãi cát dài” → khó khăn chồng chất.
+ Người đi: “đi một bước” – “lùi một bước”;“chưa dừng được”; “nước mắt rơi”.
– Hình ảnh tả thực thể hiện sự mệt mỏi, khó khăn, gian khổ của con người. Từ con đường trên mặt đất gợi lên con đường đời, đường công danh vất vả, đầy khó khăn.
* Nhận xét:
Hai hình tượng nổi bật trong sáu dòng thơ này là “bãi cát” và “lữ khách”. Về nghĩa thực, bãi cát là hình ảnh con đường. Đi trên cát rất khó, cứ “đi một bước lùi một bước”. Theo ý nghĩa tượng trưng, bãi cát hay là con đường “danh lợi” như miếng mồi níu kéo bước chân con người, muốn đi tiếp cũng khó, muốn quay về không đành.
Hình tượng lữ khách hay chính là Cao bá Quát và cuộc đời. Không gian mênh mông (đường xa), thời gian thì “mặt trời đã lặn” nhưng lữ khách (kẻ đi tìm công danh) vẫn mải miết trên đường. Cao Bá Quát nhìn thấy con đường ấy là một “bả danh lợi” đáng chán, đáng buồn, đầy chông gai. Tuy bản thân ông chưa tìm ra cho mình một con đường tươi sáng hơn, nhưng ông không thể cứ tiếp tục trên “bãi cát” danh lợi ấy. Vì vậy mới có cảnh “nước mắt rơi”, bộc lộ sự bế tắc của đường đời và lòng đầy chán nản, không học được sự thảnh thơi của tiên ông “phép ngủ” để xa lánh bụi trần ai. Tại sao phải “trèo non, lội suối” thế này phỏng có ích gì, nên tự giận mình, giận đầy cả tâm tư “giận khôn vơi”.
2. Tiếng thở than, oán trách (6 câu tiếp).
– Điển tích: “tiên ông phép ngủ” → mong muốn được giống tiên ngủ để quên đi những mệt mỏi trên
đường đi.
– “trèo non, lội suối”, “phường danh lợi”, “tất tả”, “danh lợi” → sự vất vả trên con đường đi tìm danh lợi, bôn tẩu ngược xuôi của bao người.
– “hơi men thơm quán rượu”
“người say vô số”/ “tỉnh bao người”.
→ sự cám dỗ của danh lợi, nhà thơ tự tách mình ra khỏi sự cám dỗ đó.
– Điệp ngữ: “bãi cát dài” → con đường dài, nối tiếp không dứt.
+“đường mờ mịt”.
+“đường ghê sợ”.
+“đường cùng”.
→ Con đường tìm công danh đầy chông gai, ghê sợ đầy bế tắc, không lối thoát.
– Phía Bắc: “núi muôn trùng”; Phía nam: “sóng dào dạt” → Khó khăn, gian khổ trùng điệp, nối tiếp nhau mọi phía như bủa vây người đi tìm danh lợi. Hình ảnh thể hiện S\sự lẻ loi, cô độc của tác giả trên đường đời → phê phán phường danh lợi và bọn người chạy theo danh lợi → vẻ đẹp nhân cách, tư tưởng tiến bộ của Cao Bá Quát.
* Nhận xét: Nói về sự cám dỗ của cái “bả công danh” đối với người đời. Đây là nhận định mang tính khái quát về những kẻ hám danh, hám lợi phải “bôn tẩu” tất tả ngược xuôi, nhọc nhằn trên đường đời. Tác giả ví người tìm công danh như mội “con nghiện” thấy quán rượu ngon thì đổ xô đến và có mấy ai còn tỉnh táo thoát khỏi sự cám dỗ để quay về?
3. Tiếng kêu bi phẫn, bế tắc, tuyệt vọng (còn lại).
– “Anh đứng làm chi….?” → câu hỏi tu từ, đại từ nhân xưng → đứng lại là vô nghĩa.
→ Sự bế tắc, mâu thuẫn giữa khát vọng công danh với hiện thực cuộc sống, nhận ra tính chất vô nghĩa của con đường khoa cử.
* Nhận xét: Bảy dòng thơ cuối là đỉnh cao tư tưởng của bài thơ: tác giả nhìn ra cái vô nghĩa trong lối học khoa cử lạc hậu. Đồng thời liên hệ danh lợi với việc làm quan.
– Câu thơ linh hồn bộc lộ tư tưởng, đó là: Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”, như là một lời cảnh tỉnh đầy xót xa cho hiện thực xã hội thời Nguyễn và thân phận của lớp Nho sĩ cuối mùa, không tìm thấy cho mình và đất nước một con đường tươi sáng. Có lẽ từ đó trở thành nguyên nhân đưa đến cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát vào năm 1854.
4. Đánh giá.
– Hình tượng bãi cát có ý nghĩa nghệ thuật độc đáo và mang tính sáng tạo (không vay mượn thi liệu Trung Hoa), nó bắt nguồn từ chính hiện thực. Ai đã từng đi trên bãi cát ắt sẽ hiểu phần nào giá trị tư tưởng của bài thơ.
– Hình tượng lữ khách cũng chính là những lớp Nho sĩ cuối mùa còn bị cám dỗ trong “bả danh lợi” – con đường khoa cử lạc hậu của triều Nguyễn.
– Qua hai hình tượng ấy, nhà thơ đã bộc lộ sự chán ghét sâu sắc chế độ phong kiến nhà Nguyễn suy tàn.
– Tác giả sử dụng nhiều câu cảm thán, bộc lộ tâm sự đau buồn của mình. Hình tượng “bãi cát” được lặp lại theo phép “tiền hậu tương ứng” nhằm làm điểm nhấn để bộc lộ sự nhất quán trong tư tưởng, tình cảm của nhà thơ trước một hiện tượng mang tính xã hội.
III. Tổng kết.
1. Nghệ thuật:
– Sử dụng thơ cổ thể; hình ảnh có tính biểu tượng.
– Thủ pháp đối lập; sáng tạo trong dùng điển tích.
2. Ý nghĩa văn bản:
– Bài thơ là khúc bi ca mang đậm tính nhân văn của một con người cô đơn, tuyệt vọng trên đường đời thể hiện qua hình ảnh bãi cát dài, con đường và hình ảnh người đi đường. Qua đó, thể hiện vẻ đẹp nhân cách và khí phách của bậc đạo Nho Cao Bá Quát.
Tham khảo:
Nửa đầu thế kỉ XIX, ở Việt Nam, Cao Bá Quát được ca ngợi là con người đa tài: học giỏi, thơ hay, chữ đẹp. Người ta ngợi ca ông: “Văn như Siêu quát vô tiền hán”. Quả thực, thơ ca của ông mang đậm một phong cách tư tưởng tự do, phóng khoáng với bản limxh kiên cường trước cường quyền. “Sa hành đoản ca” (Bài ca ngắn đi trên bãi cát) là một trong số những bài thơ thể hiện rất rõ tư tưởng phong cách của nhà thơ.
Bài ca ngắn đi trên bãi cát được viết trong lúc đi thi Hội – khi ông đang muốn đem tài năng của mình ra để thi thố, thực hiện chí hướng, hoài bão giúp đời cứu nước. Cũng có ý kiến cho rằng bài thơ được làm trong thời gian tập sự ở bộ Lễ.
Bốn câu thơ đầu là hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát:
“Trường sa phục trường sa,
Nhất bộ nhất hồi khước.
Nhật nhập hành vị dĩ,
Khách tử lệ giao lạc.”
Bài thơ mở ra với không gian và thời gian đặc biệt. Không gian “Trường sa phục trường sa” (Bãi cát dài lại bãi cát dài), mênh mông hoang vắng đến rợn ngợp. Thời gian về chiều, nắng tắt. Nắng tắt và gió khiến bãi cát mênh mông không để lại vết đường mòn, khiến người đi đường dễ mất phương hướng.
Trên nền không gian thời gian đó có người đi đường “Đi một bước như lùi một bước”. Hình ảnh chân thực, giàu sức gợi tả. Cách ngắt nhịp 2/3 liên tiếp như vẽ ra bước đi đầy trầy trậy, trúc trắc. Mặt trời sắp lặn mà một ngày vẫn chưa đi hết quãng đường dài. Câu thơ gợi tả hình ảnh bãi cát mênh mông, bất tận, nóng bỏng, trắng xoá đến nhức mắt. Đó là hình ảnh thiên nhiên đẹp dữ dội, khắc nghiệt và cũng thể hiểu, bãi cát dài là con đường phải vượt qua để vào kinh thi Hương hay cũng chính là con đường công danh sự nghiệp mờ mịt phía trước. Người đi trên con đường ấy tuôn rơi những giọt lệ. Đó là nước mắt của đau khổ, một cõi lòng đầy oán hận.
Sáu câu thơ tiếp theo là tâm sự của người đi đường:
“Quân bất học tiên gia mỹ thuỵ ông,
Đăng sơn thiệp thuỷ oán hà cùng.
Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung.
Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu,
Tỉnh giả thường thiểu, tuý giả đồng.”
Tâm sự u uất của kẻ đi trên bãi cát dài bật ra với lời tự oán trách mình đầy chua chát: “Không học được tiên ông phép ngủ”. Tác giả thấy giận mình vì không có khả năng như người xưa – không thể thờ ơ trước sự đời mà phải tựu mình hành xác theo đuổi đường công danh. Cao Bá Quát bất hoà sâu sắc với thực tại cát bụi mờ mịt nhưng dứt khoát từ chối kiểu tiên ngủ. Đó là cái đáng nể trọng trong nhân cách kẻ sĩ lạc loài cô đơn giữa cuộc đời bế tắc.
“Xưa nay hạng người danh lợi,
Vẫn tất tả ở ngoài đường sá.
(Hễ) quán rượu ở đầu gió có rượu ngon,
(Thì) người tỉnh thường ít mà người say vô số!”
Đối lập hình ảnh người đi đường là hình ảnh đông đảo phường danh lợi. Vì công danh, danh lợi mà con người phải bôn tẩu. Từ chuyện danh lợi, người đọc nhận ra trăn trở của tác giả về chuyện công danh. Công danh tự khi nào bị biến tướng, có sức mê hoặc ghê gớm đến con người. Danh lợi phải chi cũng chỉ là thứ rượu ngon dễ cám dỗ lòng người.Nó khiến con người say sưa tranh giành, hưởng thụ mà quên đi trách nhiệm với cuộc đời. Hai câu thơ tác giả tạo ra nhiều đối lập giưa số đông kẻ hám lợi tầm thường với một người cô đơn, lạc loài, bơ vơ trên con đường cát bụi. Từ đó ta nhận ra sự đối lập giữa tá giả và phường chạy theo danh lợi khẳng định nhân cách tự trọng của mình.
Trước những khó khăn trăn trở, người đi đường rơi vào bế tắc: “Trường sa, trường sa nại cự hà”. Tác giả đặt ra câu hỏi nên đi tiếp hay dừng lại. Tâm trạng người đi đường đầy băn khoăn, day dứt và có phần bế tắc. Trong suy nghĩ người đi đường hiện lên những mâu thuẫn giữa khát vọng sống với hiện thực đen tối mờ mịt, khát vọng xông pha trên con đường tìm lý tưởng với cần an, hưởng lạc, mâu thuẫn đó tạo nên những khó khăn trên con đường thực hiện lí tưởng.
Người đi đường nhận ra mình không chỉ cô đọc trên đường đời mà đi trên đường cùng:
“Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,
Phía bắc núi Bắc núi muôn trùng,
Phía nam núi Nam sóng muôn đợt.
Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?”
Nhìn mọi phía đều thấy mênh mông bát ngát, đường cùng mất rồi. Tiếp tục đi trên con đường danh lợi, chắc chắn không bao giờ, quay trở về ẩn mình giữ trong sạch là điều không thể và không muốn. Người đi đường đành đứng chôn chân trên bãi cát. Câu hỏi chính mình “Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?” diễn tả một khối mâu thuẫn lớn đè nặng tâm trí.
Bài ca ngắn đi trên bãi cát thể hiện niềm thất vọng và bi phẫn của nhà thơ trước đường đời trắc trở, bế tắc và vô vọng, phản ánh cảm quan của Cao Bá Quát về thời đại đen tối của những người trí thức tài hoa trên con đường công danh truyền thống.