Soạn bài: Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự (tiếp theo) – Ngữ văn 9, Chân trời sáng tạo
Hãy trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự mà em và các bạn quan tâm.
Bước 1: Xác định đề tài, mục đích, thời gian và không gian nói
– Sự việc được chọn cần phải:
+- Mới xảy ra trong thời gian gần nhất (có tính thời sự).
+ Thu hút sự quan tâm của em, các bạn và mọi người.
– Em có thể tìm đọc trên những tờ báo có uy tín, xem trên chương trình truyền hình những vấn đề liên quan đến xã hội, học tập, văn hóa, ứng xử, môi trường mạng hoặc các sự kiện chính trị – xã hội vừa diễn ra trong nước, trong khu vực, trên thế giới mà theo em là đáng quan tâm.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
– Tìm ý cho bài nói bằng cách trả lời các câu hỏi:
+ Sự việc có tính thời sự mà em sẽ trình bày là sự việc nào?
+ Quan điểm, ý kiến của em (đồng tình/ phản đối) về sự việc?
+ Bài học, giải pháp rút ra từ sự việc là gì?
– Chọn lọc và sắp xếp các ý tìm được thành dàn ý hoàn chỉnh theo các bước sau:
+ Nêu tóm tắt sự việc cần trình bày: Việc gì? Liên quan đến ai? Họ đã làm gì? Ở đâu? Khi nào? Nguyên nhân của sự việc là gì?
+ Trình bày ý kiến về sự việc (đồng tình/ phản đối): đưa ra lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm.
+ Nêu ý nghĩa/ bài học rút ra từ sự việc: ý nghĩa/ bài học về nhận thức, về hành động,…
– Dự kiến sử dụng một số phương tiện phi ngôn ngữ hỗ trợ bài trình bày, chuẩn bị phần mở đầu và kết thúc hấp dẫn, thuyết phục, dự kiến trước phần phản biện của người nghe và chuẩn bị câu trả lời.
Bước 3: Luyện tập, trình bày
Em thực hiện bước này như ở phần Nói và nghe Bài 6. Lưu ý lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với văn nói và tạo sự tương tác tích cực với người nghe.
Bài nói tham khảo:
Em chào cô và các bạn. Em tên là…. học sinh lớp…. Hôm nay, em sẽ trình bày bài nói về một vấn đề có tính thời sự: ô nhiễm môi trường.
Thế giới ngày nay đang bước vào giai đoạn phát triển không ngừng, hàng loạt sản phẩm ra đời giúp cho cuộc sống con người trở nên thuận lợi, đơn giản hơn. Thế nhưng đi liền với điều đó thì những khó khăn cũng gây nên bất lợi cho con người, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng yêu cầu chúng ta phải tìm ra biện pháp bảo vệ.
Môi trường là toàn bộ không gian mà con người sinh sống, bao gồm đất, nước, không khí, rừng. Nó là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Tuy nhiên hiện nay vấn đề bảo vệ môi trường đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đi dọc bất cứ con đường nào, chúng ta cũng bắt gặp những đống rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi gây ra mất mĩ quan và không khí xung quanh. Hay trở về những vùng nông thôn thì hiện trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi càng xảy ra nghiêm trọng. Bên cạnh đó trong nông nghiệp, việc sử dụng các chất hóa học một cách quá mức đã gây ra sự ô nhiễm môi trường đất trầm trọng. Không chỉ môi trường đất, nguồn nước hiện nay cũng đang xuất hiện những ô nhiễm nghiêm trọng do việc các nhà máy, xí nghiệp thải các chất thải công nghiệp chưa được xử lí trực tiếp ra nguồn nước hay vào các mùa vụ, dọc các mương rãnh những vỏ chai thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ bị người nông dân tiện tay vứt xuống, xác động vật chết. Ngoài ra hiện nay môi trường không khí cũng không còn trong lành như trước nữa bởi khí thải công nghiệp, khói từ các phương tiện giao thông, đốt rác. Đặc biệt việc khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, quá mức hay hiện tượng đốt rừng làm nương rẫy đã làm mất đi hệ cân bằng sinh thái.
Những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đều bắt nguồn từ ý thức của con người. Đó có thể là do sự vô tình, không nhận thức rõ được hậu quả của vấn đề gây ra. Thế nhưng cũng có một bộ phận những con người vì lợi ích trước mắt, cho dù biết những việc mình làm sẽ gây hại cho môi trường nhưng vẫn cố tình làm. Từ sự vô tình hay cố ý đó đã gây nên hậu quả khôn lường. Việc môi trường bị ô nhiễm trước hết ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người. Ví dụ như các bệnh về đường hô hấp, hệ tiêu hóa, nghiêm trọng hơn nó còn ảnh hưởng tới sự tồn tại của con người (ô nhiễm không khí gây ra hiệu ứng nhà kính, Trái Đất nóng lên, thủng tầng ozon). Ô nhiễm môi trường còn gây ra mất đi mĩ quan chung. Bạn hãy thử tưởng tượng trước cổng bệnh viện hay trường học có những đống rác bốc mùi hôi khó chịu, bạn sẽ không cảm thấy điều gì sao? Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng tới khí hậu, gây ra các thiên tai như lũ lụt, hạn hán, sạt lở, xói mòn đất, tạo ra những thiệt hại nghiêm trọng về con người và của cải.
Chính vì hậu quả đó, chúng ta cần có những biện pháp tích cực để bảo vệ môi trường.Trước hết, mỗi chúng ta cần tự có ý thức, những nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ môi trường. Không chỉ vậy, còn cần những hành động thiết thực như tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường cho mọi người, dọn rác trên đường phố, sông hồ, đổ rác đúng nơi quy định, tham gia trồng cây, phủ xanh đồi trọc. Các công ty, xí nghiệp cần có biện pháp xử lí rác thải, nước thải, khí thải đúng với quy định trước khi xả ra môi trường. Nhà nước cũng cần có những xử lí nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm. Đối với học sinh, cần giữ vệ sinh chung các lớp học, trường học, bảo vệ cây xanh, vứt rác đúng nơi đúng chỗ. Những hành động nhỏ ấy cũng đã góp phần bảo vệ môi trường.
Môi trường có ý nghĩa lớn lao đối với cuộc sống của chúng ta. Bởi vậy hãy bảo vệ môi trường vì tương lai, vì một Trái đất xanh-sạch-đẹp.
Trên đây là bài trình bày của em. Rất mong nhận được sự nhận xét, góp ý từ cô và các bạn để bài nói hoàn thiện hơn. Em cảm ơn!
Bước 4: Trao đổi, đánh giá
– Sử dụng bảng kiểm ở phần Nói và nghe Bài 6 để tự đánh giá kĩ năng trình bày, của bản thân và đánh giá bài trình bày của bạn.
– Rút ra hai bài học kinh nghiệm về kĩ năng trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự.
Trả lời:
Hai bài học kinh nghiệm về kĩ năng trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự:
– Nắm vững thông tin về vấn đề để trình bày một cách tự tin, chính xác.
– Sử dụng lập luận hợp lí, những bằng chứng, số liệu để làm rõ nội dung trao đổi.