»» Nội dung bài viết:
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
– Hồ Chí Minh –
I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Tác giả: Hồ Chí Minh
– Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại, là anh hùng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và là nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào Quốc tế cộng sản và là danh nhân văn hóa thế giới.
– Quan điểm sáng tác: Người coi văn nghệ là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn phải có tinh thần xung phong như người chiến sĩ; Người coi trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học; khi cầm bút, người luôn xuất phát từ đối tượng tiếp nhận và mục đích sáng tác để định ra nội dung và hình thức tác phẩm.
– Phong cách nghệ thuật: độc đáo và đa dạng, mỗi thể loại văn học đều có phong cách riêng.
2. Tác phẩm.
– Hoàn cảnh ra đời:
+ Sau nhiều năm chống Pháp đuổi Nhật, ngày 19/8/1945 chính quyền Hà Nội thuộc về tay nhân dân. Ngày 26/8/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.
+ Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập,khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do.
– Đối tượng, mục đích:
+ Đối tượng: Đồng bào cả nước, nhân dân thế giới, các thế lực thù địch (thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Anh )
+ Mục đích:Tuyên bố nền độc lập của dân tộc, bác bỏ luận điệu xâm lược của kẻ thù.
– Giá trị của tác phẩm:
+ Về lịch sử: Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn: Tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta và mở ra kỉ nguyên mới độc lập tự do dân tộc.
+ Về văn học: Tuyên ngôn Độc lập là bài văn chính luận mẫu mực với lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn và đầy sức thuyết phục.
+ Về tư tưởng: Tuyên ngôn Độc lập là áng văn tâm huyết, hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh – kết tinh khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của dân tộc.
II. Đọc – hiểu văn bản.
1. Nêu nguyên lí chung về quyền bình đẳng, tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.
– Trích dẫn 2 bản tuyên ngôn “Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ” (1776), “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp” (1791) nhằm đề cao những giá trị của tư tưởng nhân đạo và văn minh nhân loại, tạo tiền đề cho những lập luận tiếp theo.
– Lập luận sáng tạo:Từ quyền bình bình đẳng, tự do của con người, tác giả suy rộng ra về quyền bình đẳng, tự do của các dân tộc.
– Ý nghĩa: Khẳng định vị thế bình đẳng của dân tộc, cảnh cáo âm mưu xâm lược của kẻ thù bằng chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”.
→ Với lời lẽ sắc bén, đanh thép, Người đã xác lập cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn, nêu cao chính nghĩa của ta, đặt ra vấn đề cốt yếu là độc lập dân tộc, thể hiện tư tưởng cao đẹp của Người
2. Tố cáo tội ác của thực dân Pháp, khẳng định sức mạnh của dân tộc.
– Tố cáo tội ác của thực dân Pháp:
+ Phản bội và chà đạp lên nguyên lý mà tổ tiên họ xây dựng.
+ Tội cướp nước ta: lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng nhưng thực chất cướp nước, áp bức đồng bào ta, trái với nhân đạo và chính nghĩa.
- Về chính trị: Tước quyền tự do, chia cắt đất nước để cai trị, tàn sát nhân dân
- Về kinh tế: Bóc lột dã man các tầng lớp nhân dân.
+ Tội bán nước ta hai lần cho Nhật: Phản bội đồng minh, không đáp ứng liên minh cùng Việt Minh để chống Nhật, thậm chí thẳng tay khủng bố, giết nốt tù chính trị ở Yên Bái, Cao Bằng.
⇒ Vạch trần bản chất xảo quyệt, tàn bạo man rợ của thực dân Pháp bằng lí lẽ và sự thật lịch sử không thể chối cãi (sự thật có sức mạnh lớn lao, bác bỏ luận điệu “khai hóa”, “bảo bộ” Pháp.
– Khẳng đinh sức mạnh dân tộc: Thực tế lịch sử là nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; sức mạnh của truyền thống khoan hồng nhân đạo, của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc…
3. Tuyên bố độc lập.
– Tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Pháp (thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp tại Việt Nam)
– Kêu gọi toàn dân đoàn kết chống lại âm mưu của thực dân Pháp, kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập, tự do của Việt Nam.
– Khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
4. Nghệ thuật: Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực.
– Lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng xác thực, giàu sức thuyết phục.
– Ngôn ngữ vừa chính xác, vừa gợi cảm.
– Giọng văn linh hoạt
5. Ý nghĩa văn bản:
– Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam và khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do ấy.
– Tuyên ngôn Độc lập kết tinh lí tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc và tinh thần yêu chuộng độc lập, tự do .
III. BÀI TẬP VẬN DỤNG
1/ Hãy phân tích việc nêu nguyên lí chung về quyền bình đẳng, tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập.
2/ Hãy phân tích việc tố cáo tội ác của kẻ thù và khẳng định sức mạnh dân tộc của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập.
3/ Hãy chứng minh rằng: Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một văn kiện lịch sử mà còn là áng văn chính luận mẫu mực.