Mục đích, ý nghĩa và giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh)

van-ban-tuyen-ngon-doc-lap-ho-chi-minh

Mục đích, ý nghĩa và giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập.

1. Hoàn cảnh ra đời.

Mùa thu năm 1945, theo lời kêu gọi của Hồ chủ tịch, toàn thể dân tộc Việt Nam, suốt từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, triệu người như một, nhất tế vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Thủ đô Hà Nội đã về tay nhân dân Cách Mạng. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước hàng chục vạn đồng bào tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tuyên ngôn độc lập ra đời ngay sau khi đất nước toàn thắng, chính quyền về tay nhân dân. Trong ngày 2/9, ban lãnh đạo của chính phủ lâm thời cũng đã ra mắt nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Chính phủ mới ra đời bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước, chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân ta mới giành lấy được.

2. Mục đích sáng tác.

Thông báo trước toàn thể nhân dân ta và nhân dân thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới độc lập tự do. Tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc ta trong suốt mấy chục năm qua; phủ định quyền thực dân đối với đất nước ta; đồng thời ngăn chặn âm mưu của Pháp muốn lăm le trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Qua bản Tuyên ngôn, Bác khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập tự do, bảo về chủ quyền dân tộc của nhân dân ta.

3. Ý nghĩa của tuyên ngôn.

Tuyên ngôn độc lập đánh dấu một trong những trang vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam ta từ trước đến nay. Cùng với thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính chất thời đại của Cách Mạng tháng 8.

Tuyên ngôn độc lập đã mở ra một kỉ nguyên mới trong dân tộc lịch sử Việt Nam – kỉ nguyên nhân dân ta giành được chính quyền; tự mình nắm lấy vận mệnh của mình để thực hiện độc lập tự do và hạnh phúc; Cùng với Cách Mạng tháng tám khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Tuyên ngôn độc lập không những là kết quả của cuộc vận động giải phóng dân tộc trong những năm 1939 – 1945 mà còn là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài và anh dũng của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ Tịch.

4. Giá trị lịch sử và văn học.

– Tuyên ngôn độc lập xứng đáng là một bản “thiên cổ hùng văn”, tiếp nối truyền thống anh hùng vẻ vang, kiên cường, bất khuất từ thời đại hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,.. Tuyên ngôn độc lập đánh dấu một móc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, mở ra một kỉ nguyên mới: kỉ nguyên độc lập, tự chủ, tự cường dân tộc và góp phần làm phong phú thêm về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới, cổ vũ tinh thần cho phong trào đấu tranh đòi quyền tự chủ và độc lập dân tộc cả các các nước trên thế giới.

– Tuyên ngôn độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam, phong trào cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới có sứ mệnh lịch sử cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cùng khổ.

– Bản tuyên ngôn độc lập thể hiện tầm nhìn xa trong rộng, thấu suốt tiến trình lịch sử của chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã có những dự báo chính xác về tương lai của đất nước và của cách mạng Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập kết tinh trí tuệ dân tộc, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu chất nhân văn của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

– Bản Tuyên ngôn độc lập đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, trở thành cơ sở pháp lí vững chắc khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc của nhân dân ta trước thế giới.

– Chiến tháng vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ý nghĩa to lớn của bản Tuyên ngôn độc lập đã làm lung lay tận gốc rễ hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp trên toàn thế giới, có sức mạnh cỗ vũ phong trào đấu tranh dân chủ ở các nước thuộc địa.

– Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Việt Nam đã khẳng định một bài học sâu sắc rằng nếu biết kết hợp các sức mạnh dân tộc, vận dụng tư tưởng và phương thức đấu tranh của chủ nghĩa Mac-lenin, nhân dân các nước thuộc địa hoàn toàn có thể đánh bại hệ thống thực dân cai trị, giành lấy quyền làm chủ đất nước.

– Tuyên ngôn độc lập còn có giá trị văn chương đặc sắc hiếm có. Một lần nữa trong lịch sử, thể văn chính luận lại phát huy sức mạnh lập luận và tính thuyết phục cao độ. Với lí lẽ đanh thép, lập luận sắc bén, lời lẽ thống thiết làm lay động lòng người. Tuyên ngôn độc lập xứng đáng là một bản thiên cổ hùng văn còn lưu mãi đến muôn đời.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Hãy làm sáng tỏ ý kiến của Nguyễn Tuân: "mỗi nhà văn là một phu chữ” - Theki.vn
  2. Phân tích Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh - Thế Kỉ
  3. Hoàn cảnh sáng tác của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.