su-sang-tao-cua-nguoi-nghe-si-la-suc-song-cua-tho-ca

Chứng minh: Sự sáng tạo của người nghệ sĩ là sức sống của thơ ca

Chứng minh: Sự sáng tạo của người nghệ sĩ là sức sống của thơ ca

  • Mở bài:

Sáng tạo là kết quả của quá trình dấn thân, nhập cuộc, tích lũy, hun đúc, một tiến trình cọ xát dữ dội. Sáng tạo không có nghĩa là bịa đặt. Sáng tạo nghệ thuật giống như sáng tạo cuộc sống, cần có yếu tố thẩm mỹ, tính chân thực cao, có khả năng tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người đọc. Chính nỗ lực sáng tạo của người nghệ sĩ là sức sống của thơ ca.

  • Thân bài:

Bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo, một sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ. Văn chương sẽ ra sao nếu tác phẩm này là bản sao của tác phẩm kia? Nếu mỗi người nghệ sĩ đều bằng lòng với những điều có sẵn? Câu chữ mòn sáo, lời văn đơn điệu, quen nhàm? Ấy là cái chết của nghệ thuật, cái chết của người nghệ sĩ trong mỗi nhà văn. Bởi “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao).

Nếu không có sự góc nhìn khác, suy nghĩ khác, không sáng tạo trong cách xây dựng cốt truyện, cuộc đời, số phận, tính cách nhạn vật, thì các nhân vật như lão Hạc, Chí Phèo, Bá Kiến,… trong tác phẩm của Nam Cao cũng sẽ bị thời gian phủ lấp, bởi nó na ná các nhân vật khác, không để lại ấn tượng gì. Nếu không có tấm lòng nhân đạo cao cả, có cái nhìn thấu suốt cuộc đời và nếu thiếu bản lĩnh văn chương thì có lẽ Nguyễn Du đã để cho nhân vật Thúy Kiều dẫm vào vết xe đổ của các “yêu cơ” từng có trước đó rồi.

Khi tìm đến yêu cầu sáng tạo đối với nghệ thuật, đã có người băn khoăn tự hỏi: Văn học cùng bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, vậy tại sao không có sự gặp gỡ, trùng lặp? Thật vậy, cuộc đời là lạch ngầm nơi dòng sông văn chương bắt nước. Thế nhưng hiện thực ấy được chảy qua bầu cảm xúc mãnh liệt của mỗi nhà thơ, nhà văn. Mỗi người nghệ sĩ là một tiểu vũ trụ, tác phẩm văn học là sự phản ánh tiểu vũ trụ ấy. Vì vậy, không có những tác phẩm “song sinh” dù tâm hồn anh cùng đồng diệu, tri kỷ với tâm hồn tôi.

Mặt khác, người đọc tìm đến với văn học nói chung, thơ ca nói riêng để đắm mình trong vẻ đẹp của sự sáng tạo. Có ai yêu những áng thơ mòn cũ, quen nhàm; có ai nhớ những vần điệu nhạt nhẽo, sáo rỗng. Không đi theo con đường sáng tạo, nhà thơ sẽ chỉ còn lại một mình giữa sự thờ ơ, quên lãng của người đọc. Như thế, cuộc đời cầm bút của người nghệ sĩ trở nên vô nghĩa. Bởi “điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là cái giọng nói riêng của mình”. Yêu cầu về sáng tạo ấy gợi nhắc trong lòng người đọc nỗi nhớ khôn nguôi về những nhà thơ đã dành trọn cuộc đời mình cho văn chương, nghệ thuật.

Đặc trưng trong giọng văn của Nam Cao là lạnh lùng, sắc bén nhưng chứa đựng tình cảm lớn lao. Thanh Tịnh lại chọn một giọng kể nhẹ nhàng, đằm thắm, êm êm như làn sương, ngọn gió len lỏi vào lòng người đọc. Vũ trọng Phụng lại có cái giọng châm biếm sâu cay vô cùng đặc trưng. Mỗi nhà văn một giọng điệu, một cách kể, không thể nhầm lẫn được.

Nếu nhà văn, nhà thơ chỉ biết hát chung khúc hát, không có giọng điệu riêng, ấn tượng riêng. Chính vì vậy, những tác phẩm ấy nhanh chóng ra đi trong cảm nhận của người đọc như một làn gió mỏng manh thoáng qua. Như vậy, mỗi người nghệ sĩ trong quá trình cầm bút cần phải tạo được tiếng nói riêng, âm sắc riêng. Nó đòi hỏi anh phải miệt mài trên con đường sáng tạo, không ngừng nghỉ, không lùi bước. Một âm vang tha thiết, đặc sắc giữa cõi văn chương, ấy là sức sống của anh, là ấn tượng của anh trong lòng người đọc muôn đời.

Văn học là một trong những hình thái nghệ thuật phản ánh đời sống. Nếu các nhà khoa học lấy mục đích cuối cùng của việc nghiên cứu là nhằm đạt tới chân lý khách quan biểu thị qua những định lý, định luật mang tính khuôn mẫu, là nguyên tắc chung… thì các nhà văn lại phải tìm trong hiện thực cuộc sống bộn bề những vấn đề cá biệt mang tính bản chất và phản ánh vào trong tác phẩm thông qua những hình thức nghệ thuật riêng với quan điểm của riêng mình.

Văn chương không thể được tạo ra theo hình thức sản xuất có tính dây chuyền, không phải là sản xuất hàng loạt. Tác phẩm văn học khi được viết ra bằng ngôn từ nghệ thuật nhất thiết phải thể hiện được cách nhìn về hiện thực riêng, những tìm tòi về nghệ thuật riêng của người nghệ sĩ. Hình ảnh cuộc sống trong tác phẩm là hình ảnh của hiện thực đã đi qua một tâm hồn, một cá thể và dấu ân cá thể in vào trong đó “càng độc đáo càng hay”. Xuân Diệu đã nói: “chỉ có những tâm hồn đồng diệu chứ không thể có những con người là phiên bản của nhau. Bởi vậy, sáng tác văn học, một thứ sản xuất “đặc biệt và cá thể” nhất quyết không thể tạo ra những tác phẩm giống nhau như khuôn đúc”.

Giọng nói riêng của nhà văn có thể hiểu là một tâm tư tình cảm riêng, một thái độ sống, cách nhìn, cách đánh giá về hiện thực cuộc sống riêng được biểu hiện trong tác phẩm bằng hình thức nghệ thuật phù hợp. Nam Cao từng nói rất thấm thía một điều: “Văn chương không cần đến…. sáng tạo những gì chưa có”.

Cuộc sống phong phú muôn màu muôn vẻ luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, chứa nhiều điều bí mật, kỳ diệu cần được khám phá. Bề dày lịch sử văn học thế giới đã dược tạo dựng hàng loạt những khám phá riêng ấy. Song điều đó không có nghĩa người nghệ sĩ được phép lùi bước trong sáng tạo. Viên Mai cho ràng: “Làm thơ quý nhất là lật đổ cái án cũ mới hay”. Điều Viên Mai cho rằng “quý nhất” ấy thực chất cần thiết với văn học nói chung, nào phải chỉ riêng, thơ ca. Chỉ có điều: với tư cách là loại hình nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng phương thức trữ tình, yêu cầu “lật đổ cái án cũ” với thơ ca được đề cao hơn hết thảy.

Người nghệ sĩ phải có một con mắt tinh sắc, một tâm hồn nhạy cảm và một tài năng đã đến độ chín để gửi vào trong tác phẩm giọng nói riềng của mình. Anh có thể học tập, tiếp thu tinh hoa trong tác phẩm của các nhà văn lớp trước nhưng phải trên cơ sở sự sáng tạo. Nói như M.Gorki: “các anh hãy học tập tất cả những nhà văn có phong cách diêu luyện, nhưng các anh hãy tìm lấy nốt nhạc lời ca cho riêng mình”.

Người nghệ sĩ không được phép lười biếng hay bắt chước mà phải luôn trong tâm thế tìm tòi, sáng tạo. Tất nhiên điều đó không có nghĩa nhà văn được phép tìm tòi theo hướng cực đoan, viết những điều không ai hiểu được.

  • Kết bài:

Để thơ trở thành thơ, để nghệ thuật trở thành nghệ thuật, người làm thơ phải luôn ý thức: sáng tạo cái độc đáo. Không ai đòi hỏi khuôn mẫu cho nghệ thuật, cũng không ai dạy nhà thơ phải phản ánh thế này, xúc động thế kia. Đấy là công việc của nhà làm thơ. “Sáng tác thơ là một việc do cá nhân thi sĩ làm, một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể”. Bởi vì mỗi tâm hồn là một “vương quốc riêng”, mỗi bài thơ là một đứa con tinh thần riêng của người nghệ sĩ, thật khó tim thấy sự trùng lặp trong sáng tạo. Bởi vì “tầm thường là cái chết của nghệ thuật”, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của thơ ca. Độc đáo luôn là yêu cầu muôn dời của văn chương nghệ thuật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang