suy-nghi-gi-ve-cach-moi-con-nguoi-nhin-thay-chinh-minh

Suy nghĩ về cách mỗi con người nhìn thấy chính mình qua ý nghĩa bài thơ “Vô đề” của Pimen Panchenko

Suy nghĩ về cách mỗi con người nhìn thấy chính mình qua ý nghĩa bài thơ “Vô đề” của Pimen Panchenko

Dàn bài gợi ý:

  • Mở bài:

Bạn không thể vừa ghen tị và vừa hạnh phúc và chính sự kiêu căng, hợm hĩnh có thể làm hỏng cả những thiên tài tốt đẹp nhất. Điều quan trọng nhất là bạn cần biết làm chủ bản thân mình, biết điều tiết tinh thần, nỗ lực hành động mới có thể thành công.Bài thơ “Vô đề” Của Pimen Panchenko đã cho ta thấy được cách mỗi người nhận thấy chính mình:

“Đừng đố kị cũng đừng hợm hĩnh
…………..
Chứ không phải con người”.

  • Thân bài:

1. Giải thích ý nghĩa:

+ Đố kị: cảm thấy khó chịu, ghét bỏ người có thể hơn mình ở một điều gì đó.

+ Hợm hĩnh: lên mặt, kiêu căng vì cho rằng mình có cái hơn hẳn người khác (tiền của, địa vị…)

+ Làm chủ: khả năng chi phối, điều khiển, quản lý chính bản thân mình.

– Nội dung lời khuyên thứ nhất: không nên đố kị với những người tạm thời hơn mình, cần biết tự chủ bằng bản lĩnh để tạo cho tâm hồn sự thanh thản, an nhiên.

– Nội dung lời khuyên thứ 2: không nên tự đắc, tự hài lòng với những gì mình đạt được. Chỉ nên xem nó như một nỗ lực, cố gắng để dâng hiến trong muôn vàn những sự dâng hiến khác của bao người.

2. Tại sao không nên đố kị và kiêu căng, hợm hĩnh?

– Không nên đố kị với những người tạm thời hơn mình vì sự đố kị khiến tâm hồn ta vẩn đục, nhân cách ta trở nên tầm thường và mất đi sự tỉnh táo, sáng suốt. Cần xác định mục đích sống của mình và dồn tâm sức để thực hiện mục tiêu ấy. Nếu có thể, hãy cố gắng phân tích nguyên nhân thành công của người khác để tự rút kinh nghiệm cho mình.

– Không nên chìm đắm, tự thỏa mãn trong vinh quang vì vinh quang, thành công chỉ có ý nghĩa nhất thời, không phải là điều vĩnh viễn tồn tại. Nếu chìm đắm trong vinh quang, tự mãn với thành công là ta đã dừng lại cuộc hành trình đáng ra cần tiếp tục, đã tự giới hạn phạm vi thành công của chính mình. Cần nhìn rộng ra xung quanh để thấy không chỉ thành công của mình mà thấy cả những nỗ lực, cố gắng của người khác.

3. Bàn luận, mở rộng:

– Cần phân biệt thái độ đố kị, tị hiềm với sự so sánh trên cơ sở ý thức thi đua để phấn đấu vươn lên; cần phân biệt thái độ tự mãn, tự kiêu, ngủ quên trên chiến thắng với niềm tự hào chính đáng.

– Đôi khi, sự đố kị (ở một mức độ nhất định) có thể là động lực để phấn đấu, niềm tự hào khi thấy mình hơn người khác cũng là cảm giác không nhất thiết phải triệt tiêu hoàn toàn bởi nó giúp ta có được sự cân bằng về tâm lý sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực.

– Tuy nhiên, để mọi cảm xúc không trở nên thái quá, để cách ứng xử có sự chừng mực, hợp lý, rất cần bản lĩnh, sự hiểu biết để kiểm soát, điều chỉnh bản thân.

4. Phê phán:

Có những người quá tự tôn bản thân, chìm đắm trong ảo tưởng, sống đầy lòng đố kị và tỏ ra hợm hĩnh, kiêu căng, tự mãn thái quá. Họ không những không nhận được thiện cảm và sự chia sẻ của người khác mà bản thân cũng dần bị cô lập trong thế giới của riêng mình. Những người như thế thật đáng chê trách.

5. Bài học nhận thức:

Sông càng sâu càng phẳng lặng, lúa càng cao càng cúi đầu. Khiêm tốn, chân thành và vị tha mới là những điều đáng quý nhất nên có ở mỗi con người. Hãy làm chủ bản thân bạn, làm chủ cuộc sống của chính mình, tham vọng chứ đừng tham lam, ngưỡng mộ chứ đừng đố kị, thể hiện bản thân nhưng không kiêu căng, hợm hĩnh, như thế, bạn mới có thể tìm thấy được một cuộc sống hạnh phúc.

  • Kết bài:

Hãy mạnh mẽ nhưng đừng thô lỗ; Hãy tử tế nhưng đừng yếu đuối; Hãy mạnh bạo nhưng đừng bắt nạt; Hãy khiêm nhường nhưng đừng nhút nhát; Hãy kiêu hãnh nhưng đừng kiêu ngạo. Bài thơ “Vô đề” của Pimen Panchenko là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, rất cần thiết cho mỗi chúng ta.


Bài tham khảo:

  • Mở bài:

Một trong những điều khó khăn nhất không phải là thay đổi xã hội – mà là thay đổi bản thân. Và bạn sinh ra là một bản thể, hãy luôn là chính mình, đừng trở thành bản sao của người khác. Nếu cứ mải mê chạy theo những mục đích và tham vọng của người khác mà làm nhòa đi mục đích, giá trị thực sự của bản thân thì bạn dang chạy theo một cuộc đua không có đích. Hãy dừng lại để mình được thấy chính mình – thấy những giá trị của bản thân, những ước mơ, tài năng mà bao lâu nay bạn đã bỏ quên. Bài thơ “Vô đề” của Pimen Panchenko đã cho ta thấy được cách mỗi người nhận thấy chính mình:

“Đừng đố kị cũng đừng hợm hĩnh
Bạn tôi ơi hãy làm chủ bản thân
Tự dưới thấp hãy nhìn thông cao vợi
Nhìn mây trời
Chứ không phải thế nhân.
Còn nếu bạn giữa vinh quang chói lọi
Hãy tự mình vượt qua nó bạn ơi
Tự trên cao hãy nhìn xuống suối
Xuống cỏ hoa
Chứ không phải con người”.

(Vô đề, Pimen Panchenko)

  • Thân bài:

Bài thơ chỉ vỏn vẹn có vài câu nhưng đã để lại trong lòng mỗi người nhiều suy nghĩ và cảm xúc. Cảm xúc trong ta lắng lại khi đọc từng câu thơ của Pimen Panchenko, ta như được thanh lọc tâm hồn mình và sẵn sàng đứng trước gương để nhìn thấy chính mình. Trong mỗi người đều có lòng đố kỵ, nhưng bộc lộ nó ra hay kìm nén lại chính là sự lựa chọn của mỗi người. Ta sinh lòng đố kỵ, ganh đua, và tự so sánh mình với người khác. Và rồi ta mãi chạy theo những giá trị tức thời mà quên đi chính mình, quên đi chính ta vẫn cần được yêu thương.

Ta phải làm chủ bản thân, đừng đố kị và hợm hĩnh, mà hãy nhìn cao xa, nhìn lên mây trời để thấy được bản thân ta vẫn còn những điều tốt đẹp, vẫn còn những giá trị đang bị che lấp chờ ta khai thác và khám phá. Cuộc sống xô bồ và đầy rẫy những cám dỗ. Con người mãi đắm chìm trong những giá trị vật chất như tiền bạc, của cải mà vô tình để chính mình bị lạc lõng trong cái vinh quang chói lọi.

Ngay thời khắc đó, ta cần phải nhìn nhận lại bản thân để vượt qua được giá trị tầm thường, nhận ra chính mình và hướng về một tương lai tốt đẹp. Trong cuộc đời của mỗi con người việc nhìn thấy được chính mình và hiểu được chính mình là vô cùng quan trọng. Nó giúp chúng ta không bị lạc lỗi giữa dòng đời nghiệt ngã. Nhìn thấy chính mình ở vị trí thấp để thấy những giá trị lý tưởng hay nhìn thấy bản thân mình ở vị trí cao để thấy giá trị cuộc sống đích thực chứ không phải giá trị ham muốn của con người.

Trên hành trình đi tìm giá trị bản thân, đi tìm mục đích của riêng mình, nhiều người đã đánh mất đi bản thân vì những điều viển vông, xa vời với thực tế. Họ mãi chạy theo sự ganh đua, ghen tị và trở thành bản sao chép cả người khác. Họ quên đi mục đích ban đầu, quên đi những giá trị lý tưởng cao đẹp mà mình đặt ra. Mỗi một con người đều là một cá thể đặc biệt, đều có những tài năng phẩm chất khác nhau, không ai hoàn toàn giống ai.

Nick Vujicic, một người khuyết tật, một nhà truyền cảm hứng đã chứng minh những khuyết tật trong tâm hồn còn đáng sợ hơn những khuyết tật trên cơ thể. Sinh ra đã là một người khiếm khuyết về tứ chi, cuộc sống vô vàn những khó khăn, đã vùi dập không biết bao lần tinh thần và ý chí của ông. Thế nhưng, mỗi lần nhìn thấy mọi người có được đôi tay đôi chân để tự do, thỏa thích làm những điều mình muốn, ông lại nhận thấy bản thân tàn tật và buồn rầu. Đã nhiều lần ông quyết định tự tử nhưng không thành. Sau những biến động dữ dội của cuộc đời, bản thân ông đã nhận ra được chân lý, đã không còn đố kị, ghen tị với mọi người mà ông cố gắng tận dụng giá trị của bản thân để sống những ngày còn lại một cách có ý nghĩa nhất. Ông đã nhìn thấy những giá trị lý tưởng, cao đẹp của bản thân và càng thêm yêu quý cuộc đời, thêm tự tin để thực hiện ước mơ, để chinh phục đích đến của cuộc sống. Nick Vujicic cho rằng: “Tôi là một điều kì diệu, bạn cũng là một điều kì diệu”.

Mỗi con người có những tài năng và đặc điểm riêng, nên không vì lí do gì mà ta lại phải chạy theo những người khác để che lấp đi những đặc điểm riêng đó. Vì vậy, bạn hãy nhìn lại bản thân, tìm ra chính mình, tìm ra giá trị lý tưởng tươi đẹp, bạn sẽ làm được mọi điệu kì diệu và phi thường như người đàn ông không tay không chân Nick Vujicic. “Hãy sống là chính mình, bình thường nhưng không tầm thường”.

Cuộc sống sẽ luôn tác động lên chính ta ở những mặt tiêu cực và tích cực, ta phải nhìn ra chính giá trị, khả năng của ta mới có thể đón nhận những tác động ấy. Nếu ta mãi cứ đuổi theo những vinh quang chói lọi, ta sẽ bị cuốn vào vòng xoay ấy và khó mà thoát ra nếu ta không nhìn thấy được chính ta. Chính vì thế, việc nhìn thấy chính mình là vô cùng quan trọng, nó giúp ta nhận ra giá trị đích thực chứ không phải giá trị phù phiếm, mang tính ham muốn nhất thời của con người.

Và hơn hết, nó giúp ta vượt qua sự cầm tù của danh vọng, vẻ đẹp của diện mạo, cám dỗ từ của cải vật chất, khi vượt qua ta sẽ nhìn ra chính ta còn những giá trị kia sẽ biến mất vì đó chỉ là những giá trị thức thời, vô nghĩa. Ta sẽ nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống, sẽ thấy được giá trị thực sự của cuộc đời, nhận ra những khát vọng, ước mơ chỉ khi ta nhìn thấy chính mình. Thấy được chính mình sẽ giúp ta ngày càng trưởng thành vì có thể sống đúng với chính ta. Vì được là chính mình là điều tuyệt vời nhất con người làm được.

Một câu chuyện về rằng một ông bố nghiện ngập, ăn chơi có hai đứa con, và sau này khi cả hai lớn lên đều có lối sống khác nhau. Một người thì rất là tài năng và luôn chống đối việc nghiện ngập ma túy ăn chơi sa đọa, còn một người thì y như người bố. Khi được hỏi tại sao họ trở thành như vậy, họ đều có cùng trả lời: vì họ có người bố nghiện ngập.

Câu chuyện dạy ta bài học về việc nhìn thấy chính mình. Nếu ta nhận ra chính mình, nhìn thấy giá trị tốt đẹp, ta sẽ trở thành người tốt. Còn nếu ta không nhận ra chính mình, thì ta sẽ mãi mãi lạc lối trong bóng tối, bị giam cầm trong chính bản thân mình. Hãy nhìn thấy chính bản thân để biết được ước muốn, khả năng, ước mơ của bản thân. Dù cho cách nhìn thấy chính mình của mỗi người khác nhau: là nhìn thấy được những giá trị lý tưởng hay nhìn thấy những giá trị đích thực thì ta cũng phải lựa chọn ra một lối sống phù hợp để đừng đánh mất bản thân mà có thể hướng về tương lai.

“Nhìn lại đằng sau để có kinh nghiệm
Nhìn về phía trước để thấy hy vọng
Nhìn xung quanh để tìm ra thực tại
Nhìn vào bên trong để tìm thấy chính mình.”

Nhìn thấy chính mình là cách thức để ta có thể tỏa sáng như một vì sao giữa muôn ngàn ngôi sao trên bầu trời. Nhìn thấy chính mình để ta được là chính ta, để ta nhận ra ta và cuộc sống này là những điều kì diệu. Vì vậy, đừng bao giờ đánh mất bản thân mình giữa cuộc đời, đừng để bị lạc lối như nhiều người khác. Vì không nhìn thấy chính mình mà họ đã không được sống một cuộc đời mà họ mong muốn, phải sống trên mục đích của người khác, hay thậm chí là không thể sống.

  • Kết bài:

Bài thơ “Vô đề” đã truyền tải những thông điệp sâu sắc đến mỗi người chúng ta. Ta nhận ra được tầm quan trọng của việc nhìn thấy chính mình trong cuộc sống. “Nếu bạn không lập trình chính mình, cuộc sống sẽ lập trình bạn”. Chính vì thế, ngay lúc này đây, hãy lặng lại một hồi, nhìn vào tấm gương cuộc đời để thấy được chính mình, thấy được con người thật của bạn và thổi lên bừng lên những khát vọng và ước mơ cao cả.

“Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh”

(Nguyễn Sĩ Đại)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang