vinh-va-nhuc

Suy nghĩ về hai chữ vinh và nhục trong cuộc sống hiện nay

Suy nghĩ về hai chữ “vinh” và “nhục” trong cuộc sống hiện nay

  • Mở bài:

Cuộc sống vốn luôn khắc nghiệt đối với mỗi con người. Đã làm người trên cõi đời này thật không thể tránh khỏi vinh – nhuc, hèn – sang, được – mất. Đó cũng là suy nghĩ của biết bao người trong cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống này.

  • Thân bài:

Vinh là gì?

Vinh có nghĩa là vinh dự, vinh quang, vẻ vang, sung sướng về tinh thần khi được dư luận xã hội đánh giá cao và kính trọng. Chữ vinh đôi khi đồng nghĩa với danh dự, nhân phẩm, địa vị, niềm tự hào trong cuộc sống con người.

Nhục là gì?

Nhục là sự ô nhục, xấu xa, nhục nhã khi gây nên một việc sai trái nào đó làm tổn hại đến nhiều người, bị xã hội lên án, đả kích, khinh chê.

Mối quan hệ giữa vinh và nhục:

Vinh và nhục là những tiêu chuẩn, những nguyên tắc được xã hội thừa nhận để đánh giá con người; cũng là những trạng thái, những tính chất mà con người cảm nhận trong cuộc sống. Khi danh tiếng, địa vị của con người gắn với chữ công là vinh, trái lại những gì gắn liền với chữ lợi là nhục. Đó cũng là nguyên tắc ứng xử của người quân tử xưa.

Vinh và nhục biểu hiện rất rõ ràng trong cuộc sống, thậm chí nó được xem là nguyên tắc quan trọng nhất trong mối quan hệ ứng xử và lý tưởng sống của con người. Vinh và nhục là một cặp phạm trù đối lập nhau và gắn liền nhau. Đối lập nhau vì vinh là tốt, nhục là xấu; vinh được xem trọng, nhục bị coi khinh; vinh được sung sướng, nhục bị dằn vặt, đau khổ…

Hai yếu tố này gắn liền nhau vì trên đường danh lợi vinh đi liền với nhục. Có người chịu sống nhục nhưng để theo đuổi mục đích lí tưởng cao đẹp của mình. Có kẻ sống vinh quang trong chức tước, địa vị xã hội, giàu sang phú quý, nhưng lại dựa vào thế lực, địa vị của mình để làm điều sai trái, tham nhũng, hối lộ, ăn trên xương máu của nhân dân… bị pháp luật trừng trị, thật là nhục nhã.

Tại sao sống phải biết bỏ nhục chọn vinh?

Con người vốn luôn hướng thiện và luôn mong muốn vươn đến chánh thiện bằng những hành động ý nghĩa mang lại nhiều lợi ích cho bản thân và người khác. Chính bởi thế, những việc làm tốt đẹp đem lại cho ta sự vẻ vang, được mọi người trân trọng, yêu mến và ủng hộ.

Sống vinh quang là sống đúng với chuẩn mục đạo đức và truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn xưa của dân tộc. Dân tộc ta vốn đề cao đạo nghĩa, tôn vinh người cao thượng, căm ghét kẻ sống thấp kém, hèn hạ, bất chấp thủ đoạn mưu lợi cầu danh. Hình ảnh người quân tử xưa chính là điển hình của lối sống trọng tình, trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hóa.

Người biết làm điều tốt, xa rời điều xấu luôn sống chính trực tất sẽ dễ thành công. Ngược lại, kẻ tham danh, tham tiền, xem trọng vật chất tất sẽ bị mọi người xa lánh, xem thường sớm muộn gì cũng nhận lấy thất bại nặng nề.

Sống vinh quang tâm hồn sẽ được thanh thản, nguồn sống dạt dào, tinh thần trong sạch, nhân cách vững vàng dễ tìm thấy được niềm an lạc và hạnh phúc trong cuộc đời này.

Muốn sống vẻ vang ta cần phải làm những gì?

Muốn sống vẻ vang nhất định phải yêu nước, thương dân, hết lòng phục vụ nhân dân, sẵn sàng hi sinh vì đất nước là vinh. Bán nước cầu vinh, làm hại Tổ quốc, phản bội nhân dân đó là nhục. Tuân theo pháp luật, tuân thủ nguyên tác là vinh (vẻ quang); vi phạm pháp luật, bất chấp đạo lí là nhục (ô nhục). Chết vinh còn hơn sống nhục là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay, trở thành một lối ứng xử cao thượng mẫu mực của mỗi con người.

Sống vì người khác, sống mạnh mẽ, cầu tiến, có hoài bão, ước mơ, lý tưởng cao đẹp hướng đến tương lai là lối sống vẻ vang rất đáng được trân trọng. Còn sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân, tham danh cầu lợi, bất chấp đại nghĩa, tình thân, bỏ mặc người khác trong khổ đau, hoạn nạn, tư cách tầm thường, nhỏ bé là lối sống nhục nhã đáng bị lên án trong xã hội.

Trong lao động luôn hăng say, cần cù, sáng tạo đem lại nhiều lợi ích cho xã hội tất sẽ nhận lấy thành công, có được vinh dự. Còn nếu cứ bảo thủ trong ngu muội, tham lam, lười biếng, thủ đoạn lừa gạt, ăn bám người khác đó là nhục nhã.

Trong học tập luôn chăm chỉ, cố gắng, tự lực học tập, tuân thủ nôi quy, nguyên tắc đạt thành tích cao đó là vinh quang. Còn ngược lại, lười nhác, giả dối, vi phạm, ham chơi đó là ô nhục.

Trong mối quan hệ với mọi người đoàn kết, gắn bó, tương trợ, thành thật tôn trọng chữ tín là vinh; lợi mình hại người, vong ân bội nghĩa, âm mưu hãm hại, tước đoạt quyền lợi người khác đó là nhục.

Đối với bản thân mình rèn luyện không ngừng, cầu tiến vươn lên, nhân cách tốt đẹp, hành vi chuẩn mực, nghiêm với mình dễ với người, phấn đấu hăng say đó là vinh. Còn ngược lại, dễ dãi nuông chiều, bê tha cẩu thả, ham an biếng ầm, tránh khó chọn dễ, thất học vô lễ đó là nhục nhã, luôn bị người đời khinh bỉ.

Phê phán:

Trong cuộc sống, có nhiều người chấp nhận sống hèn kém mà không chịu phấn đấu vươn lên. Họ xem những điều nhục nhã là chuyện bình thường. Họ ghét cái đẹp và sự cao thượng của nhân cách. Họ cũng luôn tìm cách hãm hại hay loại trừ những ai đạt được vinh quang trong cuộc sống. Những người như thế thật đáng chê trách.

Bài học nhận thức:

Nhận thức được “vinh” liền “nhục” nên thận trọng từng việc làm của mình, luôn đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng, không để bản thân, gia đình dòng họ chịu nhục. Thà chết vinh còn hơn sống nhục. Quyết sống và hạnh động hết mình để bản thân, gia đình dòng họ, Tổ quốc được vẻ vang.

  • Kết bài:

Cuộc sống luôn công bằng, không thiên vị một ai. Cơ hội không dành riêng cho một cá nhân nào mà luôn dành cho tất cả. Vinh đi liền nhục. Sống vinh quang hay chịu tiếng nhục nhã là do bản thân ta. Chỉ khi tính cách ta đẹp đẽ, hành động cao thượng thì mới được trân trọng. và những kẻ không có liêm sỉ luôn bị mọi người xem thường và xa lánh. Cuộc sống bình thường không có gì sai. Nhưng để sống ý nghĩa thì phải làm được những điều vẻ vang. Nói được thì phải làm được. Điều đó rất cần thiết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang