Nghị luận: Vấn nạn gian lận trong thi cử đang xảy ra hiện nay

Nghị luận: Vấn nạn gian lận trong thi cử đang xảy ra hiện nay.

Dàn bài gợi ý:

  • I. Mở bài:

– Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề: thói gian lận trong thi cử của học sinh ngày nay.

  • II. Thân bài:

1. Giải thích:

– Tiêu cực và gian lận trong thi cử là gì?

2. Bàn luận:

♦ Biểu hiện:

+ Học sinh mang tài liệu vào phòng thi…

+ Học sinh quay cóp, xem tài liệu khi kiểm tra,…

♦ Nguyên nhân:

+ Do thói lười biếng học tập, đạo đức suy thoái,…

+ Do thái độ, chủ quan, xem thường việc học của học sinh,…

+ Do người lớn thiếu sâu sát trong nhiệm vụ kiểm tra và giám sát quá trình học tập của học sinh. Gia đình phó mặc nhiệm vụ giáo dục cho nhà trường.

♦ Hậu quả:

+ Điểm số ảo, tạo ra gương xấu trong học tập…

+ Có kết quả nhưng không có kiến thức và kỹ năng..

3. Cách giải quyết:

+ Nghiêm khác chấn chỉnh ý thức và thái độ học tập trung thực, nghiêm túc.

+ Học bài và làm bài đầy đủ.

+ Nhà trường có hình thức kỉ luật cứng rắn đối với học sinh vi phạm….

+ Gia đình giám sát việc học ở nhà, giáo dục đạo đức đúng đắn cho con em mình.

+ Xã hội lên án các hình vi gian lận trong thi cử.

4. Bàn luận mở rộng:

– Gian lận trong thi cử là một hành vi tiêu cực. Cần phê phán và lên án.

5. Bài học nhận thức:

– Gian lận trong thi cử là hành vi xấu, cần phải từ bỏ.

– Siêng năng, chăm chỉ học tập.

– Rèn luyện đức tính trung thực, tôn trong sự công bằng trong học tập.

  • Kết bài:

+ Thói gian lận trong thi cử là hành vi không tốt, cần phải lên án….

+ Liên hệ với bản thân: cố gắng học tập thật tốt, không học tủ, học vẹt…


Bài tham khảo:

Suy nghĩ về hiện tượng tiêu cực và gian lận trong thi cử.

  • Mở bài:

Kiểm tra, thi cử là một hoạt động rất quan trọng diễn ra trong trường học và ngoài xã hội. Mục đích của việc kiểm tra, đánh giá và thi cử nhằm phát hiện các điểm mạnh điểm yếu của từng người học, qua đó điều chỉnh việc học tập và giảng dạy cho thích hợp. Thi cử cũng nhằm đánh giá phân loại và đảm bảo chất lượng đầu ra hay đầu vào của các chương trình giáo dục, bảo công bằng và hợp lý trong các cuộc tuyển chọn. Thế nhưng, việc kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện nay vẫn còn nhiều điều bất cập. Hiện tượng tiêu cực và gian lận trong thi cử diễn ra khá phổ biến. Nhất là trong giới học sinh hiện nay.

  • Thân bài:

Tiêu cực, gian lận trong thi cử là gì?

Tiêu cực là hành động không lành mạnh. Gian lận là hành vi cố ý lừa dối, giấu giếm, làm trái với quy định. Hai hành vi này có tác động không tốt đối với quá trình phát triển của xã hội. Hiện tượng tiêu cực và gian lận trong thi cử là những hiện tượng không lành mạnh diễn ra trong các kì thi dẫn đến kết quả, không đúng với thực chất.

Biểu hiện tiêu cực và gian lận trong thi cử:

Học sinh quay cóp, trao đổi bài với nhau.Ở mức độ cao hơn, học sinh cố ý mang tài liệu vào phòng thi dưới nhiều hình thức tinh vi. Thậm chí, nhiều học sinh còn nhờ người đi thi hộ,…

Phụ huynh thân thiết với giáo viên, cán bộ coi thi, đưa hối lộ bằng nhiều hình thức để được ưu ái hơn… Giáo viên bán đề, gợi ý đề, bán điểm, chấm bài thiếu trung thực hoặc cố tình làm lộ đề thi trong các kỳ thi cử. Nhiều giáo viên còn tự ý cho điểm khống để làm vừa lòng phụ huynh…

Cán bộ triển khai đáp án và hướng dẫn chấm không đúng, làm việc thiếu trách nhiệm, ráp phách báo điểm sai, tổ chức kém nhưng báo cáo thiếu trung thực…

Tác hại của việc tiêu cực và gian lận trong thi cử:

– Tiêu cực và gian lận trong thi cử khiến cho hoạt động thi cử, tuyển dụng không đạt được mục đích thi cử: không cho kết quả thực chất, không đánh giá đúng trình độ của người được kiểm tra dẫn đến hậu quả khôn lường:

+ Nếu kết quả thi cử không đúng thực chất sẽ khiến cho quá trình giảng dạy không bám sát được năng lực của người học.

+ Nếu thi cử để chọn người có đủ năng lực làm việc thì người được chọn sẽ không đúng, không có khả năng làm việc, không đáp ứng nhu cầu của xã hội.

+ Nếu thi cử để công nhận bằng cấp thì bằng cấp không đúng với khả năng thật, dẫn đến xã hội không thật, đưa đến việc vạch chiến lược cho đất nước sẽ quá tầm., thậm chí ẩn chứa nhiều rủi ro.

– Tiêu cực và gian lận trong thi cử khiến người học đánh mất nhân cách và tương lai:

+ Nếu học sinh không coi việc kiểm tra, thi cử là một việc nghiêm túc, không coi học tập là nhiệm vụ cần thiết của bản thân thì sẽ không có kiến thức thực tế, không đáp ứng nhu cầu xã hội, sẽ không tìm được việc làm, hủy hoại tương lai của chính bản thân, gia đình và xã hội.

+ Tiêu cực và gian lận trong thi cử là nguyên nhân dẫn đến lối sống không trung thực, lừa dối, phỉnh nịnh…

– Tiêu cực và gian lận trong thi cử phá hoại đạo học chân chính của đất nước:

+ Tiêu cực và gian lận trong thi cử làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng giáo dục, thậm chí sẽ hủy hoại các nền tảng giáo dục như tổng thống Madela từng nói: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên”.

+ Tiêu cực và gian lận trong thi cử làm triệt tiêu động lực học tốt, dạy tốt và gây lãng phí tiềm năng sáng tạo của các thầy cô giáo 

Nguyên nhân làm nảy sinh hiện tượng gian lận, tiêu cực trong thi cử:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng gian lận trong thi cử nhưng trước hết,  là do học sinh lười học, thiếu trung thực, không có ý thức phấn đấu nhưng muốn có kết quả cao nên tìm cách “chạy” để có điểm đậu.

Do cha mẹ nhận thức sai lệch, gây áp lực, đẩy học sinh vào việc tiêu cực. Bản thân cha mẹ cũng không trung thực, muốn con có kết quả cao nên luồng lách vào những kẻ hở của quy chế thi để mong tìm một chỗ học tốt cho con em.

Do giáo viên “tạo điều kiện”, gợi ý cho học sinh tiêu cực, chạy đề thi, chạy điểm thi.

Do chương trình đào tạo, kiến thức giáo viên và cách truyền đạt kiến thức của giáo viên khó tiếp thu dẫn đến người học không thể tiếp thu được kiến thức nên phải tiêu cực mới đạt kết quả mong muốn.

Do bệnh thành tích trong giáo dục. Các cấp quản lí đưa ra tỉ lệ thi đua và dùng tỉ lệ thi đua để đánh giá kết quả giáo dục của trường, của giáo viên.

Do công tác quản lí, giám sát chưa chặt chẽ, còn sơ hở; các quy chế, quy định quản lí đào tạo bất cập, yếu kém, thiếu khoa học.

Do xã hội quá coi trọng bằng cấp, ít chú ý đến thực chất, tài năng và phẩm chất trong công việc tuyển chọn và nhìn nhận, đánh giá một con người.

Tiêu cực trong thi cử là một căn bệnh trầm kha trong giáo dục, tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng hằng ngày, hằng giờ ở mọi nơi, mọi cấp, mọi người. Nguy hiểm hơn, có nhiều người coi hiện tượng tiêu cực và gian lận trong thi cử đã là chuyện bình thường, là chuyện đương nhiên của những lần kiểm tra hoặc thi cử, thậm chí xã hội đã coi việc trung thực đồng nghĩa với thiệt thòi.

Giải pháp khắc phục hiện tượng gian lận và tiêu cực trong thi cử:

Muốn khắc phục hiện tượng tiêu cực trong thi cử, cần có giải pháp đồng bộ từ trên xuống, từ trong mỗi gia đình đến xã hội:

Ở trường học:

+ Giáo dục tính trung thực, tổ chức tốt việc học tập và thi cử trong từng môn học, từng tiết học, tạo cho học sinh một nề nếp nghiêm túc. Tuyên truyền để học sinh, sinh viên, phụ huynh thấy cần có năng lực thật sự để làm người, để có một nghề mới chính là giấy thông hành vào đời, chứ không phải bằng cấp có được do tiêu cực.

+ Không chỉ phát động phong trào chống tiêu cực trong thi cử như hiện nay mà không phải duy trì thường xuyên, không có kiểu đánh trống bỏ dùi. Ngành giáo dục cần tổ chức những kì thi tuyệt đối nghiêm túc. Cấm thi vĩnh viễn hoặc nhiều năm đối với những thí sinh vi phạm. Kĩ luật nặng hoặc cho thôi việc những giáo viên hoặc cán bộ tiêu cực.

– Ngoài xã hội:

+ Trước mắt, cần sàng lọc cán bộ, công chức, giáo viên không có năng lực hoàn thành nhiệm vụ, dù có nhiều bằng cấp “đẹp” ra khỏi bộ máy.

+ Không quá chú trọng đến bằng cấp khi tuyển dụng mà cần chú trọng vào năng lực làm việc thực tế, có chế độ tiền lương và đãi ngộ phù hợp.

Ý thức trách nhiệm của học sinh trong thi cử:

– Học sinh chăm chỉ học tập, cương quyết nói không với tiêu cực trong thi cử.

– Chân thành góp ý với bạn bè; tạo dư luận tích cực trong việc học tập và thi cử.

– Mạnh dạn lên án hành vi tiêu cực trong thi cử của xã hội.

  • Kết bài:

“Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực” (William Shakespeare). Hãy luôn trung thực với bản thân, trung thực với mọi người bạn sẽ được trân trọng và yêu thương. Còn ngược lại, nếu cứ giả dối, gian lận, tiêu cực trong thi cử sớm muộn gì cũng chuốc lấy thất bại nặng nề.

Nghị luận: Học vấn có những chùm rễ đắng cay, nhưng hoa quả lại ngọt ngào

2 bình luận trong “Nghị luận: Vấn nạn gian lận trong thi cử đang xảy ra hiện nay”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang