Suy nghĩ của anh/chị về mối quan hệ giữa “bên ngoài và bên trong“: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” (Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ)
- Mở bài:
Cuộc sống thật phong phú, đa dạng, phức tạp, chúng ta luôn tự hỏi: Sống thế nào cho đúng? Làm thế nào để có một cuộc sống đẹp? Trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nhân vật Trương Ba sau khi đã quá chán ngán cái xác anh hàng thịt, đã tìm đến Đế Thích và yêu cầu: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Đó không chỉ là một mong muốn được giải thoát khỏi cái các bẩn thỉu của anh hàng thịt mà còn tỏ quan niệm sống của Trương Ba.
- Thân bài:
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là vở kịch xuất sắc của Lưu Quang Vũ. Đoạn trích là cảnh VII đây cũng là đoạn kết của vở kịch với cuộc tranh đấu giữa hồn và xác cùng những đau khổ, giày vò của Trương Ba khi nhập hồn vào xác anh hàng thịt. Đoạn trích làm rõ quan niệm sống chân chính của nhân vật Trương Ba, và cũng là lối sống cần có, nên có ở mỗi con người: được sống thật, sống là mình, không giả dối, mâu thuẫn, không “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Đây là đoạn trích hay nhất trong toàn bộ vở kịch, ẩn chứa giá trị nhân văn sâu sắc về cách sống toàn vẹn, sống là chính mình sẽ còn mãi với thời gian.
Có thể hiểu “bên trong” là thế giới nội tâm của con người (gồm nhận thức, tư tưởng, khát vọng). Đây là phần mà người ta không nhìn thấy được chủ có thể cảm nhận qua tiếp xúc, tìm hiểu và gắn bó. Còn “bên ngoài” là cái có thể quan sát, nhận biết bằng thị giác (gồm hình thức, hành vi, lời nói, việc làm). Quan hệ giữa bên ngoài và bên trong thường là quan hệ thống nhất. Bên trong thế nào thì bên ngoài thế ấy. Cái bên ngoài là biểu hiện cụ thể của cái bên trong và ngược lại, cái bên ngoài cũng được cái bên trong quy định và chi phối gay gắt.
“Bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” nghĩa là giữa chúng không có sự hài hòa, thống nhất của bên ngoài và bên trong, tức là lời nói, việc làm không thống nhất với suy nghĩ, tình cảm, nhận thức. Sự không thống nhất này khiến con người rơi vào tình trạng sống giả tạo, trở nên lệch lạc, mất thăng bằng.
Câu nói của Trương Ba nêu bậc quan niệm sống của chính ông, và đó cũng là lời khuyên sâu sắc đối với mỗi con người: cần phấn đấu để đạt sự hài hòa, cân bằng giữa nhận thức, hành vi, giữa cái bên trong với cái bên ngoài. Mỗi người hãy sống là mình, luôn làm chủ bản thân cả về thể xác lẫn tinh thần. Đó là cách sống để con người đạt được sự thanh thản. Đây là một quan niệm sống đúng đắn.
Nếu không có nghịch cảnh trớ trêu này xảy ra, chắc có lẽ Trương Ba sẽ không thể nhận thức rõ vai trò và mối quan hệ giữa phần hồn và phần xác. Và nếu điều đó không xảy ra, Trương Ba cũng không thể biết mình phải sống như thế nào là phù hợp và ý nghĩa của sự tồn tại. Nghịch cảnh bất ngờ xả đến, đặt Trương Ba trong hoàn cảnh trớ trêu, cũng là dịp để ông bừng tỉnh nhận thức lại cuộc đời mình.
Trương Ba là một người nông dân làm vườn, yêu thương vợ con, có lối sống thanh cao (ham thú chơi cờ). Vì sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu (hai vị quan trên thiên đình), Trương Ba lăn ra chết đột ngột. Nghi ngờ về cái chết của chồng, vợ Trương Ba kiện lên thiên đình, Đế Thích vì quá yêu mến Trương Ba đã sửa sai bằng cách cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt để trả lại cho Trương Ba sự sống. Nhưng thật trớ trêu, đó lại chính là nguyên nhân dẫn đến tấn bi kịch phải sống cuộc sống “ngoài một đằng, trong một nẻo” của Hồn Trương Ba. Hồn Trương Ba phát biểu câu nói trên khi đã thấm thía nỗi đau đớn, giày vò của một con người không được sống là mình. Như vậy, câu nói trên là lời giải thích của Hồn Trương Ba khi từ chối cuộc sống vay mượn thân xác người khác. Nó thể hiện khát vọng sống chính đáng của một con người có nhân cách. Đây cũng chính là vấn đề cần bàn luận.
Giữa bên trong và bên ngoài, hồn và xác luôn có mối liên hệ biện chứng. Hồn nào thì xác ấy, trong sao ngoài vậy, luôn tương hỗ và hoà hợp với nhau. Hành động của Đế Thích gắn phần hồn của Trương Ba với phần xác của anh hàng thịt quả thực là một việc làm gượng ép.
Phần hồn Trương Ba – một người làm vườn chăm chỉ, cần cù, tinh tế đã nâng niu chăm sóc vườn cây, một con người mẫu mực, sống đạo đức và giàu tình nghĩa với vợ con, với cháu nội, với láng giềng xung quanh. Đó là những phẩm chất quý giá khiến Trương Ba được mọi người nể trọng, quý mến. Xác hàng thịt – một con người thô bạo, tham lam, tùy tiện, coi trọng sự hưởng thụ vật chất. Hồn Trương Ba phải sống nhờ trong xác anh hàng thịt như thế, trong trường hợp này, trở nên mâu thuẫn, không thể tồn tại.
Trong suốt mấy tháng trời, giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt đã xảy ra xung đột kịch liệt. Trong sự xung đột, nhu cầu thể xác lại có phần thắng thế và cái thể xác phàm tục kia lại có thể lên tiếng nhạo báng nhu cầu cao quý của linh hồn. Đây là một điều phi lí và đau lòng bởi phần xác đã xúc phạm, đã làm tổn thương đến phần hồn.
Kiểu sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo là những con người sống mâu thuẫn, không có sự thống nhất giữa suy nghĩ và lời nói, hành động. Nghĩa là con người không được sống là chính mình, không được sống thật. Mong muốn “được là tôi toàn vẹn” thể hiện khát vọng gì của nhân vật Trương Ba nói riêng và của con người nói chung? Đó là khát vọng được sống thật là con người của mình…
Qua đoạn trích, người đọc thấy rõ, khi con người được sống là mình, con người khẳng định được cái tôi của bản thân sẽ được mọi người yêu mến. Bên trong là những suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm… của mỗi con người; bên ngoài là lời lẽ, hành động, cách ứng xử với thế giới xung quanh. Bên trong còn là linh hồn, tinh thần, bên ngoài là thể xác… Sự trái ngược giữa bên ngoài và bên trong là bi kịch phải sống giả dối, trái với bản chất của mình.
Ngày nay, có một bộ phận không nhỏ những người không tạo được sự hài hòa giữa bên ngoài và bên trong. Bên trong tốt đẹp, có nhân tính, có lương tâm, có khả năng nhận thức, hiểu biết nhưng không thắng được hoàn cảnh, bị hoàn cảnh xô đẩy đến chỗ có những hành vi trái với lương tâm, trái với chuẩn mực đạo đức. Đó là trường hợp con người phải sống giả tạo, lệch lạc, mất thăng bằng. Bên trong kém cỏi, tầm thường song ở vào vị trí buộc mình phải tỏ ra có đạo đức, có hiểu biết, có tình cảm cao thượng. Đó là những con người có hai bộ mặt, sống không thật với mình và mọi người. Họ nghĩ một đằng nhưng làm một nẻo.
Sống giả dối, không đúng với bản chất sẽ tạo ra những lệch lạc về giá trị thật của con người như nhân vật Hồn Trương Ba là một ví dụ. Những con người có kiểu sống ấy sẽ khiến mọi người xung quanh khó phân biệt được tốt – xấu, phải – trái, đúng – sai…
Có những nguyên nhân nào xô đẩy con người vào lối sống ấy. Một phần, có thể do hoàn cảnh mà họ không dám là mình. Sức ép của hoàn cảnh khiến họ rơi vào bi kịch phải sống giả dối, trái với bản chất, với lương tâm (Ví dụ nhân vật Quản Ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân…). Phần lớn là do cản thân họ không muốn là mình, tự lừa dối bản thân vì một động cơ, mục đích hay mưu toan nào đó.
Khát vọng “được là tôi toàn vẹn” là mong ước được sống thật với con người của mình, đồng thời cũng là khát vọng hoàn thiện nhân cách, đó là khát vọng chính đáng của con người. Sống toàn vẹn là mong ước được sống trung thực, được là chính mình, không phải tồn tại trong trạng thái vay mượn, chắp vá không phải sống theo người khác.
Con người muốn được sống thật bởi khi phải sống giả dối, con người luôn phải lo lắng, toan tính, tạo ra vỏ bọc bên ngoài để che đậy bản chất của mình; khi ấy tâm hồn cũng không được thanh thản. Còn khi sống thật, sống đúng là mình thì con người sẽ không phải nhập vai, che chắn. Trái lại, họ sẽ thấy tâm hồn trong sáng, thanh thản và đem lại cảm giác an tâm cho những người xung quanh. Như vậy, sống thật đồng nghĩa với sống tốt; người sống thật là người tốt, người cao cả.
Con người muốn hoàn thiện nhân cách vì con người không ai hoàn thiện. Ai cũng có phần tốt, phần xấu, có sự lẫn lộn giữa rồng phượng và rắn rết; thiên thần và ác quỷ….Vì thế mà con người luôn muốn hoàn thiện mình, luôn có khát vọng hướng thiện.
Chỉ khi được sống hài hòa giữa hồn và xác, giữa thế giới bên trong và biểu hiện bên ngoài con người mới có hạnh phúc. Khát vọng được là mình là khát vọng chân chính nhưng cái mình đó phải hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội chứ không thể là cái mình lập dị khác người.
Để sống thật, sống đúng là mình trước hết phải có tư tưởng, tình cảm trong sáng. Bởi có tư tưởng, suy nghĩ đúng mới có thể hành động đúng. Cần có ý chí, nghị lực và bản lĩnh để có thể làm chủ bản thân, vượt lên trên những hoàn cảnh khó khăn, những cám dỗ tầm thường của cuộc sống.
Mỗi người cần tự kiểm soát mọi hành vi, để không chạy theo dục vọng tầm thường, không sa đà vào lối sống buông tuồng, dung tục. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến bản thân mình, quan tâm đến những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng dù là bình thường nhất để được sống một cách thoải mái, tự nhiên.
Phương châm sống đúng đắn: Cố gắng tìm sự hài hòa giữa nhu cầu về tinh thần và nhu cầu về vật chất để tạo nên một cuộc sống cân bằng và nghiêm túc với bản thân mình, tạo cho mình quyền được hạnh phúc.
- Kết bài:
Quan niệm sống của Lưu Quang Vũ trong vở kịch “Hồn Trương ba, da hàng thịt” thấm đẫm tinh thần nhân văn. Trách nhiệm của mỗi con người trong việc hình thành, bảo vệ những khát vọng sống chính đáng, đẹp đẽ. Hãy là chính mình, hãy trung thực, thẳng thắn với bản thân, không “nói một đằng làm một nẻo”.
- Phân tích đoạn kịch “Hồn Trương ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ
- Phân tích ý nghĩa đoạn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt
- Phân tích màn đối thoại giữa hai nhân vật Trương Ba và Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt của của Lưu Quang Vũ