»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về vị trí và vai trò của người thầy trong giáo dục theo định hướng STEM
1. Như thế nào là người thầy mẫu mực?
Theo đức Không Tử, thầy là người giảng đạo cho dân. Người thầy lấy tri thức giáo hóa muôn dân biết rõ đạo lí, lễ nghi và thực hành đạo lí, lễ nghi ấy trong cuộc sống nhằm xây dựng và ổn định trật tự xã hội, cải hoá con người. Để đáp ứng nhiệm vụ ấy, trên cơ sở triết lý của mình, Khổng Tử đã chủ trương dùng nhân nghĩa để giáo hoá đạo đức con người và cải biến xã hội.
Theo quan niệm hiện nay, người thầy (giáo viên) là người giảng dạy, giáo dục cho học sinh, lên kế hoạch, tiến hành các tiết dạy học, thực hành và phát triển các khóa học nằm trong chương trình giảng dạy của nhà trường. Họ đồng thời cũng là người kiểm tra, ra đề, chấm điểm thi cho học sinh để đánh gia chất lượng từng học trò.
Như vậy, từ xưa đến nay, người thầy chính là người có công ơn dạy dỗ trò thành “người”. Từ đó, người thầy đóng góp vào sự phát triển của gia đình và xã hội. Bên cạnh nhiệm vụ truyền dạy tri thức và đào tạo kỹ năng cho học trò để chuẩn bị cho bước tương lai thì thầy cũng là người giáo dục đạo đức, nhân phẩm cho mọi người.
2. Vị trí và vai trò của người thầy trong xã hội ngày nay
Trong lịch sử, người thầy trong xã hội rất được kính trọng. Trong tâm thức người Việt, người thầy được đặt vào một vị trí trang trọng. Nếu theo quan niệm “Tam cương giả”, người thầy được đứng vị trí thứ hai trong trật tự “Quân – Sư – Phụ”. Thầy chỉ sau vua và trên cả cha. Thầy không có uy quyền của vua, không phải huyết thống như cha, nhưng được đặt lên hàng tôn quý.
Cho dù xã hội đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều biến cố khác nhau, nhưng dù ở thời điểm nào, người thầy vẫn luôn được tôn vinh. Đó là một minh chứng cho sự tôn trọng trí tuệ, khát khao hiểu biết của người Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng khẳng định vị trí của người thầy trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước. Theo Bác, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà. Thầy giáo là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Thầy giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Đồng thời, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Bác cũng nhấn mạnh thêm: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế – văn hóa”. Thầy giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt chân lý thời đại. Cho nên mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ. Hồ Chủ tịch luôn luôn đánh giá đúng và đề cao vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội.
Ngày nay, khi đất nước bước vào thời kì hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò và vị trí của người thầy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ chính là những người kịp thời nắm bắt những tinh hoa của nền tri thức và vận dụng tri thức ấy trong việc truyền dạy, giáo dục và hoàn thiện con người, đáp ứng yêu cầu xã hội trong thời đại giao lưu kinh tế toàn cầu. Bởi thế, chất lượn của đội ngũ giáo dục là vấn đề hết sức quan trọng, quyết định đến tương lai đất nước.
3. Những yêu cầu đối với người thầy trong thời đại mới
Trước hết người thầy phải là người có đủ tư cách để truyền bá đạo lí và tri thức ở đời. Tư cách người thầy đúng nghĩa, theo ông đó là người đạo cao đức trọng. Đạo cao nghĩa là người có tri thức sâu rộng, hiểu biết uyên thâm. Đức trọng nghĩa là người có đạo đức sáng ngời, được mọi người tôn kính. Quan niệm đúng đắn ấy đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Người thầy phải là người gương mẫu về đạo đức, lối sống để học trò noi theo. Vì thầy đứng hạng cao nhất về đạo đức và tri thức. Thầy phải có hành động, phát ngôn và cách sống tốt để học trò lấy đó mà làm gương rèn luyện mình. Học trò xem thầy như kiểu mẫu để sống. Thầy không làm gương được, làm sao trò đặt niềm tin vào thầy mà nghe thầy giảng đạo.
Thầy phải chính danh ở hàng cương vị và đẳng cấp. Danh không chính, ngôn không thuận, thì nói ai nghe. Không chỉ có thầy làm gương cho trò, mà người trên phải làm gương cho người dưới trong ý thức chung về trật tự xã hội. Ngoài việc truyền đạt tri thức cho trò, thầy phải có phẩm chất, trí tuệ và đạo đức cao quý, làm gương cho trò mới dạy được trò. Ngược lại, trò phải tôn kính thầy, trò trước tiên phải học và hành được lễ nghĩa, sau học và hành tri thức. Như thế, mới có thể hữu dụng cho bản thân, gia đình, xã hội, dân tộc và đất nước.
4. Vị trí và vai trò của người thầy trong giáo dục theo định hướng STEM
“Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và khả năng cạnh tranh trong nền kinh kế mới” (Theo Hiệp hội các giáo viên dạy khoa học quốc gia Mỹ (National Science Teachers Association – NSTA).
Theo như định nghĩa trên ta thấy, học sinh sẽ là người chủ động và sáng tạo trong quá trình học tập. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học cần nắm bắt. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề đó (qua tài liệu, thiết bị, công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra.
Nền tảng của giáo dục STEM chính là giáo dục khoa học (Science education). Chính giáo dục khoa học là lĩnh vực đề xuất ra các chương trình giáo dục STEM hiện nay. Trong thời đại mới, giáo dục khoa học được xem là ngành khoa học nghiên cứu cơ bản và nền tảng giúp đẩy mạnh nền khoa học từ gốc rễ là con người. Thông qua đào tạo giáo viên dạy khoa học và xây dựng các chương trình giáo duc từ chính quy (formal) và không chính quy (informal) bắt đầu các chương trình giáo dục mầm non đến bậc đại học, từ gia đình đến các hoạt động giáo dục khoa học ngoài xã hội để tiến hành một quy trình giáo dục toàn diện nhất.
Bởi thế, vị trí của người thầy không còn là truyền đạt kiến thức một chiều như trước nữa. Lúc này họ đóng vai trò là người gợi mở, hướng dẫn và đồng hành cùng học sinh trong mỗi bài học. Người thầy vừa đóng vai trò là người chỉ đạo, định hướng vừa học tập và sáng tạo cùng học sinh. Họ chính là những “hướng đạo sinh” cùng người học tìm kiếm tri thức đích thực đang ẩn giấu trong cuộc sống.
Để thực hiện được nhiệm vụ đó, chất lượng đội ngũ giáo viên là hết sức quan trọng. Người giáo viên phải có nhận thức đúng đắn, có khả năng xây dựng và thực hiện các chủ đề dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trước yêu cầu mới, người giáo viên cũng cần phải biết vận dụng công nghệ thông tin trong nhiệm vụ giảng dạy. Nắm vững khoa học công nghệ và am hiểu ngoại ngữ là yêu cầu bức thiết đối với người giáo viên trong nhiệm vụ giáo dục và đào tạo con người mang tính toàn cầu.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong trường học không phải là một việc làm dễ dàng. Bởi nền tri thức hiện nay đang có những bước tiến vượt bậc chưa từng có trong lịch sử. Nắm vững kiến thức bộ môn đã là một kì công. Đáp ứng yêu cầu liên môn một cách hiệu quả trong giáo dục hiện nay quả thực là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nan giải.
Trước những thách thức của thời đại mới, sự chuyển hóa năng lực trong đội ngũ giáo viên là một tiến trình bắt buộc phải diễn ra. Hoặc là thay đổi để tồn tại. Hoặc là bị phủ nhận và loại bỏ. Đó là vấn đề mà toàn bộ đội ngũ giáo viên ở nước ta đang phải đối mặt trước những diễn biến phức tạp của nền giáo dục thế giới.