Thầy Chu Văn An – Vạn thế sư biểu, người thầy lỗi lạc bậc nhất nước ta.
Chu Văn An được coi là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng về việc học của Chu Văn An vô cùng thâm thúy, tiết tháo, cao thượng, được đương thời suy tôn, thời sau ngưỡng mộ. Tìm trong làng nho nước Việt Nam ta, từ trước đến nay chỉ có mình ông, các ông khác thực không thể so sánh được. của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay.
Danh nhân Chu Văn An (1292 – 1370) sinh ở làng Quang, thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội). Ngay từ nhỏ, tuy xuất thân trong một gia đình bình thường nhưng Chu Văn An đã được mẹ là bà Lê Chiêm lo cho ăn học chu đáo. Vốn có lòng hiếu học, coi việc học làm đầu nhưng không cầu danh lợi, thú vui lớn nhất của Chu Văn An ngay từ nhỏ là ở nhà đọc sách. Chu Văn An học rất giỏi, “học vấn tinh thuần, tiếng đồn gần xa” như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã nêu. Khi đỗ Thái học sinh (học vị Tiến sĩ thời nhà Trần), ông không ra làm quan mà mở trường dạy học ở quê nhà, mong mỏi đào tạo nên những thế hệ học trò có đủ tài đức để đóng góp cho đất nước.
Tâm huyết với nghề dạy học, không màng danh lợi, Chu Văn An bắt đầu sự nghiệp với một mái tranh đơn sơ ở làng Huỳnh Cung, giáp với làng Quang quê mẹ. Tuy là trường ở làng quê, nhưng cũng có thư viện, thầy Chu dạy học trò từ hạng ấu học, mộng học, trung tập và đại tập (tương đương với vỡ lòng, tiểu học, trung học và đại học), tùy theo mỗi hạng mà thầy Chu có cách dạy khác nhau, nhưng tài liệu giảng dạy cơ bản vẫn là những sách kinh điển của Nho gia (Tứ thư, Ngũ kinh).
Nghe danh thầy Chu tài năng và đức độ, học trò khắp nơi tìm về trường Huỳnh Cung theo học rất đông. Thầy Chu rất nghiêm khắc trong việc dạy bảo môn sinh, ngoài việc giảng dạy về kiến thức, thầy còn chú trọng rèn luyện học trò về đạo lý sống, nhân cách làm người và hơn cả là giúp mỗi môn sinh thấy được trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đất nước.
Đất nước vừa trải qua thời kỳ muôn dân toàn tâm, toàn sức cùng với các vua quan nhà Trần đứng lên chống giặc Mông – Nguyên giữ nước. Sống trong cảnh hòa bình, người người chí thú làm ăn, vấn đề phát triển đất nước được đặt lên hàng đầu. Chính vì lẽ đó, thầy Chu Văn An đã xem giáo dục là vấn đề cốt lõi để đào tạo nhân tài cho đất nước. Tại trường làng, thầ Chu Văn An đã đào tạo nên rất nhiều trò giỏi. Khoa thi năm 1314, dưới thời vua Trần Minh Tông, trường có hai học trò đỗ Thái học sinh là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh, cả hai đều làm quan dưới triều Trần (Lê Quát được thăng đến chức Thượng thư).
Một trong những nguyên tắc cốt yếu để cảm hóa học trò của thầy Chu Văn An chính là: muốn dạy bảo trò tốt thì thầy phải nghiêm, phải luôn là tấm gương đạo đức cho học trò. Những môn sinh do thầy Chu Văn An đào tạo, dù làm quan to hay vinh hiển đến mức độ nào cũng luôn dành cho thầy một sự tôn kính và lễ độ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép lại việc các đại quan trong triều là học trò của thầy vẫn giữ lễ, khi đến thăm thầy thì lạy, được tiếp chuyện với thầy thì lấy làm vui mừng.
Tài đức và danh tiếng của thầy Chu Văn An vang đến kinh đô Thăng Long, vua Trần Minh Tông (lên ngôi năm 1314) mời ông ra kinh thành dạy học tại Quốc Tử Giám, ngôi trường lâu đời, chuyên đào tạo các hoàng tử, con các vị quan lại với mong muốn thầy Chu sẽ truyền đạt những giáo lý Nho giáo của mình cho họ, những người rất có thể sẽ trở thành những bậc đại quan trong triều đình sau này.
Thời kỳ đất nước thanh bình, việc có xu hướng hưởng nhàn và xuất hiện nịnh thần là điều không tránh khỏi. Việc tin tưởng vào giáo lý Nho giáo tức là thầy Chu vẫn mong mỏi đất nước luôn thanh bình và thịnh trị, muốn làm được điều này thì đất nước phải có những bậc minh quân, sáng suốt. Vua muốn trị quốc, bình thiên hạ thì điều cơ bản là phải có học thức đúng đắn. Với việc nhận lời vào dạy học ở trường Quốc Tử Giám là Chu Văn An đã chấp nhận đem tất cả tri thức và đức độ của mình vào việc giáo dục, đào tạo những bậc nhân tài cho đất nước về sau.
Vua Trần Minh Tông đã giao cho thầy Chu Văn An chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tương đương chức Phó Hiệu trưởng) và dạy học cho Thái tử Trần Vượng (sau này là vua Trần Hiến Tông), đào tạo một vị vua mới cho nước Đại Việt. Người đứng đầu Quốc Tử Giám lúc này là quan Tể tướng Trần Nguyên Đán (ông ngoại của danh nhân Nguyễn Trãi, cũng là ông nội của danh tướng Trần Nguyên Hãn), ông rất quý mến tài đức của Chu Văn An, hay tin thầy Chu đồng ý về kinh thành Thăng Long dạy học nên đã hết lòng giúp đỡ.
Đồng thời với nhiệm vụ dạy học cho vua, thầy Chu Văn An còn ra sức phát triển trường Quốc Tử Giám. Thành tựu lớn nhất của thầy Chu khi dạy học tại đất Thăng Long chính là bộ “Tứ thư thuyết ước” (bộ sách tóm lược nội dung của 4 cuốn sách của Nho gia là Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử), đây chính là giáo trình dạy học chính của thầy Chu Văn An tại Quốc Tử Giám.
Trong những năm Vua Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông trị vì, đất nước thanh bình, chính sự tốt đẹp. Đến khi Vua Hiến Tông ở ngôi được 12 năm thì mất (1329 – 1341), người em là Trần Hạo (Trần Dụ Tông) nối ngôi. Qua những năm đầu chính sự tương đối yên ổn; nhưng sau khi thượng hoàng Trần Minh Tông mất (1357) thì tình hình đất nước bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống. Trong triều, bọn gian thần bắt đầu lộng hành, kéo bè kết đảng. Vua Trần Dụ Tông lơ là, bỏ bê việc triều chính, Việt Nam sử lược có chép về vua Dụ Tông “suốt ngày lo rượu chè, chơi bời, xây cung điện, đào hồ, đắp núi, rồi lại cho người giàu vào cung đánh bạc”.
Trước tình cảnh triều chính suy đốn, với tư cách là người thầy của vua Dụ Tông, dù là một vị quan nhỏ nhưng Chu Văn An đã nhiều lần can ngăn vua và can đảm viết nên “Thất trảm sớ”, xin chém đầu bảy tên gian thần lộng hành triều chính. “Thất trảm sớ”đã trở thành sự kiện chấn động cả Đại Việt, vì lúc bấy giờ, chỉ có những bậc đại quan mới có quyền can gián vua. Tuy nhiên,“Thất trảm sớ” đã không được vua Dụ Tông chấp nhận, Thầy Chu Văn An bèn treo ấn từ quan, về sống ẩn dật ở vùng núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu Tiều ẩn.
Việc làm của thầy Chu Văn An đã nói lên phẩm chất tốt đẹp của ông, làm quan phải mạnh dạn, chính trực, phải nói ra sự thật, phải giúp ích cho dân. Làm quan nhỏ mà có ích cho dân, cho đất nước thì càng đáng quý hơn với chức tước lớn nhưng không làm được gì.
Một đời chỉ mong đào tạo được những người tài đức, cống hiến cho đất nước. Nhưng trong tình cảnh của thầy Chu Văn An thì lại rất xót xa khi người học trò của mình và cũng là người đứng đầu của một nước lại không màng việc triều chính, không thể trở thành đấng minh quân.
Những năm tháng sống ở Chí Linh, thầy Chu Văn An tiếp tục nghề dạy học, nghiên cứu y học và làm thơ… Tuy vui thú sống ẩn dật, nhưng thầy Chu vẫn chất chứa trong lòng một nỗi buồn vì niềm tin tan vỡ, một nỗi dằn vặt luôn làm ông phải suy nghĩ. Sống trong cảnh triều chính vỡ nát, vương triều mà ngày nào ông từng tôn thờ với “hào khí Đông A” bất diệt, Chu Văn An biết mình phải làm gì nhưng đành bất lực vì không đủ sức. Chán ngán cảnh quan trường, Chu Văn An đành gửi nỗi niềm của mình vào chốn thiên nhiên.
Nhiều lần vua Trần Dụ Tông và sau này là Trần Nghệ Tông mời Chu Văn An trở về kinh nhưng ông cương quyết từ chối, chỉ có những lúc Thăng Long có hội lớn ông mới về tham dự. Năm 1369, Trần Nghệ Tông lên ngôi, Chu Văn An trở về kinh chúc mừng rồi trở về với núi Chí Linh mà canh cánh trong lòng về triều chính, “tấc lòng chưa thể như tro nguội, nhắc đến vua xưa gạt lệ thầm”.
Thầy Chu Văn An mất vào năm 1370, suốt cuộc đời thầy Chu luôn là người thầy giáo lỗi lạc, ông xứng đáng là ngôi sao Bắc đẩu trên bầu trời Việt, là bậc “Vạn thế sư biểu” như cách gọi của các sử gia Việt Nam. Sau khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông truy tặng cho ông tước hiệu Văn Trinh và đặt thờ tại Văn Miếu cùng với Khổng Tử, Tứ phối và Thất thập nhị hiền…