»» Nội dung bài viết:
Thuyết minh về cây dừa Nam bộ.
I. Mở bài:
– Giới thiệu chung về cây dừa Nam bộ: một loài cây quen thuộc, sống gắn bó với người dân miền sông nước.
II. Thân bài:
1. Đặc điểm của cây dừa:
– Rễ chùm nhỏ nhưng rất dài và dẻo dai, ăn sâu vào lòng đất.
– Thân tròn, màu nâu, có nhiều dấu vết của bẹ lá đã rụng.
– Tàu dừa có cuống rất dài, lá xanh bóng có gân cứng ở giữa, mọc đối xứng hai bên cuống.
– Hoa nhỏ màu trắng ngà, thơm nhẹ.
– Trái mọc thành quầy, đuôi hơi nhọn. Bên ngoài có lớp vỏ dày xốp bọc ở ngoài rồi đến gáo cứng, bên trong có lớp cơm trắng, trong cùng là nước.
2. Cây dừa trong cuộc sống con người:
– Cây dừa có giá trị kinh tế…
+ Dùng làm chất đốt, giải khát, làm kẹo ….
+ Tạo nên khung cảnh êm đềm thơ mộng cho quê hương.
– Cây dừa trong đời sống tinh thần dân tộc:
+ Đức tính cần cù, lam lũ, chịu thương, chịu khó.
+ Phẩm chất kiên trung, thủy chung với đất, với người.
III. Kết bài:
– Khẳng định giá trị của cây dừa trong đời sống của người dân Nam bộ.
Tham khảo:
Thuyết minh về cây dừa trong đời sống người dân Nam bộ.
- Mở bài:
Nhà thơ Lê Anh Xuân, người con đất Nam bộ đã từng dành cho cây dừa quê hương biết bao tình cảm tha thiết:
“Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”
(Dừa ơi – Lê Anh Xuân)
Cây dừa là cây vốn được trồng phổ biến ở các khu vực miền biển nước ta, tập trung nhiều nhất ở Nam bộ, tạo nên những vùng du lịch nổi tiếng. Cây dừa mang lại nhiều lợi ích và ăn sâu trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.
- Thân bài:
Nguồn gốc xuất hiện của cây dừa.
Dừa là loài cây thuộc họ Cau, là họ duy nhất trong chi Cocos và có thân gỗ lớn hình trụ. Dừa có nguồn gốc từ đảo Andaman, vịnh Bengan, Ấn Độ và các quần đảo thuộc khu vực Đông Nam châu Á. Từ các quần đảo này, thông qua các dòng chảy của đại dương hoặc các các nhà thám hiểm, cây dừa đi khắp thế giới. Từ đó, cây dừa trở thành một loài cây trồng ưa thích và phổ biến ở nhiều quốc gia. Ngày nay, dừa được trồng nhiều ở các vùng nhiệt đới, đặc biệt là đảo hay các vùng ven biển.
Cây dừa xuất hiện ở Việt Nam từ trước công nguyên. Từ thế giới hoang dã, cây dừa được trồng phổ biến ở các vùng đồng bằng ven biển. Bến Tre và Bình Định là những khu vực trồng nhiều dừa nhất nước ta. Trên các đảo, chúng ta ta cũng trồng rất nhiều dừa tạo nên những cảnh quan rất đẹp. Những bãi biển xanh mát dừa cao thu hút được nhiều du khách đến chiêm ngưỡng và nghỉ ngơi.
Phân loại các giống dừa.
Dựa vào đặc điểm hình thái và mục đích sử dụng có thể phân loại dừa thành 2 nhóm giống chính. Nhóm giống dừa cao và nhóm giống dừa lùn. Ngoài ra, để có được các giống dừa mới có năng suất và chất lượng cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, người ta còn lai tạo ra một nhóm giống dừa mới phù hợp với khí hậu và đất trồng của từng khu vực gọi là dừa lai.
Đặc điểm hình thái của cây dừa.
Dừa là loại cây thân thẳng, không phân nhánh. Thân dừa là thân đơn trục một thân chính, không có cành nhánh. Thân dừa mọc thẳng, không phân nhánh, chiều cao trung bình từ 15 – 20m. Đôi khi có thể cao tới 30m.
Cây dừa trưởng thành thường mang 25-40 tàu lá. Mỗi tàu lá có chiều dài trung bình 4-6m, được chia làm 2 phần cuống lá và lá. Phần cuống là phần không có lá chét, lồi ở mặt dưới, bằng hoặc hơi lõm ở mặt trên. Phía đáy phình rộng và dẹt hơn ôm chắc lấy thân cây. Mỗi tàu lá có khoảng 90-200 lá chét mỗi bên. Phần lá chét ở 2 bên không đối xứng nhau hoàn toàn. Khi tàu lá rụng sẽ để lại sẹo trên thân cây trơn nhẵn.
Rễ dừa là loại rễ bất định, sinh trưởng liên tục ở phần đáy gốc thân. Dừa không có rễ cọc. Rễ dừa tuy nhỏ nhưng rất mạnh khỏe và dẻo dai, có thể mọc ra liên tục trong suốt cuộc đời cây dừa. Rễ hút chất dinh dưỡng nuôi cây và giữ cho thân dừa đứng vững trong gió.
Hoa dừa là loài tạp tính hình thành dưới dạng chùm gọi là phát hoa. Phải mất 30-40 tháng kể từ khi hoa bắt đầu hình thành đến khi nở hoa dừa mới bung ra hết. Thường thì mỗi nách lá cho 1 phát hoa. Mỗi phát hoa có rất nhiều hoa. Quả dừa hình thành bám chặt trên phát hoa này.
Quả dừa thuộc loại quả hạch, nhân cứng. Quả gồm có ba phần là ngoại quả bì (lớp vở cứng), trung quả bì (lớp xốp mềm) và nội quả bì (bao gồm gáo, nước và cơm dừa). Quả dừa cũng là cơ quan sinh sản của cây. Mầm non mọc từ bên trong và tự nảy mầm trên mặt đất. Gặp điều kiện ẩm ướt, rễ dừa đâm sâu vào đất tạo thành cây con mới.
Đặc điểm sinh thái, sinh dưỡng và phát triển.
Cây dừa thường sống ở vùng nhiều nước thuộc các vùng trũng thấp. Khi trồng, gốc cách gốc khoảng từ 2 – 3 mét. Dừa phát triểm nhanh vào mùa mưa. Cây trồng từ 2 đến 3 năm là trưởng thành và cho quả. Dừa có thể phát triển tốt và cho quả từ 50-60 năm. Càng già, dừa càng ít quả và hay sâu bệnh.
Dừa phát triển tốt trên đất pha cát và có khả năng chống chịu mặn tốt. Dừa ưa thích các nơi sinh sống có nhiều nắng và lượng mưa trung bình. Dừa cần độ ẩm cao (70–80%+) để có thể phát triển một cách tối ưu. Do đó, Dừa chỉ có thể trồng từ tới cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Nó rất khó trồng và phát triển trong các khu vực khô cằn.
Người miền Nam thường hay trồng dừa quanh nhà. Nhiều nơi trồng ven bờ ao hoặc trong thành đám lớn để khai thác quả. Hình ảnh cây dừa trước ngõ vu vi trong gió đã đi sâu vào trong tiềm thức con người. Từ lâu, hình ảnh cây dừa trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Nam bộ.
Chăm sóc và thu hoạch sản phẩm từ cây dừa.
Cây dừa có sức sống mạnh mẽ chịu được khô hạn. Khi trồng còn bón thêm cho dừa các loại phân như lân, phot-phat, đạm… Một vài nơi người ta còn bón thêm muối và vôi để dừa tăng khả năng chống bệnh và cho quả ngọt.
Cần bảo vệ cây dừa trước sự phá hoại của bọ dừa, kiếm vương, đuông, sâu nái, chuột,… Cần tránh một số bệnh thường gặp ở dừa như: bệnh lá đốm, bệnh thối đọt, nứt và rụng trái để cây dừa phát triển và cho quả tốt.
Mỗi cây dừa trưởng thành cho khoảng 80 – 100 quả mỗi năm. Người ta thường thu hoạch khi quả xanh trưởng thành để lấy nước và cơm dừa. Quả già có màu nâu, vỏ cứng, thường lấy cơm dừa làm tinh dầu hoặc các loại bánh kẹo. Kẹo dừa, dầu dừa là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Bến Tre.
Lợi ích của cây dừa trong đời sống con người.
Dừa là loại cây cho quả nhiều dầu nhất nước ta. Từ các bộ phận của cây dừa có thể cho ta rất nhiều loại sản phẩm chế biến phong phú và đa dạng:
+ Thân dừa được cắt xẻ lấy gỗ. Ở miền biển, gỗ dừa là vật liệu chính để xây nhà, làm cầu, che chắn đồ dùng. Gỗ dừa rất bền chắc nếu được bảo quản ở điều kiện khô ráo. Vỏ dừa lấy sợi; làm thuốc trị bệnh mẩn ngứa, nấm da. Người ta tước các sợi từ vở thân cây dừa hoặc quả dừa bện thành dây thường rất bền chắc.
+ Lá dừa làm vật lợp mái nhà, vật liệu che phủ, hoặc làm vở lá gói bánh, làm các đồ chơi, đồ thủ công mỹ nghệ. Lá dừa còn là chất liệu đốt, làm phân bón,… Lá dừa bén lửa rất mạnh. Ở các vùng quê, lá dừa được sử dụng để đun nấu.
+ Xơ dừa làm vật liệu trồng hoa lan và một số loài cây cảnh; đốt lấy nhiệt, làm phân bón cây. Gáo dừa thường đốt lấy than; làm đồ mỹ nghệ, đồ gia dụng. Với tính chất cứng, không hút ẩm, gáo dừa ngày càng phát huy vai trò lớn trong việc tạo ra những vật dụng an toàn, thân thiện với môi trường.
+ Nước dừa là một loại nước uống giải khát giàu dinh dưỡng. Ngày nay, ngoài việc uống tươi, nước dừa còn được đóng lon, hộp, trở thành loại nước uống phổ biến trên thế giới. Ngoài ra nước dừa còn dùng để làm rượu, thuốc chữa bệnh và dinh dưỡng rất hiệu quả trong y học cổ truyền.
+ Cơm dừa là sản phẩm chính của cây dừa. Cơm dừa dùng trong nấu ăn, là bài thuốc tốt cho những người suy nhược, ăn uống kém, giúp nhuận tràng. Cơm dừa là nguyên liệu làm nhiều loại bánh kẹo. Cơm dừa còn dùng để ép lấy dầu. Hủ dừa là loại thực phẩm thường được sử dụng trong các bữa ăn gia đình.
+ Cây dừa giúp chắn gió, cát ven biển, bảo vên đồng ruộng nội địa. Đây là cây tiên phong ở vùng phèn mặn. Hàng dừa cao vút bao năm che mưa, chắn gió, chắn cát bảo vệ làng mạc, ruộng vườn, giữ gìn môi trường sống của con người.
Trong ngày lễ, tết, cưới hỏi người Nam bộ dùng dừa làm đồ trưng bày trong mâm ngũ quả: “cầu, dừa, đủ, xài (xoài), xung”. Dừa là một trong năm thành tố tạo nên mơ ước được phồn thịnh của con người nơi vùng đất châu thổ Cửu Long. Ngoài ra, trong ba ngày tết, nhà nào cũng có mứt dừa với các màu sắc xanh, trắng, đỏ, vàng trông rất bắt mắt,. Mức dừa làm cho không khí ngày tết thêm rộn ràng.
Thật không thể nào quên những chiếc bánh lá dừa, bánh nhân dừa, chè nước cốt dừa ta vẫn ăn thường ngày. Thức ăn chế biến từ quả dừa đã tạo nên một nét khác biệt đậm đà trong đời sống ẩm thực Việt Nam.
Dừa đi vào âm nhạc, hội họa, thi ca và các hình thức nghệ thuật khác trong đời sống người dân Nam bộ.
“Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương”.
(Dừa ơi – Lê Anh Xuân)
Mỗi buổi trưa hè, nằm dưới tán lá dừa xanh, nghe gió thổi vi vu trên tầng cao thật thú vị biết bao. Nhìn ánh sáng lấp lóa như muôn vạn vì sao lung linh giữa bầu trời trong vốn là niềm vui thú của biết bao con người xứ dừa. Cây dừa hiền lành và cần mẫn như tính cách của người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng, với thiên nhiên thơ mộng và bao dung.
Dừa cũng cùng con người trải qua biết bao thử thách của mẹ thiên nhiên mỗi khi người nổi giận kinh hoàng. Hình ảnh hàng dừa vươn mình chống bão tố, chống bom đạn của kẻ thù như người chiến sĩ quyết hi sinh bảo vệ xóm làng đã trở thành biểu tượng của lòng kiên trung, bất khuất:
“Dừa bị thương dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời
Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài”
(Dừa ơi – Lê Anh Xuân)
- Kết bài:
Cây dừa Nam bộ in dấu đậm nét trong đời sống văn hóa của nhân dân miền Nam. Đặc biệt, cây dừa có giá trị văn hóa rất tiêu biểu cho vùng đất chín rồng đang vườn mình trổi dậy. Cây dừa hứa hẹn bay xa, bay cao, để từ đó, góp phần đưa kinh tế – xã hội của vùng đất mới này ngày càng phát triển.