Thuyết minh cây lúa nước trong văn hóa làng quê Việt Nam.
- Mở bài:
Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó mật thiết với đời sống con người, làng quê Việt Nam, trở thành biểu tượng của văn minh lúa nước. Cây lúa không chỉ là mọt loại lương thực quan trọng nhất mang lại sự no đủ mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa và tinh thần. Hình ảnh hạt lúa và người nông dân cần cù, mộc mạc là mảng màu không thể thiếu trong bức tranh đồng quê Việt Nam.
- Thân bài:
Lúa là một trong năm loại cây lương thực chính của thế giới, cùng với bắp, lúa mì, sắn và khoai tây. Theo quan niệm xưa lúa cũng là một trong sáu loại lương thực chủ yếu trong Lục cốc.
Tổ tiên của lúa châu Á là một loại lúa hoang phổ biến có nguồn gốc tại khu vực xung quanh vùng Đông Nam Á. Hiện nay đây là giống lúa chính được gieo trồng làm cây lương thực trên khắp thế giới. hơn 10000 năm trước, cư dân nơi đây dã trồng loại lúa nước, và nó được xem như là quê hương của loại cây lương thực này vì nơi đây có đủ mọi điều kiện để phát triển giống lúa này, và đó cũng là nơi đã xuất hiện nền văn minh lúa nước, nơi đây còn có thể xem là một trong những trung tâm nông nghiệp đầu tiên trên thế giới.
Cây lúa là loại cây thân cỏ, tròn, có nhiều gióng và đốt. Gióng thường rỗng, chỉ đặc ở đốt. Lá dài, có bẹ ôm lấy thân, gân lá song song. Rễ chùm. Hoa nhỏ, mọc thành bông, không có cánh hoa, chỉ có những vảy nhỏ bao bọc lấy nhị và nhụy. Khi hoa nở, cả bao phấn và đầu nhụy đều thò ra ngoài. Đầu nhụy rất dài, có chùm lông có tác dụng quét hạt phấn. Quả khô, có một hạt trong chứa nhiều chất bột, vỏ quả và vỏ hạt không phân biệt. Ta vẫn quen gọi nhầm quả của cây lúa là hạt vì không thấy có vỏ quả. Thật ra vỏ quả ở đây dính liền với vỏ hạt. vỏ quả chính là vỏ cám dính sát vào hạt gạo, còn vỏ trấu ỗ ngoài là do một đôi mày biến thành, bao lấy quả chính thức.
Hạt là loại quả thóc (hạt nhỏ, cứng của các loại cây ngũ cốc) dài 5-12 mm và dày 2-3 mm. Cây lúa non được gọi là mạ. Sau khi ngâm ủ, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kĩ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.
Sản phẩm thu được từ cây lúa là thóc. Hạt thóc trước tiên được xay để tách lớp vỏ ngoài, đây là gạo xay còn lẫn trấu. Quá trình này có thể được tiếp tục, nhằm loại bỏ hạt mầm và phần còn sót lại của vỏ, gọi là cám, để tạo ra gạo. Gạo là nguồn lương thực chủ yếu của hơn một nửa dân số thế giới (chủ yếu ở châu Á và châu Mỹ Latinh), điều này làm cho nó trở thành loại lương thực được con người tiêu thụ nhiều nhất. Trong tiếng Anh, từ rice (lúa, gạo) có nguồn gốc từ arisi trong tiếng Tamil.
Cây lúa phổ biến rộng rãi cả ở vùng nhiệt đới và ôn đới. Đây là một loại cây có tầm quan trọng kinh tế. Là cây trồng thuộc nhóm ngũ cốc, lúa là cây lương thực chính của người dân Việt Nam nói riêng và người dân châu Á nói chung. Cây lúa, hạt gạo đã trở nên thân thuộc gần gũi người dân Việt Nam đến mức từ bao đời nay nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Từ những bữa cơm đơn giản đến các bữa tiệc quan trọng không thể thiếu sự góp mặt của cây lúa, được chế biến dưới dạng này hay dạng khác.
Cám gạo là một mặt hàng có giá trị ở châu Á và được dùng cho nhiều nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Nó là lớp chất dầu ẩm ướt bên trong được đun nóng lên để sản xuất một loại dầu ăn có lợi cho sức khỏe. Ứng dụng khác là để làm một loại rau dầm. Tại nhiều nơi, gạo còn được nghiền thành bột để làm nhiều loại thức uống, sữa gạo và rượu sakê. Bột gạo nói chung an toàn cho những người cần có chế độ ăn kiêng gluten.
Phần thân lúa (rơm rạ) được tận dụng để làm thức ăn cho gia súc, làm chất đốt hoặc phân bón. Gốc lúa còn lại sau khi thu hoạch góp phần làm phát triển các sinh vật vi sinh và làm tơi xốp đất. người ta còn dùng rơm rạ làm nệm, giấy, giá thể trồng cây.
Không chỉ giữ vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, xã hội mà lúa còn có giá trị lịch sử, bởi lịch sử phát triển của cây lúa gắn với lịch sử phát triển của cả dân tộc, in dấu ấn trong từng thời kì thăng trầm của đất nước. Trước đây, cây lúa hạt gạo chỉ đem lại no đủ cho con người, thì ngày nay nó còn có thể làm giàu cho người nông dân và cho cả đất nước nếu chúng ta biết biến nó thành thứ hàng hóa có giá trị.
Cây lúa từ lâu đã đi vào nền văn hóa dân gian, trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần con người Việt Nam. Hạt gạo thơm dùng làm lễ vật dâng lên tổ tiên. Hình ảnh cây lúa đi vào tranh Đông Hồ với nét bình dị đáng quý. Hình ảnh bông lúa xuất hiện trên trống đồng Đông Sơn ghi khắc thời kì khởi đầu nền văn minh lúa nước. Cây lúa nước đã làm nên một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người, là nguồn lương thực quan trọng nhất giúp dân tộc ta vượt qua biết bao thời kì gian khổ. Lúa đời đời kiếp kiếp ăn ở, thủy chung, son sắc với người.
Lúa thông thường được gieo hay cấy trong các ruộng lúa nước. Các mảnh ruộng được tưới hay ngâm trong một lớp nước không sâu lắm với mục đích đảm bảo nguồn nước cho cầy lúa và ngăn không cho cỏ dại phát triển. Khi cây lúa đã phát triển và trở thành chủ yếu trong các ruộng lúa thì nước có thể tưới tiêu theo chu kì cho đến khi thu hoạch mùa màng.
Các ruộng lúa có tưới tiêu nước làm tăng năng suất, mặc dù lúa có thể trồng tại các vùng đất khô hơn (chẳng hạn các ruộng bậc thang ở sườn đồi) với sự kiểm soát cỏ dại nhờ các biện pháp hóa học. Ớ một vài khu vực có mực nước sâu, người ta cũng có thể trồng các giông lúa mà dân gian gọi nôm na là lúa nổi. Các giống lúa này có thân dài có thể chịu được mực nước sâu tới trên 2 mét. Dù trồng trong ruộng nước hay ruộng khô thì cây lúa vẫn đòi hỏi một lượng nước lớn hơn nhiều so với các loại cây trồng khác
Bệnh đạo ôn, do loài nấm Magnaporthe grísea gây ra, là loại bệnh đáng chú ý nhất gây ảnh hưởng tới năng suất lúa. Lúa còn bị một số sâu bệnh phá hoại như cháy cổ lá, bạc lá, rầy nâu ( lugens), châu chấu, bọ trĩ, rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen, rầy xám, các loài bọ xít (họ Pentatomidae) như bọ xít đen, bọ xít xanh, bọ xít dài, bọ xít gai, sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá lớn, sâu đục thân lúa hai chấm, sâu năm vạch đầu nâu, sâu năm vạch đầu đen, sâu cú mèo, sâu keo, sâu cắn gié, sâu đo xanh, ruồi đục nõn, sâu nâu,…
- Kết bài:
Qua hàng nghìn năm lịch sử, lúa đã là cây lương thực chủ yếu nuôi sống các thế hệ người Việt cho đến nay. Trong đời sống tinh thần của con người, cây lúa cũng gắn bó thân thiết vô cùng.