Thuyết minh về chiếc quạt nan (có yếu tố biểu cảm, tưởng tượng).
Trong góc tối, phía sau cánh gà của nhà hát Hòa Bình, văng vẳng tiếng khóc sụt sùi của ai đó khiến bác Camera chú ý. Chương trình biểu diễn đa kết thúc từ lâu, mọi người đã ra về hết còn có ai ở đây chứ? Bác Camera thầm hỏi rồi hướng ống kính về đó quan sát. Phái sau cánh gà ngổn ngang đống đạo cụ, có một chiếc quạt nan rầu rĩ khép mình bên góc tường đang khóc. Bác Camera sốt sắng hỏi:
– Ơ kìa, cháu quạt! Sao giờ này cháu còn ở đây?
Nghe tiếng hỏi lạ giữa đêm tối, chiếc quạt nan giật mình, ngừng khóc, ngơ ngác nhìn quanh:
– Ai ? Ai đấy ? Ai vừa nói đấy?
– Tôi đây. Bác Camera đây. Cháu đừng khóc nữa. Sao giờ này cháu chưa về nhà mà còn ở đây khóc? Bác Camera nhẹ nhàng hỏi.
– Ôi, bác Camera! Khổ thân cháu lắm bác ơi. Các vũ công đã vứt cháu ở đây sau khi tiết mục Quạt hoa kết thúc. Nói xong chiếc quạt lại hu hu khóc.
– Ôi, sao lại thế? Sao họ lại vứt cháu đi thế?. Bác Camera kinh ngạc hỏi.
– Trong lúc biểu diễn, các vũ công đã làm rách cháu. Đây này, bác xem. Vừa nói, chiếc quạt vừa xòa cánh làm hiện rõ một vết rách dài từ rìa đến gần chân quạt. Thế rồi kết thúc buổi diễn họ đã ném cháu ở lại đây đấy bác à. Khổ thân cháu quá bác ơi.
Nghe chiếc quạt nan phân trần, bác Camera lắc đầu ngán ngẩm:
– Cháu đừng buồn nữa. Số phận các đạo cụ là thế đấy cháu à. Lúc còn mới thì họ yêu quý và nâng niu lắm. Khi bị hỏng đi rồi thì họ sẵn sàng vứt bỏ, không còn quan tâm nữa, thậm chí là không còn muốn đem về. Bác ở đây lâu rồi, cũng đã chứng kiến biết bao đạo cụ cũng bị lãng quên như cháu. Hãy kể bác nghe, cháu từ đâu đến đây?
Nghe bác Camera an ủi, chiếc quạt kể lể:
– Cháu vốn ở miền Trung xa xôi, được tạo ra trong một xưởng quạt nan bởi một người thợ khéo tay. Để làm ra những chiếc quạt thật xinh đẹp bán cho đoàn múa, người thợ đã lựa chọn những cây tre tốt nhất và vót thành những thanh nan tre mỏng, mềm. Sau khi tạo ra những nan tre, người thợ lại ngâm vào nước nóng để làm tăng độ dẻo dai lên vừa chịu được những tác động mạnh vừa không bị mối mọt tấn công.
– Thật là kĩ lưỡng quá. Thế cháu được tạo ra như thế nào?
Chiếc quạt thôi khóc, trình bày lại mọi chuyện:
– Khi đã có những nan tre tốt và được tạo hình theo kiểu quạt, họ cắt thành những que nan ngắn khoảng chừng 24cm. Mỗi chiếc quạt nan có chừng khoảng 8 đến 12 nan tre được kết nối với nhau. Tại góc nan, họ khoan xuyên một lỗ nhỏ rồi dùng chốt kim loại kết chặt lại vừa đủ để các nan có thể chuyển động quanh trục mỗi khi xòe quạt hay xếp quạt lại. Bác có biết không, nghệ thuật của người thợ là đóng cái chốt ấy sao cho vừa khít, không quá chặt cũng không quá hở đấy bác ạ!
– Ồ! Bác Camera tỏ vẻ khó hiểu. Thì ra làm ra một chiếc quạt là cả một nghệ thuật?
– Đúng đấy bác ạ. Nghệ thuật nhất là ở khâu người thợ phủ giấy lên những chiếc nan quạt và trang trí sao cho thật đều, thật đẹp. Để giữ các nan tre có khoảng cách đều nhau, họ đặt các nan lên một cái khung đã chuẩn bị trước. Sau đó, dùng keo dán phủ giấy lên các nan tre. Riêng cháu và các bạn quạt khác được phủ lớp vải lụa mỏng đầy màu sắc và được trang trí các tua viền mềm mại và lộng lẫy nữa. Bởi vì chúng cháu được dùng để múa nên được làm kĩ lưỡng hơn.
– À. Thì ra cháu khác các bạn quạt làm bằng giấy sao? Bác nghe nói quạt được con người dùng để làm mát mỗi khi nóng bức phải không cháu? Bác Camera vừa hỏi vừa gật gù cái đầu như đã hiểu ra được nhiều điều.
Chiếc quạt nan như được quan tâm đúng ý nên rất hào hứng:
– Dạ. Chúng cháu được tạo ra để làm mát con người trong những ngày hè nóng bức, Để giải tỏa cơn nóng, con người dùng tay khua khuẩy chúng cháu là tạo ra làn gió mát đó bác. Từ xa xưa, chúng cháu đã được tạo ra vì mục đích đó. Tổ tiên của chúng cháu đã gắn bó với con người biết bao đời nay, tình cảm cũng hết sức khăng khít. Chiếc quạt hào hứng kể về nơi mình đã được tạo ra.
– Nhưng giờ đây, việc tạo ra làn gió mát ru êm giấc ngủ con người hay trong phòng làm việc đã có anh quạt điện rồi ạ. Các anh quạt giấy được tạo ra chủ yếu vì thói quen cầm quạt của con người hay để tô điểm cho cuộc sống thêm sắc màu thôi ạ. Những chiếc quạt lụa như cháu chỉ dùng để múa thôi bác ơi, không ai dùng chúng cháu để làm mát cả đâu.
– Ồ. Nghĩa là các cháu không được con người yêu mến nữa sao?
– Dạ, bác. Chiếc quạt trả lời rồi ngậm ngùi khóc. Họ đã vứt cháu đi khi thấy cháu bị rách. Vừa khóc, chiếc quạt vừa xòe ra để lộ một vết rách dài. Họ đã không còn yêu mến chúng cháu nữa. Họ chỉ xem chúng cháu như một đồ vật tầm thường, không còn giá trị nữa thì vứt đi.
– Lúc bác ở trong nhà ngài giám đốc, bác có thấy ông ấy dùng những chiếc quạt như cháu để trang trí cho căn phòng khách. Các cháu quạt ở đó đã làm cho căn phòng thêm sang trọng và đẹp đẽ hơn.
– Các anh chị ấy thật may mắn đã có một nơi ở yên tĩnh, luôn được mọi người ngắm nhìn và trân trọng. Còn chúng cháu thì… Chiếc quạt lại khóc to hơn, tủi thân cho số phận hẩm hiu của mình.
– Thôi nào, cháu đừng khóc nữa. Bác Camera an ủi. Mỗi người một số phận mà cháu. Các cháu đã mang đến những điệu múa thật đẹp, được khán giả yêu mến. Không có các cháu, những điệu múa sẽ hết sức đơn điệu. Công sức của các cháu mãi mãi được ghi nhận mà. Biết bao nhiêu điệu múa quạt của nước ta đã được con người khắp thế giới thích thú và ngưỡng mộ vô cùng. Họ đã từng dò hỏi và muốn tiếp thu các cháu vào cuộc sống của họ đấy.
– Thật vậy hả bác? Chiếc quạt hồ hởi hỏi. Họ muốn tiếp nhận chúng cháu? Họ muốn có chúng cháu? Thật hay quá. Tuy giờ cháu bị lãng quên nhưng chắc những chiếc quạt khác sẽ được tìm kiếm và trân trọng. Cháu cảm ơn bác Camera.
Trong bóng tối, những giọng nói chìm xuống. Văng vẳng trong không gian chỉ còn nghe tiếng trùng kêu dế gáy, những con gián dưới cống cũng bò lên góp thêm tiếng kêu lẹt kẹt hòa âm vào bản nhạc đêm khó hiểu. Bác Camera xoay một vòng quan sát xung quanh.
Tất cả đang im lìm trong giấc ngủ say sưa sau một ngày làm việc vất vả. Một chiếc ghế tựa bị lệch một bên cũng không buồn sửa lại tư thế. Chiếc quạt nan cũng trầm tư trong suy nghĩ của nó. Ngày mai, các cô lao công sẽ đến dọn nó đi. Có thể nó sẽ kết thúc cuộc đời ở đây nhưng, nó rất tin tưởng, những chiếc quạt khác đẹp đẽ và lộng lẫy sẽ tiếp tục làm nên những điệu múa mê mẩn lòng người và cùng con người đi khắp thế giới như lời bác Camera nói.
Thuyết minh về chiếc nón lá Việt Nam