Nghi lễ Chầu văn của người Việt.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể thuộc lĩnh vực Tập quán xã hội và tín ngưỡng, ra đời và phát triển trước hết gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tứ phủ, được thực hành ở nhiều vùng, miền của đất nước, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ.
Nam Định là nơi Nghi lễ Chầu văn còn được bảo lưu và tiếp tục trình diễn khá phổ biến, với chủ thể là những cung văn, thanh đồng, thủ nhang (người trông coi di tích), người hầu dâng, con nhang, đệ tử… hiện phân bố trên khắp 10 huyện và thành phố thuộc tỉnh Nam Định.
Nghi lễ Chầu văn còn được gọi là Hát văn – hầu đồng, Hát văn – hầu Thánh, Bắc ghế hầu đồng, Ngự đồng, Loan giá ngự đồng…, là một nghi lễ quan trọng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt phát triển mạnh ở Nam Định từ thế kỷ XVII cùng với quá trình hình thành quần thể các di tích trọng điểm ở Nam Định như phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định)…, sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và ngày càng lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước.
Giai đoạn cuối triều Nguyễn (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) là thời kỳ thịnh vượng nhất của Nghi lễ Chầu văn của người Việt nói chung, ở Nam Định nói riêng, có sự tham gia của các quan lại địa phương và triều đình. Từ năm 1954 – 1990, vì nhiều lý do, Nghi lễ này không được công khai thực hành và bị mai một nhiều. Từ năm 2000 đến nay, cùng sự phát triển của kinh tế xã hội, với các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, Nghi lễ này được khôi phục, phát triển trở lại và nay còn được sân khấu hoá, trình diễn để phục vụ đời sống đương đại.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt là một hình thức biểu đạt văn hóa, tín ngưỡng phức hợp gồm nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn hay hát chầu văn, do thủ nhang, thanh đồng (ông/bà đồng), cung văn và một số người hầu dâng (người giúp việc thanh đồng) tiến hành trước các ban thờ ở các đền, điện, phủ, miếu, … gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tứ phủ.
Trong nghi lễ hầu đồng, trước mỗi vấn hầu, những người tham gia phải chuẩn bị lễ vật, trang phục, đạo cụ trong múa hầu đồng phù hợp với từng giá hầu, phản ánh tính cách của từng vị thánh được hầu.
Lễ vật trong mỗi vấn hầu trước kia thường đơn giản. Vật phẩm cơ bản gồm xôi, thịt, hoa quả, trầu, cau, rượu, thuốc, vàng mã,… Ngày nay, lễ vật ngày càng phong phú, gồm cả những sản phẩm hàng hóa công nghiệp, thực phẩm đương thời, đắt tiền, dùng trong cả lễ mặn và lễ chay.
Trang phục của người trình diễn trong nghi lễ hầu đồng rất phong phú, đa dạng, thể hiện tính cách và thị hiếu thẩm mỹ của từng cá nhân thực hành cũng như của tộc người và vùng miền mà các vị thánh đại diện, cai quản.
Mỗi vấn hầu được thực hành qua 4 bước: Mời thánh nhập hay Thánh giáng (ca ngợi công đức), phán truyền, ban lộc và đưa tiễn (Thánh thăng, cung văn hát điệu xa giá hồi cung, âm nhạc sôi động, náo nhiệt). Cũng có khi một vấn hầu chỉ gồm 3 bước: Phụ đồng (còn gọi là kiều bóng), bắt đầu hát câu vỉa ở thể lục bát, sau miêu tả diện mạo ông hoàng, bà chúa; bước 2 là Thánh nhập (hay dùng trà, thuốc, rượu) và bước cuối là Đồng thăng.
Mở đầu mỗi vấn hầu, thủ nhang/pháp sư thường đăng đàn cúng Phật, Thánh, sau đó người hầu đồng vào xin phép loan giá ngự đồng. Ông/bà đồng ngồi vào giữa bốn người hầu dâng và được người hầu dâng trùm lên đầu một vấn khăn màu đỏ, gọi là khăn phủ diện, và bắt đầu vấn hầu. Thường là mở đầu bằng giá Tam tòa thánh Mẫu. Tiếp theo đó, người có căn Đức Thánh Trần thì hầu giá Đức Thánh Trần. Trong nghi lễ hầu đồng, có tất cả 36 giá đồng, mỗi giá thờ một vị Thánh, nhưng một buổi hầu không phải bao giờ cũng hầu đủ 36 giá, mà thường là từ 8 đến 15 giá, tùy thuộc vào tâm nguyện của ông/bà đồng.
Tuỳ theo sự tích, công trạng, tính cách của từng vị thánh, thần mà ông/bà đồng thực hiện các điệu múa khác nhau, người ta gọi đó là múa đồng (múa thiêng) như: múa tay không, gồm: múa bắt quyết, múa ra ấn, múa tung nước thánh, múa ban lộc; múa có đạo cụ, gồm: múa mở hay khai quang (dâng nhang, dâng đèn), múa quạt, múa kiếm, múa long đao, múa kích, múa cung, múa hèo, múa lân…
Cung văn phục vụ trong mỗi cuộc hầu đồng thường gồm từ 03 đến 05 nhạc công, sử dụng đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, đồng thời là những người biết hát văn. Cung văn phải luôn nhạy bén, ứng tác kịp thời và phù hợp với các hành động của ông/bà đồng, góp phần tạo điều kiện cho sự thăng hoa của người hầu đồng. Hiện nay còn có nhiều nhạc cụ mới (nhị, kèn, sáo, đàn thập lục, trống cơm…) tham gia cung văn. Các nghệ nhân cao tuổi có kỹ năng hát và kỹ thuật vê đàn, rung trống, gõ thanh la điêu luyện, tạo âm thanh hòa quyện, rung động lòng người.
Hát chầu văn có nhiều hình thức khác nhau gồm: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu, hát thi. Nhịp điệu và tiết tấu có chậm, vừa và nhanh. Bên cạnh những làn điệu có tiết tấu rõ ràng, tính chất âm nhạc trong sáng, đậm nét dân ca đồng bằng Bắc Bộ trong các điệu bồng mạc, sa mạc, cò lả… và âm hưởng của Ca trù trong các điệu bỉ, phú nói, phú bình, phú chênh, phú tỳ bà,… cũng thể hiện rất rõ nét trong kết cấu giai điệu của âm nhạc trong hát chầu văn. Trên thực tế, hát văn hay hát chầu văn còn có thể tồn tại riêng biệt. Ở Nam Định, hát văn biểu hiện chủ yếu dưới hình thức hát hầu trong các giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu và hát cửa đền ở các di tích thờ Đức Thánh Trần, diễn ra trong cả năm, nhưng tập trung nhất vào tháng Ba và tháng Tám Âm lịch. Những năm gần đây, còn có hát thi trong lễ hội Phủ Dầy. Một số làn điệu cơ bản của hát văn gồm: Vỉa (thường ở giai đoạn bắt đầu, lời văn thể lục bát), Bỉ, Miễu, Thống, Phú, Kiều dương, Dọc, Cờn, Xá, Hãm, hay các điệu Lưu thuỷ, Dồn, Bỏ bộ…, với lời văn thường ở thể thơ lục bát và song thất lục bát.
Trong Nghi lễ Chầu văn của người Việt, các hình thức biểu đạt, động tác múa, âm nhạc và lời hát văn đều mang dấu ấn lịch sử, ghi lại sự tích và ca ngợi công đức của những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước. Về giá trị văn hóa, Nghi lễ Chầu văn của người Việt là tín ngưỡng bản địa, tích hợp các hình thức văn hoá dân gian khác nhau như: âm nhạc, ngôn ngữ, tri thức dân gian, ca hát, nhảy múa, nghề thủ công truyền thống, trang phục cùng với nghệ thuật trang trí, kiến trúc, ẩm thực… trong một thể thống nhất hữu cơ hoàn chỉnh, trong đó yếu tố “sân khấu” kết hợp chặt chẽ với yếu tố tâm linh, phản ánh tư duy, nhận thức về tự nhiên, xã hội của cộng đồng. Tín ngưỡng này vừa bảo tồn các giá trị truyền thống như “uống nước nhớ nguồn”, vừa được cộng đồng tái tạo, tích hợp các giá trị văn hoá mới, để thích ứng với điều kiện cuộc sống hiện đại, vì vậy nó có sức hấp dẫn cao đối với mọi người, nhất là những người theo tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ.
Nghi lễ Chầu văn của người Việt nói chung, ở Nam Định nói riêng đã trải qua những giai đoạn thăng trầm và đang phục hồi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Những cung văn, ông/bà đồng có kinh nghiệm, nắm giữ nhiều lời văn, làn điệu cổ vẫn đang truyền dạy, chỉ bảo tại chỗ theo phương thức truyền miệng từ đời này sang đời khác. Theo kết quả kiểm kê bước đầu (năm 2012), riêng tỉnh Nam Định có 12 hội, bản hội, 06 câu lạc bộ, trong đó có 245 cung văn, 246 ông/bà đồng, 162 nhạc công, 16 người hầu dâng thường xuyên thực hành, gìn giữ di sản này tại 287 di tích trên toàn tỉnh. Tuy vậy, những cung văn, ông/bà đồng có kinh nghiệm, nắm giữ nhiều lời văn, làn điệu cổ… phần lớn đã tuổi cao, sức yếu nhưng kinh nghiệm, vốn kiến thức của họ chưa được khai thác kịp thời, tình trạng thương mại hoá, lợi dụng tín ngưỡng để “buôn thần bán thánh”, hiện tượng “đồng đua“, mua sắm nhiều lễ vật đắt tiền, đốt vàng mã nhiều gây tốn kém và ô nhiễm môi trường còn tồn tại khiến nghi lễ này có nguy cơ bị biến dạng…
Nghi lễ Chầu văn của người Việt được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong giai đoạn tới và đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1), loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, tháng 12 năm 2012.
Xem thêm:
- Nhã nhạc cung đinh Huế.
- Tục thờ cúng các vua Hùng.