thuyet-minh-ve-di-tich-cot-co-nam-dinh

Thuyết minh về di tích cột cờ Nam Định

Thuyết minh về di tích cột cờ Nam Định.

  • Mở bài:

Nam Định là một trong những vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời bậc nhất của nước ta. Nơi đây còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của nền văn minh lúa nước với ẩm thực đặc trưng, các làng nghề, lễ hội, đình, chùa, thánh đường. Đặc biệt, nơi đây, vào đời nhà Nguyễn đã xây dựng một kỳ đài (cột cờ). Đây là một trong bốn cột cờ cổ xưa nhất ở nước ta.

  • Thân bài:

Cột cờ Nam Định được khởi dựng từ năm Gia Long 11 (1812) đến năm Quý Mão (1843) hoàn thành. Đây là công trình quan trọng của Thành cổ Nam Định, nằm ở phía nam nội thành, trước điện Kính Thiên (Chùa Vọng Cung). Trong 2 lần thực dân Pháp đánh chiếm Thành Nam vào các năm 1873, 1883, Cột cờ là nơi diễn ra những trận chiến đấu kiên cường của quân và dân Thành Nam; nhiều người con quê hương đã anh dũng hy sinh để bảo vệ vùng đất này. Năm 1945, Cột cờ Nam Định là nơi cắm lá cờ đỏ sao vàng, khẳng định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Nam Định.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Cột cờ Nam Định là trạm quan sát và trực chiến của dân quân tự vệ Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Vào 12 giờ 45 phút ngày 11-6-1972, trong đợt oanh kích, bắn phá thành phố, không quân Mỹ đã rải bom làm sập toàn bộ công trình kiến trúc Cột cờ. Đến năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng thành phố Nam Định (1954-1997), Cột cờ Nam Định đã được phục dựng lại tại vị trí cũ theo đúng nguyên trạng.

Cột cờ tọa lạc trong khuôn viên diện tích rộng 1.800m2 thuộc Bảo tàng tỉnh; trong đó diện tích xây dựng là 299m2. Cột cờ cao 23,84m, gồm ba phần chính là chân đế (phần bệ), thân cột (thân dài) và vọng canh (vọng lâu). Chân đế Cột cờ gồm hai bệ hình vuông. Bệ trên thu nhỏ lại so với bệ dưới. Xung quanh phía ngoài của hai mặt bệ đều xây lan can. Bệ dưới mỗi cạnh dài 16,33m; cao 2,40m. Từ bệ dưới lên bệ trên đều có bậc lên xuống. Bệ trên mỗi cạnh dài 11,42m; cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can và trổ bốn cửa.

Trên mặt bệ thứ hai, có cửa đi vào thân Cột cờ (thân đài). Trên cửa phía đông có hai chữ “Nghênh húc” (đón ánh ban mai); cửa phía nam có hai chữ “Hướng quang” (hướng theo đức sáng). Dưới bệ có Đền thờ Bà chúa Cột cờ – Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh – liệt nữ đầu tiên, hy sinh trong trận quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Nam Định ngày 11-12-1873 (phát hiện khảo cổ học năm 2002 – Viện khảo cổ học Việt Nam – Lê Bá Ngọc).

Cửa đi vào trong thân Cột cờ nằm ở phía nam; trên cửa gắn bia đá khắc chữ Hán “Kỳ Đài” và “Thiệu Trị tam niên phụng tạo”. Trước cửa đặt 2 khẩu súng thần công; phía đông đặt lư hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp để bảo vệ Cột cờ và Thành cổ Nam Định. Trong thân Cột cờ có cầu thang gồm 54 bậc xoáy ốc đi lên vọng lâu, trên thân là 32 ô cửa sổ thông gió hình hoa thị. Phần vọng lâu xây hình trụ tròn 4 cửa vòm quay 4 hướng: đông, tây, nam, bắc. Đứng trên đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy toàn cảnh trung tâm thành phố Nam Định.

Thân cột cờ cao 12,65m thu nhỏ dần về phía trên với hai phần: Phần dưới xây hình trụ bát giác, mỗi cạnh 2,20m, phần trên xây hình tròn đường kính đáy 3,25m. Trong thân cột cờ có cầu thang xoáy trôn ốc, gồm 54 bậc đi lên vọng canh, được chiếu sáng bằng 32 ô cửa sổ hình hoa thị của tám mặt thân cột cờ. Phần vọng canh xây hình trụ tròn có hàng lan can, 4 cửa vòm và 8 ô cửa sổ nhỏ. Từ mặt vọng canh có thang sắt nhỏ lên đỉnh Cột cờ.

Cột cờ xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm có kích thước 0,30m x 0,14m x 0,07m. Các góc vuông của hai tầng bệ xây bằng một loại gạch chuyên một đầu vát 450, còn các góc 1200 của thân cột trụ bát giác là một loại gạch riêng. Gạch lát nền kích thước 0,28m x 0,28m x 0,07m, màu nâu đen.

Cột cờ Nam Định gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Ngày 27/3/1883, tàu chiến của Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong Thành. Tại cột cờ, ở độ cao 11m, về phía Nam còn một vết đạn cắm sâu vào 4cm, đường kính 6cm. Thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, Đảng viên vẫn lấy Cột cờ làm nơi liên lạc và sinh hoạt để bàn kế chỉ đạo phong trào. Năm 1967, Nam Định bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Đỉnh Cột cờ là nơi tổ quan sát máy bay do đồng chí La Vĩnh Hào – tự vệ nhà máy Dệt chỉ huy làm nhiệm vụ viễn tiêu.

Ngày 11-6-1972, máy bay Mỹ lao vào đánh phá thành phố Dệt. Vào hồi 10 giờ 10 phút sáng, chúng đã bắn rocket và ném bom trúng vào khu vực Cột cờ làm sập toàn bộ công trình kiến trúc cổ kính này. Năm 1997, kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng thành phố Nam Định, Cột cờ đã được phục dựng lại nguyên dạng.

  • Kết bài:

Gần hai thế kỷ qua, cột cờ Cột cờ Nam Định đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, sự đổi thay của đất nước, quê hương. Đây là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức tự hào, quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc. Hàng năm, nơi đây đón hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan và thắp hương tưởng nhớ Bà chúa Cột cờ. Năm 1962, Cột cờ Nam Định đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.

Thuyết minh về di tích cột cờ Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang