»» Nội dung bài viết:
Thuyết minh về cây chuối ở làng quê Việt Nam.
- Mở bài:
Nhắc đến Việt Nam thật không thể không nhắc đến hình ảnh cây chuối gắn liền với những khu vườn cây trái thanh bình, mộc mạc của làng quê Việt Nam. Từ khắp mọi miền quê, dọc những ngã đường, bên bờ đê, bờ suối đâu đâu ta cũng thấy cây chuối với tàu lá mỏng manh nhưng xanh thắm, tràn trề sức sống. Từ lâu, cây chuối trở thành nguồn thực phẩm không thể thiếu trong đời sống con người.
- Thân bài:
Nguồn gốc xuất xứ của cây chuối ở làng quê Việt Nam:
Cây chuối thuộc họ chuối, là một loại cây ăn trái vốn đã được thuần hóa từ lâu đời. Toàn bộ cây chuối đều có thể xử dụng trong cuộc sống. Cây chuối có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, mọc phổ biến ở các khu rừng nhiệt đới. Đến nay, người ta ước tính có khoảng 300 giống chuối được trồng và sử dụng trên khắp thế giới.
Các giống cây chuối ở làng quê Việt Nam vốn có nguồn gốc từ các giống chuối hoang dại. Việt Nam là nước nhiệt đới và là một trong những xứ sở của chuối với nhiều giống chuối rất quý như: chuối tiêu, chuối bom, chuối ngự,… Với những đặc điểm trên chuối được xem là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu ở Việt Nam. Nhất là đối với giống chuối già và chuối cau.
Đầu thế kỉ XX. Người Pháp mang vào nước ta một vài giống chuối mới, với loại quả to, cho năng xuất cao hơn các loài chuối bản địa. Ngày nay, chuối được trồng ở ít nhất 107 quốc gia. Tại Việt nam, cây chuối là một trong những cây trồng chủ lực của nền nông nghiệp nước ta.
Phân loại các giống chuối trồng:
Có nhiều cách phân loại các loại chuối. Về cơ bản có loại chuối ăn quả, loại chuối lấy lá. Ở Việt Nam có một số loại chuối phổ biến như: chuối tiêu, chuối sứ, chuối ngự, chuối tây, chuối bom, chuối xiêm, chuối quạ,… Các giống chuối nhập ngoại: chuối Laba (Pháp), chuối Dacca (Trung Mỹ),…
Đặc điểm sinh thái của cây chuối:
Chuối là loại cây có thân ngầm. Phần thân chính nằm dưới đất gọi là củ chuối. Phần trên chỉ là một thân giả do các bẹ lá cấu tạo thành. Cây chuối cao trung bình khoảng 3 – 5 m. Có giống như chuối sáp cao tới 10 m.
Chuối có bản lá rộng, mọc đối xứng qua gân chính. Phiến lá dày 0,35-1mm, có các gân phụ song song nhau và thẳng góc với gân chính. Một cây chuối đang phát triển tốt thường có từ 10-15 lá. Trong đó có 4-5 lá trên ngọn là quang hợp mạnh nhất. Nhiều lá chuối có thể rộng 70cm và dài đến hơn 2-3 mét.
Nụ hoa trổ ở ngọn rồi tạo thành buồng. Trong buồng chứa rất nhiều hoa nhỏ. Nhiều hoa chuối có thể đếm lên tới 19 ngàn cái. Hoa sắp thành hai hàng theo kiểu xoắn cuốn tạo thành nải chuối. Nhiều vùng người ta gọi là quầy chuối, nhánh chuối.
Quả chuối ra thành nải treo thành từng tầng. Mỗi tầng (gọi là nải) có tới 20 quả. Các nải kết dính quanh một trục gọi là một buồng, nặng 30–50 kg. Mỗi quả riêng có vỏ dai chung quanh thịt mềm ăn được. Vỏ và thịt đều ăn được ở dạng tươi hay đã qua chế biến (nấu). Trong cùng một nải, trái ở hàng trên lớn hơn trái ở hàng dưới. Một vài loại chuối khi quả chín thường chuyển sang màu vàng.
Điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây chuối:
Chuối sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong phạm vi 25-35oC. Đặc biệt, chuối phát triển tốt nhất ở vùng đất nhiều mùn hoặc đất pha cát. Ở nền nhiệt độ cao, quả chuối nhỏ, phẩm chất kém, sinh trưởng chậm.
Chuối là cây ưa nước nhưng lại không chịu ngập úng. Hàm lượng nước trong các bộ phận cây chuối rất cao. Chuối thường phát triển mạnh về mùa mưa. Chuối có khả năng thích ứng trong phạm vi cường độ ánh sáng tương đối rộng. Những cây chuối có biểu hiện thiếu sáng thì lá vàng trắng. Khi trồng không nên để cây chuối quá nhiều cây con dễ gây cạnh tranh ánh sáng. Vườn trồng chuối phải quang đãng để có đủ ánh sáng quang hợp.
Đất thích hợp cho việc trồng chuối là đất phù sa nhiều mùn hoặc đất bazan tơi xốp. Ở các loại đất khác, cây chuối cũng phát triển nhưng cho năng xuất không cao, mau già cỗi. Chuối có khả năng chịu mặn khá, chịu được đất chứa Fe, Al khá cao.
Cách trồng, chăm sóc và bảo vệ cây chuối:
Người ta thường dùng loại chồi con để trồng. Chồi con được hình thành từ những mầm ngủ mọc trên thân ngầm của chuối, thường có 2 loại chồi con : chồi con đuôi chiên và chồi con lá rộng. Ngày nay, để tăng năng xuất và rút ngắn thời gian sinh trưởng của chuối, người ta dùng kĩ thuật phôi tế bào, tạo ra hàng loạt cây chuối con, trồng trên diện tích rộng.
Kích thước hố trồng phải đảm bảo 40 cm x 40 cm x 40 cm. Trước khi trồng phải bón lót để tạo độ mùn giúp cây con phát triển. Sau khi trồng cần phải chú ý tưới nước, bón phân làm cỏ và phòng trừ sâu hại cho cây chuối.
Cây chuối thường bị sâu rầy hại phá, bệnh cuốn lá, vàng lá, thối rễ cũng thường xuất hiện ở cây chuối. Để chăm sóc tốt, cây chuối cho năng xuất cao, chất lượng quả đạt yêu cầu cần chú ý bón cho cây một vài lại phân khoáng cần thiết như kem, photphat, kali,…
Cây chuối là loại cây ăn quả được trồng lâu đời ở Việt Nam, song lại ít được chú ý đến bón phân nhất, chính vì thế năng suất chuối thường không cao, hiệu quả thấp. Tuy nhiên nếu muốn phát triển nghề trồng chuối với quy mô công nghiệp và xuất khẩu thì việc bón phân cho chuối cần phải quan tâm.
Thu hoạch và bảo quản quả chuối:
Nếu thu hoạch để ăn, khi buồng chuối già ta cắt buồng treo lên đợi quả chín. Buồng chuối sau khi được cắt khỏi cây sẽ chín từ từ. Quả chuối ăn ngon nhất là khi cả quả đã chín đều, không quá nhũng, vị sẽ rất ngọt và thanh. Từ quả chuối, người ta có thể cắt lát phơi khô để ăn dần. Tuy không ngon bằng quả tươi nhưng thanh vị cũng hết sức ngon miệng. Ngày nay, người ta còn làm chuối sấy khô và được bày bán hết sức rộng rãi.
Nếu thu hoạch để bán thì tuỳ thuộc vào khoảng cách cần vận chuyển, chuối có thể thu hoạch ở những độ chín khác nhau. Để tiêu thụ ở chợ địa phương, chỉ cần thu trước khi chín vài ngày. Để vận chuyển xa phải thu hoạch sớm hơn. Tuy nhiên, để giữ được vị ngọt tự nhiên, cần thiết phải thu hoạch chuối ở giai đoạn quả chuối già và sắp chín. Thu hoạch chuối làm nguyên liệu chế biến thường sớm hơn so với để ăn tươi.
Để làm chuối nhanh chín người ta tiến hành ủ chuối trong lá cây, thùng kín. Để làm chuối lâu chín thuận tiện vận chuyển đa xa người ta thường bảo quản chuối trong kho lạnh.
Lợi ích của cây chuối trong đời sống:
Giá trị kinh tế của cây chuối:
Trên thế giới, chuối là loại cây nhiệt đới được trồng phổ biến ở nhiều quốc gia và vùng miền, đồng thời cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong thương mại rau quả toàn cầu. Xuất khẩu chuối đứng đầu về khối lượng và đứng thứ hai về kim ngạch, sau cam trong cơ cấu xuất khẩu trái cây của thế giới. Cùng với gạo, lúa mỳ, ngũ cốc, chuối cũng là một trong số những mặt hàng chủ lực của nhiều nước đang phát triển.
Giá trị về dinh dưỡng của cây chuối:
Giá trị dinh dưỡng trong chuối khá cao. Cung cấp hàm lượng đường, năng lượng cho cơ thể hoạt động. Hàm lượng vitamin rất phong phú như vitamin A, B1, B2, C. Chuối lại rất dễ tiêu hóa, sau khi ăn vào chuối 1 giờ 45 phút đã được hấp thu hết, trong khi đó cam quýt phải 2 giờ 45 phút, vì thế chuối rất thích hợp cho những người yếu mệt.
Giá trị dược liệu của cây chuối:
Theo Đông y, chuối có vị ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận phế, chỉ khát, lợi tràng vị. Củ chuối vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Theo phân tích khoa học, chuối chín bao gồm nhiều chất bột, chất đạm, chất xơ, sinh tố và khoáng chất. Đặc biệt chuối có hàm lượng kali rất cao và chứa đủ cả 10 loại amino acid thiết yếu của cơ thể.
Y học dân gian dùng chuối hột để trị sạn thận và sạn mật, làm hạ huyết áp cao, làm thư giãn cơ bắp. Chuối là nguồn bổ sung năng lượng hoàn hảo cho hoạt động thể lực. Chuối xanh chữa bệnh loét dạ dày, bệnh nóng dạ dày, tá tràng, bảo vệ thành dạ dày khỏi bị loét và giúp hàn gắn nhanh chóng chỗ loét đã hình thành trước đó. Chuối chín chữa táo bón và ngăn ngừa ung thư ruột già, tăng khả năng miễn dịch; phòng trúng gió, giúp điều trị các bệnh về tâm lý, ngăn ngừa bệnh thiếu máu và điều trị các bệnh về da.
Toàn bộ cây chuối đều có ích, dùng trong chăn nuôi, trong công nghiệp nhuộm v.v… Quả chuối là nguyên liệu quan trọng để chế biến bánh, kẹo, tinh dầu, nước chuối, rượu chuối…
Ngoài quả chuối, người ta còn thu hoa chuối làm thực phẩm. Từ hoa chuối có thể làm được nhiều món ngon như hoa chuối luộc chấm khô quẹt, hoa chuối xào tỏi, hoa chuối nấu canh chua gà, lá giang, hoa chuối làm gỏi tôm khô,… Hoa chuối là một loại thực phẩm có chức năng kích thích tiết sữa ở phụ nữ. Bởi thế, để tăng lượng sữa tiết ra, các bà mẹ đang cho con bú thường ăn nhiều hoa chuối.
Lá chuối làm nguyên liệu gói, thân chuối làm thức ăn cho gia súc hoặc phân bón rất tốt. Tóm tại, chuối là một nguồn dinh dưỡng quý giá và dễ tìm, dễ ăn, nên được bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Giá trị cây chuối trong đời sống văn hóa và tinh thần người Việt:
Cây chuối ở làng quê đi vào thơ ca, hội họa với tất cả vẻ đẹp của nó tạo nên nét đẹp vùng quê bình dị Việt Nam từ bao đời nay. Cây chuối là biểu tượng của sự mỏng manh, dễ bị tổn thương, đỗ vỡ trước nghịch cảnh nhưng lại có sức mạnh hồi sinh kì diệu. Cứ mỗi cây chuối già đổ xuống thì đã thấy năm bảy cây chuối con vươn lên, tàu lá mướt xanh vẫy mừng trong nắng gió.
Hình ảnh buồng chuối trĩu năng là biểu tượng của người mẹ thiên nhiên bao dung, cần mẫn và yêu thương đàn con đông đúc. Tất cả quả chuối đều nhận được một phần như nhau, không thiên vị quả nào.
Nguyễn Trãi với bài thơ Cây chuối đã miêu tả tàu lá chuối non kia màu xanh ngọc thạch, còn cuộn lại như lụa cuốn, như bức thư quý báu trang nhã viết trên lụa bạch, đó là một bức thư tình e ấp, vẫy mời trang phong lưu là gió, hãy mở thư xem đến nay vẫn còn làm ta bồi hồi:
“Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem”.
(Cây chuối – Nguyễn Trãi)
Trên bàn thờ tổ tiên vào những ngày lễ giỗ, lúc nào cũng có một nải chuối xanh căng mộng. Nhân dân ta chọn quả chuối dâng lên tổ tiên, thần phật nhằm cầu mong phúc lành, sự sum vầy, trù phú và thịnh vượng trong cuộc sống của mình.
- Kết bài:
Cây chuối ở làng quê vốn gần gũi trong đời sống của người nông dân Việt Nam. Hình ảnh cây chuối đi vào thơ ca, nhạc, họa tạo nên nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của làng quê yên bình, mộc mạc. Quả chuối còn trở thành phẩm vật thờ cúng thần linh hoặc tổ tiên trong những ngày lễ kỵ.
Qua hay luon