Thuyết minh về thành phố Đà Nẵng
- Mở bài:
Thành phố Đà Nẵng từ lâu đã là một địa danh nổi tiếng trong nước và thế giới. Không những là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của khu vực miền trung, Đà nẵng còn sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh, khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng hàng đầu cả nước. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi đây một nền khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm khiến cho nơi đây trở thành thiên đường nghỉ dưỡng mà ai cũng mơ ước được tới một lần.
- Thân bài:
Thành phố Đà Nẵng nằm ở trung độ của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 766 km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 961 km về phía Nam và cách Thành phố Huế 101 km về hướng Tây Bắc. Đà Nẵng còn là trung điểm của các di sản thế giới: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Thành phố Đà Nẵng nằm trên trục giao thông Bắc – Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, đông bắc Campuchia, Thái Lan và Myanma. Chính vị trí là trung điểm và là vùng chuyển tiếp quan trọng, Đà Nẵng mau chóng trở thành trung tâm kinh tế văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của khu vực miền Trung – Tây Nguyên nước ta.
Lịch sử phát triển của thành phố Đà Nẵng đã có từ lâu đời. Thế nhưng, cái tên Đà Nẵng chính thức trở thành tên của một địa danh hành chính là kể từ năm 1945, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị đặt tên cho vùng đất này là Đà Nẵng.
Đà Nẵng đã có từ dưới thời Chămpa. Người Việt đã mượn từ tiếng Chăm Pa mà Việt hóa tài tình, giữ cả âm lẫn nghĩa thành các địa danh dễ gọi. Từ Đà Nẵng có nghĩa là Sông Già, Sông Lớn. Người Hoa Nam phát âm Đà Nẵng là Tu-rang, người Bồ Đào Nha khi đến Quảng Nam trong thế kỷ XVI, XVII đã ký âm thành Turan, Turam, Turao, Turơn, Turone, v.v… Dù kí âm như thế nào thì tên gọi Đà Nẵng vẫn có nghĩa là của sông lớn chảy ra biển, thể hiện vị trí thuận lợi và điều kiện phát triển sầm uất, trù phú của mảnh đất này.
Giữa thế kỷ XVI, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng chỉ mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền. Đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng. Sau năm 1835, với chỉ dụ của vua Minh Mạng, Cửa Hàn (tên gọi Đà Nẵng khi đó) trở thành thương cảng lớn nhất Miền Trung. Sau khi hoàn thành xâm lược Việt Nam vào năm 1889, người Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane đánh dấu sự ra đời thành phố.
Trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, khi đất nước giải phóng, Đà Nẵng chính thức tách ra khỏi Quảng Nam và trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương. Sau khi được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1, Đà Nẵng đã cải thiện cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, định hướng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của duyên hải miền Trung và Việt Nam.
Thành phố Đà nẵng mang trong mình một nội lực mạnh mẽ. Về kinh tế, đây là một thành phố có sức tăng trưởng nhanh, đóng góp quan trọng vào cán cân kinh tế đất nước. Trong giai đoạn 2012-2017, tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội GRDP của Đà Nẵng luôn ở mức 8- 9%, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Năm 2017, GRDP của Đà Nẵng đạt 58.546 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2016. Đóng góp chính vào mức tăng trưởng cao và ổn định của kinh tế thành phố chủ yếu từ hai nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp – xây dựng. Cùng với mức độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2005, thu nhập bình quân của người dân Đà Nẵng chỉ đạt 850 USD thì đến cuối năm 2016, con số này đã đạt 2.980 USD và kỳ vọng tăng trên 3.000 USD trong năm 2017. Đến năm 2019, thu nhập bình quân của người dân Đà Nẵng là hơn 4000 USD.
Đà Nẵng là một thành phố có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Đà nẵng sở hữu những địa điểm du lịch lý tưởng như Bà Nà Hill, Ngũ Hành Sơn, biển Mĩ Khê, bán đảo Sơn Trà cùng hàng trăm địa điểm khác. Sự hòa hợp giữa núi non và biển cả khiến cảnh quan nơi đây vô cùng hùng vĩ, đánh thức cảm hứng phiêu lưu và tận hưởng của con người. Cơ sở vật chất phục vụ cho lưu trú, đi lại, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng từ bình dân đến hạng sang trọng đều có. Trật tự an ninh thành phố hết sức đảm bảo. Tất cả khiến Đà Nẵng trở thành địa điểm đến lý tưởng của khắp nơi trên thế giới.
Quần thể di tích Ngũ Hành Sơn (Hòn Non Nước) là danh thắng nổi tiếng nhất thành phố Đà Nẵng, được công nhận là di tích, thắng cảnh thế giới. Ngũ Hành Sơn cách thành phố Đà Nẵng khoảng 8km về phía đông nam. Đây là một cụm ngọn núi đá hoa cương nằm kề với biển. Vì núi ở sát biển nên nhân dân thường gọi là hòn Non Nước (nghĩa là núi và nước). Vào đầu thế kỉ XIX, vua Gia Long đi qua đặt tên cho cụm núi này là Ngũ Hành Sơn và đặt tên cho từng ngọn núi là Kim Sơn, Mộc sơn, Thủy sơn, Hoả sơn và Thổ sơn, trong đó đẹp nhất và lớn nhất là Thủy sơn.
Bà Nà – Núi Chúa là một khu nghỉ mát cách trung tâm thành phố 40 km về phía tây nam. Được ví như Đà Lạt của miền Trung, và cũng như Đà Lạt, Bà Nà – Núi Chúa được xây dựng thành nơi nghỉ ngơi cho các quan chức người Pháp trong thời kì Pháp còn đô hộ Việt Nam. Gần đây, thành phố Đà Nẵng cho tái tạo nơi này và hi vọng trong tương lai Bà Nà – Núi Chúa sẽ lại trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Năm 2009, thành phố đưa vào hoạt động hệ thống cáp treo hiện đại lên đỉnh Bà Nà với hai kỉ lục thế giới: tuyến cáp treo một dây dài nhất và có cao độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất.
Bán đảo Sơn Trà còn được người Mỹ gọi là Núi Khỉ (Monkey Mountain), là nơi mà Đà Nẵng vươn ra Biển Đông xa nhất. Nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm. Dưới chân bán đảo Sơn Trà là khu du lịch Suối Đá và nhiều bãi biển đẹp như: Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Bắc, Bãi Nồm,…
Phố cổ Hội An là thị xã Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia,… đã biết đến từ thế kỉ XVI, XVII. Hội An là một bảo tàng sống, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Văn hóa, lễ hội của người dân thành phố kế thừa và gìn giữ khá nguyên vẹn truyền thống lâu đời của vùng đất. Lễ hội đã hiện diện trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân loại từ bao đời nay, lễ hội đã ăn sâu trong tâm thức người dân Việt Nam nói chung, người dân Đà Nẵng nói riêng. Lễ hội ở Đà Nẵng có thể được phân chia theo các dạng thức sau: lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo – tín ngưỡng và lễ hội đương đại. Các nghi lễ truyền thông mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp.
- Kết bài:
Đà Nẵng đã được mệnh danh là thành phố đáng sống bởi Đà Nẵng nó thỏa mãn được những tiêu chí mà quốc tế đã công nhận về điều kiện cảnh quan, môi trường, về cơ sở hạ tầng, kinh tế chính trị, văn hóa du lịch…Nếu ai đã từng đến Đà Nẵng cách đây khoảng mười lăm năm về trước và có dịp quay trở lại Đà Nẵng những năm gần đây thì mới cảm nhận được sự thay da đổi thịt toàn diện của thành phố này. Bởi nhìn bề dày lịch sử phát triển của một thành phố, chúng ta phải nhìn thấy Đà Nẵng của hôm nay với Đà Nẵng của hôm qua để cảm nhận được sự phát triển toàn diện mà người dân Đà Nẵng cảm thấy xứng đáng để tự hào.