Qua một tác phẩm văn học mà em đã đọc, đã học, hãy trình bày tác động của tác phầm ấy đối với em

qua-mot-tac-pham-van-hoc-ma-em-da-doc-hay-trinh-bay-tac-dong-cua-tac-pham-ay-doi-voi-em

Qua một tác phẩm văn học mà em đã đọc, đã học, hãy trình bày tác động của tác phầm ấy đối với em

  • Mở bài:

Mỗi tác phẩm văn học mà chúng ta đã đọc hoặc đã học ít nhiều đều để lại trong tâm hồn những rung cảm. Những rung cảm quý giá ấy có được là bởi tác phẩm bằng tiếng nói riêng của mình đã làm lay động những cảm xúc vốn từ lâu lặng yên trong tâm hồn mỗi chúng ta. hay nói như Nguyễn Đình Thi: “Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho người đọc sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”. Tôi đã có được những rung cảm chân thành khi đọc nhiều lần truyện ngắn Cô bé bán diêm. Nó làm tôi bồi hồi, cảm thương, ray rứt về những kiếp người mong manh, những mảnh đời bé nhỏ, những số phận đáng thương trong cuộc đời này.

  • Thân bài:

Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng được soi sáng bởi một tư tưởng tiến bộ hướng người đọc người nghe vào một lẽ sống, cách nghĩ đứng đắn nhân đạo. Tác phẩm văn học là cả sự sống con người, là mọi trạng thái cảm xúc, tình cảm phong phú của con người trong đời sống cụ thể, sinh động. Phủ lên một bóng mờ cổ tích, truyện ngắn Cô bé bán diêm làm lộ rõ bản chất chân thực của xã hội đương thời. Đó là một xã hội tàn bạo, lạnh lẽo, thiếu hơi ấm tình người.

Câu chuyện lấy bối cảnh vào một đêm giao thừa rét buốt ở xứ ở Bắc Âu lạnh giá. Giao thừa là thời khắc của sự sum vầy đoàn tụ, thời khắc của những bữa tiệc no đủ và sung túc, thời khắc tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới cùng với niềm hạnh phúc bên cạnh những người mà mình yêu thương. Thế nhưng cô bé bán diêm vẫn đầu trần, chân đất, bụng đói đang dò dẫm trong bóng tối, đối mặt với những trận gió bấc thổi vi vút, với cái lạnh thấu xương của tuyết phủ kín mặt đất và điều đáng thương hơn đó là cả ngày em chưa bán được bao diêm nào. Cô bé bán diêm, một cô bé không có tên, không có tuổi nhưng cô có tất cả những nỗi bất hạnh mà con người trên đời không nên có: cuộc đời bất hạnh đau thương, nỗi cô đơn cùng cực, nỗi sợ hãi tận cùng,…

Số phận của em khiến tôi nghĩa đến biết bao em bé đang mưu sinh, lẩn khuất trong khói bụi Sài Gòn. Tôi vẫn thường thấy vào mỗi buổi sớm, thỉnh thoảng có một vài phụ nữ, một tay ôm đứa bé đang say ngủ, một tay cầm xấp vé số rao bán. Giấc ngủ thần tiên của em bé không biết là thật hay là bị ép ngủ, thế nhưng, lòng tôi vẫn dâng lên cảm xúc. Giá mà có một cái giường thật êm ấm trong một không gian thật êm ấm để đứa bé có thể ngủ một giấc ngôn lành.

Qua cuộc đời đáng thương của cô bé, nhà văn Andecxen muốn nói với chúng ta rằng chưa bao giờ trên mặt đất này, tiếng kêu đau khổ của kiếp người, tiếng khốc của những thân phận khổ đau, tiếng thét của kiếp đời bị dày vò thôi vọng lại. Sức mạnh của đồng tiền có thể khiến con người trở nên tàn nhẫn và điên cuồng. Một đứa trẻ thơ dại, ốm yếu đáng thương lại sớm bị cuốn vào vòng xo áy của cuộc mưu sinh tàn khốc. Người cha bị con nghiện ngập đã quên mất tình người, quên mất cảm xúc yêu thương. Không những gã không che chở cho đứa con gái tội nghiệp, đáng thương mà còn nhẫn tâm biến nó thành công cụ kiếm tiền để gã thỏa khát con nghiện.

Cả xã hội làm ngơ, vô cảm trước cuộc đời vốn từng ngày xuất hiện trước mắt họ. Ngọn đèn sáng bên trong những căn nhà ấy thật ấm áp nhưng trong lòng con người là những tảng băng vĩnh cửu. Sự giá lạnh đáng sợ mà cô bé đang phải chịu không phải là sự giá lạnh của đất trời mà đó là sự giá lạnh trong tâm hồn của con người. Sự tồn tại của em trong đêm giao thừa như một nốt nhạc trầm trong bản nhạc sôi động của ánh sáng, của niềm vui và hạnh phúc trong các gia đình vào khoảnh khắc chuyển giao của thời gian trọng đại.

Rất nhẹ nhàng, câu chuyện cuộc đời và số phận của cô bé bán diêm tội nghiệp, đáng thương đi vào lòng tôi như một bản tình ca dịu nhẹ êm êm, như một vì sao tỏa sáng mênh mang, như một làn sóng cứ lan tỏa bất tận. Nó khiến tôi căm giận những con người bất nhân, những kẻ không có trái tim đã thờ ơ, lạnh nhạt, vô cảm trước nối khổ đau của người khác; căm giận những kẻ làm cha làm mẹ nhưng thiếu trách nhiệm và tàn bạo với con của mình; căm giận tạo hóa gieo nghịch cảnh vào cuộc đời của những người tốt, đẩy họ vào cùng cực bi thương mà đáng ra với phẩm chất tốt đẹp như thế ấy, họ xứng đáng có được một cuộc đời hạnh phúc.

  • Kết bài:

Nghệ thuật rõ ràng là tiếng nói của tình cảm. Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi. Có lẽ đó là ánh sáng của lương tri, của tâm hồn thánh thiện. Ánh sáng ấy bấy giờ biến thành của tôi, và chiếu toả lên mọi việc tôi đang làm, mọi con người ta gặp, làm cho thay đổi hẳn mắt tôi nhìn, óc tôi suy nghĩ. Andecxen đã đem tới cho cả thời đại chúng ta một cách sống tâm hồn. Cô bé bán diêm đã bay lên cùng với bà nhưng với tôi em vẫn sống mãi ở một thế giới nào đó vô cùng tươi đẹp, an bình và hạnh phúc.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.