tiet-kiem-la-gi-ren-luyen-tinh-tiet-kiem

Tiết kiệm là gì? Rèn luyện tính tiết kiệm như thế nào?

Tiết kiệm là gì? Rèn luyện tính tiết kiệm như thế nào?

I. Khái niệm:

Tiết kiệm là biết sử dụng một cách hợp lí, đúng mức của cải vật chất, thời gian, sức lực của mình và của người khác.

– Sống tiết kiệm là cách sống không quá phụ thuộc vào của cải, vật chất, chi dùng đúng nhu cầu của bản thân, biết quản lý và sử dụng tài nguyên, tiền bạc, thời gian, và công sức một cách hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí.

II. Vai trò, ý nghĩa của việc tiết kiệm:

– Sống tiết kiệm giúp chúng ta tích lũy được tiền bạc, không phung phí của cải, vật chất, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.

+ Lí lẽ: Khi biết tiết kiệm, chúng ta có thể tích lũy dần tiền bạc, chuẩn bị cho những nhu cầu lớn trong tương lai. Điều này giúp chúng ta luôn chủ động trong cuộc sống, sẵn sàng ứng phó với những sự cố bất ngờ xảy ra.

+ Bằng chứng: Nhiều người thành công trong kinh doanh bắt đầu từ việc tích lũy số vốn nhỏ thông qua tiết kiệm hàng ngày. Những gia đình có thói quen tiết kiệm thường ít rơi vào cảnh nợ nần, cuộc sống ổn định hơn và luôn chủ động khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

– Sống tiết kiệm góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường, thể hiện lối sống văn minh, tiến bộ.

+ Lí lẽ: Con người khai thác tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình. Dưới tác động của con người, đến một lúc nào đó, các tài nguyên thiên nhiên sẽ không còn nữa. Bởi thế, sống tiết kiệm chính là góp phần bảo vệ thiên nhiên và tài nguyên ấy. Sống tiết kiệm, tôn trọng thiên nhiên, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường là lối sống văn minh, tiến bộ.

+ Bằng chứng: Sử dụng tiết kiệm điện giúp bảo vệ các tài nguyên khoáng sản. Sử dụng tiết kiệm nước giúp bảo vệ các nguồn nước ngọt vốn ít ỏi và ngày càng suy kiệt. Sử dụng tiết kiệm giấy để bảo vệ những khu rừng,….

– Lối sống tiết kiệm thể hiện sự quý trọng thành quả lao động của bản thân và của người khác.

+ Lí lẽ: Của cải, vật chất là kết quả của sức lao động. Để tạo ra của cải, con người đã phải bỏ ra rất nhiều sức lực để làm nên. Những thành quả chúng ta có được là kết quả của quá trình làm việc vất vả, nỗ lực và cố gắng. Bởi thế, sống tiết kiệm là cách để thể hiện sự trân trọng những thành quả lao động ấy. Tiết kiệm giúp chúng ta trân trọng những gì mình đã đạt được, không để chúng trở nên lãng phí. Lối sống tiết kiệm không chỉ phản ánh ý thức kỷ luật mà còn là biểu hiện của sự quý trọng, biết ơn đối với lao động của chính mình và người khác, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và ý thức cao.

+ Bằng chứng: Tiết kiệm hạt gạo là biết quý trọng sức lao động của người nông dân. Không lãng phí tôm cá là biết trân trọng những người ngư dân đã bất chấp hiểm nguy trên đại dương để mang về cho chúng ta những phẩm vật quý giá. Sự lãng phí của cải, vật chất không chỉ là hành vi vô tâm với công sức của bản thân mà còn là sự thiếu tôn trọng với công sức của những người đã tạo ra chúng.

– Sống tiết kiệm hiện lối sống và phẩm chất cao quý ở con người.

+ Lí lẽ:

  • Tiết kiệm phản ánh lối sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, giúp con người biết cách cân nhắc và sử dụng nguồn lực một cách hợp lý.
  • Những người sống tiết kiệm thường có sự kiên trì và nhẫn nại, biết cách chờ đợi để đạt được mục tiêu lớn hơn. Đồng thời, họ trân trọng những giá trị mà bản thân và người khác tạo ra.
  • Tiết kiệm giúp con người tránh xa lối sống phô trương, hào nhoáng, từ đó thể hiện phẩm chất khiêm tốn và giản dị trong cuộc sống.
  • Người tiết kiệm không chỉ biết giữ gìn cho bản thân mà còn có khả năng giúp đỡ người khác, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn trong xã hội.

+ Bằng chứng:

  • Những người tiết kiệm thường có ý thức lập kế hoạch chi tiêu, tránh xa lối sống hoang phí và tạo nền tảng cho một cuộc sống ổn định. Trong gia đình, việc tiết kiệm tiền bạc, thực phẩm không chỉ giúp giảm chi phí mà còn nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm với các thành viên khác.
  • Người lao động tiết kiệm thời gian và công sức để nâng cao năng suất công việc, đạt được kết quả tốt hơn.
  • Những nhà lãnh đạo giản dị, biết tiết kiệm như Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập.

Sống tiết kiệm không chỉ phản ánh lối sống văn minh, tiến bộ mà còn thể hiện những phẩm chất cao quý như trách nhiệm, kiên trì, giản dị và nhân ái. Đây là giá trị sống cần được lan tỏa và phát huy để xây dựng một xã hội phát triển bền vững.

III. Học sinh cần phải thực hành tính tiết kiệm thông qua:

– Tránh xa lối sống đua đòi, xa hoa và lãng phí.

– Sắp xếp việc làm khoa học tránh lãng phí thời gian.

– Bảo quản, tận dụng các đồ dùng học tập, lao động.

– Sử dụng điện, nước hợp lí.

– Tiết kiệm tiền bạc, của cải, thời gian.

»»» Xem thêm: Học sinh cần thực hành tính tiết kiệm như thế nào?

IV. Danh ngôn:

  1. Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn. – Chủ tịch Hồ Chí Minh
  2. Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Một lỗ rò bé có thể làm đắm cả con tàu. – Benjamin Franklin
  3. Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần – Kiệm – Liêm – Chính thì dễ trở thành hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. – Chủ tịch Hồ Chí Minh
  4. Một xu tiết kiệm là một xu kiếm được. – Benjamin Franklin
  5. Cần mà không Kiệm, ‘thì làm chừng nào xào chừng ấy’. Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. – Chủ tịch Hồ Chí Minh
  6. Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng tiết kiệm. – Chủ tịch Hồ Chí Minh
  7. Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt. – Chủ tịch Hồ Chí Minh
  8. Bạn phải sẵn sàng vất vả và chi tiêu tằn tiện để đưa được ý tưởng cất cánh. – Garrett Camp
  9. Kiếm nhiều hết sức có thể. Tiết kiệm nhiều hết sức có thể. Đầu tư nhiều hết sức có thể. Cho đi nhiều hết sức có thể. – John Wesley
  10. Kẻ nào không biết giữ của cải nhỏ thì sẽ mất cái lớn. – Khuyết danh
  11. Ngân sách quốc gia phải được cân bằng. Nợ công phải giảm; sự kiêu ngạo của chính quyền phải được tiết chế và kiểm soát. Các khoản phải trả cho chính phủ các quốc gia khác phải được giảm xuống. Nếu quốc gia không muốn vỡ nợ, người dân phải học cách làm việc, thay vì sống dựa vào trợ cấp xã hội. – Marcus Tullius Cicero
  12. Người ngừng tiếp thị để tiết kiệm tiền cũng giống như người ngừng đồng hồ để tiết kiệm thời gian. – Henry Ford
  13. Đừng tiết kiệm thứ gì còn lại sau khi chi tiêu, mà hãy chi tiêu thứ gì còn lại sau khi tiết kiệm. – Warren Buffett
  14. Hy vọng, qua bài viết “Những câu nói hay về tiết kiệm” bạn đã hiểu hơn về chủ đề tiết kiệm. Chúc bạn thành công.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang