Tiêu đề là gì?
Tiêu đề trong văn bản.
Tiêu đề là nhan đề nhỏ, là tên của một chương mục trong chỉnh thể tác phẩm, hoặc tên một phần của văn bản. Những văn bản dài, các tiểu thuyết hoặc phóng sự, v.v… thường có các tiêu đề, để tách các phần, các chương, hoặc các ý lớn, làm cho bố cục của tác phẩm trở nên rành mạch và người đọc dễ tiếp nhận. Dưới mỗi tiêu đề là một vài đoạn văn, tạo thành một bộ phận của tác phẩm, có ý nghĩa tương đối độc lập.
Như vậy, tiêu đề trong văn bản được hiểu theo hai nghĩa :
a) Tên gọi chính thức một văn bản như tên quyển sách, bài báo, bài thơ…
b) Tên gọi chính thức một chương, một mục nào đó trong văn bản.
Sẽ không phải là tiêu đề văn bản những tên gọi tắt của văn bản hoặc của một bộ phận văn bản như gọi theo kí hiệu thư viện: quyển sách văn bản 202; gọi theo thứ tự: quyển I, quyển II… Nghị quyết 8, Chương III v.v…
Tiêu đề văn bản bao gồm :
– Tiêu đề duy nhất, tức ứng với một văn bản chỉ có một tiêu đề, tiêu đề này được thể hiện bằng câu chữ hoặc tiêu đề zéro.
– Tiêu đề của toàn văn bản (sẽ gọi là tiêu đề chung), phân biệt với tiêu đề của một bộ phận văn bản được đặt tên (sẽ gọi là tiêu đề bộ phận).
– Ngoài ra, ở vị trí và chức năng của tiêu đề chung có thể có tiêu đề chính, tiêu đề phụ.
Tiêu đề phi văn bản.
Đối tượng mà nó định danh không phải là văn bản hoặc một bộ phận trong văn bản. Ví dụ: tên cơ quan, tên hãng, nhãn hiệu hàng hóa… là tiêu đề văn bản.
Có thể phân tích chi tiết hơn để thây rõ bản chất của loại tiêu đề không phải tên gọi của văn bản này. Ít nhất, nó gồm có mấy tiểu loại sau:
Tiêu đề thông báo về sự hiện diện của các tổ chức xã hội.
Đó là tên các cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu phố, đường phố… Hình thức của chúng là những hàng chữ được ghi thành bảng hiệu, biển hiệu, đôi khi có kèm theo hình ảnh cách điệu, tượng trưng…
Nhưng cần phân biệt vật danh và tiêu đề loại này. Không phải hễ là tên của một tổ chức xã hội nào cũng là tiêu đề. Mà chỉ khi nào nó được viết thành bảng hiệu, biển hiệu hoặc được ghi trên góc trái trong các văn bản hành chính thì mới là tiêu đề.
Tiêu đề của một sản phẩm hàng hóa.
Chúng thường được gọi là nhãn hiệu. Trong cấu tạo, chúng thường hay xuất hiện các dạng thức viết tắt, kèm theo hình ảnh tượng trưng hoặc minh họa. Ví dụ: Nước ngọt Tribeco, Nước mắm Phú Quốc, Nước hoa Rừng hương… Tiêu đề loại này thực chất là những danh từ riêng, định danh chủ yếu để phân biệt. Chúng không nhất thiết phản ánh nội dung hàng hóa. Thực chất chúng chỉ là những cái tên ước lệ. Đôi khi cũng có thể nói về một địa điểm hoặc một tên người, như: Nước mắm Phú Quốc, Bánh bao Cả Cần … thì chính những địa danh và nhân danh ấy cũng là một kiểu ước lệ để gọi tên hàng hóa.
Cùng loại này có thể kể cả đến tiêu đề của hãng buôn, hiệu buôn, tiệm dịch vụ và những tấm pano quảng cáo.
Tiêu đề của một sản phẩm văn hóa hoặc tên một tác phẩm nghệ thuật.
Đó là những tên cuốn phim, tên bản nhạc, tên vở kịch (kịch trên sân khấu chứ không phải văn bản kịch)… Ngoài chất liệu chuyên biệt như màu sắc, ánh sáng, âm thanh, cử chỉ… phim, nhạc, kịch có kèm theo lời. Nhưng đôi khi hoàn toàn không có lời trong trường hợp phim câm, nhạc không lời, kịch câm.
Nếu có kèm theo lời thì tiêu đề liên quan một phần đến nội dung của lời, nhưng nhìn toàn cục, nó không phải là tiêu đề văn bản. Nói cách khác, đối tượng mà tiêu đề định danh, trong một số trường hợp, bên cạnh một số chất liệu khác, yếu tố lời được sử dụng, nhưng lời với tư cách là một trong những chất liệu hợp thành. Mặc dù về nội dung giữa tiêu đề và lời có thể có ít nhiều quan hệ với nhau, nhưng rô ràng đó không phải là tên gọi của văn bản hoặc thuộc về văn bản.
Tên tranh, tên ảnh, tên tượng… trong chất liệu của những sản phẩm mà tiêu đề gọi tên không hiện diện yếu tố lời. Vì vậy, tiêu đề của tranh, ảnh, tượng hoàn toàn không phải là tiêu đề văn bản.
Như vậy, tiêu đề văn bản chỉ là một trong những loại tiêu đề. Nó chỉ là một tiểu hệ thống, nằm trong hệ thống lớn hơn. Nhưng theo chúng tôi, đây là một bộ phận tiêu biểu và quan trọng nhất. Quan trọng và tiêu biểu không chỉ ở hình thức cấu tạo đa dạng mà còn ở nội dung hàm súc, có sức diễn đạt được nhiều phương diện, ở cả bề mặt lẫn bề sâu, không chỉ có số lượng áp đảo so với các loại tiêu đề khác mà còn thể hiện nhiều đặc điểm phóng cách ngôn ngữ. Đó là chưa kể đến sức lan tỏa rất lớn của tiêu đề văn bản đến đời sống tinh thần của toàn xà hội mà bất cứ một loại tiêu đề nào còn lại, không thể bì kịp.