tin-nguong-tho-cung-hung-vuong

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam, chủ yếu được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương tiêu biểu như Thần Nông, Vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Cao Sơn, Quý Minh.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị Thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng các vua Hùng, đưa việc thờ cúng trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình diễn tiến từ thấp đến cao và liên tục được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Các Vua Hùng được suy tôn chính là tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành loại hình tín ngưỡng văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần/tâm linh của các thế hệ người dân Việt Nam; là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh dân tộc Việt. Đây cũng là biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử của mình. Các nhà khoa học về cơ bản đều nhất trí khi cho rằng tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có sức sống lâu bền, sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng người Việt trong nước và ở nước ngoài.

Từ phía người dân, việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều nhận nhau là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng.

Trên phương diện đối với mỗi cá nhân, ý thức tự hào về cội nguồn dân tộc được hình thành từ trong gia đình, củng cố trong làng xã và được phát triển trong toàn quốc theo quan hệ huyết thống: Dòng máu Lạc Hồng, con cháu Lạc Hồng…

Trên phương diện cộng đồng, xã hội: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hiểu như là một ký ức tập thể, kỷ niệm của nhân dân về quá khứ dân tộc, mang tính gắn kết cộng đồng cao. Nói cách khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Giá trị đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đó là giá trị giáo dục đạo đức truyền thống. Trong tâm thức người Việt Nam, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm và lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Cùng với các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều hình thức biểu hiện phong phú, đa dạng, không chỉ tôn thờ các Vua Hùng, trong thần điện chúng ta còn bắt gặp sự phối thờ các nhân vật như: Công chúa Tiên Dung, công chúa Ngọc Hoa, Tản Viên Sơn Thánh…

Giáo dục ý thức về tổ tiên, về lòng tự hào dân tộc cũng chính là những tiền đề, cơ sở hình thành lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng, nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội và củng cố niềm tin vào sự chứng giám, phù hộ, che chở của các đấng thần linh là tổ tiên, anh hùng dân tộc. Thông qua đó khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước, được nhân dân ghi nhận và tôn thờ. Ở phương diện xã hội, đó còn là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc.

Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự biến đổi nhất định để thích nghi với văn hóa dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, thậm chí đã được các hệ tư tưởng của các tín ngưỡng, tôn giáo khác bổ sung, hoàn chỉnh để trở thành tín ngưỡng mang tầm quốc gia, có những đóng góp giá trị tích cực và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngày 6 tháng 12 năm 2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo mà chính là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn- tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công dựng nước Văn Lang. Hiện tại theo kiểm kê của Sở VH,TT&DL Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trải rộng khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các làng xã, song Đền Hùng là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang