tinh-huong-truyen-dac-sac-trong-chiec-thuyen-ngoai-xa-cua-nguyen-minh-chau-678

Tình huống truyện đặc sắc trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Tình huống truyện đặc sắc trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” xoay quanh tình huống về nhân vật Phùng – một nghệ sĩ nhiếp ảnh – người đang đi săn tìm cái đẹp của cuộc sống để đem lại những bức ảnh đẹp cho vào bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển. Nhân chuyến thăm người bạn chiến đấu năm xưa tên Đẩu – giờ là chánh án tòa án huyện, Phùng sau bao đắn đo đã quyết định chụp cảnh đoàn thuyền đánh cá vào lúc bình minh.

Cảnh ấy thật lung linh, huyền ảo, thơ mộng với “một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích, một vẻ đẹp của “đạo đức, chân lí của sự toàn thiện”. Phùng cảm thấy sung sướng vô cùng khi anh “khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng chính lúc anh đang tràn ngập niềm vui, hạnh phúc do “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại” thì anh bất giác nhìn thấy chiếc thuyền của người đàn bà hàng chài ngay trước mặt. Tệ hại hơn, anh còn được chứng kiến cảnh lão đàn ông dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng vợ. Và rồi anh cùng với người bạn của mình tìm hiểu về cuộc sống của gia đình người đàn bà hàng chài. Cuối cùng anh cũng ngộ ra mối quan hệ giữa cuộc đời thật và nghệ thuật thật không đơn giản.

Đằng sau bức ảnh con thuyền chìm trong bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào là số phận đớn đau của người phụ nữ, là cuộc sống nheo nhóc, lênh đênh của một gia đình hàng chài, là tình trạng bạo lực gia đình. Và con mắt tinh tường của anh đã từng băn khoăn về một chân lí lớn đã được một đại văn hào phát hiện: bản thân cái đẹp chính là đạo đức. Nhưng anh cũng nhận ra rằng quan niệm về đạo đức cũng đang biến đổi theo hoàn cảnh, theo sự nhìn nhận của từng số phận cá nhân.

Cuối cùng, anh đã có cái nhìn thay đổi về cuộc sống và nghệ thuật. Người nghệ sĩ không thể có cái nhìn đơn giản và sơ lược về cuộc sống. Trong những bức ảnh anh đã mang về có một bức ảnh màu trắng thật đẹp và đã được lựa chọn. Tuy là ảnh đen trắng nhưng lạ thay, mỗi lần anh ngắm đều thấy hiện lên màu hồng hồng của sương mai, càng nhìn kĩ lại càng thấy hiện lên người đàn bà hàng chài nghèo khổ, đang bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông.

Rõ ràng truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” xoay quanh tình huống nhận thức của nhân vật Phùng. Anh đã đi từ lầm lẫn, ngộ nhận đến hiểu biết, “giác ngộ” trong cách nhìn về cuộc sống. Qua tình huống tự nhận thức ấy, ta không chỉ thấy được quan niệm nghệ thuật mới mẻ của Nguyễn Minh Châu – người mở đường tinh anh cho văn xuôi Việt nam sau 1975 mà còn thấy được ý nghĩa nhân bản sâu xa toát ra từ tác phẩm. Đó là tình yêu tha thiết với con người. Tình yêu ấy cháy bỏng lên thành khát vọng kiếm tìm, phát hiện và tôn vinh vẻ đẹp của con người. Đó còn là nỗi lòng khắc khoải, lo âu trước cái xấu xa, tàn bạo.

Nguyễn Đình Thi từng viết: “Nói nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã làm nên những điều cao cả ấy trong thế giới văn chương. Đằng sau cái nhìn hiện thực gồ ghề, thô ráp, đau đớn và cả cái ác là vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, là trái tim của người phụ nữ hy sinh, nhân ái, vị tha. Cái nhìn hiện thực của nhà văn sâu sắc, trĩu nặng tình thương và nỗi lo âu với con người.

Nguyễn minh Châu đã từng quan niệm: “Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời” (Trang giấy trước đèn). Bởi trong thâm tâm, ông luôn quan niệm tình yêu ở người nghệ sĩ “vừa là một niềm hân hoan, say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh mình” (Ngày xuân phỏng vấn các nhà văn, Báo văn nghệ).

Ông luôn có ý thức rõ về vai trò của mình khi cho rằng cuộc đời nhà văn “là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngừng nghiên cứu và quan sát xã hội, và trong khi chăm chú đọc cái cuốn sách khổng lồ đó, anh ta phải đặt hết tâm hồn và trí tuệ của mình vào, phải tỏ rõ chính kiến và lập trường của mình trước mỗi sự việc, mỗi hoàn cảnh, mỗi một con người” (Trang giấy trước đèn ).

Tình huống tự nhận thức cũng phản ánh rõ nét đặc điểm phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu. Đó là một lối văn thâm trầm, giản dị, đôn hậu mà sâu sắc, thấm thía, nhiều dư vị, lắng đọng chiêm nghiệm sâu xa về lẽ đời để kết tụ thành những triết lí nhân sinh sâu sắc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang