tinh-su-thi-va-dac-sac-nghe-thuat-trong-truyen-ngan-rung-xa-nu

Tính sử thi và đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Rừng xà nu

Tính sử thi và đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Rừng xà nu

1. Tính sử thi của truyện.

Truyện ngắn Rừng xà nu tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi của văn học Việt Nam gia đoạn 1945-1975, đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Chủ đề của tác phẩm mang đậm tính sử thi: trước sự tàn ác của kẻ thù, nhân dân miền Nam chỉ có con đường duy nhất là cầm vũ khí vùng lên chiến đấu giải phóng quê hương.

Đề tài của truyện Rừng xà nu nói đến vấn đề sinh tử hết sức hệ trọng không chỉ của cả cộng động làng Xô Man mà của cả dân tộc Việt Nam. Truyện viết về một thời điểm lịch sử trọng đại của cách mạng miền Nam, nhưng đây cũng là thời điểm nhân dân miền Nam chuẩn bị vũ trang chiến đấu. Chân lý đó được phát biểu qua lời cụ Mết:  “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” (phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng).

Những nhân vật trong tác phẩm là những con người kết tinh cao độ nhiều phẩm chất tiêu biểu của cả cộng đồng (gắn bó với dân làng, trung thành với cách mạng, căm thù giặc sâu sắc…). Lý tưởng sống của các nhân vật này luôn gắn liền với vận mệnh của cả cộng đồng. Vì thế, số phận của tất cả nhân vật đều thống nhất với nhau, thống nhất với số phận của cả cộng đồng.

Chất sử thi còn bộc lộ qua cách trần thuật: câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man đan xen vào câu chuyện về cuộc đời và con đường đến với cách mạng của nhân vật Tnú. Câu chuyện ấy vừa mới diễn ra, nhưng nó được kể như một câu chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ của sử thi, trong không khí trang trọng, với thái độ trang nghiêm của cả người kể và người nghe.

2. Những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).

Nét đặc sắc đầu tiên phải kể đến là cách kể chuyện đầy hấp dẫn và biến hóa. Hai mạch truyện: chuyện một đời người (Tnú) và chuyện một ngôi làng (Làng Xô Man) lồng vào nhau và được tái hiện qua lời kể một già làng vào một đêm bên bếp lửa. Cách kể chuyện này tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt:

Câu chuyện hiện thực mang không khí huyền thoại tạo nên âm hưởng sử thi hào hùng, tráng lệ. Hiện tại kết nối với quá khứ, hiện thực và truyền thuyết đan cài vào nhau mở rộng phạm vi không gian trong tác phẩm.

Trong phạm vi một truyện ngắn, tác giả đã đưa vào được một dung lượng đồ sộ với nhiều tình tiết, sự kiện diễn ra trong thời gian dài, với số phận các cá nhân cụ thể và cả số phận cộng đồng khiến hiện thực lịch sử được tái hiện vừa rộng vừa sâu.

Với Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã xây dựng được những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, vừa chân thực, sống động vừa mang tính khái quát:

Hình tượng cây xà nu: Hình ảnh hiện thực – hình ảnh biểu tượng; vừa đẫm chất thơ, vừa hùng tráng.

Hình tượng những con người Tây Nguyên: vừa mang những đặc điểm, tính cách chung tiêu biểu cho vẻ đẹp tâm hồn cả cộng đồng, vừa mang những nét riêng:

+ Cụ Mết: Nhân vật mang bóng dáng những người anh hùng trong các bản trường ca, người kết tinh sức mạnh và gìn giữ truyền thống cho cả cộng đồng.

+ Tnú, Mai, Dít: Thế hệ trẻ những con người bản lĩnh, yêu nước, căm thù giặc, gan góc, dũng cảm, tha thiết gắn bó với mảnh đất quê hương.

+ Heng: thế hệ tương lai, người tiếp nối truyền thống cha anh.

Hình tượng cây xà nu và hình tượng con người Tây Nguyên được miêu tả trong sự song hành đối xứng và song trùng nhau khiến không khí hiện thực hiện lên vừa hùng tráng, vừa đầy lãng mạn.

Xây dựng nhiều hình ảnh chói lọi, kỳ vĩ như hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu, bàn tay bị đốt của Tnú. Giọng văn trang trọng, hùng tráng giàu âm hưởng, có sức ngân vang.

Ngôn ngữ giọng điệu: vừa trữ tình sâu lắng vừa hào hùng, mạnh mẽ, kết hợp giữa xúc cảm và suy tư trầm lắng. “Rừng xà nu” không chỉ tái hiện lịch sử ở chiều rộng mà ở cả chiều sâu.

Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang